Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất
Việc xây dựng dự án phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi là hết sức cần thiết.
Một điểm sạt lở nghiêm trọng bên Quốc lộ 9. Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN
Chiều 15/1, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Vũ Đức Long cho biết có khoảng từ 10 – 15 trận lũ quét/năm, các khu vực thường xảy ra lũ quét là ở vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Những địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gồm: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa…
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có những đánh giá về mức độ rủi ro thiên tai nhưng vẫn còn một số tồn tại về bản đồ phân vùng như: Tỷ lệ bản đồ chưa đồng nhất, chưa chi tiết; chưa xem xét một cách đầy đủ ngưỡng mưa trong phân vùng nguy cơ. Ngoài ra, hiện chưa có bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do lũ quét và sạt lở đất, cụ thể với phần mềm cảnh báo lũ quét cho Việt Nam (VNOFFG) chưa tích hợp được số liệu mưa tự động, mưa từ rađa, vệ tinh… địa hình. Ngưỡng mưa và ngưỡng tràn chưa tính chi tiết cho vùng Bắc Bộ. Giá trị ngưỡng tính cho khu Trung Bộ cần kiểm nghiệm trong thực tế và điều chỉnh.
Phạm vi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia còn rộng, chưa tích hợp được các yếu tố về dân cư, hoạt động về kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng. Dự báo mưa định lượng chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; chưa có hệ thống trao đổi và chia sẻ thông tin trực tuyến.
Do vậy, việc xây dựng dự án phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu đánh giá được mức độ rủi ro đối với lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi; xây dựng được các bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa thời gian thực.
Video đang HOT
Theo đó, phạm vi thực hiện của dự án là 37 tỉnh vùng núi và 34 lưu vực sông chính, 95 tiểu lưu vực. Về phân vùng lũ quét, dự án sẽ đưa ra bản đồ nguy cơ lũ quét cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc với tỷ lệ 1:100.000 và cho 19 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với tỷ lệ 1:50.000; dữ liệu điều tra khảo sát, đo đạc mặt cắt tại 36 lưu vực sông nhỏ khu vực vùng núi phía Bắc; bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 cho 58 khu vực dân cư có nguy cơ ngập do lũ quét nghẽn dòng trong 23 lưu vực sông thuộc 19 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Đánh giá các nội dung của dự án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lê Quốc Hùng cho rằng, theo Quyết định 705/QĐ-TTg và Quyết định 1258/QĐ-BTNMT về việc điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai… của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nội dung dự án do Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng cơ bản đều phù hợp. Dự án có thu thập xử lý, số liệu, tài liệu về điều kiện tự nhiên, địa hình, trầm tích, lớp phủ, hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dân cư, cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất do mưa; điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ hiện trạng lũ quét, sạt lở đất đá do mưa; phân tích đánh giá khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá do mưa…
Đáng chú ý, dự án sẽ đưa ra sản phẩm chính đó là bản đồ cảnh báo thiên tai do lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa cho khu vực trung du và miền núi. Theo đó, hệ thống thu thập, xử lý các số liệu quan trắc truyền thống và phi truyền thống trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ bài toán đồng hóa số liệu, kiểm nghiệm và hiệu chỉnh dự báo mô hình số trị quy mô khu vực phân giải cao trên hệ thống siêu máy tính tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn…
Lập đề án cảnh báo sớm thiên tai khu vực miền núi, trung du Việt Nam
Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm online hỗ trợ khai thác kết quả cảnh báo, dự báo theo diễn biến khí tượng để cập nhật các hiện tượng sạt lở, lũ bùn, lũ ống, lũ quét.
Cây cối nằm ngổn ngang, đất đá bồi lấp tạo nên cảnh tan hoang sau trận lũ quét, cô lập hoàn toàn xã Hướng Việt. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường họp đánh giá việc lập Đề án "Điều tra, đánh giá chi tiết và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam".
Đề án đặt mục tiêu tổng quát là điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các khu vực nhạy cảm theo thời gian thực nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Bình Trọng cho biết: Nhiều năm qua, các đơn vị thuộc Bộ cùng nhiều cơ quan liên quan, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều công trình, nghiên cứu về cảnh báo nguy cơ thiên tai, tai biến địa chất và phân vùng tổng hợp nguy cơ thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, đóng góp không nhỏ vào việc phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét gây ra, song việc điều tra, quan trắc, cảnh báo về các tai biến nêu trên còn nhiều vấn đề tồn tại.
Trong đó, Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm online hỗ trợ khai thác kết quả cảnh báo, dự báo theo diễn biến khí tượng thủy văn để chính quyền thôn, xã và người dân cập nhật các hiện tượng mưa lớn, trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; chưa có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương trong triển khai đề án/dự án, đặc biệt chính quyền xã, già làng, trưởng bản trong điều tra chi tiết các xã (xác định các khối trượt nguy cơ rất cao, các tuyến lánh nạn, vị trí sơ tán, định cư người dân an toàn...).
Thêm vào đó, nước ta cũng chưa có mô hình cơ quan, tổ chức điều phối chung hợp lý, dẫn đến các kết quả nghiên cứu, điều tra, nguồn dữ liệu của các đề án, dự án, đề tài của cơ quan, tổ chức chưa được tổng hợp, lồng ghép kịp thời phục vụ hỗ trợ ra quyết định cảnh báo...
Đề án "Điều tra, đánh giá chi tiết và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" góp phần khắc phục những tồn tại của giai đoạn trước và từng bước đáp ứng mong muốn của chính quyền, nhân dân các địa phương trong việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tai biến trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể để ứng phó với trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Đó là việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm theo thời gian thực; ứng dụng công nghệ 4.0, thiết kế cấu trúc cơ sở dữ liệu và xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm theo thời gian thực.
Xây dựng bộ tiêu chí và xác định được các khu vực có nguy cơ cao; lựa chọn được hệ phương pháp và mô hình phân vùng cảnh báo, ổn định mái dốc chi tiết, khả thi áp dụng tại các khu vực nhạy cảm; xây dựng được hệ thống quan trắc, giám sát để cảnh báo sớm theo thời gian thực.
Trong đề án cũng đề cập việc tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các nhiệm vụ; điều tra, đánh giá chi tiết trong thời gian ngắn nhất các khu vực nhạy cảm; chuyển giao kết quả, hướng dẫn sử dụng và giáo dục cộng đồng về công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại; lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo sớm theo thời gian thực; xây dựng Trung tâm quản lý thông tin - cảnh báo sớm...
Đề án dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2025 để đảm bảo tính cấp thiết, đáp ứng yều cầu thực tế trong công tác phòng tránh thiên tai.../.
Sạt lở bờ sông Trà Khúc, 'hà bá' nuốt chửng đất sản xuất của dân Người dân xót xa và đành bất lực khi chứng kiến hàng trăm mét bờ sông Trà Khúc lâm vào tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, "hà bá" nuốt chửng đất sản xuất. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn chảy qua địa phận các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn, Tịnh Minh (huyện Sơn Tịnh,...