Nữ sinh “mê” Covid
Là sinh viên ngành Khoa học y sinh, Hà Phạm Bích Trâm “mê” Covid đến độ ăn ngủ cùng nó và trở thành đồng tác giả của bài báo quốc tế nghiên cứu về chủ đề này.
Hà Phạm Bích Trâm – SV năm thứ 3, đồng tác giả bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Infectinon and Public Hearth.
Ăn, ngủ cùng Covid
Tháng 3/2020, 11 thành viên trong nhóm tác giả bài báo “Xác định danh mục cụm truyền SARS-CoV-2: Phân tích cơ sở dữ liệu của Chính phủ” bắt đầu tiến hành khảo sát dữ liệu của các nước có số người nhiễm Covid-19 trên 1.000 ca. Nhóm của Phạm Hà Bích Trâm trao đổi với nhau hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Thời điểm đó, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam chưa đủ lớn để đưa vào phân tích. Trâm đảm nhận thu thập dữ liệu số bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 của một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia.
“Trước hết phải tìm ra được trang chính thức của chính phủ các nước đăng những thông tin liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Dữ liệu của Hàn Quốc được cập nhật từng ngày nhưng không có bảng chung. Muốn lấy thông tin của Malaysia thì buộc phải dùng Google dịch sang tiếng Việt. Sau đó em tự dịch sang tiếng Anh. Khó nhất là tìm kiếm các thông tin liên quan đến một địa danh, một tên gọi. Mình phải biết chính xác đó là một công ty, một khu dân cư hay chỉ là một tên phố. Nếu phân tích sai thì sẽ ảnh hưởng đến số liệu chung” – Trâm chia sẻ về việc khảo sát của mình.
Trong 70 ngày thu nhập dữ liệu, Trâm kể gần như mình phải làm việc vào đêm khuya để lập bảng riêng của từng quốc gia. “Có những thông tin buộc mình phải tính toán. Ví dụ như Hàn Quốc công bố hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm mới, trong đó liên quan đến ca nhiễm trước đó là bao nhiêu thì mình phải cộng trừ lại, xây dựng các thông tin liên quan đến từng ổ dịch để không bị trùng số liệu. Những ngày cuối tháng 2 cho đến cuối tháng 5, chỉ riêng Hàn Quốc đã có hơn 70.000 ca nhiễm. Em cứ nhìn các con số thay đổi từng ngày, thậm chí là từng giờ mà ám ảnh”.
Có những dữ kiện mà nhóm phải tranh cãi cả tuần mới có được sự thống nhất. Như Viện Dưỡng lão thì nên đưa vào tiêu chí phân loại là nơi cư trú hay là bệnh viện.
“Vừa lệch múi giờ, mỗi người trong nhóm nghiên cứu lại có những công việc riêng nên đôi khi có những tin nhắn mình gửi lên mà vài tiếng đồng hồ sau mới nhận được câu trả lời. Lập bảng là một chuyện, nhưng diễn đạt dữ liệu sao cho người đọc chấp nhận được là một chuyện khác” – Trâm chia sẻ về công việc nghiên cứu theo nhóm bằng hình thức làm việc online.
Video đang HOT
Nhóm của Trâm mất 2 tuần để viết và hoàn chỉnh bài báo. Sau đó, nó được đăng trên tạp chí Khoa học quốc tế Journal of Infectinon and Public Hearth thuộc hệ thống xuất bản uy tín của thế giới: ELSEVIER.
Bài báo hướng đến giải pháp ứng dụng có thể hỗ trợ các Chính phủ ưu tiên các biện pháp kiểm soát khi giải quyết đợt đại dịch thứ 2 có thể xảy. Những khuyến cáo từ bài báo về các điểm có thể phát sinh ổ dịch rất đúng với những diễn biến dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương vừa qua.
Từ chối suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược
Bài báo này giúp Hà Phạm Bích Trâm định hình được con đường nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng phía trước của mình. Đây cũng là chút “vốn liếng” để cô SV khoa Y sinh khẳng định với gia đình về sự lựa chọn của bản thân khi từ chối suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TPHCM để đi theo hướng nghiên cứu.
Trâm vốn là cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Cô có thành tích học tập đáng nể gồm Huy chương Vàng Olympic môn Sinh học (2013), Giải Ba Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học (2014), giải Nhất môn Sinh học cấp thành phố nhiều năm liền.
Trâm kể: “Ba em là thợ xây, mẹ mất sớm từ khi em mới 3 tuổi. Nuôi em ăn học cho đến khi tốt nghiệp THPT là sự cố gắng lớn của ba em. Nên gia đình em chỉ mong ước em đỗ ĐH rồi sớm có công ăn việc làm ổn định là vui rồi. Khi em không học lên ĐH, cả nhà em sốc ghê lắm” – Trâm tâm sự.
Tốt nghiệp THPT, Trâm phân vân về định hướng nghề nghiệp. “Nếu học lên ĐH vào thời điểm đấy thì tài chính là cả một vấn đề, dù em vẫn được xét học bổng. Nhưng quan trọng hơn cả là em không biết học xong để làm gì. Kỹ năng giao tiếp của em không có, kỹ năng giải quyết cảm xúc cũng không. Cho đến lúc đó, em chỉ biết học để thi thôi”. Những giằng xé đó, Trâm tự giải quyết một mình. Lúc đầu là bằng những phản ứng tiêu cực như không tiếp xúc, trò chuyện với ai, xóa hết trang Facebook cá nhân…
Trâm dành 2 năm để định hướng lại bản thân. Trong hai năm đó, Trâm vào TP Hồ Chí Minh, tham gia nhiều dự án cộng đồng, làm thêm các công việc liên quan đến quản lý nhân sự để tự nuôi sống và học thêm tiếng Anh. Trong thời gian này, Trâm xác định sẽ chọn đi theo hướng nghiên cứu khoa học. Nhưng nếu học ngành công nghệ sinh học thì đầu ra của chương trình đào tạo sẽ trở thành kỹ sư. Ngành Khoa học y sinh lúc đó chỉ có Trường ĐH Quốc tế của ĐHQG TP Hồ Chí Minh có đào tạo nhưng em chỉ được cấp học bổng trong 2 năm, học phí lại cao.
Xuất sắc giành học bổng Tate&Lyle trị giá 12.000 USD để theo học ngành Khoa học Y Sinh (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng), Bích Trâm luôn là gương mặt tiêu biểu của khóa 18BMS với rất nhiều thành tích nổi bật trong học tập và nghiên cứu khoa học. Như giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật SV Innofesr (2019), giải thưởng SV tiêu biểu thành phố Đà Nẵng, điểm tích lũy đại học GPA: 9,3/10.0, SAT: 1390/1600, TOEFL: 89/120…
Với Hà Phạm Bích Trâm, Khoa học Y Sinh không chỉ thú vị và sáng tạo mà còn giàu ý nghĩa bởi tính ứng dụng cao. Các dự án mà Trâm đã và đang tham gia đều có ý nghĩa thiết thực như Nghiên cứu trình tự và đặc tính SARS-CoV-2 (Covid-19), Nghiên cứu tổng hợp hạt nano kháng khuẩn. Một hướng nghiên cứu mà Trâm xác định sẽ theo đuổi, đó là trị bệnh theo hướng cá nhân hóa.
“Ví dụ, cùng bệnh ung thư vú nhưng mỗi cá nhân sẽ có phác đồ điều trị với các loại thuốc khác nhau do xuất phát của các đột biến là không như nhau. Hiện nay, với bệnh này, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị mà không phải ai cũng đáp ứng tốt” – Trâm chia sẻ.
Lo học phí đại học tăng
Khi các trường đại học thực hiện tự chủ thì tăng học phí là việc tất yếu, nhưng nếu tăng mãi sẽ không có nhiều người học
Trong đề án tuyển sinh năm 2021, Trường Đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) dự kiến có 2 mức học phí là 28 triệu đồng/năm/sinh viên với các ngành điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng và mức 32 triệu đồng đối với 3 ngành y khoa, dược học, răng hàm mặt.
Tăng gấp đôi
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020-2021, học phí của trường được thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP với mức thu 14,3 triệu đồng/năm/sinh viên có hộ khẩu TP HCM và mức 28,6 triệu đồng/năm cho sinh viên có hộ khẩu ngoại tỉnh.
Theo PGS-TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 2 năm qua trường đã đề xuất tăng học phí các ngành y khoa, dược học và răng hàm mặt lên tối đa 30 triệu đồng/năm từ năm học 2021-2022 (áp dụng cho tất cả sinh viên). Theo tính toán của trường, tổng chi phí đào tạo cho một sinh viên ĐH Y khoa năm 2019 là hơn 31 triệu đồng nên trường phải tăng học phí mới đào tạo có chất lượng.
Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM - Ảnh: TẤN THẠNH
Với việc điều chỉnh mức thu, học phí của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong năm học 2021-2022 đã tăng gấp 2 lần so với những năm học trước. Ở những trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe, học phí từ năm học vừa qua đã tăng chóng mặt.
Tại Trường ĐH Y Dược TP HCM, từ năm học 2020-2021, mức học phí được áp dụng từ 38 triệu đồng đến 70 triệu đồng/năm (10 tháng). Cụ thể, ngành y khoa là 68 triệu đồng, ngành răng - hàm - mặt 70 triệu đồng, ngành phục hình răng 55 triệu đồng, ngành dược học 50 triệu đồng, các ngành thuộc khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học 40 triệu đồng, các ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, dinh dưỡng, y tế công cộng cùng 38 triệu đồng/năm.
Ở khối trường ngoài công lập, học phí ngành y khoa tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) là khoảng 990 triệu đồng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt; 1 tỉ 188 triệu đồng đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Còn tại Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), mức học phí khoảng 1 tỉ đồng cho chương trình giảng dạy ngành răng - hàm - mặt.
Từ năm học 2021-2022, 4 trường ĐH thành viên ĐHQG TP HCM, gồm Bách khoa, Quốc tế, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin cũng tăng học phí khi thực hiện tự chủ. Trong đó, mức học phí năm 2021 của Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Công nghệ Thông tin cùng mức 25 triệu đồng/năm; Trường ĐH Kinh tế - Luật là 20,5 triệu đồng/năm; Trường ĐH Quốc tế 50 triệu đồng/năm.
Vẫn chưa bù đắp được chi phí
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết những năm trước đây, trường thu học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP với mức 11,7 triệu đồng/năm (năm 2020) nhưng từ năm 2021, trường thực hiện tự chủ, không còn nhận ngân sách nhà nước thì trường áp dụng mức học phí mới với sinh viên khóa mới ở mức 25 triệu đồng/năm.
Theo ông Thắng, khi nguồn ngân sách nhà nước không còn kham nổi thì tất yếu phải huy động nguồn lực xã hội. Với khối ngành sức khỏe và kỹ thuật, chi phí đào tạo quá lớn, nếu học phí không tăng thì khó nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng mức thu học phí của trường chưa thể bù được chi phí đào tạo mà trường còn phải tận dụng các nguồn lực khác.
Ngoài ra, mức thu học phí cũng không thể tăng mãi vì nếu như thế sẽ không có nhiều người học. "Không nên quá lo lắng vì không có tiền để học ĐH, bởi hiện nay sinh viên được vay tiền của ngân hàng chính sách xã hội và các trường cũng có quỹ học bổng lớn để trao cho sinh viên. Trường ĐH Bách khoa đã dành 10,5% - 10,8% nguồn thu từ học phí để trao học bổng cho sinh viên; ngoài ra, mỗi năm cựu sinh viên của trường còn có nguồn quỹ 15 tỉ đồng cho sinh viên vay để học... Như vậy, sinh viên nghèo không phải lo lắng không có tiền để học, vấn đề chính là sinh viên khi học ĐH phải có trách nhiệm với chính mình" - ông Thắng nói.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết cơ chế tự chủ cũng giúp cho trường chủ động về tài chính. Theo đó, trường tự quy định các nguồn thu cũng như các khoản chi. Trước khi thực hiện tự chủ, trung bình thu nhập cán bộ, giảng viên toàn trường (2016) từ 14,5 triệu - 15 triệu đồng/người/tháng, sau khi thực hiện tự chủ (hiện nay) tăng lên 20 triệu đồng/người/tháng.
Trường tự quyết định hỗ trợ ban đầu cho chính sách thu hút nhân tài, như: người có trình độ tiến sĩ về trường được hỗ trợ ban đầu 75 triệu đồng, phó giáo sư 100 triệu đồng, giáo sư 150 triệu đồng. "Nếu không thực hiện tự chủ, không được tăng mức học phí thì trường khó giữ chân giảng viên giỏi" - ông Hoàn chia sẻ.
Học phí chuẩn cho 1 năm học tương đương 6 tháng lương (1 năm 2 học kỳ). Lương ở đây được hiểu là thu nhập ở thời điểm 5 năm sau khi tốt nghiệp ĐH. Nói một cách nôm na đi làm 2 năm đủ trả học phí 4 năm ĐH. Nếu lương dự kiến là 8 triệu - 10 triệu đồng/tháng, thì học phí 1 học kỳ là khoảng 24 triệu - 30 triệu đồng là phù hợp" - TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, cho biết.
Các trường ưu tiên tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế: Liệu có công bằng? Việc các trường cộng điểm, tuyển thẳng trường hợp có chứng chỉ quốc tế khiến nhiều thí sinh lo lắng tình trạng không bình đẳng trong tuyển sinh. Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2021. Bên cạnh các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ,...