Phát huy vai trò của hội khuyến học trong hỗ trợ các hoạt động giáo dục
Xác định rõ vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, Hội Khuyến học (HKH) huyện Bá Thước đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục huyện, cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài.
Đại diện lãnh đạo HKH tỉnh, HKH huyện Hoằng Hóa, Công ty Tài chính TNHH MTV HOME CREDIT Việt Nam trao xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của huyện Hoằng Hóa.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giáo dục nhà trường bằng nhiều giải pháp thiết thực như, vận động, duy trì sĩ số học sinh (HS), cấp học bổng, khen thưởng cho HS, giáo viên đạt thành tích trong dạy và học; tích cực vận động giáo viên dạy thêm không thu tiền, bồi dưỡng HS khá, giỏi và kèm cặp HS yếu kém; vận động phụ huynh xây dựng góc học tập cho con em mình…
Trong năm 2019, HKH các cấp trên địa bàn huyện đã vận động xây dựng, duy trì tủ sách khuyến học ở 165 thôn, bản, khu phố với tổng số sách 12.623 cuốn. HKH huyện khảo sát và hỗ trợ cho 7 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Lũng Cao, Điền Trung, Ái Thượng và Thiết Ống, số tiền 7 triệu đồng; phối hợp với Viettel Bá Thước trao tặng học bổng “Vì em hiếu học” cho 100 HS thuộc 10 xã 30a trên địa bàn huyện với số tiền 100 triệu đồng; vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận I, TP Hồ Chí Minh xây dựng phòng học cho Trường Tiểu học Lũng Cao 2 với trị giá 500 triệu đồng… Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển cả về quy mô và chất lượng mà bản thân ngành giáo dục không thể tự làm được.
Tại huyện Hoằng Hóa, với sự vào cuộc tích cực của các cấp HKH trong toàn huyện, năm 2019, số lượng HS nghèo trên địa bàn huyện được nhận học bổng là 156 em, với số tiền 161 triệu đồng; hỗ trợ 796 HS nghèo, với số tiền 366 triệu đồng, khen thưởng cho 21.333 lượt HS giỏi, HS tài năng với số tiền trên 1,8 tỷ đồng, khen thưởng cho 1.278 lượt giáo viên với số tiền hơn 394 triệu đồng.
Đơn cử như, HKH huyện phối hợp với HKH tỉnh, Công ty Tài chính TNHH MTV HOME CREDIT Việt Nam tổ chức chương trình “Tiếp bước em tới trường”, trao tặng xe đạp và dụng cụ học tập cho 175 HS THCS và THPT với tổng trị giá 132 triệu đồng; phối hợp với HKH tỉnh, HKH xã Hoằng Đông và nhà tài trợ trao 30 xe đạp cho HS nghèo vượt khó vươn lên học khá, giỏi tại trường tiểu học, THCS xã Hoằng Đông; phối hợp với các đơn vị tài trợ trao học bổng “Vì em hiếu học” cho 70 HS tiểu học, THCS thuộc 7 xã bãi ngang ven biển trong huyện, với tổng số tiền 70 triệu đồng…
Không riêng huyện Hoằng Hóa hay Bá Thước, tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, HKH các cấp đều có những hoạt động sáng tạo hỗ trợ có hiệu quả giáo dục trường học, góp phần mở rộng quy mô, tăng cường cơ sở vật chất và tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Theo thống kê của HKH tỉnh, 2 năm gần đây, các cấp HKH trong tỉnh đã kêu gọi, vận động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như, bàn ghế, máy tính, sách vở, phòng học cho nhiều trường học với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các cấp HKH trong tỉnh đã động viên, ngăn chặn kịp thời trên 4.000 HS có nguy cơ bỏ học; vận động hơn 2.000 HS đã bỏ học trở lại lớp; vận động hơn 13.000 giáo viên dạy thêm không thu tiền cho gần 150.000 lượt HS. Đặc biệt, với nguồn quỹ khuyến học được các cấp HKH huy động, mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm nghìn HS, sinh viên, giáo viên có thành tích trong học tập, giảng dạy được cấp học bổng, khen thưởng.
Video đang HOT
Tính riêng trong năm 2019, các cấp HKH đã cấp học bổng cho 74.875 HS, sinh viên với số tiền hơn 41,1 tỷ đồng; khen thưởng cho 121.996 lượt HS, sinh viên với số tiền gần 40 tỷ đồng; thưởng và hỗ trợ cho 30.216 HS, sinh viên và giáo viên với số tiền trên 19,7 tỷ đồng… Từ việc hỗ trợ tích cực và thường xuyên của HKH các cấp đối với giáo dục nhà trường góp phần ổn định tình hình dạy và học, giảm đáng kể tình trạng HS bỏ học, chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao.
Qua rà soát, đánh giá, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đúng độ tuổi hằng năm đạt 99,9%; tỷ lệ huy động HS vào lớp 6 đạt trên 99,8%; trẻ khuyết tật có khả năng ra lớp học tập đạt tỷ lệ 80%; 100% xã, phường, thị trấn giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tháng 7-2019, Thanh Hóa được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, mức cao nhất hiện nay…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp HKH trong tỉnh xác định, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ giáo dục nhà trường, tạo điều kiện để các em HS nghèo, khó khăn vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục đến trường, viết tiếp ước mơ trên con đường học tập.
Trong đó, tập trung vận động, kêu gọi, các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường; vận động gia đình phụ huynh chăm sóc nuôi dạy con em chăm ngoan, học giỏi; liên kết chặt chẽ với nhà trường, xã hội để phòng, chống các tệ nạn xã hội trong học đường, cùng các nhà trường triển khai hưởng ứng phong trào thi đua “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các cấp HKH cần sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân…
Lê Phong
Theo baothanhhoa
Các kiểu nghỉ học sau tết của học trò!
Duy trì sĩ số, giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học sau Tết Canh Tý này vừa là trách nhiệm vừa là tình thương của nhà trường, giáo viên dành cho học sinh
Học sinh bỏ học sau Tết Nguyên đán trở thành vấn nạn lặp đi lặp lại, làm đau đầu nhà trường, thầy cô giáo, các cấp quản lý ở nhiều địa phương, nhất là vùng cao, miền núi, vùng ven biển...
Học sinh các cấp học có muôn kiểu bỏ học sau Tết.
Trung, học sinh lớp 8, ở một trường Trung học cơ sở, thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), năm ngoái bỏ học luôn, vì chán học, kết quả học lực học kỳ 1 bị xếp loại yếu, các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh dưới 3,0.
Cường, học sinh lớp 12 ở huyện vùng ven biển (Bình Định) thì bị các thanh niên trong làng đi làm xa về, ăn mặc sang chảnh, có nhiều tiền và vàng rủ rê, lôi kéo:
"Mày nghỉ học đi, vào Sài Gòn đi làm với tụi tao, tiền bạc tiêu xài thoải mái..."
Giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học sau Tết là trách nhiệm của nhà trường. (Ảnh minh hoạ: Baoquangnam.vn)
Thế là Cường khăn gói theo chúng bạn vào Nam sau Tết, mặc cho gia đình, thầy cô giáo động viên, khuyên nhủ cạn lời.
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, đông anh chị em, phải chạy gạo từng bữa, đây là lý do Nụ, một nữ học sinh lớp 9 ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) quyết định bỏ học, theo cha mẹ, anh chị em, bà con dân làng vào rừng hái đót, chặt keo thuê... kiếm tiền mưu sinh.
Ở các vùng khó khăn hễ càng nghỉ tết dài ngày thì nguy cơ con em bỏ học, nghỉ học "giã gạo" càng gia tăng.
Ngày đầu tiên đi học trở lại sau nghỉ Tết, có trường, có lớp lèo tèo được năm bảy em.
Những ngày học kế tiếp, mới thấy học sinh đến trường đông hơn. Phải mất cả tuần lễ, việc dạy học của nhà trường mới tương đối ổn định.
Nhà trường, giáo viên, các cấp chính quyền rất lo lắng về tình hình sĩ số học sinh biến động sau Tết.
Bỏ học, mất đi mấy chục em là nhà trường khó "ăn nói" với phụ huynh, đồng bào, đặc biệt các cấp quản lý.
Nhiều biện pháp để duy trì sĩ số học sinh, chống bỏ học đã được triển khai:
Tuyên truyền, nhắc nhở đến học sinh, phụ huynh trước khi về nhà nghỉ Tết; quan tâm, giúp đỡ các em học tập còn yếu kém; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ... trong tuần học đầu sau Tết nhằm lôi cuốn, thu hút các em;
Tổ chức, phân công các giáo viên đến nhà học sinh có nguy cơ nghỉ học, vận động, phân tích; nhờ chính quyền, già làng trưởng bản cùng phối hợp, chung tay tuyên truyền....
Các biện pháp giáo dục như thế, các nhà trường cần tiếp tục duy trì, phối hợp, tác động trực tiếp đến học sinh và phụ huynh ở những nơi, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhận thức về văn hóa, học vấn của bộ phận đồng bào, ngư dân còn hạn chế.
Duy trì sĩ số, giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học sau Tết Canh Tý này vừa là trách nhiệm vừa là tình thương của nhà trường, thầy cô giáo dành cho các em học sinh và phụ huynh.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Trường THPT Hàm Nghi, tỉnh Hà Tĩnh Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo Trong những năm qua, trường THPT Hàm Nghi (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn không ngừng phấn đấu và đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học cho học sinh. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt". Ghi nhận những thành tích mà trường đã...