Ôn thi tốt nghiệp cho học sinh vùng khó: Kinh nghiệm đạt điểm cao
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo và lịch thi tốt nghiệp THPT, các trường học vùng khó đã nhanh chóng điều chỉnh và đưa ra kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp.
HS lớp 12 Trường THPT số 3 Mường Khương (Mường Khương – Lào Cai) trong giai đoạn học và ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Trường CC
Bám sát đề tham khảo
Thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng – Lào Cai) cho biết: Khi có đề thi tham khảo của Bộ, giáo viên (GV) các bộ môn lập tức phân tích cấu trúc, kiến thức và so sánh với kế hoạch dạy học, ôn thi xem đã phù hợp chưa? Xem phần kiến thức nào còn thiếu hoặc chưa đủ thì lên phương án bổ sung. Việc dạy học và ôn tập được yêu cầu bám theo cấu trúc đề minh họa của Bộ.
“Qua quá trình làm thử đề thi minh họa của HS khối 12 cho thấy, số HS đạt điểm 8, 9 không nhiều. Cơ bản HS đạt điểm từ 5-7. Với điểm số trên, 238 HS khối 12 tương đương tỉ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 98%. Như vậy, nếu ôn tập ở giai đoạn nước rút tốt, có sự điều chỉnh phù hợp, bám sát đề tham khảo, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hoàn toàn có thể tăng lên…”- thầy Nguyễn Văn Hiển bày tỏ.
Theo cô Lương Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn (Đồng Văn – Hà Giang), nhà trường trong giai đoạn hoàn thiện chương trình chính khóa. Sang đầu tháng 5 bắt đầu ôn thi tốt nghiệp cho HS khối 12. Tuy nhiên, khi tiếp cận đề tham khảo của Bộ, nhà trường đã yêu cầu GV phân tích cấu trúc, kiến thức để định hướng dạy và ôn tập, giới thiệu đề tham khảo cho HS để có định hướng học, ôn trên lớp và ở nhà phù hợp.
“Trường có 167 HS khối 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 100% HS là người dân tộc, chất lượng đầu vào thấp, năng lực và trình độ HS nhiều hạn chế. Để việc ôn tập cho HS đạt hiệu quả, giáo viên phải làm tốt việc phân chia theo trình độ để dạy và ôn cho phù hợp. Mặt khác, với đa số HS chỉ lấy điểm tốt nghiệp, nhà trường cũng chỉ đạo việc ôn thi cần bám sát kiến thức cơ bản, hạn chế nâng cao…” – cô Lương Thị Ngọc nói.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), trường có 389 HS khối 12 dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Trong đó 5 – 10% HS dân tộc thiểu số, còn lại HS dân tộc Kinh, gia đình HS thuần nông, khó khăn. Do đó, nhà trường phải chủ động và đóng vai trò chính trong công tác ôn tập và động viên HS học thi.
Trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn nghiên cứu, phân tích cấu trúc đề, chữa đề và hướng dẫn HS ôn tập theo cấu trúc đề tham khảo. Cùng với đó, xây dựng ngân hàng đề ôn tập bám sát đề tham khảo của Bộ.
Trường đã thực hiện phân tách HS ôn thi tốt nghiệp theo 2 hướng chính. Nhóm thứ nhất: Chỉ xét tốt nghiệp, bảo đảm cho HS kiến thức đạt điểm trung bình mỗi môn từ 5 trở lên. Nhóm thứ hai: HS có nhận thức và năng lực cao sẽ ôn tập để có 3 môn thế mạnh vào các khối xét tuyển chuyên nghiệp trên 24 điểm.
“Khảo sát chất lượng lần 1 của trường và sở đều không có HS bị trượt tốt nghiệp. Kết quả đó có thể tạm thời yên tâm song nhà trường và GV vẫn xác định làm hết sức mình, không chủ quan và xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp…”, thầy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Video đang HOT
GV và HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng – Lào Cai). Ảnh: Trường CC
Đa dạng giải pháp
Chia sẻ kinh nghiệm để 98 – 100% HS đỗ tốt nghiệp trong các năm học gần đây, thầy Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong quá trình ôn tập luôn chia tách 2 nhóm theo trình độ và nhu cầu khác nhau: Nhóm chỉ để xét tốt nghiệp thì tập trung vào ôn kiến thức nhận biết và thông hiểu đơn giản và không tham vọng điểm số, không nặng nề với ôn kiến thức vận dụng, vận dụng cao… Với HS có năng lực, tiếp thu tốt, ngoài nâng cao, mở rộng để HS có thể làm tốt phần kiến thức vận dụng và vận dụng cao…
Trường cũng động viên GV bộ môn ở lại 15 – 30 phút sau giờ ôn tập trung, mời những HS trong diện cần phụ đạo thêm ở lại để giao bài và lưu ý các nội dung cơ bản của môn thi (kĩ thuật làm bài, kiến thức kĩ năng cơ bản nhất). Với cách làm đơn giản như vậy, nhưng HS có sự tiến bộ đáng kể trong kỳ thi tốt nghiệp.
Thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng chia sẻ: Kết thúc chương trình học chính khóa, trường tiến hành lọc thí sinh qua kết quả 2 lần thi thử để chia nhóm ôn tập (nhóm HS gần trượt; nhóm HS khi đỗ khi trượt). Với nhóm HS này, GV kèm cặp thêm và không thu phí. HS yếu môn nào kèm thêm môn đó, học đâu chắc đó và không đặt ra yêu cầu quá cao.
Đặc biệt, trường sẽ giao và gắn trách nhiệm kèm cặp HS trong nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp đến các tổ chức, công đoàn, đầu mối bộ môn… Như vậy, sẽ giúp các thầy cô chủ động, dành hết tâm hết sức với công tác hỗ trợ HS.
Không những thế, trường còn căn cứ vào điểm các đợt thi thử để lọc thí sinh có nguy cơ trượt, phân loại HS yếu theo môn học để ôn tập. Sau mỗi đợt thi thử sẽ có giải pháp kèm cặp riêng phù hợp với từng nhóm, trình độ HS…
Thầy Phạm Công Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa – Quảng Trị) lại cho biết: 100% HS dân tộc, điểm đầu vào chưa cao, tiếp thu và trình độ HS hạn chế, nguyện vọng chỉ đỗ tốt nghiệp. Đây cũng là lứa HS chịu ảnh hưởng 2 năm liên tiếp dịch Covid-19 nên trường chỉ đặt ra mục tiêu trên 90% HS đỗ tốt nghiệp.
Để HS đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Hướng Phùng chọn GV ôn tập, dạy học cho HS khối 12 là những tổ trưởng, nhóm trưởng, GV có kinh nghiệm nhất. Quá trình ôn tập, chú trọng rèn cho HS kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm, nhất là cách làm các bài thi tổ hợp …; Cho HS làm đi làm lại các đề thi mẫu theo cấu trúc kiến thức đề tham khảo của Bộ, và các đề thi do sở GD&ĐT cung cấp.
Ngoài ra, trong quá trình ôn tập sẽ kiểm tra, nhà trường tiến hành đánh giá hiệu quả thường xuyên để có phương án điều chỉnh kịp thời về cả nội dung, hình thức, kế hoạch ôn tập cho phù hợp…Tất cả nhằm bảo đảm cho học sinh bước vào kỳ thi quan trọng, với tâm thế thoải mái và tự tin nhất.
Trường vùng khó tập trung cao độ ôn thi tốt nghiệp THPT
Dù công tác ôn thi tốt nghiệp THPT chưa vào giai đoạn nước rút song nhiều trường vùng khó đã chủ động lên kế hoạch và tập trung cao độ nhằm hỗ trợ học sinh (HS) đạt kết quả tốt nhất.
GV, HS khối 12 Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà - Lào Cai). Ảnh: NTCC
Nhìn thẳng để điều chỉnh thật
Cô Nguyễn Khánh Chi - Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà - Lào Cai) cho biết nhiều những khó khăn ảnh hưởng tới công tác ôn thi tốt nghiệp như: Chất lượng HS đầu vào trường thấp, số HS đạt từ điểm trung bình trở lên chỉ chiếm 20%, do đó việc dạy để HS đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng chương trình THPT cũng là thách thức lớn đối với nhà trường.
Năm 2020 trường không có HS trượt tốt nghiệp nhưng công tác ôn thi vẫn còn hạn chế như: Nội dung ôn thi một số bộ môn lượng kiến thức khó còn nhiều, giáo viên (GV) chưa mạnh dạn tinh giản theo đối tượng HS. Còn tâm lý sợ không ôn hết kiến thức HS không thi được. Mặt khác, HS lại chưa xác định được mục đích, động cơ học tập, nghỉ nhiều trong giờ ôn thi, kỹ năng làm bài thi hạn chế...
Cũng theo cô Nguyễn Khánh Chi, một số tổ, nhóm chuyên môn chưa phân tích rõ thực trạng HS trước khi đưa ra kế hoạch; thực tế còn nêu chung chung. GV phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch của tổ, nhóm. Chưa có kế hoạch bám sát với HS lớp mình dạy.
Trong việc soạn đề cương ôn tập còn nặng về khối lượng bài tập, GV chưa quan tâm đến việc hệ thống hóa kiến thức, sắp xếp phân loại bài tập theo hướng tăng dần mức độ yêu cầu (từ nhận biết đến vận dụng kiến thức). Hệ thống bài tập, câu hỏi ôn tập còn ít câu vận dụng thực tiễn, các câu liên quan đến thực hành thí nghiệm và các câu hỏi thông qua sơ đồ, hình vẽ, đồ thị...
Thầy Phạm Công Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) chia sẻ: HS của trường hơn 90% là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đời sống kinh tế khó khăn nên nhận thức và ý thức về học tập của HS chưa tốt. Năm trước, dù trường tổ chức ôn tập miễn phí cho HS khối 12 nhưng cũng chỉ có 50% trong tổng số 92 HS khối 12 đến ôn tập...
GV có nhiều nỗ lực trong công tác ôn thi tốt nghiệp, xong ý thức của HS dân tộc chưa cao... dẫn tới tỉ lệ HS tốt nghiệp trường THPT Hướng Phùng nằm trong tốp thấp các trường THPT huyện tỉnh Quảng Trị.
Công tác ôn thi tốt nghiệp được các trường đúc rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Thực tế triển khai tổ chức ôn thi tốt nghiệp ở nhiều trường THPT vùng khó, lãnh đạo các trường cũng chỉ ra thực trạng chung đó là GV khi hệ thống lại kiến thức chỉ thuyết trình một chiều dẫn đến HS ghi nhớ thụ động. Nhiều GV quá tập trung vào giải bài tập cho HS, không đa dạng hóa phương pháp nhằm kiểm tra sự ghi nhớ và tự hệ thống kiến thức của HS.
Thậm chí, một số GV còn chưa thật sự rèn luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm cho HS, chưa chữa bài và đưa ra nhận xét để các em rút kinh nghiệm. Tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm của một số GV ở một số thời điểm chưa thực sự tốt...
Đồng loạt nhiều giải pháp
Cô Nguyễn Khánh Chi - Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà cho biết, năm học này trường đặt mục tiêu 98% HS đỗ tốt nghiệp; 30% HS đỗ ĐH-CĐ. Đồng thời dựa trên phân tích khó khăn chung về đặc điểm HS, công tác tổ ôn tập... sẽ tiến hành đồng loạt các giải pháp.
Trước hết, tổ chức tư vấn, định hướng HS lựa chọn bài thi tổ hợp phù hợp với năng lực và nguyện vọng thông qua đội ngũ GV chủ nhiệm, GV bộ môn và cha mẹ HS.
Tổ chức biên chế lớp theo bài thi tổ hợp phù hợp với năng lực và nguyện vọng của HS. Tập trung hoàn thành chương trình lớp 12 đúng kế hoạch; đảm bảo không cắt xén chương trình theo quy định để tăng thời gian ôn tập.
Nhà trường cũng chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, GV bộ môn xây dựng kế hoạch và đề cương ôn tập bám sát cấu trúc đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm của Bộ GD&ĐT; sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục lớp 10, 11 va 12. Giúp HS học tập nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo hướng đánh giá năng lực HS trên tinh thần phân hóa, bám sát đối tượng, đáp ứng yêu cầu của kì thi tốt nghiệp THPT 2021.
Cùng đó sẽ tổ chức thi thử giúp HS làm quen với các dạng bài thi đồng thời kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập của HS sau thời gian ôn tập, từ đó có phương hướng chỉ đạo để quá trình ôn tập đạt hiệu quả...
Các trường chủ động khảo sát chất lượng và chia nhóm ôn tập.
Thầy Nguyễn Văn Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết: Với đặc điểm đầu vào của HS chưa cao, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trong 2 năm gần đây còn thấp (năm 2019 đạt 75%, 2020 đạt 87%); lứa HS thi tốt nghiệp năm nay cũng chịu ảnh hưởng 2 năm liên tiếp dịch Covid-19 nên chất lượng chưa tốt. Do đó, trường chỉ đặt ra mục tiêu trên 90% HS đỗ tốt nghiệp và xác định đây là nhiệm vụ không dễ dàng, phải tập trung cao độ.
Trước mắt, trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập, trên cơ sở đó phân công GV các bộ môn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mặt khác đã tiến hành rà soát chặt chẽ chất lượng học tập của HS và xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng đối tượng. HS yếu và trống kiến thức ở đâu sẽ bù lấp ở đấy, học tới đâu chắc tới đấy, không dạy kiểu chạy đủ kiến thức chương trình.
Giữa tháng 4 nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát lại chất lượng HS để tiếp tục phân nhóm ôn tập theo lớp. Khi Bộ GD&ĐT có mẫu đề thi minh họa, đề thi thử, GV sẽ ôn tập và cho HS làm, chữa bài tập bám sát cấu trúc đề thi mẫu.
Vì chất lượng HS không cao và cơ bản chỉ có nguyện vọng đỗ tốt nghiệp nên công tác ôn tập sẽ chú trọng đúng tầm kiến thức. Với HS có nguyện vọng ĐH, CĐ sẽ tư vấn thêm cách học và có kế hoạch nâng cao kiến thức phù hợp.
Thầy Phạm Công Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT, nhà trường cử những GV tham gia ôn tập, GV trực tiếp dạy HS lớp 12, tổ trưởng, nhóm trưởng... là những người có kinh nghiệm trong giảng dạy và ôn tập.
Tổ chức ôn tập trên cơ sở các nhóm có trình độ tương đương, đặc biệt chú trọng phù đạo HS yếu kém. Làm tốt công tác tư vấn cho HS chọn và đăng ký bài thi tự chọn phù hợp với năng lực để xét tốt nghiêp THPT.
Rèn cho HS kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm, nhất là cách làm các tổ hợp bài thi và các môn mới tổ chức thi trắc nghiệm; Tổ chức cho HS làm các đề thi mẫu của Bộ, đề thi do Sở GD&ĐT cung cấp. Trong quá trình ôn tập sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả để có phương án điều chỉnh về cả nội dung, hình thức, kế hoạch ôn tập cho phù hợp...
Ôn thi THPT: Rèn tinh thần "thép" cho sĩ tử vùng cao Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT được các trường ở Điện Biên chủ động ngay từ đầu năm học theo hình thức cuốn chiếu. Các trường đều có chung quan điểm sẽ rèn cho sĩ tử tinh thần "thép" trước cửa trường thi... Một buổi ôn tập ngoài giờ cho học sinh nội trú của trường THPT Nậm Pồ, Điện Biên...