Phải có cơ chế rõ ràng để trường ĐH thực hiện trách nhiệm giải trình
Khi có quyền tự chủ, trường ĐH đồng thời phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Giải trình với ai?
Theo quan niệm của cộng đồng giáo dục đại học thế giới là giải trình đối với các phía có lợi ích liên quan với trường ĐH, lần lượt là: Nhà nước, nhà tài trợ, sinh viên, phụ huynh sinh viên, giáo chức, những người sử dụng sản phẩm của trường ĐH và xã hội nói chung. Như vậy, phạm vi của đối tượng giải trình rất rộng, phải có cơ chế rõ ràng để thực hiện trách nhiệm giải trình đó.
Ảnh minh họa/internet
Những quan điểm này được GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) – chia sẻ khi đóng góp ý kiến tại diễn đàn về tự chủ đại học do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Hệ thống đảm bảo chất lượng
Theo GS Lâm Quang Thiệp, một thể chế hết sức quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH là hệ thống đảm bảo chất lượng cho giáo dục ĐH.
Trong từng trường ĐH, hệ thống này đảm bảo cho mọi khâu của hệ thống đào tạo và các hoạt động khác của nhà trường được thực hiện một cách đúng đắn như đã cam kết hoặc đã được quy định.
Gắn liền với hệ thống này, quy trình kiểm định công nhận xuyên suốt từ hoạt động tự đánh giá, khảo sát tại chỗ của đồng nghiệp và quyết định công nhận chất lượng của các cơ quan kiểm định độc lập sẽ hỗ trợ cho nhà trường giải trình các hoạt động của mình cho các nhóm người có lợi ích liên quan và cho xã hội.
GS Lâm Quang Thiệp cho biết: Sau khi chính thức đưa hoạt động đảm bảo chất lượng vào hệ thống giáo dục ĐH từ năm 2003, trong mấy năm qua Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số cải tiến đối với hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định công nhận chất lượng.
Các cải tiến đáng ghi nhận là việc cấp phép thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập và việc đưa vào một quy trình rõ ràng và một hệ thống tiêu chuẩn toàn diện (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) để kiểm định công nhận chất lượng theo thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT.
Triển khai thực hiện nghiêm túc hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định công nhận chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH.
Video đang HOT
Thực hiện “ba công khai”
Trực tiếp liên quan với trách nhiệm giải trình và hệ thống đảm bảo chất lượng, trong nhiều năm qua Bộ GD&ĐT phát động và triển khai thực hiện “ba công khai” đối với các trường ĐH.
Nội dung của ba công khai là: công khai cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính. Gần đây Bộ GD&ĐT đã ra thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT quy định tỷ mỉ về quy trình ba công khai, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ quy trình này.
GS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: Cặp khái niệm “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình” phản ánh một cách hàm xúc nội dung cốt lõi của hệ thống quản trị và quản lý giáo dục ĐH trong nền kinh tế thị trường.
Để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, cần thành lập HĐT với ý nghĩa là cơ quan quản trị có quyền lực cao nhất nhà trường, đảm bảo triển khai hoạt động của HĐT thật sự có hiệu quả, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế bộ chủ quản và trường trực thuộc.
Khi thực thi quyền tự chủ, trường ĐH đồng thời phải tuân thủ trách nhiệm giải trình đầy đủ, trong đó có việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng toàn diện, bao gồm việc nghiêm túc tuân thủ quy chế ba công khai.
“Hy vọng hệ thống giáo dục ĐH nước ta sẽ phát triển bền vững khi thực hiện hài hòa hệ thống quản trị và quản lý nói trên” – GS Lâm Quang Thiệp chia sẻ.
“Đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là nội dung để thực hành hệ thống quản trị và quản lý hệ thống giáo dục ĐH nước ta ngày nay, từ sau thời điểm “đổi mới”. Chính việc làm cho quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trở thành sợi chỉ xuyên suốt của hệ thống quản trị và quản lý giáo dục ĐH nước ta là nhiệm vụ quan trọng của việc đổi mới trong tiến trình hoàn thiện dần nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” – GS Lâm Quang Thiệp nói.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai.vn
Chuyển giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường đại học
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học nhiều chuyên gia đề xuất, cần chuyển giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường đại học.
Mục tiêu của việc trao quyền quản trị cho nhà trường là nhằm nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục.
Nội hàm khái niệm "trách nhiệm giải trình"
Sự liên kết giữa mức độ tự chủ và công khai, minh bạch thông tin rất quan trọng cho phân cấp có hiệu quả. Bằng cách chuyển giao trách nhiệm quản lý trường học, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường làm tăng sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng. Kết quả là, một nền giáo dục có xu hướng phản ánh ưu tiên, giá trị và nhu cầu của địa phương.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền
Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học lần này có ưu điểm lớn đó là: đã nhấn mạnh và đề cao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tại Khoản 5 Điều 11, Điều 32 và các điều khoản quy định về Hội đồng trường, về thực hiện chương trình giáo dục và quản lý tài chính, tài sản của nhà trường, trong đó có bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình và làm hơn quan điểm xóa bỏ tình trạng xin - cho trong thực hiện quyền tự chủ.
"Tuy nhiên, hiểu thế nào về nội hàm khái niệm " trách nhiệm giải trình" theo nghĩa tiếng Việt là vấn đề cần được làm rõ hơn trong dự thảo. Giải trình không chỉ báo cáo, thuyết minh, thuyết trình về hoạt động của nhà trường mà quan trọng hơn phải là trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật" - PGS.TS Chu Hồng Thanh nêu quan điểm.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Trách nhiệm giải trình của trường học là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động
Cùng quan điểm với PGS.TS Chu Hồng Thanh, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học (Học viện Quản lý Giáo dục), cần tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho nhà trường, tăng vai trò ra quyết định của cấp trường học gắn liền với các hệ thống thông tin trách nhiệm giải trình.
" Trách nhiệm giải trình của trường học là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà nhà trường đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý và thực hiện công việc; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích cho những các hoạt động của nhà trường và tác động của nó.
Tùy theo quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà trường trong việc trao quyền tự chủ mà các hệ thống giải trình có thể khác nhau" - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trao đổi.
Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, quyền tự chủ cho nhà trường là một phần của cơ chế phân cấp quản lý hệ thống giáo dục. Mục tiêu của việc trao quyền quản trị cho nhà trường là nhằm nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục.
Trường học tự chủ là trường học được giao quyền ra các quyết định về việc phân bổ các nguồn lực cho giáo dục, bao gồm:
Thứ nhất là quyền lực: Ban hành các quyết định
Thứ hai là tri thức, học thuật: Mục tiêu giáo dục, chương trình, tài liệu học tập
Thứ ba là cơ sở vật chất, kỹ thuật: Trường, lớp, sân bãi, các phương tiện dạy học,...;
Thứ tư là nhân lực: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
Thứ năm là tài chính: Các nguồn kinh phí, tài chính.
PGS.TS Trần Văn Tớp: Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban Giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và (không phải là hoặc) được đào tạo về quản trị đại học.
Đề xuất tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường
Trong dự thảo Luật không định tuổi, nhưng dễ áp dụng máy móc theo các văn bản quy định pháp luật khác. Do đó phải nới độ tuổi của chủ tịch Hội đồng trường, còn trong biên chế (ví dụ kéo dài theo Nghị định 141).
PGS.TS Trần Văn Tớp
Đề cập đến nội dung Hội đồng trường, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường. Hiện nay, hầu hết các trường, Chủ tịch Hội đồng trường chưa hề tham gia quản lý cấp Ban giám hiệu mà thường là cấp trưởng phòng.
Trong Dự thảo Luật, quy định chỉ cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm hoặc được đào tạo về quản trị đại học; PGS.TS Trần Văn Tớp - kiến nghị: Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban Giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và (không phải là hoặc) được đào tạo về quản trị đại học.
"Cũng phải xem xét Điều 18 về Hội đồng đại học cũng cần chỉnh sửa, bổ sung các nội dung cụ thể hơn cho nhất quán như quy định cho Hội đồng trường. Ví dụ Hội đồng đại học cũng tổ chức thực hiện quy trình bầu Giám đốc, quyết nghị kế hoạch tài chính,
Đối với các trường đại học thành viên của Đại học quốc gia, đại học vùng thì quan hệ giữa Hội đồng đại học, Ban Giám đốc với Hội đồng trường thành viên thế nào? Hiệu trưởng trường thành viên phải tuân theo Nghị quyết của Hội đồng đại học, Ban Giám đốc và Hội đồng trường.
Do đó, nếu thực hiện theo mô hình này thì quan hệ này phải làm rõ trong quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường và Hội đồng đại học" - PGS.TS Trần Văn Tớp trao đổi.
Theo Giaoducthoidai.vn
Trao quyền tự chủ cho trường phổ thông: Tiền đề để đổi mới Khi nói về các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong Chương trình GDPT tổng thể có một yêu cầu là nhà trường được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Đây là yếu tố cơ bản thúc đẩy trường học có thể tạo ra những tiền đề tốt hơn cho dạy và học....