Ở Mỹ không có Giáo sư, Phó Giáo sư giảng dạy học sinh chuyên
Ở Mỹ không có tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư giảng dạy cho học sinh tài năng/năng khiếu
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ cho biết:
“Ở Mỹ có hai loại hình Gifted Program (Giáo dục tài năng/năng khiếu).
Một là trường dành cho các học sinh chuyên theo lĩnh vực như: Nghệ thuật, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), …
Hai là các lớp chuyên ở trong một trường.
Chương trình giáo dục tài năng/năng khiếu của Mỹ có đa dạng các lĩnh vực từ học thuật đến nghệ thuật, thể thao, … “
Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tùy thuộc vào nhu cầu nghề nghiệp, nguồn lực ở mỗi tiểu bang, học khu sẽ có một số khác biệt nhất định về số lượng, quy mô trường chuyên, lớp chuyên và cách thức lựa chọn học sinh tài năng/năng khiếu.
Mô hình lớp giáo dục tài năng/năng khiếu thuộc các trường công, còn trường chuyên có thể thuộc công lập hoặc tư thục.
Cô Thu Hồng cho biết nguồn kinh phí đầu tư cho các lớp, trường chuyên thuộc công lập đến từ ngân sách nhà nước, những người dân ở khu vực đó. Còn với trường chuyên tư thục do phụ huynh đóng góp.
Điểm khác biệt căn bản giữa chương trình tài năng/năng khiếu và chương trình cơ bản là nguồn tài nguyên về tri thức mà học sinh được tiếp cận. Việc lựa chọn học sinh cho các chương trình tài năng/năng khiếu nhằm mục đích giúp các em có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh của mình.
Ví dụ với những em có năng khiếu về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) sẽ được học sâu hơn, tiếp cận nhiều kiến thức về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó học sinh sẽ thực hiện các dự án, được rèn luyện nhiều hơn về các kỹ năng như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, …
Video đang HOT
Các bài giảng sẽ có độ khó cao hơn hơn so với chương trình cơ bản, từ đó tạo được hứng thú học tập cho học sinh.
Tuy nhiên giữa hai loại hình này không có sự khác biệt nhiều về điều kiện cơ sở vật chất vì nền giáo dục của Mỹ hướng đến cơ hội học tập cho tất cả các đối tượng.
Học sinh thuộc chương trình tài năng/năng khiếu được tiếp cận với kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực các em yêu thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở Mỹ không có giáo sư giảng dạy học sinh chuyên
Cô Thu Hồng chia sẻ: “Ở Mỹ không có tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư giảng dạy cho học sinh tài năng/năng khiếu. Người đã công tác ở các trường đại học sẽ không về dạy các bậc học dưới.”
Để dạy các chương trình tài năng/năng khiếu, giáo viên phải có chứng chỉ đã hoàn thành khóa học này tại các trường đại học. Tùy theo nhu cầu của những trường có lớp chuyên, trường sẽ cử và trả chi phí cho giáo viên đi học. Hoặc những thầy cô có nhu cầu dạy học sinh tài năng/năng khiếu thì sẽ tham gia khóa học tại trường đại học có chương trình đó nhưng phải tự trả toàn bộ chi phí.
Năm 2021 cô Thu Hồng được trường cử đi học lấy chứng chỉ dạy học sinh tài năng/năng khiếu – Gifted endorsement.
Cô Thu Hồng chia sẻ: “Khóa học kéo dài khoảng 1 năm. Khối lượng kiến thức rất nhiều có thể tương đương với một tấm bằng thạc sĩ.”
Khóa học để lấy chứng chỉ dạy học sinh tài năng/năng khiếu bao gồm những nội dung như:
Chiến thuật giảng dạy cho các nhóm đối tượng học sinh. Vì mỗi em có tính cách khác nhau em có năng lực nhưng lại thiếu động lực, học sinh giỏi về học thuật, có những em vừa là học sinh tài năng/năng khiếu vừa thuộc nhóm giáo dục đặc biệt ví dụ như: Mắc hội chứng tự kỷ, tăng động suy giảm trí nhớ, … thì cần phương pháp giảng dạy riêng.
Ngoài ra giáo viên được học cách phát hiện ra năng khiếu của học sinh thuộc về lĩnh vực gì, cách xây dựng bài thi đầu vào cho các em, điểm bao nhiêu thì đủ tiêu chuẩn, …
Giáo viên còn được cung cấp thêm các cách giúp bố mẹ hỗ trợ trẻ tài năng/năng khiếu tại nhà, …
Mời giáo sư về dạy trường chuyên sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong cơ cấu ngành giáo dục
Thạc sĩ Thu Hồng cho rằng việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên sẽ gây ra sự bất hợp lý. Vì phương pháp học tập ở bậc trung học khác với bậc đại học. Thêm vào đó có nhiều sự khác biệt về tâm sinh lý giữa học sinh và sinh viên đại học.
Ở bậc đại học, sinh viên tự học dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Ở bậc trung học, học sinh cần được thầy cô chỉ bảo nhiều hơn. Vì vậy, việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy cho học sinh chuyên thì sẽ mất thời gian và tiền bạc để phổ biến phương pháp giảng dạy.
Thêm vào đó, những giảng viên có học hàm, học vị như thế thường có thiên hướng nghiên cứu. Mặc dù từ cấp 1 học sinh ở Mỹ bắt đầu học cách nghiên cứu các vấn đề. Tuy nhiên phương pháp nghiên cứu của học sinh trung học rất khác so với sinh viên đại học. Vì vậy ở Mỹ không có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ giảng dạy bậc trung học.
Cô Thu Hồng cho rằng việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về giảng dạy cho học sinh chuyên là điều bất hợp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những trường thiếu giáo viên dạy chuyên, lãnh đạo sẽ cử thầy cô đi học. Thêm vào đó khi bổ sung nhân sự vào giảng dạy lãnh đạo trường cần phải sắp xếp vị trí, tính toán trả lương và các chế độ phúc lợi xã hội.
“Theo tôi việc tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên sẽ làm phức tạp thêm cho bộ máy giáo dục, nó không thực sự hiệu quả, làm tốn thời gian, tiền của và công sức.
Việc chi một số tiền lớn từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho trường chuyên sẽ làm mất cân bằng trong cơ hội học tập của nhiều học sinh khác. Trong khi học sinh chuyên chỉ chiếm một phần nhỏ và mô hình trường chuyên của Việt Nam hầu hết là những học sinh giỏi về học thuật”, cô Thu Hồng nêu quan điểm.
TS Trần Nam Dũng: Tôi không ủng hộ việc mở trường chuyên chạy theo số lượng
Dù nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh.
Hầu hết các địa phương hiện nay đều có chính sách đặc thù cho trường chuyên. Nhiều trường chuyên được các địa phương coi là "con cưng", "trọng điểm" và được đầu tư nguồn kinh phí lớn như chi hàng tỉ đồng mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy; xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất...
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, khoảng năm 1965, Việt Nam đã có trường chuyên. Mục đích của hệ thống giáo dục này cho đến nay vẫn là phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các trường trung học phổ thông không chuyên cũng như địa phương chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy... để đào tạo những nhân tố xuất sắc thì rất cần sự đầu tư có trọng điểm cho trường chuyên.
Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Xuân Trung)
"Số học sinh trong các trường chuyên chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với học sinh đại trà nên phần chi phí đầu tư cao hơn này, tôi nghĩ không đến mức phải gọi là bất bình đẳng. Theo tôi, mỗi tỉnh có một trường chuyên là hợp lý. Trong một tỉnh mà mở quá nhiều trường chuyên thì lại gây lãng phí ngân sách, hiệu quả đào tạo mang lại sẽ không cao", nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm.
Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, ngoài các khoản chi thường xuyên và chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh trường chuyên thì hàng năm các tỉnh cũng chi số tiền khá lớn để khen thưởng giáo viên và học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, bởi hầu hết các giải thưởng này thuộc về học sinh trường chuyên.
Chính vì vậy, để giảm bớt gánh nặng ngân sách, các địa phương có thể thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh tham gia đầu tư vào nhà trường, phối hợp trong triển khai các hoạt động giáo dục. Sự chung tay góp sức của toàn xã hội sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
"Tôi thấy nếu khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên cũng rất đáng hoan nghênh. Trong giáo dục, chúng ta không nên phân biệt công lập hay tư thục, miễn là mô hình đó đáp ứng được mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước", Giáo sư Đinh Quang Báo nói.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Mạnh Tùng)
Cũng chia sẻ về vấn đề đầu tư trường chuyên, Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khối tư thục đầu tư vào trường chuyên sẽ có nhiều ưu điểm hơn, tạo nên sự cạnh tranh vì khối tư thục có nguồn lực tài chính, họ có thể làm những điều mà trước đó trường công chưa làm được.
"Trường công lập bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù những năm gần đây các trường được tăng quyền tự chủ nhưng đi vào thực tế, nhiều trường còn gặp rào cản, khó khăn khi triển khai các kế hoạch xây dựng và phát triển nhà trường. Bởi vậy, khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên sẽ rất lợi thế vì họ vận hành theo cơ chế mở.
Theo tôi, tỉnh nào đảm bảo được nguồn đầu vào và điều kiện về nguồn lực, kinh tế thì mới nên triển khai mô hình trường chuyên tư thục. Tôi không ủng hộ việc mở trường chuyên chạy theo số lượng. Thực tế, có những năm trường chuyên tuyển sinh còn không đủ chỉ tiêu", Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết thêm.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, dù là nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh.
Tương tự, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hóa học tại hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ, trường chuyên là một mô hình tổ chức hoạt động dạy học có định hướng bồi dưỡng phát triển tài năng, không nên đặt ra rào cản chỉ có khối công lập hay tư thục mới được phát triển mô hình giáo dục này.
"Nếu cả khối công lập và tư thục cùng đầu tư vào trường chuyên thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng tích cực, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho học sinh. Nếu định hướng học tập phù hợp và khả năng tài chính cho phép, các bạn học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn học trường chuyên tư thục.
Mặt khác, khi ngân sách của nhà nước, ngân sách địa phương dồn vào đầu tư cho trường chuyên quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng các trường trung học phổ thông khối không chuyên không được quan tâm đúng mức. Khối tư thục mở trường chuyên thì nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được nguồn lực và dành ngân sách đó đầu tư cho cơ sở giáo dục khác. Theo đó, những học sinh có điều kiện khó khăn hơn sẽ có cơ hội tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng hơn", thầy Vũ Khắc Ngọc nói.
Chi 1 tỉ đồng tuyển GS, PGS dạy trường THPT có khả thi? Đề xuất chi 1 tỉ đồng mời mỗi GS, PGS về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình đang gây tranh luận trái chiều Theo Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình, giáo viên có trình độ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) về công tác...