Nữ sinh người Mông đạt thủ khoa môn Văn cấp tỉnh với ước mơ làm cô giáo bản
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới của huyện Kỳ Sơn, đạt thủ khoa môn Ngữ văn bảng B cấp tỉnh với 16,5 điểm trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 vừa qua, nhưng Cử Y Hương lại có ước mơ giản dị là làm cô giáo dạy Văn ở bản làng.
Cử Y Hương – học sinh lớp 9A, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn nhận được tin vui đỗ thủ khoa môn Ngữ văn từ cô giáo Lê Na – người đã có công bồi dưỡng em, động viên em đến với môn Văn từ những năm chập chững bước vào lớp 6. Không thể tả hết niềm vui như vỡ òa của Y Hương. Với em thành tích này thực sự là “quả ngọt” cho những tháng ngày cô trò miệt mài ôn luyện không kể ngày đêm trên lớp.
Cử Y Hương chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên tại bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, mảnh đất quanh năm sương mù bao phủ nơi địa đầu biên giới giáp nước bạn Lào. Bố mẹ em nghèo lắm, bây giờ vẫn đang là hộ cận nghèo của xã. Hàng ngày, để lo đủ cái ăn, cái mặc cho 4 anh chị em, bố mẹ phải lên nương rẫy từ khi con gà mới cất tiếng gáy sớm để trồng gừng, đến tối mịt khi gà đã lên chuồng mới trở về nhà. Sau Y Hương còn 2 em nữa đang học lớp 6 và lớp 4 nên bố mẹ còn phải vất vả nhiều. Thương bố mẹ nên em tự hứa phải cố gắng học thật giỏi để bố mẹ vui hơn”.
Cử Y Hương chăm chú học bài bên cô giáo Lê Na. Ảnh: Đào Thọ
Từ lúc học tiểu học, Y Hương đã có năng khiếu viết chữ rất đẹp. Vào lớp 6, được trúng tuyển vào Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn thì niềm đam mê của em đối với môn Văn lại càng sâu sắc hơn.
“Lúc còn nhỏ, nhà nghèo nên muốn đọc một tờ báo, quyển sách cũng khó. Ở trường, được ăn, ở và học ngay tại chỗ nên em có nhiều thời gian để đọc sách, báo hơn. Thư viện nhỏ ở trường là nơi khơi nguồn niềm đam mê cho em. Ở đó, em khám phá được những điều kỳ diệu hơn từ cuộc sống” – Y Hương nhớ lại.
Khi được hỏi về bí quyết học Văn, Y Hương chia sẻ, thực ra học Văn muốn giỏi chỉ có sự kiên trì và nhẫn nại đọc sách, đọc báo cộng với niềm đam mê và cảm xúc chân thành. Ở trường có hơn 10 môn học, thời gian dành riêng cho môn Văn của Y Hương không nhiều. Chỉ những lúc rảnh rỗi em mới một mình xuống thư viện để mượn thêm sách, báo tham khảo.
Dịch bệnh phức tạp nên để chuẩn bị thi học sinh giỏi, thời gian ở trường, Y Hương tự ôn tập kiến thức trong thời điểm cô giáo Lê Na đang cách ly vì F0. Ảnh: Đào Thọ
“Thời gian gần thi, dịch Covid-19 ở trường và trên địa bàn diễn ra phức tạp. Cô giáo Lê Na, người bồi dưỡng cho em cũng bị dương tính với Covid-19 nên thú thực em cũng rất lo. Chỉ sợ lần này nếu thi trượt sẽ làm cô và mọi người buồn. Nhưng thay vì lo lắng, em đã tự tìm các đề tham khảo để làm rồi nhờ người gửi cho cô giáo sửa chữa lại. Cô cũng thường xuyên gọi điện nhắc nhở, lên mạng bồi dưỡng trực tuyến cho em khiến em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều” – nữ sinh thủ khoa chia sẻ.
Video đang HOT
Sáng 29/3, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn đã tiến hành trao thưởng nóng cho Cử Y Hương cùng các học sinh khác đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Đào Thọ
Là một học sinh đạt điểm cao nhất ở bảng B môn Ngữ văn nhưng cô nữ sinh người Mông này lại có một ước mơ rất đỗi giản dị. Y Hương bảo rằng, em sinh ra trong một gia đình nghèo, bản làng em cũng chưa có nhiều người được học hành đến nơi, đến chốn. Em chỉ muốn sau này học hành đỗ đạt và trở thành một cô giáo dạy Văn cho những em nhỏ nơi mảnh đất biên giới của mình. “Em sẽ đưa môn Văn về với các em nhỏ của bản làng, để các em thấy được quê hương, bản làng mình giàu đẹp lắm, như thế các em sẽ yêu cuộc sống hơn, yêu quê hương mình hơn” – Cử Y Hương tự tin nói.
Niềm vui của Cử Y Hương (người đứng giữa) khi biết tin mình đậu thủ khoa. Ảnh: Đào Thọ
Cô Lê Na, giáo viên trực tiếp bồi dưỡng cho Cử Y Hương nhận xét: Cử Y Hương là một học sinh người Mông sống trong gia đình cận nghèo nhưng em rất ham học. Từ năm lớp 6 đến nay em luôn giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Không chỉ vậy, em còn là một học sinh năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào của trường, lớp. Thành tích em đạt được là món quà vô giá đối với giáo viên nhà trường và đối với bản thân em./.
Thủ khoa khối C của Thanh Hóa khao khát trở thành cô giáo
Thủ khoa khối C Phạm Thị Thắm là học sinh dân tộc thiểu số đầu tiên của Trường THPT Cẩm Thủy 3 đạt được thành tích khủng này.
Phạm Thị Thắm.
Vượt qua khủng hoảng
Trong căn nhà nhỏ của gia đình Phạm Thị Thắm ở thôn Ninh Sơn, xã Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đang rộn rã niềm vui. Bởi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thắm đạt tổng điểm ba môn khối C là 28,75 điểm. Trong đó, Ngữ văn được 9,25 điểm, Lịch sử và Địa lý mỗi môn cùng 9,75 điểm.
Với số điểm này, nữ sinh Trường THPT Cẩm Thủy 3 chính thức trở thành thủ khoa khối C tại Thanh Hóa, bằng với số điểm của Phạm Thanh Tùng (học sinh Trường THPT Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung). Đặc biệt hơn, Thắm còn là học sinh dân tộc thiểu số đầu tiên của Trường THPT Cẩm Thủy 3 đạt thành tích này.
Cảm xúc vẫn còn lâng lâng, Thắm chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui và bất ngờ vì không nghĩ sẽ trở thành thủ khoa khối C của Thanh Hóa".
Nói về thành tích của mình, nữ sinh Phạm Thị Thắm khiêm tốn cho rằng, thành quả đạt được chủ yếu đến từ sự nỗ lực, cần cù: "Thành tích của em tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, phần nào khích lệ các bạn, các em lớp sau. Dù là dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số, chỉ cần nỗ lực hết mình thì quả ngọt sẽ đến".
Thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Quốc Tuấn tự hào khi có học trò trở thành thủ khoa khối C Thanh Hóa.
Từng đoạt giải Nhì môn Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 9, nhưng Thắm lại lựa chọn theo khối B khi vào lớp 10. Sau hai năm theo đuổi khối này, Thắm cảm thấy không phù hợp nên quyết định chuyển sang khối C khi lên lớp 12.
"Sở trường của em là ba môn khối C. Nhưng vì lựa chọn không đúng với đam mê, em từng đối mặt với khủng hoảng tâm lý suốt năm lớp 11. Sau khoảng thời gian tự dằn vặt bản thân, em bắt đầu đối diện với chính mình, rồi từng bước lấy lại cân bằng", nữ sinh bộc bạch.
Chuyển hướng ở thời điểm khá muộn so với các bạn, nữ sinh lớp 12A3 gặp không ít khó khăn ở thời điểm đầu. Tuy nhiên, bằng phương pháp học tập hiệu quả, cùng sự quyết tâm và niềm đam mê vốn có, Thắm đã đoạt giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12. Đồng thời, đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện của trường, ở năm học cuối cấp.
Đặc biệt, Thắm còn vinh dự được kết nạp Đảng vào dịp 29/6 vừa qua tại Chi bộ Trường THPT Cẩm Thủy 3.
Nói về cô học trò ưu tú của mình, thầy Nguyễn Quốc Tuấn (giáo viên chủ nhiệm) cho biết: Thắm là một học sinh chăm ngoan, luôn có thái độ học tập rất nghiêm túc.
Nữ sinh Phạm Thị Thắm.
Điều đó được thể hiện rõ ở việc, Thắm luôn chủ động trong việc học của mình. Ngoài kiến thức học ở trên lớp, Thắm còn hăng say tìm tòi trên mạng để làm phong phú vốn kiến thức của mình.
"Việc vận dụng tư duy logic ở khối tự nhiên vào các môn xã hội của Thắm rất hiệu quả, mà lại không khô cứng, rập khuôn. Ở Thắm, điểm đặc biệt nhất chính là khả năng lập luận và giải quyết vấn đề rất sắc sảo", thầy Tuấn chia sẻ.
Khao khát trở thành cô giáo
"Đây là niềm vinh dự, tự hào của ban lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô. Thành quả này chính là sự nỗ lực cố gắng của thầy cô cùng sự quyết tâm của cá nhân em Thắm".
Thầy Lê Trung Hưng (Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 3)
Với 28,75 điểm, Thắm dự định xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hoặc Khoa Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức.
"Được trở thành cô giáo chính là điều mà em hằng mong ước. Ước mơ này nhen nhóm từ khi em cảm nhận được sự tâm huyết, tận tình của các thầy cô đối với biết bao thế hệ học trò", Thắm chia sẻ.
Gia đình Thắm từng thuộc hộ nghèo của thôn. Ngoài làm ruộng, khoảng 4 năm nay, bố Thắm làm thêm nghề mộc để lo cho hai chị em Thắm ăn học. Cuộc sống gia đình kể từ đó cũng bớt khó khăn. Ngoài giờ học, Thắm tranh thủ nấu ăn, làm việc nhà hoặc ra đồng phụ giúp mẹ. Những lúc rảnh, em thường đọc truyện Conan, xem phim hoặc nghe nhạc.
Nữ sinh Phạm Thị Thắm và mẹ của mình.
Cảm xúc vui mừng xen lẫn niềm tự hào, bà Phạm Thị Bích, chia sẻ: "Thật sự không biết diễn tả thế nào nữa. Tôi không nghĩ con gái mình lại trở thành thủ khoa khối C của tỉnh. Gia đình tuy làm ruộng nhưng vẫn cố gắng để con cái được ăn học đàng hoàng. Đối với quyết định của con, người làm cha mẹ như chúng tôi luôn tôn trọng".
Thầy Lê Trung Hưng cho biết, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trường đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 99%.
Năm nay, trường cũng có số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 điểm trở lên cao vượt bậc so với những năm trước. Đặc biệt, đây là lần đầu trường có thí sinh là người dân tộc thiểu số trở thành thủ khoa khối C của Thanh Hóa.
Nữ sinh Hà Tĩnh giành giải nhì quốc gia môn Ngữ văn mơ ước đi du học, trở thành nhà nghiên cứu 15 trang viết đầy cảm xúc thể hiện kiến thức, hiểu biết về giá trị của văn chương đã mang về cho Lê Tuyết Anh, lớp 12 Văn - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh giải nhì. Đây cũng là giải cao nhất của đội tuyển Ngữ văn Hà Tĩnh trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022. Chân dung nữ...