OPEC kêu gọi COP29 tập trung hơn vào vấn đề cắt giảm lượng khí thải
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 20/11, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais đã nêu bật vai trò quan trọng của dầu mỏ và khí đốt tư nhiên, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đàm phán về sự nóng lên toàn cầu nên tập trung vào vấn đề cắt giảm khí thải, chứ không phải việc lựa chọn nguồn năng lượng.
Tổng Thư ký OPEC Haitham al-Ghais. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Al-Ghais nêu rõ: “Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tác động đến cách chúng ta sản xuất, đóng gói và vận chuyển thực phẩm cũng như cách chúng ta thực hiện các nghiên cứu, sản xuất, phân phối và cung cấp vật tư y tế”. Tổng thư ký OPEC cho rằng các chính phủ trên thế giới, vốn đã nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp tại COP21 diễn ra ở Paris (Pháp) vào năm 2015, có thể đạt được các mục tiêu khí hậu của mình mà không cần phải xa lánh dầu mỏ, vì trọng tâm của Thỏa thuận Paris là giảm lượng khí thải, chứ không phải chọn nguồn năng lượng. OPEC từng khẳng định các công nghệ như thu giữ carbon có thể giải quyết các tác động khí hậu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, ông Mohamed Hamel, Tổng thư ký Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), một nhóm các quốc gia xuất khẩu khí đốt, cũng đã có bài phát biểu tại COP29 nhằm bày tỏ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Ông Hamel lưu ý rằng khi dân số thế giới tăng lên, nền kinh tế mở rộng và điều kiện sống của người dân được cải thiện, thế giới sẽ cần nhiều khí đốt tự nhiên hơn, chứ không phải ít hơn. Ông cũng bày tỏ hy vọng một thỏa thuận tại COP29 về tài chính khí hậu quốc tế sẽ cho phép hỗ trợ các dự án khí đốt tự nhiên để giúp các quốc gia chuyển đổi khỏi nhiên liệu bẩn hơn như than đá.
Tổng thư ký GECF nhận định kết quả của COP29 sẽ tạo điều kiện tài chính cho các dự án khí đốt tự nhiên và phát triển các công nghệ sạch hơn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, khẳng định điều này sẽ góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng toàn diện và có trật tự để không ai bị bỏ lại phía sau.
Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng vào đầu những năm 2030, thế giới có thể phá vỡ mức giới hạn nóng lên toàn cầu 1,5 độ C, ngưỡng mà các tác động khí hậu thảm khốc có thể xảy ra. Còn theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới có thể sẽ chứng kiến mức nóng lên toàn cầu tới 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này.
OPEC 'lạc lối' giữa sóng gió toàn cầu
Năm nay, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là OPEC ) đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý nguồn cung lẫn biến động của giá dầu.
Hình ảnh 3D về biểu tượng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ban đầu, một số thành viên trong nhóm đã sản xuất vượt mức, làm giảm hiệu quả của các đợt cắt giảm sản lượng từ các quốc gia khác trong liên minh. Sau đó, vào mùa hè, khi các dữ liệu tiêu thụ thực tế của quý I và quý II được công bố, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc không đạt được như kỳ vọng của OPEC.
Cuối năm, khi các quốc gia thành viên OPEC và các đồng minh thông báo sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 1/2025, họ lại phải đối mặt với một sự kiện mới: ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu
Tình hình kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách của OPEC . Nhóm này đã thực hiện chương trình cắt giảm sản lượng, nhưng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khiến nhu cầu dầu yếu hơn dự kiến. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng đến các hoạt động xây dựng và tiêu thụ dầu diesel tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự gia tăng doanh số bán xe điện (EV) và xe tải sử dụng LNG cũng tác động tiêu cực đến nhu cầu "vàng đen".
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2024 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), OPEC đã bất ngờ trước sự gia tăng của xe điện tại Trung Quốc. Ngày 12/11, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025, do nhu cầu tại Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác yếu hơn. Đây là lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của OPEC về nhu cầu dầu năm 2024.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2025 xuống còn 1,54 triệu thùng/ngày từ mức 1,64 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc chiếm phần lớn trong lần điều chỉnh giảm cho năm 2024. Cụ thể, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc xuống còn 450.000 thùng/ngày từ mức 580.000 thùng/ngày.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết sự suy yếu nhu cầu dầu tại Trung Quốc và đà tăng doanh số bán xe điện sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian tới. Ông Birol nhận định năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu yếu hơn rất nhiều so với các năm trước, và tình trạng này là nhu cầu của Trung Quốc suy giảm.
Dữ liệu nhập khẩu dầu thô chính thức của Trung Quốc cũng không mấy khả quan đối với OPEC. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng Mười, Trung Quốc đã nhập khẩu 10,53 triệu thùng dầu/ngày. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp nhập khẩu dầu thô không đạt mức nhập khẩu của cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu trong tháng 10/2024 giảm 9% so với tháng 10/2023 và thấp hơn 2% so với mức nhập khẩu 11,07 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2024.
Thách thức từ nước Mỹ
Ngoài sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc, OPEC còn phải đối phó với những bất ổn và rủi ro liên quan đến nhu cầu và nguồn cung dầu khi ông Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ. Ông Trump dự kiến sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, một quốc gia thành viên OPEC. Nguồn cung dầu từ Iran thấp hơn có thể giúp giá dầu tăng nếu nhu cầu vẫn duy trì.
Tuy nhiên, các chính sách khác mà ông Trump đưa ra như áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu dầu giảm.
Các mức thuế trên có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, khiến nhu cầu dầu giảm tới 500.000 thùng/ngày vào năm 2025, chiếm một phần ba dự báo hiện tại của công ty phân tích dữ liệu Wood Mackenzie về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới. Ông Simon Flowers, Chủ tịch và Giám đốc phân tích của WoodMac, cho rằng trong kịch bản trên, giá dầu sẽ giảm từ 5 - 7 USD/thùng so với mức hiện tại, nếu không có những rủi ro khác như việc leo thang xung đột tại Trung Đông.
Mặc dù ông Trump là người ủng hộ ngành công nghiệp dầu khí Mỹ, nhưng theo các nhà phân tích sản lượng dầu của nước này khó có thể tăng mạnh hơn so với hiện tại.
Hơn nữa, ông Flowers cảnh báo việc áp thuế có thể khiến các nhà sản xuất và các công ty dịch vụ ở Mỹ đối mặt với chi phí cao hơn. Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết dù chính quyền mới sẽ có quan điểm tích cực hơn đối với ngành dầu khí, nhưng triển vọng tăng trưởng sản lượng dầu sẽ chủ yếu phụ thuộc vào giá cả.
Trước viễn cảnh thiếu chắc chắn về nguồn cung lẫn nhu cầu dầu toàn cầu, OPEC có thể phải điều chỉnh chính sách sản xuất thường xuyên hơn so với dự định.
Iran tăng mạnh sản lượng dầu để hỗ trợ nền kinh tế Ngày 4/11, trang web Shana của Bộ Dầu mỏ Iran đưa tin chính phủ nước này đã phê duyệt kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 250.000 thùng/ngày để hỗ trợ cho nền kinh tế quốc gia. Một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN Hội đồng Kinh tế Iran đã phê duyệt quyết định tài trợ cho kế hoạch tăng...