Ông bố sáng tạo cách học hàng chục nghìn từ tiếng Anh
Trước khi sáng tạo phương pháp Nhị Ngữ, anh Tiến Nùng học nhiều khóa tiếng Anh đắt đỏ, nhưng “không ăn thua”, nghĩ “thế này chắc hỏng, không học được”.
Nhận được lời mời tham dự dự án kinh doanh dịp đầu năm mới, anh Nguyễn Tiến Nùng, 47 tuổi, ở Hà Nội, từ chối vì muốn chuyên tâm xây dựng hai chủ đề Sinh học – Hóa học và Luật pháp – Nền kinh tế trong phần mềm học tiếng Anh theo phương pháp Nhị Ngữ. Từ khi sáng tạo ra cách học này, ông bố có hai con trai gần như gác lại toàn bộ công việc liên quan đến kinh doanh, luật, vốn là hai lĩnh vực đúng chuyên môn, để tập trung phát triển phương pháp học tiếng Anh mới.
“Với tôi, Nhị Ngữ là niềm vui, cũng là mục tiêu quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại. Tôi muốn hoàn thiện và giới thiệu cách học này tới nhiều người, muốn giúp thay đổi cách học tiếng Anh không hiệu quả hiện nay”, anh Nùng nói.
Anh Nguyễn Tiến Nùng trong chuyến du lịch Tam Đảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sinh ra ở Hải Dương, năm 11 tuổi, anh Nùng chuyển đến Hải Phòng sinh sống. Không nhập được hộ khẩu thành phố, anh theo học bổ túc, không có điều kiện học bất cứ ngoại ngữ nào. Vốn thích học các môn tự nhiên, anh Nùng nhanh chóng trở nên nổi trội tại trường. Tốt nghiệp cao nhất trường với 36,5 điểm cho bốn môn thi, anh được cô giáo dạy Hóa khuyên “nên học đại học”.
Từ 1993 đến 2010, anh Nùng lần lượt tốt nghiệp cử nhân Đại học Luật, lấy bằng thạc sĩ Luật kinh doanh quốc tế của Đại học Tours Rabelais và thạc sĩ Quản trị dự án của Đại học Nantes, Pháp. Ngoài ra, anh còn theo học Đại học Kinh tế quốc dân, Trung tâm Pháp – Việt đào tạo về Quản lý thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, cao học Biên – phiên dịch tiếng Pháp thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế và cao học luật liên kết giữa Đại học Luật Hà Nội với Đại học Panthéon Assas, Pháp. Suốt thời gian này, anh chỉ học chương trình tiếng Pháp và tự học một chút tiếng Anh.
Khi làm việc cho một công ty bảo hiểm của Mỹ, anh chủ yếu nói tiếng Anh “bồi” kiểu Pháp, kết hợp với ngôn ngữ hình thể. Vì kém tiếng Anh, anh vẫn nhớ mãi tình huống xấu hổ trong chuyến đi tới Australia năm 2012. Khi dùng bữa tại nhà hàng gần cảng Sydney, anh muốn xin thêm chiếc dĩa nên tới gặp người phục vụ, ấp úng nói từng từ “Would you give me a fork, please?” (Anh có thể mang giúp tôi một chiếc dĩa không?). Người phục vụ cau mày, tỏ rõ bực dọc nhưng vẫn trở vào bếp, lấy chiếc dĩa rồi đặt mạnh xuống bàn anh Nùng, nói “Fork, please”.
“Lúc đó, tôi xấu hổ và không hiểu sao họ lại bực thế, không biết mình nói gì sai hay không”, anh Nùng kể. Nhiều năm sau, đến khi tìm ra cách học tiếng Anh bằng Nhị Ngữ, anh cho rằng mình dài dòng, sử dụng câu không đúng ngữ cảnh, làm mất thời gian của người phục vụ nên anh ta bực. Như câu người phục vụ nói khi đập dĩa xuống bàn, chỉ “Fork, please” là đủ, ngắn gọn mà vẫn lịch sự.
Động lực phải thoát khỏi trình độ tiếng Anh “làng nhàng” đến với anh Nùng vào năm 2017. Anh muốn mở văn phòng luật riêng, chuyên tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài nên cần tiếng Anh trình độ cao chứ không thể “bồi”. Cùng với đó, thấy hai con trai đi học thêm ngoại ngữ nhiều nhưng vẫn không biết những từ đơn giản như “kéo rèm”, “ăn hết”, người bố càng quyết tâm hơn.
Để bắt đầu, anh lên mạng mò mẫm nhiều trang web, khóa học để tự luyện, nhưng “chỉ được vài hôm là quên”. Anh đầu tư, bỏ tiền mua nhiều khóa học được đánh giá cao cấp, nhưng vẫn “không ăn thua”. Lúc đó, anh đã ngoài 40 tuổi nên việc tiếp thu khó khăn hơn rất nhiều. “Sau nhiều tuần không nhớ được gì nhiều, tôi nghĩ thế này chắc hỏng, không học được”, anh Nùng kể.
Trong lúc bí bách, anh nhớ đến trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực máy tính khi mới đi làm, băn khoăn tại sao hệ nhị phân trong tin học chỉ có hai số nhưng mã hóa được nhiều thứ. Từ đó, anh đặt câu hỏi “Thay vì học từng từ, tại sao không học hai từ, cụm từ tiếng Anh cùng lúc?”. “Việc này tưởng chừng khó hơn nhưng nếu hai từ có liên quan theo một nguyên tắc nào đó, việc ghi nhớ chắc chắn dễ hơn”, anh Nùng tự nhủ.
Video đang HOT
Ông bố ngoài 40 tuổi gọi tên cách học này là Nhị Ngữ – Bilet, nghĩa là học ít nhất hai từ, cụm từ, câu cùng lúc dựa trên nguyên tắc về ngữ nghĩa, phát âm… và được người bản ngữ thường xuyên sử dụng. Chẳng hạn, “for here or to go” (dùng đồ tại cửa hàng hay mang đi), “import” – “export” (nhập khẩu – xuất khẩu). Đôi khi, Nhị ngữ lên đến 7 từ gồm: “red”, “orange”, “yellow”, “green”, “blue”, “indigo”, “violet” (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) là bảy màu của quang phổ, tương tự cầu vồng.
Tìm được cách học mới, anh Nùng tập trung liệt kê các từ, cụm từ theo từng nhóm chủ đề như: cơ thể người, động vật, rau củ quả… và cách dùng câu hoàn chỉnh do người bản ngữ sử dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc lưu trữ trong bộ nhớ máy tính, anh Nùng không thể chia sẻ tới nhiều người. Sau gần một năm tự mày mò và xây dựng được hơn chục nghìn từ, cụm từ, anh liên hệ với các nhóm công nghệ, đề nghị hợp tác để đưa các cặp Nhị Ngữ vào phần mềm.
Lựa chọn logo là hình hai vòng tròn lồng nhau, tạo thành hình trái tim, anh Nùng muốn nói lên tâm huyết của mình. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, nhóm công nghệ ban đầu không thể xây dựng thành công phần mềm như anh mong muốn. Ông bố một lần nữa tưởng sẽ thất bại, “chắc là hỏng” vì “đây là nhóm có trình độ cao mà còn không thể làm được”.
Anh Nùng thừa nhận nhiều lần muốn bỏ cuộc do phía trước quá mờ mịt, “không biết đâu mà lần”. Thời điểm khó khăn nhất, động lực kéo anh lại là hai con trai. Khi được bố chia sẻ cách học này, hai em học nhanh, nhớ được thêm nhiều từ mới. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhoài, trở về nhà và thấy các con thích thú hỏi hôm nay bố có thêm cặp từ nào, anh Nùng như được tiếp thêm sức mạnh.
Cùng với đó, anh có niềm tin mạnh mẽ về việc tạo ra một sản phẩm giúp người Việt cải thiện trình độ tiếng Anh. “Tôi cho rằng học là cách tốt nhất để thay đổi số phận của một người và giáo dục là công cụ hữu hiệu nhất để thay đổi vận mệnh của quốc gia. Trong giai đoạn ban đầu, tiếng Anh chính là phương tiện để chúng ta vươn lên mạnh mẽ”, anh Nùng nói.
Anh Nùng quyết tâm quay lại hoàn thiện phần mềm học tiếng Anh theo phương pháp Nhị Ngữ. Sau khi tiếp xúc đến nhóm công nghệ thứ sáu, anh Nùng mới tìm được tiếng nói chung và ưng ý với sản phẩm được làm ra. Phần mềm được thiết kế đơn giản, đặt tiêu chí thân thiện với người dùng lên hàng đầu. Khi tìm kiếm bất kể cặp Nhị ngữ nào, phần mềm sẽ hướng dẫn cách đọc và hiển thị hình ảnh, cách dùng của người bản ngữ.
Sau ba năm hình thành ý tưởng và phát triển phần mềm, hiện anh Nùng đã xây dựng được 15.000 cặp Nhị Ngữ, tương đương 30.000 từ và cụm từ cho hơn 30 nhóm chủ đề. Để xây dựng một nhóm chủ đề, anh thường mất nhiều tháng nên gác lại các dự án luật, kinh doanh để chuyên tâm hoàn thiện. Một số bạn bè không rõ anh đang thực sự theo đuổi điều gì, khuyên “thôi bỏ đi” vì kết quả đồng nghĩa với lợi nhuận. Thế nhưng, anh Nùng cho rằng việc mình đang làm hướng đến giáo dục, tạo ra giá trị lâu dài chứ không thể đạt kết quả trong ngày một, ngày hai.
Anh Nùng trong buổi ra mắt, giới thiệu phương pháp Nhị ngữ – Bilet và phần mềm học với thầy cô, phụ huynh trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 12/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dấu ấn đầu tiên của Nhị Ngữ – Bilet đến với anh Nùng trong những ngày cuối năm 2020 khi được giới thiệu phương pháp học và phần mềm với giáo viên, phụ huynh trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Một giáo viên tiếng Anh của trường Nghĩa Tân đánh giá phần mềm Nhị ngữ giải quyết phần lớn việc học từ vựng tiếng Anh của học sinh, nhiều em yếu và chán nản khi học nhồi nhét.
Được tiếp cận với Nhị Ngữ, các em hứng thú và chủ động hơn trong quá trình học do được chọn chủ đề mình muốn tìm hiểu. “Khi tôi giới thiệu với phụ huynh và học sinh, đặc biệt là những em ở lớp song bằng, tôi thấy nhiều người hào hứng. Thông qua việc học từ, phương pháp này còn giúp người học mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực”, cô nói.
Thời gian tới, anh Nùng đặt mục tiêu hoàn thành các cặp Nhị Ngữ tại hai nhóm chủ đề Sinh học – Hóa học và Luật pháp – Nền kinh tế, đồng thời phát triển phiên bản của phần mềm dùng trên máy tính để tiện cho giáo viên trình chiếu, giảng bài. “Với trải nghiệm bản thân, tôi tin rằng Nhị Ngữ có thể giúp người học lưu loát và tự tin trong giao tiếp chỉ sau 100 ngày xây dựng vốn từ. Khi đó, tôi nghĩ mình đã thật sự thành công”, anh Nùng nói.
Phương pháp học tiếng Anh của người nổi tiếng
Arnold Schwarzenegger, cựu thống đốc bang California, Mỹ, xem phim để học tiếng Anh sau khi bị chê giọng khó nghe; ca sĩ Shakira đọc truyện để nắm ngữ pháp.
Arnold Schwarzenegger
Arnold Schwarzenegger sinh ngày 30/7/1947 tại Áo. Năm 21 tuổi, Arnold chuyển đến Mỹ, làm vận động viên thể hình nhưng gần như không biết nói tiếng Anh. Giữa các buổi tập, ông tham gia các lớp học tiếng.
Trong thập kỷ tiếp theo, Arnold tham gia đóng phim tại Hollywood nhưng vai diễn của ông thường bị lồng tiếng. Mọi người nhận xét ông có chất giọng dày, khó nghe. Arnold đã quyết tâm thay đổi giọng tiếng Anh và bứt phá với bộ phim bom tấn Conan the Barbarian vào năm 1982.
Năm 2003, Arnold tranh cử vị trí thống đốc bang California và giành chiến thắng. Ông là một trong những thống đốc được yêu mến nhất tại Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ từ năm 2003 đến 2011, Arnold trở lại Hollywood theo đuổi sự nghiệp diễn viên.
Arnold sẽ không phải cái tên nổi tiếng nếu không nhờ chăm chỉ học tiếng Anh. Vì bị chê giọng dày, ông liên tục luyện nói, sửa đổi đến khi được công nhận. Arnold nhận ra nếu muốn giỏi tiếng Anh, phải "đắm mình" trong ngôn ngữ này.
Ngoài tham gia lớp học tiếng Anh, Arnold đăng ký lớp học ở các lĩnh vực khác để có thể tiếp xúc và lắng nghe tiếng nhiều nhất có thể. Khi mới chuyển đến California, ông làm thêm tại một cửa hàng thể thao để có thể trò chuyện bằng tiếng Anh với khách hàng. Ông cũng chuyển đến New York sống cùng gia đình một người bạn, dành thời gian luyện nói với những đứa trẻ trong nhà.
Arnold Schwarzenegger, cựu thống đốc bang California, Mỹ. Ảnh: TJ Taylor
Penelope Cruz
Sinh ngày 28/4/1974 tại Tây Ban Nha, Penelope là ngôi sao nổi tiếng tại Hollywood. Cô bắt đầu thành công từ bộ phim tiếng Anh đầu tay Hi Lo Country . Năm 2009, Penelope là nữ diễn viên Tây Ban Nha đầu tiên giành giải Oscar cho vai phụ trong bộ phim Vicky Cristina Barcelona .
Penelope thừa nhận học tiếng Anh hơi muộn và vẫn đang trau dồi ngôn ngữ này. Khi bắt đầu sự nghiệp diễn viên nói tiếng Anh, cô học ngữ âm, xây dựng vốn từ riêng. Khi đọc kịch bản, Penelope cố gắng ghi nhớ nội dung, cụm từ quan trọng có liên quan đến công việc diễn viên. Ngay khi không biết nghĩa, cô vẫn cố gắng đọc đúng và diễn cảm các từ. Trong thời gian tập dượt, cô nhờ đồng nghiệp sửa lỗi phát âm hoặc trọng âm.
Penelope chia sẻ từng mắc nhiều lỗi khi học tiếng Anh, cảm thấy xấu hổ vì dùng sai. Tuy nhiên, vượt qua tự ti, cô vẫn tiếp tục học ngôn ngữ này và thành công trong sự nghiệp diễn viên tại Hollywood.
Shakira
Shakira sinh ngày 2/2/1977 tại Colombia. Cô nổi tiếng trong vai trò ca sĩ hát tiếng Tây Ban Nha. Khi quản lý của cô đề nghị dịch một số bài hát tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh, Shakira quyết định học ngôn ngữ này.
Laundry Service , album tiếng Anh đầu tay của Shakira, ra mắt vào cuối năm 2001, bán được hơn 13 triệu bản và nằm top trong bảng xếp hạng album tại Mỹ. Album này đã đưa tên tuổi của Shakira vươn ra toàn cầu.
Lý do khiến Shakira có thể thành thạo tiếng Anh nhờ mục tiêu rõ ràng. Cô muốn trực tiếp sáng tác và quản lý các bài hát tiếng Anh của mình thay vì nhờ cậy vào phiên dịch.
Đầu tiên, Shakira học cách phát âm, ngữ âm của từ, cách nhấn trọng âm hoặc luyến láy theo câu. Sau khi đã thành thạo nghe nói, cô tập trung vào ngữ pháp để tự sáng tác bằng tiếng Anh. Shakira thường đọc các tác phẩm văn học để hiểu về ngữ pháp, văn viết tiếng Anh.
Ca sĩ Shakira. Ảnh: Shutterstock
Bài học ngôn ngữ từ người nổi tiếng
Cả ba người nổi tiếng trên đều biết để thông thạo tiếng Anh là rất khó. Họ liên tục mắc lỗi trong quá trình học nhưng điều này không ngăn cản họ cố gắng hết lần này đến lần khác.
Arnold đọc báo. Penelope đọc kịch bản phim. Shakira đọc sách tiếng Anh. Đây là những ví dụ học tập từ thực tế cuộc sống. Sách giáo khoa có thể hữu ích nhưng hơi nhàm chán trong khi đọc sách, xem phim liên quan đến sở thích cá nhân sẽ thú vị hơn. Người học càng quan tâm đến tài liệu bao nhiêu sẽ càng chăm chỉ và cố gắng tiếp thu bấy nhiêu.
Khi nản lòng, đừng quên nhắc nhở bản thân lý do muốn học tiếng Anh vì nó giúp người học lấy lại động lực. Ba người nổi tiếng trên đều có mục tiêu cụ thể trong đầu khi học tiếng Anh và tập trung theo đuổi mục tiêu.
Cuối cùng, "đắm mình" trong ngôn ngữ là cách tiếp cận tiếng Anh phù hợp. Bạn có thể xem chương trình truyền hình bằng tiếng Anh, tham gia nhóm người bản ngữ hoặc các diễn đàn trực tuyến.
Tự chủ đại học là tất yếu - vướng đâu gỡ đó? Cho đến thời điểm này, việc khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu đã thể hiện, chứng minh bằng thực tiễn, nhiều trường đã có những bước tiến vượt bậc. LTS: Tự chủ đại học được nhiều trường thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó, có trường thực hiện ở từng khâu, từng khoa, từng bộ phận, có...