Phát huy truyền thống ở ngôi trường đầu tiên tại Nam Kỳ
Qua 140 năm hình thành và phát triển, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đã xây đắp truyền thống tốt đẹp và rất đáng tự hào, đó là “cách mạng – dạy giỏi – học giỏi”.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay. Ảnh: baoapbac.vn
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) tiền thân là Collège de Mytho, thành lập ngày 17/3/1879. Đây là trường Trung học công lập đầu tiên tại Nam Kỳ và cũng là một trong những trường học đầu tiên ở Việt Nam.
Ban đầu, trường được thành lập từ ý đồ của thực dân Pháp muốn đào tạo ra một lớp người phục vụ âm mưu thống trị lâu dài đất nước ta. Tuy nhiên, với truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu trên của thực dân Pháp không đạt được. Ngược lại, qua 140 năm hình thành và phát triển, ngôi trường đã xây đắp truyền thống tốt đẹp và rất đáng tự hào, đó là “cách mạng – dạy giỏi – học giỏi”.
Theo biên niên sử của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Đông Du, Duy Tân có nhiều ảnh hưởng về tư tưởng đối với cả thầy và trò thông qua các phong trào bãi khóa đòi thả cụ Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, rồi phong trào hội kín Nguyễn An Ninh… Thời gian 1923- 1925, quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo “Người cùng khổ” của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã bí mật chuyển đến Mỹ Tho và được thầy trò nhà trường hưởng ứng nồng nhiệt.
Học sinh Collège de Mytho luôn là lực lượng đi tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng tại Mỹ Tho. Điển hình như: Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Văn Thiện (Phạm Hùng), Phan Văn Giá, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Hưởng… từng là thành viên của tổ chức “Nam kỳ học sinh liên hiệp hội”, “Thanh niên cộng sản đoàn”, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho… mở đường cho việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Collège de Mytho do đồng chí Phạm Hùng (học sinh Phạm Văn Thiện) làm Bí thư. Trường cũng vinh dự là nơi có Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Lục tỉnh Nam kỳ xưa.
Video đang HOT
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, truyền thống cách mạng mỗi năm mỗi dày thêm gắn với những tên tuổi từng là cựu học sinh, trưởng thành từ ngôi trường này như: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Hồ Hảo Hớn, Lê Quang Thành… Họ đã được Đảng và Nhà nước giao giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị của ta… Tiếp nối truyền thống cách mạng đó, ngày 30/4/1979, hơn 100 thầy trò nhà trường đã tình nguyện lên đường bảo vệ biên giới, được Trung ương Đoàn tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”…
Tự hào là cái nôi của phong trào cách mạng trong học sinh, sinh viên qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu chú trọng nâng cao chất lượng dạy tốt, học tốt, trở thành vườn ươm mầm nhân tài cho đất nước những năm qua và hướng tới tương lai.
Theo thầy Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, nhà trường tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành kiện toàn cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng tốt, tay nghề vững vàng đáp ứng nhu cầu nâng chất lượng dạy học cũng như đổi mới sự nghiệp giáo dục – đào tạo.
Bên cạnh đó, Trường đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và phương pháp dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nhằm đào tạo thế hệ trẻ chuẩn về tư cách đạo đức, có kiến thức, giàu kỹ năng sáng tạo, năng động…
Vừa qua, nhà trường được đầu tư khoảng 170 tỷ đồng xây dựng lại cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ thiết bị dạy và học cần thiết, hiện đại… qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Với truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên, nắm vững tri thức, phấn đấu trở thành người tài phụng sự quê hương, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đang được biết đến như một trong những ngọn cờ đầu của bậc giáo dục Trung học phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, 100% cán bộ – giáo viên nhà trường đạt chuẩn, trong đó 25,3% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn, 22 thạc sĩ. Năm 2018, Trường được công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia” và trường “Đạt chuẩn về kiểm định giáo dục”.
Theo thống kê từ ngày nước nhà thống nhất đến nay, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đã có trên 3 vạn học sinh tốt nghiệp; đoạt hàng trăm giải học sinh giỏi quốc gia, nhiều suất du học nước ngoài…
Năm học 2017 – 2018, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, liên tục trong các năm từ 2015 – 2018 được xếp trong tốp 33 trường trung học phổ thông toàn quốc có điểm xét tuyển đại học cao nhất. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dành cho các trường trung học phổ thông phía Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 4/2018, nhà trường có 38 học sinh đoạt giải gồm: 16 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 16 Huy chương Đồng, xếp hạng nhất toàn đoàn trong số 49 trường của 20 tỉnh, thành phố tham gia.
Trong quá trình phát triển từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000; Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác do Đảng, Nhà nước trao tặng.
Minh Trí
Theo TTXVN
Lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma tại ngôi trường trên đỉnh Trường Sơn
Bên mô hình đảo Gạc Ma thu nhỏ tại sân trường, các giáo viên, học sinh được nghe kể lại sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân vào ngày 14/3/1988.
Sáng 14/3, trường Tiểu học Hướng Phùng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức giờ ngoại khóa tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma. Đây là hoạt động được nhà trường tổ chức hằng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh của trường.
Các giáo viên, học sinh trường Tiểu học Hướng Phùng dành phút mặc niệm tri ân 64 chiến sĩ hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Hoạt động ngoại khóa tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma diễn ra trong khuôn viên của trường Tiểu học Hướng Phùng, với sự tham gia của 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Bên mô hình đảo Gạc Ma thu nhỏ tại sân trường, các giáo viên, học sinh được nghe kể lại sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân vào ngày 14/3/1988.
Hoạt động tri ân các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma.
"Trường Tiểu học Hướng Phùng đã xây dựng mô hình đảo Gạc Ma trong khuôn viên. Hôm nay tròn 31 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma, trường Tiểu học Hướng Phùng đã tổ chức ngoại khóa tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh để thể hiện sự tri ân những chiến sĩ Hải quân Nhân dân đã ngã xuống để bảo vệ đảo Gạc Ma", thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hướng Phùng cho biết./.
Theo vov
Những ngành học được săn đón nhất trong những năm tới Với các bạn trẻ ngày nay, thu nhập cao không còn là yếu tố duy nhất để lựa chọn nghề nghiệp. Trải qua những biến đổi liên tục trong xu hướng nhân sự để thích ứng với kinh tế xã hội, xu hướng toàn cầu hóa hay nền công nghệ 4.0..., họ hơn ai hết hiểu rằng để làm chủ tương lai của...