Ở cấp tiểu học, chỉ cần cho con vào trường bình thường
“Theo tôi, ở cấp tiểu học, chỉ cần cho con vào những trường bình thường, có thầy cô tận tụy, quan tâm đến học trò và lớp không quá đông HS. Dù con học trường nào, ở nhà, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm rèn luyện nền nếp học hành, vui chơi của con”.
Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Dân trí xoay quanh việc chọn trường cho con nhân “cuộc đua” mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm, Hà Nội đang nóng lên trong những ngày gần đây.
Thưa GS, ở đây chúng ta tạm thời không bàn đến việc phụ huynh xô đổ cổng trường để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm Hà Nội bởi có nhiều nguyên nhân, nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì muốn cho con được học trong một môi trường tốt. Có một vấn đề đặt ra, nếu quả đúng như đánh giá của nhiều người là cách dạy của Trường Thực Nghiệm hiệu quả thì theo GS vì sao vẫn chưa được nhân rộng sau hơn 30 năm tồn tại?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Qua ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh, có thể thấy những điểm nổi trội của Trường Thực nghiệm mà phụ huynh đánh giá cao là học sinh được học bán trú, không buộc phải học thêm, không phải chịu sức ép học hành nặng nề và được thầy cô tôn trọng. Điều này giải thích vì sao Trường Thực nghiệm cũng dạy theo chương trình của Bộ, chỉ một vài lớp có dạy một số môn theo chương trình thực nghiệm, nhưng sức hấp dẫn lại lớn hơn nhiều trường khác.
GS Nguyễn Minh Thuyết.
Nói riêng về chương trình thực nghiệm, tôi có thiện cảm với môn Giáo dục lối sống. Chương trình này không sa vào dạy lý thuyết mà hình thành nếp sống và nhận thức về giá trị sống thông qua tổ chức các hoạt động cho học sinh. Đó là hướng đi đúng.
Đáng tiếc là các môn học khác chưa được như vậy. Thậm chí, có những môn còn quá sa đà vào những kiến thức trừu tượng.
Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT chưa mạnh dạn cho nhân rộng mô hình thực nghiệm là vì chưa có tổng kết thực sự khoa học?
Chương trình thực nghiệm là đề tài khoa học nên chắc chắn nó đã được đánh giá nhiều lần. Có đánh giá bên trong (tự đánh giá) và đánh giá bên ngoài (đánh giá của các hội đồng chuyên môn do Bộ GD-ĐT hoặc Bộ Khoa học – Công nghệ thành lập). Tôi có được dự khán một đợt đánh giá tổng thể vào cuối năm 1995. Đó là đánh giá của Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong, lúc đó là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, làm Chủ tịch. Kết quả là Hội đồng không ủng hộ chương trình này. Có thể đó là lý do chương trình chưa được triển khai rộng. Từ sau năm đó, tôi không có điều kiện theo dõi nên không biết còn lần đánh giá, nghiệm thu nào nữa không. Hiện thời, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (KHGDVN) là cơ quan phụ trách Trường Thực nghiệm. Chắc rằng Viện KHGDVN phải có đo nghiệm, đánh giá và lọc lấy những gì khả thủ nhất trong chương trình để áp dụng ra diện rộng. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, thử nghiệm trong phạm vi hẹp có thể đạt yêu cầu nhưng triển khai rộng khó thành công vì điều kiện thực tế rất khác phòng thí nghiệm.
Nhiều người cho rằng, việc GS Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Field và năm 2010 Giáo sư có về thăm trường đã tạo nên một “hội chứng sốt”Trường Thực nghiệm. Bởi theo Ban giám hiệu Trường Thực nghiệm thì công tác tuyển sinh trước đây không “căng thẳng” như 2 năm trở lại đây. GS nghĩ sao về điều đó?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể có những phụ huynh thích cho con vào học trường này vì đó là trường mà GS Ngô Bảo Châu đã học thời tiểu học. Nhưng ai cũng biết rằng để thành tài được như GS Châu, cần rất nhiều yếu tố, trong đó truyền thống gia đình, nỗ lực của bản thân và môi trường học tập, làm việc những năm đi sâu vào “nghề Toán” của Giáo sư đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo tôi, ở cấp tiểu học, chỉ cần cho con vào những trường bình thường, có thầy cô tận tụy, quan tâm đến học trò và lớp không quá đông học sinh. Và dù con cái học ở trường nào chăng nữa, ở nhà, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm rèn luyện nền nếp học hành, vui chơi của con, bởi nền nếp học tập, sinh hoạt và hoạt động tự học của các cháu quyết định rất nhiều đối với sự phát triển năng lực và nhân cách.
Còn về sự “căng thẳng” trong tuyển sinh, ngoài lý do đã nêu, theo tôi, còn một lý do nữa là Trường Thực nghiệm không tuyển sinh theo tuyến như các trường khác mà tuyển trên diện rộng toàn thành phố. Nếu các trường điểm khác cũng tuyển trên diện rộng như vậy, tôi e rằng còn nhiều cánh cổng trường bị đe doạ.
Giáo sư nói rằng ông có thiện cảm với chương trình thực nghiệm môn Giáo dục lối sống nhưng theo quan sát của tôi, dường như Trường Thực nghiệm ít chú trọng rèn chữ cho học sinh. Theo GS thì cho trẻ thoải mái hoạt động mà quên rèn “nét chữ nết người” thì đó có phải quan điểm đúng hay không?
Video đang HOT
GS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay có hai quan điểm: Một là để HS tự do, viết chữ như thế nào cũng được, bởi lớn lên các em dùng máy vi tính là chủ yếu, chứ có mấy khi viết. Hai là “nét chữ là nết người”, cho nên HS phải rèn luyện chữ viết thật tốt, vở phải sạch, chữ phải đẹp.
Tôi theo quan điểm thứ hai, vì quá trình rèn luyện để viết chữ cho đúng mẫu và đẹp cũng là quá trình rèn luyện nề nếp làm việc nghiêm túc, chính xác. Thêm nữa, việc giữ vở sạch chữ đẹp cũng có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho HS. Nhưng chuyện gì cũng cần có mức độ của nó. Các thầy cô không nên quá nôn nóng, khắt khe trong việc rèn chữ của HS tiểu học.
Cách giáo dục của Trường Thực nghiệm là không có “chê” mà chỉ có “khen”. Tuy nhiên nếu giáo viên khen hoặc cho điểm cao cả trong trường hợp kết quả học tập của HS không tốt có thể dẫn đến hệ lụy về sau. Quan điểm của GS về vấn đề này ra sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đối với HS tiểu học, không nên chê. Chê sẽ làm các em bị ức chế, chê nhiều làm các em mất tự tin, thậm chí ngại đến trường. Trong trường hợp HS làm bài chưa đạt yêu cầu, tốt nhất là giáo viên động viên các em làm thêm một, hai lần nữa và cho điểm tốt khi bài làm lại đạt yêu cầu.
Nhưng nếu chỉ vì muốn tạo động lực cho HS học tập mà lúc nào ta cũng khen thì có hại bởi lúc đó trẻ làm sai mà không biết mình sai. Lúc nào cũng được khen, kể cả khi làm sai thì lớn lên các em sẽ chỉ thích khen thôi. Nếu các em đó mà trở thành lãnh đạo thì… nguy.
Xin cảm ơn GS!
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Cổng trường Thực nghiệm đổ vì... Ngô Bảo Châu?
Ông cha ta luôn răn dạy: "Thất bại là mẹ thành công". Có lẽ luôn ý thức được như thế, nên tổ tiên chúng ta không chỉ biết chiến thắng thiên tai, chiến thắng ngoại bang mà còn chiến thắng chính bản thân mình.
Oan cho Ngô Bảo Châu
Không rõ trường Thực nghiệm Hà Nội có tên ở Thủ đô từ năm nào, ảnh hưởng của ngôi trường này đến đâu? Mô hình trường này đã có số lượng bao nhiêu trong hệ thống giáo dục phổ thông tại Việt Nam?
Nhưng đêm 12, rạng sáng 13/5 vừa rồi, các bậc phụ huynh chen lấn, mua đơn để con (cháu) được dự thi vào lớp 1 của quí trường, đã xô đổ cổng sắt nhà trường là một...sự kiện mang lại hiệu quả mạnh hơn rất nhiều, nếu so với các video quảng cáo bán hàng trên các phương tiện truyền thông trên đất nước này.
Đến nỗi, GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập trường Thực nghiệm Giảng Võ, phải thốt lên: "Tôi thương phụ huynh quá".
Tuy vậy cũng cần nói lời cám ơn các đấng phụ huynh ngày hôm ấy, cám ơn cách tổ chức bán "đơn xin dự thi" của Ban Giám hiệu nhà trường vì đã không cần tốn xu nào mà cả nước biết đến nhà trường.
Đã có nhiều ý kiến, nhiều bình luận về sự kiện "cổng sắt trường Thực nghiệm đổ". Xin không nói thêm nữa.
Nhưng một trong những ý kiến rất được chú ý, đó là tâm lý nhiều vị phụ huynh tin tưởng khi cho rằng, vì GS Ngô Bảo Châu, người đoạt Giải thưởng Fields đã từng là học trò trường này.
Vừa không oan, và vừa oan cho Ngô Bảo Châu quá!
Từ ngày thành lập, trường Thực nghiệm (đến nay vẫn đang thực nghiệm), chắc đã có nhiều trăm, nhiều nghìn học sinh học tại đây. Và trường Thực nghiệm (cũ) rất tự hào có một Ngô Bảo Châu. Nhưng cũng còn những học sinh trung bình, học sinh chưa đạt yêu cầu...thì có lẽ chưa ai thống kê.
Nếu các bậc phụ huynh nghĩ rằng ngôi trường này đã đào tạo được, dù chỉ một NBC và hy vọng, con (cháu) mình cũng sẽ có thể trở thành...nổi tiếng, e rằng...hơi bị nhầm. Tất nhiên, hy vọng chẳng ảnh hưởng đến ai, càng không hề ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.
Hình như ngay sau khi NBC đoạt Giải Fields, đã có nhiều câu phỏng vấn về "bí quyết thành công". Không thấy NBC trả lời " nhờ được học ở trường này, trường kia..."
Vì rằng từ khi có người dạy/người học, từ khi có nhà trường, không ai dám phủ nhận vai trò của nhà trường, không ai dám phủ nhận vai trò của thầy, cô (người dạy). Xã hội càng phát triển với internet thì vai trò của nhà trường, của thầy cô giáo không hề thay đổi. Không cái gì có thể thay thế ông thầy.
Nhưng đóng góp vào thành công của người học, nhà trường, thầy cô giáo chỉ dám nhận một phần rất nhỏ.
Không ai, không ở đâu, có thể đào tạo được nhân tài. Lê Quí Đôn, 3 tuổi đã xuất khẩu ra nhiều vế đối tuyệt vời. Ông được coi là bác học của Việt Nam. Trần Đăng Khoa, 8, 9 tuổi đã có "Góc sân và khoảng trời". Nhà trường nào, thầy, cô nào đã dạy họ? Câu trả lời là "không".
Còn nhớ cách đây gần nửa thế kỷ, khi vừa bước chân vào đại học, tại một buổi học, thầy Đoàn Nồng (thân phụ của GS Đoàn Quỳnh, TS Đoàn Hương) đã nói với chúng tôi: "Tôi đến đây, có mặt ở đây, không phải để dạy các em. Tôi chỉ hướng dẫn các em cách học, cách tư duy".
Chúng tôi quá ngỡ ngàng...và sợ nữa. Ra trường, được giữ lại trường làm giảng viên, rồi được đi học, đi tu nghiệp nước ngoài, chúng tôi càng thấm hiểu câu "nhập môn" của thầy Đoàn Nồng.
Càng học, càng dạy, càng tôn kính thầy. Thầy Đoàn Nồng đã về với tổ tiên lâu rồi, không một danh hiệu, không tấm huân, huy chương nào. Nhưng tấm Huân chương đẹp nhất dành cho thầy là thầy sống mãi trong tim nhiều thế hệ học trò.
Và nhất là cách dạy của thầy, phương pháp dạy của thầy vẫn rất hiện đại đối với bộ môn Giáo học pháp, mặc dù, lúc ấy, điều kiện học chỉ có bảng đen và phấn trắng.
Quá mong muốn cho con cái phải có nhiều thành tích học tập, phải được học ở các trường có tiếng, có "thương hiệu", các trường chuyên, lớp chọn...liệu đã phải là cách lựa chọn đúng?
Sao nhiều người không tự hỏi hàng năm phần lớn thủ khoa vào các trường đại học chỉ đã học ở các trường phổ thông thường, thậm chí có những trường ở vùng núi, khó khăn.
Rất nhiều thủ khoa, suốt 12 năm học phổ thông, sáng đi học, chiều đi cấy đi cày, hoặc phụ giúp cha mẹ kiếm sống từng ngày? Và tại tất cả các quốc gia phát triển làm gì có hệ thống trường phổ thông chuyên.
GS Ngô Bảo Châu
Giáo dục đang trở nên...méo mó không giống đâu
Giáo dục là cho mọi người. Giáo dục phải là môi trường bình đẳng nhất, dân chủ nhất. Và bản chất của giáo dục là phi lợi nhuận.
Nước ta đang lúng túng trên nhiều lĩnh vực. Giáo dục không phải là ngoại lệ. Quá nhiều loại hình giáo dục. Nhiều mô hình...nhưng chương trình thì nghèo nàn. Sách giáo khoa cho phổ thông thì vẫn đang hy vọng sau 2015 sẽ có bộ sách tốt (?)
Từ ngày "xã hội hóa giáo dục" nhiều người không hoặc không chịu hiểu đúng nghĩa của nhóm từ này, nên giáo dục ở mọi cấp học trở nên méo mó... không giống đâu. Những thành tích học tập, thi thố (người viết không muốn dùng chữ này), chủ yếu do tư chất học trò và kết quả "nuôi gà chọi"
Mỗi năm, dăm ba học sinh đoạt giải quốc tế, đã được tung hô như nhất... quả đất. Tương tự, thỉnh thoảng có một, hai học trò tiểu học có thơ đăng báo, có tranh triển lãm..., báo chí ngợi ca như gặp người ngoài hành tinh
Đến ba cái trò chơi trên tivi như "Tìm kiếm tài năng" cũng làm sôi sùng sục vì ngộ nhận, vì máu háo danh của vài ba vị phụ huynh làm thiên hạ một phen cười vỡ bụng.
Một gia đình chỉ muốn thắng, muốn hơn người khác. Hay một cộng đồng chỉ muốn thắng không biết chấp nhận thất bại, và một một dân tộc chỉ luôn tuyên truyền chiến thắng, còn thất bại thì dấu đi, xóa đi, không bao giờ nhắc đến thì gia đình ấy, cộng đồng ấy, dân tộc ấy rất khó phát triển nếu không muốn nói là thụt lùi, dẫn đến lụi bại.
Ông cha ta luôn răn dạy: "Thất bại là mẹ thành công". Có lẽ luôn ý thức được như thế, nên tổ tiên chúng ta không chỉ biết chiến thắng thiên tai, chiến thắng ngoại bang mà còn chiến thắng chính bản thân mình.
Nhiều người trong chúng ta mới biết một NBC, Giáo sư, Viện sĩ của Pháp của Mỹ, một NBC đoạt Giải Fields và một NBC từng là học sinh của Trường tiểu học Thực nghiệm Giảng Võ Hà Nội.
Nhưng mấy ai đã biết NBC, "thông minh vốn sẵn tính trời", hưởng thụ gien của cả ông bà, cha mẹ, và NBC cũng đã từng nhận điểm kém trong học tập, một NBC nhiều đêm trắng miệt mài học tập, nghiên cứu và không phải lúc nào cũng thành công.
Đến hôm nay, nếu có người nghĩ rằng NBC từng học tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ nên thành GS,VS, nếu có thầy, cô nào nghĩ rằng vì NBC từng là học trò của mình nên mới có thể đạt được "đỉnh" như thế, thì trái đất này... sẽ là hình vuông.
Đinh Việt Bình
VietnamNet
Vì sao TP.HCM không có cảnh 'đạp đổ cổng trường'? Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, 10 năm trước đây việc tuyển sinh đầu cấp tiểu học cũng căng thẳng như Hà Nội, tuy nhiên, thành phố đã có nhiều biện pháp để việc tuyển sinh nhẹ nhàng hơn. Phóng viên đã có cuộc trao đối với ông Lê Ngọc Điệp về...