NXB Giáo dục liên tục bù lỗ hàng chục tỉ để in SGK?
Doanh thu từ SGK mỗi năm lên đến hàng nghìn tỉ nhưng NXB Giáo dục Việt Nam nói mỗi năm phải bù lỗ trên dưới 40 tỉ.
Chiều 21-9, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thông tin về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK).
“Mỗi năm lỗ trên dưới 40 tỉ”
Theo báo cáo được ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin doanh thu từ SGK năm 2015 của NXB giáo dục là 656,6 tỉ đồng. Năm 2016 là 735,2 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2017 là 703,9 tỉ đồng.
Báo cáo công bố thông tin 2017, tổng doanh thu trong ba năm này lần lượt là 1.041 tỉ, 1.147 tỉ và 1.203 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu từ SGK chiếm hơn 50% tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam.
Dù vậy, theo NXB Giáo dục Việt Nam, kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỉ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỉ và năm 2017 lỗ 38,14 tỉ đồng.
Ông Bách chỉ rõ chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ chi phí nguyên nhiên vật liệu, nhân công đến tiền công in trả nhà in, vận chuyển. Toàn bộ chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB phải tự hạch toán, cân đối, hoàn toàn không có trợ giá, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, SGK là mặt hàng được Bộ Tài chính quản lý giá. Từ năm 2011, giá bán không thay đổi và được công khai. Do chi phí đầu vào tăng cao, giá bán không đổi, doanh thu phát hành SGK vẫn không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản, phát hành SGK luôn lỗ.
Hàng năm, NXB phải sử dụng nguồn thu khác để bù lỗ cho hoạt động phát hành SGK trên 40 tỉ đồng. Điều này được cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra và xác nhận.
Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin với báo chí chiều 21-9
Video đang HOT
Hàng năm, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều lượt tặng sách cho thư viện trường học, các tủ sách dùng chung và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo… nơi SGK được mua bằng nguồn vốn ngân sách để cung cấp cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
“Lỗi viết vào sách là do giáo viên”
Về nội dung SGK thiết kế để viết vào hay không được báo chí quan tâm, ông Hoàng Lê Bách thông tin về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.
Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…
“Đối với sách Toán dành cho học sinh tiểu học, đặc biệt là sách Toán 1, học sinh bắt đầu được làm quen với các số tự nhiên, các phép toán cộng trừ và các hình khối cơ bản. Với lứa tuổi này, học sinh chưa có kỹ năng viết, vẽ thành thạo. Bên cạnh đó, để có thể hiểu và khắc sâu kiến thức toán, cần đa dạng hóa các dạng bài tập và cách diễn đạt đề bài bắt buộc phải thiết kế các dạng “điền trống”, “ghép cặp”, “khoanh kết quả đúng”,… để học sinh có thể dễ dàng thực hiện được trên vở ghi” – ông Bách phân tích.
Đáng chú ý, ông Bách cho biết các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990 – 2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.
Tuy vậy, theo ông Bách, để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy.
Mặt khác, các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên.
Về vấn đề sử dụng lại SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Với cách trình bày như hiện nay, theo thống kê của NXB Giáo dục thì có hơn 35% học sinh đã sử dụng SGK cũ. Bởi theo lãnh đạo NXB này thì theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung…
Theo plo.vn
Lùm xùm SGK: Đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thanh tra ngay
Liên quan đến lùm xùm SGK thời gian gần đây, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thanh tra ngay.
Sáng nay UB Thường vụ QH cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án TAND tối cao, VKSND tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của QH giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của UB Thường vụ QH về chất vấn tại phiên họp.
Nghi ngại NXB GD độc quyền
Bày tỏ rất chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì đây là mảng ĐBQH và người dân rất quan tâm, đụng đến nhiều người, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu băn khoăn về SGK và sự lãng phí trong in ấn SGK.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng SGK lớp 1 làm luôn bài tập dẫn đến việc chỉ sử dụng được 1 lần
"Nghị quyết 88 nói một chương trình nhiều SGK nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong in ấn SGK không", bà Nga đặt vấn đề.
Qua nghe ngóng thông tin từ dư luận, cử tri, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ làm rõ: "Có câu hỏi, nghi ngại xung quanh việc độc quyền trong hoạt động của NXB GD. Tại sao bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ?
Bà Nga cầm quyển SGK Tiếng Việt và toán lớp 1 trình bày trước UB Thường vụ để dẫn chứng việc SGK chỉ sử dụng được 1 lần.
"Trước đây bài tập riêng, sách giáo khoa riêng. Bây giờ, toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế này đương nhiên là khoá sau không dùng được", bà Nga nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp đây chính là ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD&ĐT: "Lý do tại sao mỗi một năm khoảng 100 triệu bản SGK, XH mất khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa? Tại sao chúng ta lại ghi bài tập luôn trong SGK?" và đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT làm rõ.
Nhà in không tự làm như thế được
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng chia sẻ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thời điểm đang trong quá trình cải cách thì còn phải chờ, trồng cây phải đến ngày ăn quả thì thời gian cây trồng lớn lên cũng có thể gặp vấn đề a, vấn đề b.
Tuy nhiên, bà Hải mong Bộ trưởng Nhạ quan tâm các vấn đề, đặc biệt liên quan tới tình trạng phát hành SGK sử dụng một lần.
"Tôi trực tiếp nói với Bộ trưởng khóa trước, nhiều đại biểu, cử tri cũng nói nhưng các anh cứ nói đấy không phải SGK mà chỉ là sách bài tập, tham khảo. Rất nhiều sách có nhiều ô trống, ô vuông, đường nối, kéo...", bà Hải dẫn chứng và cho rằng dù SGK này chỉ 10-12 ngàn đồng nhưng ảnh hưởng đến muôn nhà.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
"Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này", Trưởng ban Dân nguyện đề xuất và nêu quan điểm: Nhà in không tự in như thế được. Mục đích sách sử dụng một lần hay nhều lần thì hoàn toàn do người in sách. Chưa kể giấy rất phí, ảnh hưởng tới môi trường.
"Ngày xưa có ai dám viết vào sách đâu. Tôi còn biết, có rất nhiều trường cho học sinh viết bằng bút chì vào đó để tẩy đi để sang năm dùng tiếp", bà Hải kể và đề nghị Bộ trưởng quan tâm kiến nghị của cử tri.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá lĩnh vực giáo dục có nhiều thành quả, làm được nhiều việc, nhưng xưa nay - đây cũng là lĩnh vực có nhiều xao động trong xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình
Liên quan đến SGK, ông Bình đề nghị cần công khai lộ trình triển khai thế nào, để mọi người biết bộ đang giải quyết những vấn đề gì?
Theo ông Bình, UB đã giám sát về vấn đề xuất bản SGK và cuối năm nay sẽ công bố kết quả.
"Giáo dục đối tượng là con người, là tương lai của đất nước, là dịch vụ đặc biệt, mọi sự tác động đến giáo dục cần nghiêm túc, thận trọng", ông Bình nhấn mạnh.
Theo vietnamnet.vn
Mỗi năm lỗ hơn 40 tỷ đồng tiền in sách giáo khoa? Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, 3 năm trở lại đây, mỗi năm NXB lỗ hơn 40 tỷ đồng tiền in sách giáo khoa. Lãnh đạo Nhà xuất bản GDVN đang giải thích về việc in sách giáo khoa Trao đổi với báo chí chiều ngày 21/9, về một số vấn đề liên quan đến...