Phạt đội mũ bảo hiểm rởm: Thế nào để không bị phạt?
Phần lớn người đi đường hiện nay vẫn chuộng các loại mũ thời trang, đội để tránh bị xử phạt giao thông là chính chứ chưa hẳn là vì an toàn. Quy định phạt người đội mũ rởm nếu không làm căng thì đâu lại vào đấy cả thôi.
Lại tranh cãi phạt ai – ai phạt
Chẳng khó khăn để có thể phân biệt MBH rởm và MBH đạt chuẩn
Câu chuyện về mũ bảo hiểm (MBH) rởm đã làm dư luận “sôi sục” từ đầu năm 2013, khi Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời.
Thời gian đó, rất nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy trách nhiệm sang người tiêu dùng, bắt người dân tự phân biệt thật-giả là việc làm hết sức vô lý. Với nhiều phản ứng mạnh mẽ, chủ trương này đã được lùi đến ngày 1/7/2013 và vẫn giữ nguyên quan điểm phải phạt người tham gia giao thông đội mũ không phải… MBH. Và đến nay, dường như lịch sử “sôi sục” đang được lặp lại khi từ ngày 1/7/2014, không những bị tịch thu MBH rởm đang đội, người tham gia giao thông còn bị phạt 100.000-200.000 đồng như hành vi không đội MBH.
Nhiều bạn đọc cho rằng đối tượng đầu tiên phạt là “đội quản lý thị trường và mấy anh công an quản lý khu vực tại khu vực có mũ bảo hiểm giả bày bán, những việc sờ sờ ra đấy mà mà họ không làm được còn nói gì đến việc chống hàng giả hàng nhái khác”. Phần lớn độc giả đều cho rằng họ chỉ là nạn nhân của việc quản lý thị trường kém, để việc sản xuất và nhập khẩu mũ giả, rởm, đến nỗi bày bán tràn lan trên vỉa hè.
Đại diện cho luồng dư luận đông đảo của ý kiến “Quy định làm khó dân”, độc giả Tuấn Thành tỏ ý bức xúc: “Tôi mong rằng các cơ quan cần phải xử lý các doanh nghiệp các cửa hàng bán MBH không đạt tiêu chuẩn trước, các doanh nghiệp sản xuất MBH rởm phải chăng họ đóng thuế cao…? Tại sao các cửa hàng trên thị trường họ vẫn ngang nhiên bán loại MBH rởm, dân mất tiền mua rồi lại bị phạt nữa, đúng là khổ dân”.
Cố tình đội mũ rởm, phạt cũng không oan
Video đang HOT
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân kêu ca, phàn nàn là không thể phân biệt được MBH rởm với MBH đạt chuẩn chỉ là bao biện. Phân biệt giữa một MBH thời trang giá vài chục nghìn với MBH đạt chuẩn rất đơn giản, chẳng qua là họ cố tình hám rẻ, mua mũ rởm mà thôi. Độc giả Huy Cường bày tỏ: “Phạt là đúng chứ làm gì mà không biết mình mua loại mũ nào mà còn kêu ca!”
Chủ quầy bán MBH vỉa hè giá rẻ bên ngoài HTX Thuốc dân tộc ( phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thực lòng mà nói, 10 người mua thì 9 người biết rằng các loại MBH này có khác gì mũ phớt làm bằng nhựa đâu. Nhưng người ta vẫn kệ, mua để chống chế với công an, để đội cho đẹp, cho hợp với màu xe máy họ đi. Có cầu thì có cung thôi”.
Trao đổi với PV, một cựu lãnh đạo Ủy ban ATGTQG (xin giấu tên) tỏ ra gay gắt: “Đa số người dân biết nhưng vẫn cố tình mua loại MBH rẻ tiền, mỏng dính và đầy màu sắc để đội cho có, cho đẹp. Vì lẽ đó, chế tài “rắn” để răn đe, thay đổi nhận thức là điều nên làm. “Tôi đảm bảo rằng, chỉ bằng cảm quan thôi, không cảnh sát giao thông nào đi dừng xe, xử phạt người đội những chiếc MBH dày dặn, cứng cáp dù chưa biết nó có phải hàng xịn hay không. Cảnh sát giao thông sẽ nhằm vào những người đội loại mũ mỏng tẹt như mũ phớt vậy. Ai đội loại MBH này, nếu có bị phạt, tôi đảm bảo là không oan ức gì!”.
Ở góc độ người sản xuất MBH, ông Trần Thuận Thành – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa Chí Thành VN đánh giá việc tiến hành xử phạt người tham gia giao thông đội mũ không phải MBH là hoàn toàn khả thi. Ông Thành bày tỏ: “Tôi đề nghị trường hợp đội loại mũ không phải MBH thì tiến hành xử phạt, còn đối với người tham gia giao thông đội MBH nhưng chưa đạt tiêu chuẩn chỉ nên nhắc nhở, không xử phạt. Việc xử phạt cần được tiến hành đối với đơn vị sản xuất ra loại MBH đó”.
Theo ông Thành, người tiêu dùng có nhiệm vụ lựa chọn đâu là MBH và đâu không phải MBH, còn người sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Theo kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), trước khi tiến hành xử phạt, các cơ quan chức năng sẽ mở đợt tuyên truyền rộng rãi về quy định hành vi đội mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy bị phạt như hành vi không đội MBH.
Cùng với việc xử phạt hành vi đội mũ không phải MBH, các cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành thí điểm trên địa bàn TP. Hà Nội với các nội dung chủ yếu là xử lý mũ giả, mũ nhái các thương hiệu, sử dụng tem CR giả dán lên mũ có hình thức giống MBH, ghi nhãn MBH xe máy lên các mũ không đúng quy chuẩn.
Dự kiến, tháng cao điểm thực hiện tuyên truyền sẽ được thực hiện từ 20/5 – 19/6 với chủ đề “Đội MBH xe máy là bảo vệ chính mình”. Người tham gia giao thông sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ để nhận biết, phân biệt MBH và loại mũ không phải MBH. Theo đó, mũ không phải MBH là mũ không có đủ 3 lớp (vỏ mũ – đệm hấp thụ xung động bên trong – quai mũ); không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR.
Theo kế hoạch, thời gian xử lý hành vi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH sẽ tiến hành từ ngày 1/7.
Theo Gia đình Xã hội
Từ 1/7 sẽ phạt người đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp
Từ 1/7, người tham gia giao thông bằng xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không đủ 3 lớp: vỏ, đệm xốp và quai đeo sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận sẽ bị phạt
Sắp tới toàn quốc sẽ thực hiện chiến dịch kiểm tra xử lý người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Theo đó, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sẽ bị xử phạt.
Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cho biết, từ 1/7 lực lượng chức năng chỉ xử phạt người đi xe máy đội mũ không đủ 3 bộ phận (gọi là 3 lớp).
Ba bộ phận gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ. Loại mũ này thường là bằng nhựa dạng mũ lưỡi trai, mũ cối,... Bằng mắt thường, chúng ta có thể nhận biết được đó là mũ không đủ 3 lớp, không phải là mũ bảo hiểm cho người đi xe máy. Không cần thiết bị đo đếm đối với những chiếc mũ này.
Trong đợt này, Ủy ban phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chiến dịch ngăn ngừa người đi xe máy đội loại mũ không phải mũ bảo hiểm. Mục đích là loại trừ, không cho bày bán, lưu hành loại mũ này nữa.
"Đây là chiến dịch đồng loạt ở tất cả tỉnh thành. Người đi xe mô tô, xe máy khắp cả nước đội mũ không phải mũ bảo hiểm đều sẽ bị CSGT kiểm tra xử lý", ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái cho hay, trong chiến dịch kiểm tra xử lý người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng lần này, cơ quan chức năng chỉ xử phạt trường hợp mũ không đủ 3 lớp. Mũ không có tem và nhãn ghi "MBH cho người đi mô tô, xe máy" nhưng vẫn đủ 3 bộ phận, sẽ không bị xử phạt.
Trong qua trình sử dụng, tem và nhãn có thể bị mờ hoặc mất đi hoặc trước đây, nhiều người mua mũ mà không biết quy định cụ thể này. Vì vậy, trước mắt, Ủy ban không đặt vấn đề xử lý với những trường hợp không tem nhãn.
MBH không đủ 3 lớp sẽ bị CSGT phạt bao nhiều tiền?
Đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH; đội mũ không phải mũ bảo hiểm bị phạt từ 100.000 - 200.000 nghìn đồng.
Hành vi sản xuất, kinh doanh buôn bán và sử dụng MBH giả, mũ không phải MBH dành cho cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy cũng đã có các quy định chế tài và mức xử phạt cụ thể.
Theo ông Thái, thời gian xử phạt được thực hiện từ 1/7. Trước đó, từ 20/5 đến hết tháng 6, các cơ quan ban ngành tuyên truyền, nhắc nhở người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Cũng trong thời gian từ 20/5 đến 19/6, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán MBH giả, mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe máy.
Đó là các cơ sở sản xuất, bày bán mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; Các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; Các loại MBH xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Theo Zing/Vnmedia
Bán phở 45 nghìn, bị phạt 12,5 triệu Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) Trịnh Huy Triều vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở có hành vi vi phạm về giá, số tiền 27,5 triệu đồng. Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga Chủ cửa hàng Quỳnh Nga (71 Nguyễn Du, phường Bắc Sơn) - đã lấy giá ăn sáng 45.000/bát phở, cao...