Ông Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp về Covid-19, 170.000 người tham dự
Phát biểu trong hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 170.000 người, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ thực hiện các hành động cấp bách trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo SCMP, hội nghị trực tuyến hôm 23/2 có sự tham gia của 170.000 cán bộ và quân nhân. Tại hội nghị, ông Tập vạch ra kế hoạch ngăn chặn dich bệnh, đồng thời cảnh báo Covid-19 sẽ gây ra những tác động nhất định tới kinh tế đất nước.
“Đây là một cuộc khủng hoảng và cũng là một thử nghiệm lớn”, ông Tập nói, cho biết tình hình chống dịch vẫn đang phức tạp nhưng những thay đổi tích cực đang diễn ra.
Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg)
“Hiệu quả của công tác phòng ngừa và kiểm soát một lần nữa cho thấy lợi thế đáng kể của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa Trung Quốc”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.
Đây là lần thứ 2 ông Tập nói chuyện với các cán bộ thông qua một hội nghị trực tuyến. Hồi tháng 1, ông từng chủ trì một cuộc họp quy mô lớn tương tự để nhấn mạnh lòng trung thành chính trị và giá trị đảng.
Hu Xijin, tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo, một trong những tham dự hội nghị hôm 24/2 cho biết cuộc họp là cơ hội hiếm có để các quan chức cấp cơ sở trực tiếp nghe hướng dẫn từ Chủ tịch.
“Hội nghị cho phép các đảng viên và cán bộ cơ sở có cơ hội nghe trực tiếp bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư về cách phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh thay vì phải dựa vào các thông điệp được truyền qua hệ thống phân cấp. Tôi thực sự hy vọng những hội nghị như vậy có thể được tổ chức thường xuyên hơn bởi nó giúp giảm bớt những thiếu sót và ngăn biến đổi các thông tin quan trọng được truyền tải”, ông Hu viết.
Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại trường chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore cho rằng bài phát biểu của ông Tập đưa ra chi tiết, cầm tay chỉ việc cho các cán bộ cơ sở về cách họ nên hành động.
SCMP dẫn lời một quan chức Trường Đảng trung ương Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo đảng thường sử dụng các cuộc họp từ xa để phổ biến mệnh lệnh và chỉ thị của họ, nhưng chúng trở nên thường xuyên và quy mô hơn dưới thời Chủ tịch Tập. Trước thời ông Tập, các hội nghị tương tự chỉ thu hút tối đa vài nghìn người tham dự.
Ông này nói rằng giới chức lãnh đạo Trung Quốc rất quan tâm tới việc liệu các chỉ thị của ông Tập có được tuân thủ nghiêm ngặt hay không và các cán bộ cấp dưới cũng quen với việc làm theo chính xác chỉ thị mà Bắc Kinh đặt vào tay họ.
“Ngay cả một cán bộ phụ trách một ủy ban dân cư cũng có thể có quyền hạn lớn. Bạn không thể đi dạo ngoài phố nếu họ không cho phép. Hướng dẫn từ Bắc Kinh có thể sẽ không tới được những người này và một số sẽ không lắng nghe. Đó là lý do ông Tập cần nói chuyện trực tiếp với các cán bộ để đảm bảo họ sẽ tuân theo các chỉ thị của ông ấy“, ông này cho hay.
Video: Hàn Quốc gồng mình chống Covid-19
SONG HY (Nguồn: SCMP)
Theo vtc.vn
Bóng ma virus corona 'tàn phá' ngành du lịch 8,8 nghìn tỷ USD
Trên khắp khu vực, từ Nhật Bản đến Thái Lan, các địa điểm du lịch, khách sạn và cửa hàng trở nên trống vắng, kinh doanh ngưng trệ vì lo ngại sự lây lan của virus corona.
Rừng tre Arashiyama, một trong điểm đến hút khách nhất ở Kyoto, Nhật Bản, giờ đã yên tĩnh tới mức có thể nghe rõ tiếng tre xào xạc trong gió.
Cáp treo Ngong Ping 360 ở Hong Kong bắc qua đảo Lantau đưa hành khách đến một bức tượng Phật nổi tiếng, giờ nằm bất động và trống rỗng.
Toa tàu MRT vắng vẻ ở Hồng Kông. Ảnh: Tyrone Siu/ Reuters.
Ngành công nghiệp đóng góp 8,8 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới
Và tại Siem Reap, nơi có di tích cổ xưa Angkor Wat ở Campuchia, khu nghỉ dưỡng Sala Lodges trước đây luôn bận rộn thì nay, suốt hơn 3 tuần qua, chưa có một đặt phòng mới nào cả.
Virus corona đang gây thiệt hại lớn tới du lịch toàn cầu, ngành công nghiệp đã đóng góp 8,8 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới năm 2018. Một số nhà kinh tế cho rằng dịch bệnh có thể là lực cản lớn nhất ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó chỉ riêng các hãng hàng không dự kiến sẽ mất khoảng 29 tỷ USD doanh thu trong năm nay.
Các quốc gia châu Á gần Trung Quốc, đất nước không chỉ là tâm điểm của sự bùng phát dịch bệnh mà còn là nơi có lượng khách du lịch quốc tế và chi tiêu du lịch quốc tế hàng đầu thế giới, đang hứng chịu thiệt hại nặng nề của cuộc khủng hoảng, và những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng lan rộng. Hôm 23/2, Venice đã cắt ngắn lễ hội hàng năm và chính phủ Italy phải ra lệnh cách ly 10 thị trấn ở khu vực Lombardy sau khi có nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới ghi nhận tại đây.
Trong những năm gần đây, các quốc gia ở Đông Nam Á đã đầu tư rất nhiều vào các khu nghỉ dưỡng và sòng bạc để chiều lòng khách du lịch Trung Quốc. Hiện tại, các hãng hàng không, khách sạn và công ty du lịch đang phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu huỷ chuyến và giảm số lượng đặt phòng, chủ yếu từ Trung Quốc đại lục, nhưng bên cạnh đó cũng từ du khách phương Tây lo sợ về sự lây lan của virus trong khu vực.
Theo một phân tích của Animesh Kumar, Giám đốc mảng du lịch tại GlobalData, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc, bao gồm Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore..., mỗi nước dự kiến sẽ mất ít nhất 3 tỷ USD doanh thu liên quan đến du lịch, chủ yếu là do sự vắng mặt của khách du lịch từ quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng cũng vì nhiều khách du lịch từ các quốc gia khác e ngại du lịch bất cứ nơi nào gần Trung Quốc.
Một báo cáo tuần trước từ Hopper, ứng dụng đặt vé máy bay và khách sạn, cho thấy số lượt tìm kiếm các chuyến bay đến các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, của người Mỹ sụt giảm mạnh; nhu cầu đặt vé tới Malaysia và Singapore giảm khoảng 20%. Công ty cho biết người Mỹ chuyển sang lựa chọn các điểm đến trong nước hơn là quốc tế.
Du khách Trung Quốc đã phá kỷ lục 150 triệu chuyến đi nước ngoài và chi hơn 277 tỷ USD cho du lịch quốc tế vào năm 2018. Nhưng năm ngoái, tình hình đã chững lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đến nay, du lịch Trung Quốc thực sự dừng lại khi dịch Covid-19 khiến chính phủ cấm các du lịch ra nước ngoài và hàng chục hãng hàng không quốc tế đã đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục.
Đường Hanamikoji ở Gion, Kyoto, Nhật Bản vắng vẻ vì du khách lo sợ trước sự lây lan của virus. Ảnh: Getty Images
Khi virus tiếp tục lây lan, CDC (Mỹ) vào ngày 22/2 đã đưa ra cảnh báo cấp độ 2 đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, khuyến cáo những người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính xem xét "hoãn việc đi lại không cần thiết". Tuần trước, Hong Kong đã được nâng mức cảnh báo lên cấp độ 1, khuyến cáo du khách nên thực hiện các biện pháp đề phòng như rửa tay và tránh tiếp xúc với người bệnh.
Giữa cơn sốt du lịch Nhật Bản, tháng hai ở Kyoto thường đông đúc khách du lịch, phần lớn là người Trung Quốc du lịch theo tour, ngắm hoa anh đào. Du khách Trung Quốc mang lại một phần tư con số kỷ lục 32 triệu lượt khách đến Nhật Bản trong năm 2018. Tuy nhiên, năm nay, các ngôi đền Chion và Nison nổi tiếng vắng bóng du khách. Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, đã kêu gọi công chúng nên tránh những cuộc tụ tập không cần thiết.
"Yên tĩnh như một nghĩa trang"
Tại Hong Kong, người đứng đầu Tổng cục Du lịch, Dane Cheng, cho biết ngành du lịch sẽ chịu tổn hại nặng nề hơn so với khi dịch SARS tấn công nước này và Trung Quốc đại lục 17 năm trước. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, mỗi ngày chỉ có 3.000 khách du lịch đến thăm Hong Kong. Vào tháng 1, trung bình thành phố có khoảng 65.000 khách du lịch mỗi ngày, một con số giảm mạnh do nhiều tháng biến động và nền kinh tế bị thu hẹp.
"Đây là một sự sụt giảm mạnh", ông nói, "Lần này nó không chỉ là Hong Kong, mà là tất cả hoặc hầu hết châu Á".
Tại Hong Kong, nơi ghi nhận 68 trường hợp nhiễm bệnh mới, các địa điểm du lịch do chính quyền quản lý như Bảo tàng Nghệ thuật Hong Kong, Công viên giải trí Sinh vật biển Ocean Park và cáp treo Ngong Ping 360 đã bị đóng cửa. Các sự kiện như Art Basel Hong Kong cũng bị hủy bỏ.
Tim Cheung, người phát tờ rơi cho một nhà hàng ở Lan Kwai Fong, khu phố đêm nổi tiếng của Hong Kong, cho biết các doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình và bây giờ còn tệ hơn, với việc kinh doanh giảm tới 70-80% từ Tết Nguyên đán.
"Về cơ bản, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai," anh nói. "Tôi có thể mất việc. Tôi sẽ đi làm thêm một ngày nữa miễn là tôi có thể. Nhiều người Hong Kong cũng đang trong tình cảnh như thế này".
Singapore, nơi xác nhận 89 trường hợp nhiễm virus corona, đã công bố khoản viện trợ trị giá vài tỷ USD dành cho các hộ gia đình và các ngành bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh như hàng không và du lịch.
Sân Bay Changi, Singapore vẫn mở cửa nhưng vắng vẻ, khác với sự đông đúc, bận rộn trước đây. Ảnh: Edgar Su/ Reuters.
Jewel, khu phức hợp thiên nhiên tại sân bay Changi, tại vị trí thác nước trong nhà Rain Vortex, trước đây thường có rất nhiều người chen lấn chụp ảnh, nay lại vắng hoe. Nhân viên Apple Store còn đông hơn khách đến cửa hàng.
Jeanne Liu, chủ cửa hàng Rich & Good Cake Shop tại Jewel, cho biết việc kinh doanh đã giảm sút tới một nửa. "Tâm trạng chung hiện rất chán nản, và mọi người không đến những nơi mà họ cho là đông đúc," cô nói.
Ở Siem Reap, điểm đến "hot" nhất nhì tại Campuchia, sân bay vắng tanh với các tuyến check-in và an ninh chỉ lác đác bóng người.
Arne Lugeon, 56 tuổi, chủ sở hữu người Pháp và là Tổng Giám đốc của Sala Lodges, cho biết từ giữa tháng hai, 11 ngôi nhà gỗ truyền thống của họ đã không có người đặt trong ba tuần, mặc dù tháng hai là mùa cao điểm du lịch. "Tôi chỉ có thể hy vọng virus này sẽ sớm được ngăn chặn và dịch bệnh sẽ kết thúc sớm".
Fabien Martial, 46 tuổi, đồng sở hữu Khách sạn Viroth, cho biết: "Trong dịp Tết Nguyên đán, 70% khách hàng của chúng tôi đến từ Trung Quốc, nhưng năm nay tất cả đều hủy phòng. Khách sạn gần như đã trống không trong vài ngày".
Khu phố Tàu ở Sihanoukuville, Campuchia vắng vẻ, yên lặng. Ảnh: Matthew Tostevin/ Reuters.
"Tôi đã kinh doanh khách sạn ở đây qua dịch SARS, cúm gia cầm và bất ổn chính trị. Tôi đã học được cách kiên nhẫn và chịu đựng. Kinh doanh và du lịch sẽ trở lại".
Tại Thái Lan, nơi có nhiều khách du lịch Trung Quốc nhất ở Đông Nam Á với hơn 10 triệu lượt năm 2018, Siriwan Saensuwan, 65 tuổi, người bán quần áo ở Platinum Mall, Bangkok cho biết trung tâm vốn thường nhộn nhịp vào thời điểm này trong năm suốt một thập kỷ. Nhưng trong vài tuần qua, "nó yên tĩnh như một nghĩa trang".
Phép màu ở tâm dịch Vũ Hán
Đã hơn một tháng kể từ ngày Vũ Hán bị cách ly, đánh dấu cuộc chiến chưa có hồi kết với dịch bệnh do virus corona (Covid-19) gây ra.
Theo news.zing.vn
WHO: Thế giới phải chuẩn bị cho 'nguy cơ đại dịch' Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch virus corona mới đã "đạt đỉnh" tại Trung Quốc, nhưng số ca nhiễm tăng vọt ở những nơi khác đang gây ra "lo ngại sâu sắc". Sự lây lan của dịch virus corona (Covid-19) vẫn chưa được chặn đứng. Trong ngày 24/2, liên tiếp 5 nước thông báo phát hiện...