Phát huy vai trò đầu tàu ngành Giáo dục của 5 thành phố
Quang cảnh hội nghị.
GD&TĐ – Sáng nay (8/7), tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị Giao ban lần thứ hai năm học 2014 – 2015 ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ).
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và đại diện lãnh đạo ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm học của đổi mới căn bản, toàn diện
Theo đánh giá của ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương, năm học 2014 – 2015 đánh dấu bởi các chương trình, kế hoạch, đề án về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, được triển khai một cách quyết liệt, thực hiện kịp thời. Qua đó ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả khả quan, được xã hội ghi nhận.
Năm học 2014 – 2015, mạng lưới trường học và quy mô HS của ngành GD&ĐT 5 thành phố ngày càng ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của HS tại các địa phương (tăng 58 trường và 71.785 HS).
Video đang HOT
Ở bậc học Mầm non, quy mô GD tiếp tục mở rộng với loại hình GD đa dạng, góp phần đáp ứng một phần nhu cầu đến trường ngày càng cao của trẻ trong độ tuổi mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường vượt chỉ tiêu phổ cập, đạt 95%; 100% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo chương trình GD mầm non mới với tỷ lệ chuyên cần đạt trên 95%.
Bậc Tiểu học đã triển khai tích cực, đầy đủ và có hiệu quả tất cả nội dung, chương trình dạy và học các môn tự chọn Ngoại ngữ, Tin học, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án ngoại ngữ 2020, chỉ đạo xây dựng các mô hình trường điển hình dạy và học ngoại ngữ. Tiếp tục dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng và hướng dẫn giảm tải các môn học ở tiểu học…
Sở GD&ĐT 5 thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lựa chọn và đăng ký tham gia dạy học theo mô hình Trường học mới VNEN. Huy động tăng nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, tăng tỷ lệ HS bán trú, học 2 buổi/ngày. Chỉ đạo các đơn vị làm tốt việc bàn giao chất lượng học tập của HS lớp dưới lên lớp trên theo đúng tinh thần Thông tư 30.
Bậc GD Trung học, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy, học tiến hành đồng thời với đổi mới kiểm tra, đánh giá. Các trường thực hiện nghiêm túc quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT do Bộ GD&ĐT ban hành… Triển khai nội dung GD địa phương, đổi mới phương pháp dạy học, ngoài môn Lịch sử còn có tài liệu Lịch sử địa phương các nội dung khác được hướng giảng dạy lồng ghép vào các môn học có liên quan, vào hoạt động ngoại khóa.
Làm tốt công tác phân luồng HS cuối cấp THCS, THPT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động GD nghề nghiệp. GD HS phát triển toàn diện là mục tiêu lớn nhất, chi phối mọi hoạt động của nhà trường. Công tác phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi tiếp tục được quan tâm và đầu tư. Hằng năm ngành GD&ĐT 5 thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu về công tác này.
GD Thường xuyên và GD Chuyên nghiệp vẫn giữ sự phát triển ổn định. Được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí cho các cơ sở GD thường xuyên, xây dựng và củng cố mô hình Trung tâm GDTX thực hiện 3 nhiệm vụ GDTX – Hướng nghiệp và Dạy nghề.
Tiếp tục rà soát mở mã ngành, chương trình đào tạo, đẩy mạnh hợp tác nhà trường và doanh nghiệp; triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng HS sau THCS vào học Trung cấp chuyên nghiệp…
Gặp khó vì tăng dân số cơ học
Tại hội nghị, ngành GD&ĐT 5 thành phố cũng xác định những khó khăn, vướng mắc như: Việc phát triển mạng lưới trường, lớp đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Đặc biệt là chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ độ tuổi mầm non trong các thành phố…
Theo ông Lê Hồng Sơn – GĐ Sở GD&ĐT TP HCM, tại TP HCM lượng dân số cơ học liên tục tăng, kéo theo số HS tăng lên khoảng 60 ngàn em/năm.
Số HS tăng lên gây khó khăn không chỉ về mặt trường lớp mà còn gặp khó trong việc giảm sĩ số HS/lớp và dạy học 2 buổi/ngày. Số HS tăng nên nhu cầu GV cũng tăng lên, nhưng hiện nay biên chế GV hết sức khó khăn và ngành GD cũng đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế…
Cùng chung khó khăn này, ông Phạm Xuân Tiến – Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết: Ngành GD&ĐT Thủ đô hiện có 1,7 triệu HS; năm học qua tăng 47 trường và 77,6 ngàn HS.
Tuy nhiên ngành GD Thủ đô đang gặp khó trong việc phát triển mạng lưới trường lớp. Theo đó ở khu vực ngoại thành thì ngân sách còn hạn hẹp, còn nội thành đang thiếu đất xây trường do dân số cơ học tăng nhanh. Từ đó quy hoạch trường lớp không đáp ứng kịp nhu cầu, gây căng thẳng, có nhiều trường sĩ số trên 50 HS/lớp…
Ngoài ra, 5 thành phố còn xác định khó khăn khi cơ sở vật chất trường lớp mầm non, trang thiết bị dạy học còn bất cập so với quy mô phát triển, nhu cầu của xã hội và yêu cầu nâng cao chất lượng của ngành học.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm; một số trường đã đạt chuẩn nhưng chưa được củng cố sau thời gian sử dụng. Một số trường chưa coi trọng công tác kiểm định chất lượng GD và thực hiện dạy 2 buổi/ngày còn nặng về dạy kiến thức, chưa chú ý đến GD toàn diện, nhất là GD kỹ năng sống cho HS.
Công tác GD đạo đức cho HS trong các cơ sở GD chưa được quan tâm một cách đúng mức. Còn biểu hiện GV đánh giá HS chưa đúng quy định về đánh giá xếp loại, nhất là đối với những môn đánh giá bằng nhận xét…
Phát huy vai trò đầu tàu của 5 thành phố
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao những thành tích và sự nỗ lực trong năm học qua của ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua 5 thành phố đã có nhiều mặt thuận lợi và đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực GD&ĐT. Qua đó Thứ trưởng mong muốn các thành phố tiếp tục phát huy những thuận lợi và khả năng của địa phương.
Thứ trưởng đề nghị các thành phố tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý theo hướng dân chủ hóa; Phát huy tinh thần sáng tạo của từng cá nhân cụ thể trong toàn ngành; Phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để từ đó giảm bớt những việc sổ sách, thủ tục hành chính cho GV…
Đặc biệt, ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương phải đẩy mạnh đổi mới chương trình sách giáo khoa. Cần phải chủ động, sáng tạo và các thành phố phải là đơn vị đi đầu trong đổi mới chương trình sách giáo khoa mà toàn ngành đang nỗ lực triển khai, thực hiện.
Các Sở GD&ĐT cũng phải đi đầu trong đổi mới sinh hoạt chuyên môn GV, tiến hành bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ GV để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…
Theo GD&TĐ