‘…Phải thắt lưng buộc bụng để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm’
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, chi cho giáo dục một đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng.
Vì thế, nếu phải “thắt lưng buộc bụng” để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm.
Ngày 16/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã làm việc tại tỉnh Bắc Giang nhằm nắm bắt kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm 2021 của địa phương này.
Tại đây, đoàn đã tới thăm cơ sở vật chất, tình hình giảng dạy, học tập trong điều kiện một năm học khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Trường Tiểu học Bích Sơn và Trường THCS Thân Nhân Trung (huyện Việt Yên); làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đến thăm và trò chuyện với học sinh Trường Tiểu học Bích Sơn.
Trong tình hình chung của cả nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các trường học của tỉnh Bắc Giang nói chung và Trường Tiểu học Bích Sơn, Trường THCS Thân Nhân Trung nói riêng đã có sự ứng phó tốt, sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến. Ghi nhận nỗ lực này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, nhà trường sẽ tiếp tục tinh thần sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, linh hoạt triển khai hiệu quả các mục tiêu chung của ngành.
Qua trò chuyện với một số học sinh, Bộ trưởng cho rằng, điều đáng mừng là các em ngày càng tự tin, dám nói lên ý nghĩ, quan điểm của mình; do đó, các thầy cô cần vun đắp thêm cho các em sự tự tin, sáng tạo, chủ động, tôn trọng cá tính, phát huy tố chất riêng của từng học sinh.
Video đang HOT
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh tích cực dạy kỹ năng, tri thức, các nhà trường cần quan tâm bồi đắp con người, nhân cách cho các em; chú trọng rèn luyện đạo đức, xây dựng văn hóa học đường, rèn luyện cách ứng xử, để trong giao tiếp các em vừa chủ động, tự tin nhưng cũng phải lễ phép.
Chắt chiu, dành nguồn lực cho giáo dục
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bắc Giang đã chỉ đạo tổ chức tốt việc khảo sát, đánh giá một năm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1; tích cực chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Bắc Giang đã hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6, báo cáo Bộ GDĐT phê duyệt; đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Năm 2021 là năm thứ 2 đặc biệt khó khăn với ngành Giáo dục, bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19. Trước tình hình trên, với phương châm “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”, ngành Giáo dục Bắc Giang đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển trạng thái nhanh từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để bảo đảm nội dung, chương trình và chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung.
Phát biểu tại cuộc làm việc, nhấn mạnh một số nhiệm vụ ngành Giáo dục đang triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Toàn ngành đang chung sức, chung lòng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Có rất nhiều công việc đặt ra và phải làm từ phía Bộ GD-ĐT, nhưng triển khai thực tế lại do các địa phương. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh Bắc Giang sẽ thấu hiểu và tiếp tục quan tâm, phối hợp triển khai thành công sự nghiệp đổi mới này.
Nhắc tới nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ trưởng dành sự ghi nhận cho việc thích ứng nhanh chóng và triển khai được một phần chuyển đổi số trong giáo dục của Bắc Giang giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không chỉ mang tính chất ứng phó tạm thời, mà là việc căn bản cho rất nhiều đổi mới khác nên phải được làm toàn diện. “Cú hích của dịch bệnh đã giúp chúng ta làm được một số việc, nhưng phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đã làm phải làm triệt để, làm toàn diện, để tăng sức mạnh, để không bị động trong mọi tình huống”, Bộ trưởng nói.
Một nhiệm vụ nữa cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập với mong muốn tỉnh Bắc Giang sẽ quan tâm làm tốt trong thời gian tới, đó là xã hội hóa giáo dục. Đây phải được xem là đường đi lâu dài để giải quyết những vấn đề, mục tiêu của giáo dục,…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Nhìn lại những kết quả của giáo dục Bắc Giang thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Sơn mong rằng tỉnh Bắc Giang sẽ dành sự quan tâm, ưu tiên hơn nữa về nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo.
“Giáo dục rất đặc biệt. Chi cho giáo dục một đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng. Vì thế, nếu phải “thắt lưng buộc bụng” để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm”, Bộ trưởng nói, đồng thời mong muốn, tỉnh Bắc Giang sẽ chắt chiu, dành nguồn lực cho đẩy nhanh hoàn tất kiên cố hóa trường lớp học; đầu tư cho hạ tầng số, trang thiết bị học tập; giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học…
Một số nhiệm vụ cụ thể khác như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới giáo dục theo chiều sâu, trong đó có đổi mới giảng dạy môn Ngữ văn, Lịch sử trong trường phổ thông… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, với mong muốn tỉnh sẽ có những chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Chuyển đổi số của ngành giáo dục cần làm sớm hơn
Ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp của Ủy ban Về giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đây là cuộc họp đầu tiên sau khi Ủy ban Về giáo dục và phát triển nhân lực được kiện toàn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tại phiên họp đầu tiên này, các thành viên ủy ban thảo luận, cho ý kiến về dự thảo đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025" do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Sơn Hải, mục tiêu chính của đề án là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường. Đồng thời, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân. Trong giai đoạn 2021-2025, đề án tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học cũng như phát triển nhân lực số. Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học, triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số. Cùng lúc, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bài giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phiên họp Ảnh: MINH THU
Góp ý cho dự thảo đề án, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), đưa ra 3 việc lớn cần làm, đó là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó, xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.
Giám đốc ĐHQG TP HCM Vũ Hải Quân lưu ý việc cần làm rõ nội hàm của việc dạy học trực tuyến để đưa ra các mục tiêu phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, cần hình thành các kho học liệu trực tuyến, trong đó quan tâm tới các kho học liệu mở của thế giới và có chính sách thúc đẩy sử dụng các kho học liệu này. Cần hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến phù hợp, tiết kiệm chi phí.
Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng chuyển đổi số là việc hết sức cần thiết trong trước mắt cũng như lâu dài. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, ông đặc biệt nhấn mạnh ngay từ đầu cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, có tổng chỉ huy, có phân cấp, phân quyền. Có như vậy mới thuận lợi trong triển khai đồng bộ và kết nối thuận lợi.
"Ngành giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục. Đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên, với hy vọng 5-10 năm sau, công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban Về giáo dục và phát triển nhân lực, nói.
Thước đo thành công của bậc học mầm non là gì?! Theo báo cáo tổng kết do Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh trình bày, trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh với nhiều khó khăn, bậc Giáo dục mầm non thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đạt nhiều kết quả tốt. Ngày 18-8, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai...