Phần 2: Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019: Những anh hùng thầm lặng
Qua 22 năm tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản, mới chỉ có 676 nhà giáo trong tổng số hơn 70 ngàn thầy cô giáo toàn thành phố được tôn vinh. Đây là con số rất khiêm tốn, chiếm một tỉ lệ nhỏ so với rất nhiều thầy cô giáo xứng đáng.
Ảnh minh họa
Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản hàng năm thật sự trở thành ngày hội lớn của ngành giáo dục – đào tạo thành phố; và cũng là dịp để những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng bắc cầu nối tri ân của bạn đọc, xã hội đến “Những anh hùng thầm lặng”!
KIỀU PHAN – QUANG KHOA – THU HƯƠNG
Theo SGGP
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22-2019: Tôn vinh những "anh hùng thầm lặng"
Sáng 24-11, tại Nhà hát TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22-2019.
Đến tham dự lễ có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP và Lý Việt Trung, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP.
Thắp sáng niềm tin vào nghề giáo
Chia sẻ tại buổi giao lưu trước giờ diễn ra lễ trao giải, cô Phạm Trần Mỹ Hương, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, cho biết, sau gần 30 năm theo nghề giáo, giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là phần thưởng xứng đáng cho những miệt mài và tâm huyết cô đã dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến. Không kiềm được những giọt nước mắt xúc động, cô Phạm Trần Mỹ Hương bày tỏ mong muốn chia sẻ niềm hạnh phúc và vinh dự to lớn này đến tập thể sư phạm tại đơn vị đang công tác, tất cả đồng nghiệp cùng các em học sinh đã đồng hành với cô trong suốt 30 năm qua.
Cùng tâm trạng đó, cô Triệu Thị Huệ, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), bày tỏ, giải thưởng Võ Trường Toản là nguồn động lực to lớn không chỉ đối với các giáo viên, cán bộ quản lý được xét trao tặng giải thưởng mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần quý giá đối với những thầy, cô chưa đạt giải, qua đó tiếp thêm sức mạnh cho các thầy, cô tiếp tục cống hiến, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc làm tròn thiên chức "trồng người".
Ban Tổ chức và 50 giáo viên đoạt giải dâng hoa báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô tâm tư: "Tôi xin chia sẻ vinh dự to lớn này đến tất cả đồng nghiệp, đặc biệt những thầy, cô giáo đang công tác ở mọi miền xa xôi của Tổ quốc đang ngày đêm không ngừng cố gắng, nỗ lực đem tri thức, kỹ năng và nhân cách vun trồng cho biết bao thế hệ học sinh khôn lớn".
Thay mặt 50 thầy cô được tôn vinh trong giải thưởng năm nay, cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn), khẳng định sẽ tiếp tục là những người truyền lửa cho các thế hệ đồng nghiệp, đưa giáo dục TP ngày càng vươn xa và gặt hái thêm nhiều thành công như kỳ vọng của lãnh đạo TP. Riêng đối với cô Vũ Hoàng Linh Chi, Trường Mầm non TP (quận 3), thầy cô giáo không chỉ phấn đấu truyền thụ tri thức mà còn phải nỗ lực về nhân cách, đạo đức, xứng đáng với sự tin tưởng, tình cảm yêu thương của học trò.
Buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động như hai chị em gái trong cùng một gia đình được vinh danh tại giải thưởng, hay người mẹ già hơn 80 tuổi đi xe lăn đến chúc mừng con gái. Xúc động hơn cả là hình ảnh hơn 30 giáo viên Trường Tiểu học Phong Phú (quận 9) thuê xe buýt đến chúc mừng Hiệu trưởng Trương Thị Thảo được vinh danh tại lễ trao thưởng, đồng thời cũng hỗ trợ người lãnh đạo của mình về mặt sức khỏe khi chứng bệnh nan y của nhà giáo này đã vào giai đoạn cuối... Chứng kiến những câu chuyện xúc động đó, nhà báo Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, bày tỏ lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc trước tấm lòng và sự cống hiến không mệt mỏi của các thầy, cô giáo.
Lan tỏa ý nghĩa nhân văn
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm bày tỏ, xã hội luôn dành sự tôn trọng, trân quý cho những người thầy, người cô là những kỹ sư tâm hồn, những người đặt nền móng cho sự phát triển của các thế hệ tương lai của thành phố, là những tấm gương tiêu biểu, điển hình cho truyền thống hiếu học lâu đời của đội ngũ nhà giáo.
Đồng chí Lê Thanh Liêm tin tưởng 50 thầy cô giáo được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cũng như các thầy, cô giáo đã được vinh danh trong 21 kỳ trao giải trước đó sẽ hết sức tự hào, tiếp tục trau dồi đạo đức, phẩm chất, năng lực để cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục TP. Nhân dịp này, đồng chí Lê Thanh Liêm đề nghị ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần của các nhà giáo.
Bởi người thầy hạnh phúc khi đứng trên bục giảng mới có thể đem đến cho học sinh những giờ học vui tươi, sinh động, hấp dẫn, dạy cho các em hướng đến xây dựng một gia đình, cộng đồng và xã hội hạnh phúc. Đó là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội luôn quan tâm, cùng đồng hành với ngành giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn biểu dương những thành tích, đóng góp xuất sắc của các thầy, cô giáo cho sự nghiệp phát triển giáo dục của TP. Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, vai trò của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng quan trọng, là những người trực tiếp triển khai, thể hiện và quyết định sự thành công của việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng như công tác quản lý trường học.
Từ 50 tấm gương nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh, đồng chí Lê Hồng Sơn mong muốn các thầy cô tiếp tục phấn đấu với mục tiêu "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", tiếp tục giữ vững và lan tỏa tình yêu nghề, sự tận tụy, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để truyền lửa cho các thế hệ đồng nghiệp và học sinh noi theo.
Thu Tâm
Theo saigondautu
Cái ôm chặt của trò gây ấn tượng mạnh cho cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản 'Các em khóc lóc đòi về với bố mẹ nhưng có một em đi theo ôm chặt tôi. Cái ôm chặt đối với một người ngày đầu vào nghề làm tim tôi rung lên. Từ đó, tôi nhận ra sự yêu thương, gắn bó với nghề'. Cô Vũ Hoàng Linh Chi (áo xanh), Trường Mầm non TP.HCM, chia sẻ về động lực gắn...