Phát hiện vườn ươm cá đuối khổng lồ ngoài khơi Florida
Số lượng lớn cá đuối non xuất hiện ở vùng biển South Florida khiến các nhà khoa học tin rằng vùng biển này có một vườn ươm quan trọng.
Một con cá Manta chưa trưởng thành xuất hiện ở ngoài khơi South Florida. Ảnh: National Geographic.
Trong một cuộc thám hiểm tại bờ biển Juno ở Florida để tìm kiếm dấu vết của các loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng, nhà sinh vật học Jessica Pate tình cờ bắt gặp một “bóng đen khổng lồ” di chuyển qua vùng nước nông. Quan sát kỹ hơn, cô đã bị sốc khi nhận ra đó là một con cá nạng hải hay Manta, chi cá đuối lớn nhất còn tồn tại.
Pate cho biết đã từng bơi cùng những sinh vật khổng lồ này ở Hawaii và Indonesia nhưng chưa bao giờ thấy chúng ở vùng ven biển South Florida đông người. Bị thu hút bởi cuộc gặp gỡ bất ngờ, nhà sinh vật học đã dành hơn ba năm, từ năm 2016 đến 2019, để khảo sát khu vực và phát hiện tổng cộng 59 con cá đuối Manta.
“Chúng tôi đã nhìn thấy những con cá đuối khổng lồ bơi gần khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump hay khách sạn Margaritaville của Jimmy Buffett. Nhiều cư dân sống trong các chung cư cao tầng ven biển cũng báo cáo về sự xuất hiện của chúng trong thời gian xảy ra đại dịch”, Pate cho hay.
Video đang HOT
Hai con cá Manta khác xuất hiện tại vùng biển nông ở South Florida. Ảnh: National Geographic.
Điều đặc biệt là 95% cá đuối được tìm thấy đều là những con chưa trưởng thành. Pate cùng các cộng sự không tìm thấy bất kỳ vết sẹo giao phối nào ở con cái, trong khi các con đực có kích thước cơ quan sinh dục nhỏ.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng có một vườn ươm đã tồn tại ở vùng biển South Florida trong nhiều năm qua. Khu vực này giàu thức ăn và ít động vật săn mồi, cho phép cá đuối con phát triển an toàn. Đây mới là vườn ươm cá đuối Manta thứ ba được phát hiện trên thế giới, bên cạnh hai vườn ươm khác ở Indonesia và vịnh Mexico.
“Chúng ta mới biết rất ít về cá nạng hải, chẳng hạn như nơi chúng sinh ra, hành vi lựa chọn bạn tình, hay tuổi thọ của chúng. Vườn ươm mới bởi vậy có thể cung cấp những thông tin quan trọng, giúp các nhà khoa học bảo tồn loài”, Pate nhấn mạnh.
Chi Cá đuối Manta bao gồm hai loài: cá nạng hải (Manta birostris) và cá nạng hải san hô (Manta alfredi). Cả hai đều đang bị đe dọa tuyệt chủng do hoạt động đánh bắt cá và ô nhiễm môi trường sống.
Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Endangered Species Research.
Phát hiện cây hóa thạch 10 triệu năm tuổi
Thân cây hóa đá khổng lồ được tìm thấy tại Peru tiết lộ môi trường trên dãy Andes thay đổi mạnh mẽ trong hàng triệu năm qua.
Thân cây hóa thạch bị chôn vùn dưới một thảm cỏ. Ảnh: Rodolfo Salas Gismondi.
Hóa thạch thực vật hiếm, ước tính khoảng 10 triệu năm tuổi, được các nhà cổ sinh vật học từ Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (STRI) phát hiện trong một chuyến thám hiểm tới cao nguyên Andean ở Peru. Thân cây bị chôn vùi ngay sát mặt đất tại một cánh đồng cỏ lạnh giá, cùng với hàng trăm mẫu gỗ, lá và phấn hoa khác.
Phân tích giải phẫu cho thấy chúng rất giống với các mẫu cây thân gỗ trong rừng nhiệt đới thấp hiện nay. Cao nguyên Andean vào thời điểm đó có lẽ chỉ cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển. Ngày nay, khu vực này đã được nâng cao tới 4.000 m.
"Hồ sơ hóa thạch mà chúng tôi thu thập được tiết lộ rằng khi những cây này còn sống, hệ sinh thái tại cao nguyên Andean ẩm ướt hơn nhiều so với ngày nay. Có lẽ không có hệ sinh thái cao nguyên hiện đại nào có thể so sánh được", Tiến sĩ Camila Martinez, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hệ sinh thái đó không tồn tại quá lâu. Các hóa thạch thực vật khác được tìm thấy trong cùng địa điểm chỉ ra rằng hệ sinh thái hoang mạc Puna đã thay thế những cánh rừng ẩm ướt từ cách đây ít nhất 5 triệu năm. Theo nhóm nghiên cứu, phấn hoa trong thời kỳ này chủ yếu có nguồn gốc từ cỏ và cây thân thảo chứ không phải từ cây thân gỗ. Những mẫu vật lá cây dương sỉ, thảo mộc và cây bụi hóa thạch cũng cho thấy cao nguyên đã được đẩy lên tới độ cao như hiện tại.
Nhà cổ sinh vật học Edwin Cadena chụp hình kỷ niệm bên thân cây khổng lồ. Ảnh: STRI.
"Hóa thạch trong khu vực cho chúng ta biết cả độ cao và thảm thực vật đã thay đổi đáng kể trong một thời gian tương đối ngắn, ủng hộ giả thuyết rằng cao nguyên Andean đã được nâng lên nhanh chóng bởi vận động kiến tạo", trưởng nhóm nghiên cứu Carlos Jaramillo từ STRI nói trong một báo cáo.
Sự nâng lên của cao nguyên Andean đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình khí hậu của Nam Mỹ. Các chuyên gia dự đoán vào cuối thế kỷ này, những thay đổi về nhiệt độ và nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ lại xấp xỉ với các điều kiện của 10 triệu năm trước. Do đó, hiểu được sự khác biệt giữa các mô hình khí hậu và dữ liệu trong hồ sơ hóa thạch sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ các động lực kiểm soát khí hậu hiện tại trên dãy Andes, cũng như trên khắp lục địa Nam Mỹ.
'Cây cầu' dài 6,5 triệu năm ánh sáng Các nhà thiên văn học phát hiện một "cây cầu" vô tuyến tần số thấp khổng lồ nối liền hai cụm thiên hà trong giai đoạn đầu của quá trình sáp nhập. Mô phỏng hai cụm thiên hà được nối liền với nhau bằng cây cầu vô tuyến. Ảnh: Sciencespring. Hai cụm thiên hà ở đầu cây cầu ở cách Trái Đất khoảng...