Nước Mỹ sắp có nữ Tổng thống đầu tiên?
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton cho biết, bà chưa vội đưa ra quyết định về việc có tham gia tranh cử chức tổng thống trong cuộc bầu cử lần tới hay không. Trong khi đó, cựu đồng nghiệp của bà trong Thượng viện Mỹ – Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đến từ New York , đã không cần chờ đợi đến quyết định của bà.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton
Trong bài phát biểu tại một bữa tiệc tối của Đảng Dân chủ ở bang Iowa hôm thứ Bảy (2/11) vừa rồi, ông Schumer đã lên tiếng thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành cho việc bà Hillary trở thành Tổng thống của nước Mỹ. Sự việc này diễn ra khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới còn 2 năm nữa mới đến.
“Kinh nghiệm của bà Hillary không ai có thể địch được và tầm nhìn của bà cũng không ai có thể so sánh được”, Thượng nghị sĩ Schumer, người đứng hàng thứ 3 của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, đã nói như vậy về cựu Đệ nhất phu nhân cũng là cựu Ngoại trưởng Mỹ.
“Đã đến lúc một phụ nữ lên làm Tổng thống của nước Mỹ. Và tối nay, ở bang Iowa, tôi sẽ không có được cơ hội này lần thứ hai. Tôi kêu gọi bà Hillary Clinton hãy tham gia tranh cử chức Tổng thống. Khi bà chấp nhận làm điều đó, bà sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn và không bao giờ thay đổi của tôi”, ông Schumer phát biểu trước đám đông và lời kêu gọi của ông này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt bằng những tràng vỗ tay vang dội của khoảng 750 người.
Theo lời Thượng nghị sĩ Schumer, với sự hiện diện của bà Hillary, Đảng Dân chủ có thể “đánh bại Ted Cruz – Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa trong năm 2016″. Cruz là một Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đến từ bang Texas và là một nhân vật được yêu thích trong “Đảng Trà”.
Phản ứng trước lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Schumer, một phát ngôn viên của cựu Ngoại trưởng Hillary – ông Nick Merrill, cho biết, ông Schumer là “một đồng nghiệp cũ và thậm chí là một người bạn cũ” của bà Hillary và “những gì ông ấy phát biểu về bà Hillary là rất tâng bốc. Mặc dù vậy, điều cuối cùng ở đây là, vấn đề tranh cử thuộc một quyết định rất cá nhân và bà Hillary chưa đưa ra quyết định gì”.
Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy, cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ứng cử viên của Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng nếu bà chấp nhận theo đuổi thách thức này. Trước đó, trong một bài báo trên tạp chí New York số ra tháng 9, bà Hillary thừa nhận, bà đang đấu tranh tư tưởng với việc có nên tham gia tranh cử chức Tổng thống Mỹ hay không và bà này không cho biết thời gian khi nào sẽ thông báo về quyết định cuối cùng của mình.
“Tôi sẽ không vội vàng đưa ra quyết định. Tôi cho rằng, đó sẽ là một quyết định nghiêm túc, không thể được coi nhẹ nhưng đó cũng không phải là một quyết định có thể đưa ra sớm được”, bà Hillary nói thêm.
Video đang HOT
Không chỉ Thượng nghị sĩ Schumer, nhiều thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ cũng đang kêu gọi bà Hillary tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng như Thượng nghị sĩ Claire McCaskill đến từ Missouri hay cựu Thống đốc bang Michigan Jennifer Granholm.
Thượng nghị sĩ bang Iowa – Liz Mathis cho biết, bà rất phấn khích trước phát biểu của ông Schumer. “Bài phát biểu đó mở đường cho việc bầu chọn bà Hillary. Hầu hết những nữ chính khách trong Đảng Dân chủ đều công khai thể hiện sự ủng hộ dành cho bà ấy và rất tuyệt nếu các thành viên còn lại cũng như vậy. Việc tất cả các thành viên của Đảng Dân chủ ủng hộ bà ấy là điều rất quan trọng”, Mathis cho biết.
Ngoài cựu nữ Ngoại trưởng Hillary, các ứng cử viên tiềm năng khác của Đảng Dân chủ có khả năng tham gia cuộc bầu cử vào năm 2016 còn có Phó Tổng thống Joe Biden, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và Thống đốc bang Maryland Martin O”Malley.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên Đảng Dân chủ, bà Hillary hiện giờ còn rất được lòng người dân Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, một cuộc thăm dò dư luận từng cho kết quả, đa số người Mỹ đều ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary tham gia tranh cử chức tổng thống nhiệm kỳ mới vào năm 2016.
Theo cuộc thăm dò của ABC News và Washington Post, 57% người Mỹ cho biết, họ sẽ ủng hộ nữ Ngoại trưởng quyền lực Hillary tham gia tranh cử chức tổng thống, kế nhiệm ông Barack Obama. Chỉ có 37% phản đối viễn cảnh này.
Năm 2008, bà Hillary từng phải ngậm ngùi cay đắng chịu thất bại trước đối thủ non trẻ hơn bà về mọi mặt – ông Barack Obama trong cuộc đua giành vị trí ứng cử viên Đảng Dân chủ ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, bà liên tiếp ghi điểm trong mắt công chúng Mỹ trên cương vị là nữ Ngoại trưởng quyền lực. Nhiều lúc, uy tín của bà còn vượt cả Tổng thống Obama.
Bà Hillary luôn là một cái tên đình đám trong bảng xếp hạng những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của nhiều tạp chí danh tiếng trong nhiều năm liền. Bà từng là Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York từ ngày 3/1/2001 đến ngày 21/1/2009. Hillary kết hôn với cựu Tổng thống Bill Clinton, và vì vậy là Đệ nhất Phu nhân Mỹ từ năm 1993 đến năm 2001. Trước đó, bà là một luật sư danh tiếng, cũng từng là Đệ nhất Phu nhân của tiểu bang Arkansas .
Sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng cách đây 5 năm, bà đã được Tổng thống Obama tin tưởng bầu chọn vào vị trí Ngoại trưởng quyền lực của nước Mỹ. Có thể nói, bà Hillary đã kinh qua hầu hết những vị trí quyền lực hàng đầu của nước Mỹ nhưng không rõ liệu bà còn có tham vọng đi vào lịch sử của cường quốc số 1 thế giới với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên hay không.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Assad bất ngờ "tung" cảnh báo sắc lạnh
Tổng thống Bashar al-Assad hôm qua (4/10) đã bất ngờ tung ra một lời cảnh báo sắc lạnh với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó ông này tuyên bố nước láng giềng sẽ phải trả một cái giá đắt cho việc hậu thuẫn phe nổi dậy lật đổ ông. Nhà lãnh đạo Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ che chở cho "những tên khủng bố" ở dọc khu vực biên giới và theo ông Assad, lực lượng này rồi sẽ sớm quay lại "cắn" người chủ của chúng.
Tổng thống Assad.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Halk của Thổ Nhĩ Kỳ được phát đi tối muộn ngày hôm qua, Tổng thống Assad gọi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là người "mù quáng" đồng thời nói rằng Ankara đang cho phép những kẻ khủng bố đi vào biên giới Syria để tấn công quân đội và dân thường Syria.
"Bạn không thể cho chủ nghĩa khủng bố vào túi của mình và sử dụng nó như một lá bài bởi nó sẽ giống như một con bọ cạp không ngần ngại cắn lại chính bạn ngay khi có cơ hội đầu tiên", Tổng thống Assad đã nói như vậy.
"Trong tương lai gần, những kẻ khủng bố sẽ gây ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả một cái giá đắt", ông Assad cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới dài tới 900km với Syria và có lực lượng vũ trang được triển khai lớn thứ hai trong liên minh NATO. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh của chính quyền Assad nhưng kể từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria bùng lên cách đây 2,5 năm, Ankara lại trở thành một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất cho phe nổi dậy Syria và chống ông Assad mạnh mẽ nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp nơi ở tạm cho 2 triệu người Syria trốn chạy chiến tranh và nước này cũng thường xuyên phải chứng kiến cuộc nội chiến ở nước láng giềng lan sang biên giới nước họ.
Sự căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang một cách đáng báo động sau sự kiện Damascus tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu của nước láng giềng hồi tháng 6 năm ngoái. Kể từ đó, khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên nóng bỏng vì các hoạt động triển khai vũ khí thị uy lẫn nhau cũng như những vụ "tên rơi đạn lạc" của Syria vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhiều dân thường thương vong. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bắn đạn pháo đáp trả Syria.
Tuy nhiên, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria đã tỏ ra lo ngại trước mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ lực lượng này cũng như ảnh hưởng ngày càng gia tăng của lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Hồi tháng trước, Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant có liên quan tổ chức Al-Qaeda đã đánh chiếm được thành phố Azaz, nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 5km. "Lúc này, Syria đang hướng tới một cuộc chiến tranh sắc tộc. Đây là nguy cơ mà chúng ta đang phải đối mặt", Thủ tướng Erdogan cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ tối hôm 3/10.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường lực lượng phòng thủ và phái thêm nhiều binh lính đến khu vực biên giới với Syria trong những tuần gần đây. Mới đây, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gia hạn thêm một năm quyền cho nước này được triển khai quân đội đến Syria nếu thấy cần thiết.
Nga - đồng minh của Assad, đã viện dẫn đến diễn biến mới nhất ở Azaz là bằng chứng cho thấy các chiến binh Hồi giáo đang giành thế thượng phong trong cuộc nội chiến ở Syria. Nga cáo buộc các nước hậu thuẫn cho lực lượng chống chính quyền Syria đã giúp cho điều này xảy ra.
Assad đang rất tự tin
Việc phe nổi dậy Syria đang gây lo ngại lớn vì mâu thuẫn, đấu đá nội bộ sâu sắc đã đem lại lợi ích lớn cho chính quyền Tổng thống Assad. Trong khi phe nổi dậy ngày càng rơi vào tình thế khó khăn, tuyệt vọng thì chính quyền của ông Assad càng trở nên tự tin. Mấy ngày nay đang rộ lên tin Nhà lãnh đạo Syria sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua, ông Assad tuyên bố: "Nếu tôi có cảm giác rằng người dân Syria muốn tôi làm Tổng thống trong thời gian tới thì tôi sẽ tiếp tục tranh cử cho vị trí này. Nếu câu trả lời là không, tôi sẽ không tham gia tranh cử nữa và tôi không thấy có vấn đề gì trong đó". Tuyên bố này đã bộc lộ rõ sự thách thức và tự tin của Nhà lãnh đạo Syria.
Theo lời ông Assad, ông hoàn toàn chưa đưa ra quyết định về việc có tiếp tục tham gia tái tranh cử vào năm tới hay không. Ông này nói thêm rằng, "bức tranh sẽ ngày một rõ ràng hơn" trong 4 tới 5 tháng nữa bởi Syria đang trải qua một sự thay đổi "nhanh chóng" trên chiến trường.
Tổng thống Assad tiếp nhận chức tổng thống từ người cha Hafez Al-Assad. Nhiệm kỳ tổng thống 7 năm thứ hai của ông này sẽ kết thúc vào giữa năm sau. Tuy nhiên, phe nổi dậy Syria muốn ông này từ chức và trao lại quyền lực cho một chính phủ chuyển tiếp cho đến khi một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức.
Nhà lãnh đạo Syria tiếp tục bác bỏ cáo buộc về việc quân của ông sử dụng vũ khí hóa học, đổ lỗi cho phe nổi dậy là thủ phạm của những cuộc tấn công đó. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng tiến trình ở Geneva sẽ được đẩy nhanh nếu Syria giao nộp vũ khí hóa học, ông Assad trả lời, ông không nhìn thấy có mối liên quan gì giữa hai việc trên.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Con trai 11 tuổi của Assad thách Mỹ tấn công Con trai 11 tuổi của Tổng thống Bashar al-Assad được cho là đã tung lên Facebook một bài viết nhằm vào Mỹ, trong đó cậu bé này đã thách cường quốc số 1 thế giới tấn công Syria. Bức ảnh gia đình Tổng thống Assad trên tài khoản Facebook đăng tải bài viết đầy thách thức được cho là của con trai ông...