Nữ thi sĩ Gen Z “thổi” làn gió mới cho phong trào thơ ca
Mộng Tuyền, cô sinh viên năm thứ ba ngành Văn học, là chủ nhân của fanpage về thơ với hơn 320.000 lượt theo dõi và trở thành tác giả xuất bản sách khi còn rất trẻ.
Nữ thi sĩ tên Lam
Sau nhiều năm phong trào thơ ca bị lấn át bởi các tác phẩm văn xuôi, thời gian gần đây, một số tác giả trẻ làm thơ đã tạo được nhiều sức hút, sự quan tâm của độc giả.
Người trẻ yêu câu chữ có lẽ đều biết đến fanpage Xanh Lam, một trang thơ mang phong cách nhẹ nhàng với những tình cảm rất đời thường.
Hồ Dương Mộng Tuyền hay còn được biết đến với bút danh Lam (Ảnh: NVCC).
Chủ nhân của hàng trăm bài thơ được đăng tải trên trang Xanh Lam tên thật là Hồ Dương Mộng Tuyền, cô bạn sinh năm 2002. Hiện Tuyền đang là sinh viên năm thứ ba, ngành Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM.
Tuyền chia sẻ rằng cô thích viết lách, vẽ vời từ rất sớm, nhưng đến năm 17 tuổi thì mới thực sự nghiêm túc với việc làm thơ. Và vì thế mà vào ngày 13/4/2019, fanpage Xanh Lam ra đời.
Tuyền lý giải rằng: “Mình lấy tên page là Xanh Lam đơn giản vì mình thích màu xanh, Lam thì là bút danh của mình. Xanh Lam với mình bắt đầu đơn giản lắm, nó giống như một quyển nhật ký màu xanh, nơi mà Lam có thể trải lòng mình”.
Lý do lập trang thơ của Lam khá tự phát, thế nhưng đi một đoạn đường dài đến tận ngày hôm nay, cô đã có được thành công ngoài mong đợi.
Chọn viết thơ để kể chuyện một cách “lấp lửng”
Không phải điều gì cũng có thể nói ra thành lời. Tâm sự về lý do lựa chọn thơ chứ không phải một hình thức nào khác để trải lòng, Lam nói: “Mình đã lựa chọn thơ, vì mình cảm thấy dưới những câu chữ cô đọng của thơ thì người viết có thể giấu cả bầu trời vào đó nữa. Bên cạnh đó thì mình cũng rất thích vần điệu cũng như tính nhạc trong thơ nữa”.
Lam làm thơ để “giải tỏa cảm xúc” (Ảnh: NVCC).
Lam xem việc viết thơ là một cách để “giải tỏa cảm xúc”. Tự nhận mình là người hướng nội và khó trải lòng, chỉ có thể dùng câu chữ để chia sẻ những tâm tư, cô bạn mượn những dòng thơ “để kể những điều khó nói một cách lấp lửng”.
Khi được hỏi hiện tại đã sáng tác được bao nhiêu bài thơ, Lam chia sẻ rằng cô đã viết rất nhiều, và thật khó để đưa ra một con số chính xác. Khác với nhiều tác giả trẻ, thành công ở mảng thơ tình với nguồn cảm hứng vô tận, Lam lại yêu thích viết về bà hơn cả.
“Đối với mình, khoảng thời gian có bà là khoảng thời gian ý nghĩa và hạnh phúc nhất”, Lam nói. Có lẽ, chính bà ngoại và dấu ấn tuổi thơ là ký ức đẹp đẽ, đã nuôi nấng những cảm xúc trong nữ thi sĩ trẻ tuổi.
“Ai cũng cần một chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt”
Những bài thơ Lam viết bao giờ cũng rất gần gũi, từ chủ đề, nội dung cho đến cách sử dụng hình ảnh, câu từ. Bên cạnh đó, thơ của Lam luôn đi kèm với những hình ảnh minh họa cực kỳ dễ thương, sinh động.
Lam viết về đa dạng chủ đề, mỗi bài thơ là một màu cảm xúc. Có bài thơ an ủi bạn đọc rất dịu dàng:
“Có phải bụi làm mắt cậu cay
Video đang HOT
Sao cứ đỏ hoe, cứ lưng tròng
Có phải hôm nay nhiều mỏi mệt
Cậu đã buồn nhiều
Có phải không?”.
Có bài thơ như một lời tâm tình thủ thỉ:
“Chỗ cậu trăng đang sáng
Hay mưa lại ghé thăm?
Cậu vẫn đang say giấc
Hay lại đang khóc thầm?”.
Có bài thơ ghi lại những ký ức tuổi thơ về bà và mẹ:
“Bà nấu nồi canh có tên gọi: Nụ cười
Mẹ trồng giàn trái mang tên: Lười thương tổn
Mùa nước kéo đến sân nhà,
Buồn chạy trốn.
Có tháng mười trôi trong một tháng mười xa”.
Mỗi bài thơ đều mang một câu chuyện đời thường, nhưng được ký thác theo một cách rất riêng. Lam cho rằng người cầm bút nào cũng mang một câu chuyện riêng và có một trái tim riêng.
Một trong hàng trăm bài thơ đã hóa “chiếc khăn mùi xoa”, lau nước mắt cho độc giả của Xanh Lam (Ảnh: NVCC).
Ai cũng có những nỗi buồn cần được chia sẻ. “Sự giao nhau giữa những tâm hồn là điều khiến mọi người nhớ đến Xanh Lam”, cô bạn chia sẻ. Lam bộc bạch: “Mình nghĩ có lẽ mọi người cũng cần một chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt. Mình muốn mượn thơ văn để có thể kể ra nỗi buồn của mình, và an ủi nỗi buồn của mọi người”.
Thích lắng nghe câu chuyện của người khác và thích nói ra câu chuyện của chính mình bằng một chất liệu khác lời nói là hai yếu tố giúp thơ của Lam chạm đến trái tim bạn đọc. Bởi người ta tìm thấy ở đó tần số rung động rất đồng điệu.
Chính khi Lam viết thơ để xoa dịu nỗi buồn và truyền năng lượng tích cực đến độc giả, cô cũng nhận ra câu chữ là “chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt” cho chính mình. Giống như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người truyền cảm hứng rất lớn cho Lam đã từng viết: “Nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”.
“Không cảm xúc cũng là một loại cảm xúc”
Đối với một người viết, cảm xúc là điều cực kỳ quan trọng. Riêng Lam, cô bạn khẳng định rằng bản thân “chưa từng bị mất cảm xúc”. Lam cho rằng: “Không cảm xúc cũng là một loại cảm xúc”. Đây có lẽ là lợi thế của Lam. Nhưng không có hành trình nào là hoàn toàn suôn sẻ cả.
Đối với Lam, không cảm xúc cũng là một loại cảm xúc (Ảnh: NVCC).
Khi mới làm thơ đăng lên page, Lam gặp khá nhiều khó khăn. Lam tự nhận thấy: “Mình là một đứa trẻ đầy khiếm khuyết”. Trước đó, cô từng gặp một vài khó khăn khi phải xử lý các vấn đề truyền thông đột xuất, nữ thi sĩ trẻ cũng mất kha khá thời gian để tìm ra cách kết nối với bạn đọc.
Thật may vì mọi người đã thương Lam, thương luôn cả những khiếm khuyết ấy và ủng hộ Xanh Lam hết mực. “Giữa cuộc đời rộng lớn như vậy, mình có thể ôm lấy ai đó qua câu chữ, điều đó đủ làm mình hạnh phúc. Vì thế mà dù khó khăn, mình cũng chưa từng nghĩ sẽ bỏ cuộc”, nữ thi sĩ trẻ nói thêm.
Ở tuổi 20, Lam sở hữu một fanpage với hơn 300.000 lượt theo dõi, và là tác giả của nhiều cuốn sách được quan tâm như “Đi vòng thế giới vẫn quanh một người”.
Thế nhưng, Lam vẫn rất khiêm tốn mà nói: “Thành công với mình đơn giản là quen được nhiều anh chị có chung đam mê, luôn hỗ trợ, giúp đỡ hết mực, được mọi người quan tâm, và được cầm trên tay cuốn sách của chính mình viết ra. Dù sau này làm gì, mình vẫn luôn giữ lại một phiên bản cầm bút của hiện tại”.
Giáo viên, học sinh 'bội thực' với các phong trào chào mừng ngày 20/11
Việc 'bội thực' các phong trào, hội thi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như một số địa phương làm gây nên sự quá tải, áp lực cho giáo viên và học sinh.
Ngày 20/11- ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, đây là thời điểm mà sở, phòng giáo dục, các trường học trên cả nước thường có những kế hoạch tổ chức các hội thi, phong trào nhằm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tổ chức quá nhiều các phong trào, hội thi trong cùng một thời điểm khiến cho giáo viên và học sinh quá tải. Đối với giáo viên, có người sẽ tham gia hội thi, tham gia làm giám khảo, có người phải tham gia cùng với học sinh lớp mình chủ nhiệm để chuẩn bị các phong trào mà trường phát động.
Nhiều em học sinh, nhất là những em nằm trong ban cán sự lớp cũng đuối sức khi phải phụ trách nhiều hoạt động, phong trào của lớp mình. Đó là chưa kể mỗi khi cô thầy tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ giao rất nhiều công việc cho học trò thực hiện.
Rất nhiều hội thi, phong trào được phát động, tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam(Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Cấp nào cũng muốn tạo điểm nhấn để chào mừng ngày 20/11
Như đã thành thông lệ, khi bước sang tháng 11, nhiều sở, phòng giáo dục, nhà trường thường lồng ghép một số hội thi để hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì thế, các hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi đều được đồng loạt tổ chức vào những tuần đầu của tháng.
Việc các cấp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng kéo theo sự vất vả của nhiều người liên quan. Giáo viên tham gia tất nhiên là phải chuẩn bị biện pháp cải tiến, chuẩn bị tiết thực hành cho tốt, nhất là đối với cấp huyện, cấp tỉnh.
Mặc dù hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh chỉ diễn ra 1 tiết thực hành trên lớp và vài chục phút báo cáo biện pháp cải tiến nhưng giáo viên tham gia và một số đồng nghiệp hỗ trợ phải tất bật chuẩn bị nhiều ngày mới có được sự thành công.
Bên cạnh đó, học sinh lớp nào được giáo viên lựa chọn dạy cũng vất vả không kém khi thầy cô giáo nhiệm vụ chuẩn bị các hoạt động trên lớp để đến ngày giáo viên dạy không có những hạn chế đáng tiếc xảy ra.
Một số thầy cô là ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn hay một số giáo viên đã có thành tích cũng được điều động tham gia làm giám khảo hội thi. Nhiều khi phải đi mấy chục cây số đến trường bạn để chấm 1 tiết thực hành giáo viên giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Những buổi phải đi như vậy, tất nhiên giáo viên phải sắp xếp công việc trường lớp, phải đổi tiết cho giáo viên khác dạy thay nên công việc dồn ứ lại. Nhất là giai đoạn này, các trường phổ thông đang bước vào ôn tập và tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I.
Ngoài các hội thi, các phong trào chuyên môn thì ngành giáo dục, các ngành khác tổ chức hội thao và cùng với đó các trường học cũng phải cử người vào đội tuyển để tập luyện, tham gia, đi cổ vũ cho trường.
Bên cạnh đó, các trường học thường tổ chức các tiết dạy tốt chào mừng 20/11. Tổ chức thi văn nghệ, làm báo tường và một số phong trào thể thao nên giáo viên chủ nhiệm và học sinh phải tất bật chuẩn bị, thực hiện.
Một số giáo viên không chủ nhiệm được điều động làm giám khảo chấm phong trào cũng phải bố trí thời gian để hoàn thành công việc được Ban giám hiệu phân công.
Một số thầy cô kiêm nhiệm công tác Đoàn- Đội, tổ trưởng chuyên môn còn phải lo hoàn thiện các loại kế hoạch, hồ sơ cho các hội thi, phong trào của trường để trình lãnh đạo nhà trường ký duyệt, xin kinh phí phát thưởng cho học trò.
Vì thế, gần như tháng 11 năm nào cũng khiến cho giáo viên, học sinh chạy đua cùng các phong trào theo các kế hoạch của sở, của phòng và Ban giám hiệu nhà trường triển khai nên rất áp lực và mệt mỏi.
Không nên tập trung quá nhiều phong trào trong cùng một thời điểm
Cho dù giáo viên, học sinh tham gia hội thi, phong trào nào đi chăng nữa thì hàng tuần giáo viên cũng phải dạy đủ số tiết theo định mức quy định của ngành. Học sinh vẫn phải học theo số tiết thời khóa biểu mà nhà trường phân công.
Trong khi, nhiều phong trào như tập dượt văn nghệ của các lớp thường phải chuẩn bị nhiều ngày mới ra sản phẩm.
Đối với những trường lớn thường thuê một số giáo viên về dạy nhảy, dạy múa, tập kịch nên mất rất nhiều thời gian mà thường tập vào cuối buổi học hoặc những ngày nghỉ cuối tuần nên học sinh gần như không được nghỉ ngơi.
Vì thế, cả thầy và trò đều phải sắp xếp thời gian để tham gia, tập luyện và tất nhiên học sinh phải đóng góp nhiều tiền cho mỗi tiết mục văn nghệ khi thuê giáo viên dạy và thuê trang phục biểu diễn.
Người Việt mình vốn trọng đạo lý, nghĩa tình nên việc thể hiện tình cảm, sự tri ân trong tháng 11 đối với những thầy cô giáo cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, không phải là các cấp của ngành giáo dục cũng dồn dập các hội thi, phong trào để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam vì nó gây ra sự quá tải cho cả thầy và trò ở các nhà trường.
Đối với ngành giáo dục ở các địa phương có 3 cấp quản lý là nhà trường, phòng và sở giáo dục thì cũng nên tổ chức luân phiên cho hợp lý. Cấp này tổ chức hội thi, phong trào này thì cấp khác lùi sang thời điểm khác.
Một năm có biết bao nhiêu ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn khác nhau, đâu nhất thiết cứ phải chào mừng ngày 20/11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam ở các nhà trường cũng nên đơn giản, không nhất thiết phải rình rang tổ chức giải thể thao, văn nghệ, báo tường cùng thời điểm- nhất là phong trào các lớp thi làm báo tường trong bối cảnh hiện nay thực ra đâu còn phù hợp mà năm nào cũng tổ chức.
Những bài thơ, những câu chuyện được học sinh chép trên mạng, kiểu hô khẩu hiệu nhạt nhẽo, không vần điệu được trình bày thành sản phẩm, sau đó trường chấm giải xong thì bỏ xó chứ bây giờ mấy giáo viên, học trò đọc những tờ báo tường như trước đây nữa.
Có lẽ, việc làm giản đơn nhất trong nhà trường ở tháng 11 là phát động những tiết học tốt, nói lời hay sẽ thiết thực hơn nhiều những việc làm vô bổ khác mà không phải tốn kinh phí của nhà trường và học sinh.
Ngày 20/11, chỉ cần giáo viên Âm nhạc lựa chọn một vài tiết mục văn nghệ giản đơn nhưng ý nghĩa là được. Sự tri ân thầy cô giáo không nhất thiết phải lôi kéo cả thầy và trò vào những phong trào hình thức, không mang tính thiết thực, hiệu quả nhưng lại rất tốn nhiều tiền bạc, công sức tập luyện, chuẩn bị.
Suy cho cùng, các hoạt động giáo dục trong trường học, trong đội ngũ nhà giáo là hướng tới chất lượng giảng dạy và học tập của cả thầy và trò. Việc "bội thực" các phong trào, hội thi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như một số địa phương, nhà trường đang làm chỉ gây nên sự quá tải, áp lực cho giáo viên và học sinh mà thôi.
Thời điểm này, học sinh đang rất cần dành nhiều thời gian cho việc ôn tập nhưng phải lao vào vòng xoáy phong trào của trường, rồi các thầy cô thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì làm sao các em có sự chuẩn bị tốt nhất để có thể tập trung cho việc kiểm tra giữa học kỳ I được hiệu quả nhất?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nếu thời gian quay trở lại, em sẽ không bao giờ học thêm ở thời phổ thông Học thêm đã biến học sinh và gia đình trở thành nạn nhân, phụ huynh mất tiền, học sinh mất đi thời gian vui chơi, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội,... Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định, biến tướng diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ thành thị đến nông thôn, len lỏi cả trong thôn, ngõ,...