“Phải tái cơ cấu VNPT để thị trường phát triển mạnh hơn”
“ Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT không phải là chuyện riêng của Tập đoàn cũng như của Bộ TT&TT mà phải đảm bảo phục vụ lợi ích cả thị trường, giúp thị trường phát triển mạnh hơn.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Văn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch năm 2014 của Bộ TT&TT chiều 26/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tái cơ cấu VNPT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành CNTT tại thời điểm này, bởi VNPT là một Tập đoàn lớn, thuộc loại trụ cột của nền kinh tế. Việc tái cơ cấu, do đó, phải giúp bản thân VNPT có động lực để mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết năm 2013, tổng doanh thu của VNPT đạt 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 9300 tỷ đồng, tăng 4000 tỷ đồng so với năm 2012. Doanh thu từ di động vẫn tăng trưởng bất chấp kinh tế khó khăn, cụ thể VinaPhone tăng trưởng 8% còn MobiFone tăng nhẹ, không đáng kể. Lý giải cho việc lợi nhuận tăng đột biến, ông Hùng cho biết 1500 tỷ có được nhờ điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với cơ chế hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong Tập đoàn, 1000 tỷ đến từ tiết kiệm, cắt giảm chi phí và 1500 tỷ đồng nhờ phát triển các dịch vụ di động, băng rộng.
Video đang HOT
Dự báo cho năm 2014, ông Hùng khẳng định VNPT sẽ bám sát các xu hướng thị trường và công nghệ mới, thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt, cố gắng quay vòng vốn nhanh, tiết kiệm chi phí để đảm bảo doanh thu tăng khoảng 10%, lợi nhuận tăng từ 7-14% so với năm 2013.
Cũng tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Viettel cũng đã công bố các kết quả kinh doanh trong năm qua, với doanh thu đạt 163.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2012. Riêng doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã đạt 1 tỷ USD, lợi nhuận cũng đạt 150 triệu USD. Hiện Viettel đang đầu tư tại 9 nước với dân số khoảng 170 triệu người, gần gấp đôi dân số Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel thừa nhận rằng, năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp mà tốc độ tăng trưởng của Viettel chậm lại, chỉ còn khoảng 15%, chậm hơn từ 2-3 lần so với những năm đỉnh cao. Nhiều lý do đã được chỉ ra như ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, sự bão hòa của thị trường di động, đà đi xuống của cố định và các dịch vụ OTT đã làm xói mòn doanh thu viễn thông. Điều kiện khó khăn này yêu cầu doanh nghiệp viễn thông như Viettel phải từ bỏ các lợi thế, dịch vụ truyền thống như thoại, tin nhắn để chuyển sang các lĩnh vực mới, tìm kiếm các dịch vụ và lợi thế mới.
Cụ thể, ông Hùng cho biết Viettel sẽ dịch chuyển dần từ 2G sang các dịch vụ 3G, từ cố định sang mạng băng rộng, từ thoại đơn thuần sang các dịch vụ dữ liệu, các dịch vụ công nghệ thông tin, tiến tới thoại chỉ còn chiếm dưới 40% tổng doanh thu. Đồng thời, Viettel cũng sẽ phát triển từ một công ty trong nước thành Tập đoàn đa quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 doanh thu từ nước ngoài cao hơn thị trường trong nước. Dự báo số lượng thuê bao 3G của Viettel trong năm 2014 có thể tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 6 triệu người.
Theo Vietnamnet
VNPT chính thức chia tách với VN Post
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận đã có bài phát biểu trong nghẹn ngào rơi lệ khi nói lời chia tay các CBCNV bưu chính tại Lễ bàn giao chuyển quyền đại diện chủ sở hữu VietnamPost từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT sáng ngày 19/12/2012 tại Hà Nội.
Chủ tịch VNPT đã khóc khi phát biểu tại Lễ bàn giao VietnamPost về Bộ TT&TT sáng ngày 19/12/2012. Ảnh: Minh Tú
Mở đầu bài phát biểu, ông Phạm Long Trận nói: "Để phát biểu đầy đủ cho buổi lễ này cần phải có lòng dũng cảm lắm mới nói được. Bởi vì, ngày hôm nay chỉ là buổi báo cáo, còn lộ trình chia tách bưu chính với viễn thông đã được chuẩn bị từ hơn 10 năm nay. Sau một thời gian dài chuẩn bị, từ năm 2000, VNPT đã khởi động tách bưu chính - viễn thông tại các huyện, sau đó thí điểm tách tại 6 tỉnh, tiếp đó đến năm 2008 đã tách hoàn toàn bưu chính ra hoạt động độc lập, hạch toán riêng nhưng vẫn ở chung một mái nhà với người anh em viễn thông".
Thời điểm 2008 là thời điểm lịch sử, rất khó khăn với những người làm Bưu chính. Bởi vì Bưu chính là những người đi đầu, những người khổ hơn, trong truyền thống là những người đã cống hiến nhiều hơn, hi sinh nhiều hơn để xây đắp truyền thống ngành Bưu điện. Nhưng khi tách ra thì Bưu chính lại khó khăn nhiều hơn.
Nhưng hơn 5 năm khi tách ra độc lập, CBCNV bưu chính đã vượt qua cú sốc ban đầu, vươn lên bằng nghị lực, bằng trí tuệ, bằng truyền thống của người Bưu điện để tự lực vượt qua khó khăn. Tại lễ tổng kết công tác 2012 và triển khai kế hoạch 2013 của VietnamPost vào sáng ngày 19/12 cho thấy, những gì mà Đảng, Chính phủ yêu cầu Bưu chính đã đạt được. Hàng năm, Bưu chính ngày càng phát triển, những giá trị dịch vụ mà Bưu chính sống dựa vào Viễn thông ngày càng thu hẹp, tỷ trọng các dịch vụ bưu chính tăng ngày một nhiều hơn, ngày một tăng nhanh hơn. Năm 2012 một số dịch vụ bưu chính đã có lãi trên 40 tỷ đồng, kết quả này thể hiện nghị lực, ý chí, quyết tâm của người làm bưu chính.
"Thời điểm này, khi đặt bút ký chuyển giao quyền đại diện VietnamPost sang Bộ TT&TT, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Nhưng cũng thật cảm động bởi dù những con người Bưu chính đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng lại phải ra đi. Trong 5 năm vừa qua, Tập đoàn VNPT đã cố gắng hết lòng ưu tiên cho sự phát triển của bưu chính. Giống như trong một gia đình, bố mẹ thấy con cái nào khó khăn hơn sẽ ưu tiên hơn, tập trung cho nó hơn" ông Phạm Long Trận nói.
Ông Phạm Long Trận cho rằng, thành quả của bưu chính ngày hôm nay là do tất cả thành viên của Tập đoàn VNPT cùng làm nên. Năm 2008 Tập đoàn VNPT chỉ chia cho Bưu chính vốn ban đầu có trên 2.000 tỷ đồng, đến nay Tập đoàn đã quyết định chuyển giao cho Bưu chính hơn 8.122 tỷ đồng để tạo điều kiện cho bưu chính hoạt động. Trong 5 năm qua, Tập đoàn VNPT đã bù cho bưu chính trên 5.000 tỷ đồng để đạt được vốn điều lệ mà Chính phủ giao. Các hỗ trợ ban đầu như: thu cước, phát triển máy hưởng tỷ lệ 10% (cao hơn 5-6% so với thực tế), hỗ trợ cắt giảm lao động... Tập đoàn VNPT cũng đã trích 20% lợi nhuận sau thuế để bù cho bưu chính công ích hơn 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản khen thưởng hàng năm của bưu chính do Tập đoàn VNPT hỗ trợ. Khi phân chia cơ ngơi vật chất, nhà đất đã ưu tiên chia cho bưu chính đến 80%. Các đồng chí phải biết rằng: Việc chia tay này là theo chỉ đạo của Chính phủ, lộ trình đã chuẩn bị trước, là kết quả của một quá trình chuẩn bị và chúng ta đã kiểm soát được và đạt được mục tiêu đề ra.
"Trong tương lai Bưu chính có thể làm tốt hơn, nhiều hơn nữa song vẫn là cùng dựng xây mái nhà Bưu điện. Lãnh đạo ngành Bưu điện qua các thời kỳ đều có một hoài bão là xây một Bảo tàng Bưu điện thật to lớn, song do điều kiện kinh tế, thủ tục đất đai đến nay chúng ta chưa làm được. Nhưng Tập đoàn VNPT đã làm được một Phòng trưng bày truyền thống trên tầng 3 của Tòa nhà VNPT, dù nhỏ nhưng bao hàm đủ và đặc trưng cho bước đường phát triển của ngành Bưu điện. Trong đó, phần lớn bưu chính là người đi đầu, từ con tem bưu chính, giao liên bưu chính, chiếc xe đạp của bưu chính, rồi những tấm gương anh hùng của ngành Bưu điện cũng đều là người Bưu chính. Từ đồng chí nữ giao liên bị địch bắt đưa lên trực thăng đã nuốt công văn nhảy xuống, cán bộ đường dây đã lấy thân mình ra nối đường dây để thông liên lạc, cái đó là những tài sản vô giá của ngành Bưu điện" ông Phạm Long Trận nghẹn ngào nói.
Ông Phạm Long Trận nói tiếp; "Trước khi đến đây, tôi đã quyết tâm nói cho chững chạc mọi điều, nhưng không thể kiềm chế được. Hội đồng thành viên cũng đã bàn bạc và thống nhất là chúng ta vẫn là con một nhà. Bưu chính hôm nay giống như một người con gái đi lấy chồng vui lắm nhưng vẫn rơi nước mắt, cha mẹ mừng đấy muốn gả con đấy nhưng vẫn rơi nước mắt. Những tình cảm này chúng ta hãy giữ lại, các đồng chí hãy thông cảm cho chúng tôi và tiếp tục hỗ trợ cho VNPT ngày càng phát triển. Chúc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam luôn luôn phát triển và phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng ngành Bưu điện Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn, hai bên tiếp tục gắn bó khăng khít, hỗ trợ nhau cùng phát triển và vẫn là anh em một nhà".
Theo Minh Quyên/Ictnews
Viettel nuôi tham vọng lọt Top 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới Viettel tuyên bố chuyển dịch từ công ty viễn thông trong nước sang công ty đa quốc gia, nằm trong nhóm 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về đầu tư ra nước ngoài và nằm trong nhóm 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới. Doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel trong năm...