Nữ sinh liệt hai chân từ lớp học tình thương đến giảng đường đại học
Sinh ra, đôi chân Thùy đã không được lành lặn, em không được đến trường như bao đứa trẻ khác.
Cô bé đã phải học ở lớp tình thương (lớp xóa mù chữ), và giờ em đã chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học.
Nhà em Nguyễn Thị Thùy năm sâu trong con hẻm Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc ( Thanh Hóa). Em bị liệt hai chân, nhưng mọi việc trong gia đình em đều làm được, từ việc quét nhà, nấu ăn, giặt quần áo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại trường Hậu Lộc 4 vừa qua, Thùy đăng ký Đại học vào khối C00 với dự định theo nghề sư phạm và đạt số điểm khá cao (25,5 điểm, trong đó văn 8,75, lịch sử 8,5 và địa lý 8,25). Thùy bảo, muốn vào sư phạm vì đó là ước mở từ nhỏ của mình.
Dù đăng ký khối thi các môn xã hội, song em lại có sở trường môn toán và các môn khoa học tự nhiên. Vì đôi chân tật nguyền không thể đứng trên bục giảng, sau khi được thầy cô tư vấn, Thùy quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Hà Nội.
Thùy gửi hồ sơ xét tuyển và đã nhận thông báo trúng tuyển thẳng vào trường bằng phương thức xét học bạ.
Mỗi lúc rảnh rỗi, bà Tới (mẹ Thùy) lại chải tóc cho con gái
“Sở dĩ em nộp hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin bởi ngành này ít phải di chuyển, có thể ngồi một chỗ trên máy tính để làm việc, nó sẽ phù hợp với em hơn”, Thùy chia sẻ.
Bà Bùi Thị Tới (52 tuổi, mẹ của Thùy) cho biết, em là con út trong gia đình có ba anh em. Từ khi sinh ra em đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, đôi chân của em không lành lặn, muốn đi lại phải có người bế hoặc cõng.
Từ khi sinh ra, đôi chân Thùy đã bị teo, co quắp không phát triển được. Mặc dù gia đình cũng đã đưa em đi chữa trị khắp nơi, mổ đến 3 lần nhưng vẫn không được. Từ đó Thùy phải mang theo đôi chân tật nguyền suốt cuộc đời.
Bản thân chị Tới không có công việc ổn định, chồng đi biển đánh cá thuê đôi ba tháng mới về nhà một lần, lại phải nuôi 3 đứa con đang trong độ tuổi lớn, chính vì thế Thùy không được đến trường như các bạn.
Các em nhỏ trong xóm thường xuyên đến để nhờ chị Thùy dạy học
Suốt khoảng thời gian dài, Thùy sống như cái bóng trong ngôi nhà, bao quanh là bốn bức tường. Mỗi lần nhìn thấy các bạn chơi đùa bên ngoài em lại khóc vì tủi thân. Chị Tới thương con cũng không cầm được nước mắt.
Video đang HOT
“Năm lên 8 tuổi, thấy con thích học, gia đình đã chở Thùy đến lớp học tình thương (hay còn gọi là lớp xóa mù chữ) của cô giáo Nguyễn Thị Thông. Lớp học này là do cô Thông tự mở, dạy cho cho những hoàn cảnh khuyết tật, gia đình khó khăn không có khả năng tới trường. Mục đích của gia đình cũng chỉ muốn cháu được đến lớp để cháu khỏi tủi thân”, chị Tới nhớ lại.
Mong con được ở ký túc xá
Những ngày đầu làm quen với lớp học, Thùy được cô giáo uốn nắn từng nén chữ, chẳng mấy chốc em đã là học sinh giỏi nhất của lớp tình thương. Chỉ 3 năm theo học ở lớp tình thương, Thùy đã nắm chắc mọi kiến thức của bậc tiểu học.
“Thấy con bé học được và có tố chất, sau kỳ nghỉ hè, cô giáo đưa Thùy sang Trường THCS Ngư Lộc, mạnh dạn giới thiệu vào luôn lớp 6. Sau khi kiểm tra kiến thức đầu vào, ban giám hiệu nhà trường đồng ý tiếp nhận”, bà Tới cho biết.
Mỗi khi ra khỏi nhà Thùy đều được mẹ chở trên chiếc xe đạp
Kể từ đó, cô bé Thùy trở thành học sinh đặc biệt nhất ở ngôi trường làng biển Diêm Phố. Thời gian đầu đến lớp, Thùy bị các bạn trêu trọc, em tủi thân khóc suốt cả buổi. Một thời gian các bạn cũng quen dần và yêu thương Thùy.
Ngày ngày bà Tới đạp xe chở con gái ra trường rồi lại về làm thuê làm mướn. Cô bé cứ thế dần lớn lên và vượt qua từng lớp học mà không gặp áp lực gì. Năm nào Thùy cũng đạt học sinh khá, giỏi của nhà trường.
“Mỗi lần đưa con tới trường là những lần nước mắt tôi rơi. Nhìn con lết đôi chân co quắp lên bậc vào lớp, nhìn các bạn cùng trang lứa được nô đùa thoải mái tôi lại càng thương con hơn. Có những hôm mẹ đi làm về đón muộn, khi đến trường không còn một học sinh nào, chỉ còn Thùy đang ngồi ngoài cửa lớp ngóng mẹ, tôi ôm con mà chảy nước mắt”, chị Tới nhớ.
Bà Tới nhớ lại tuổi thơ của Thùy
Và cứ thế, trong suốt thời gian học cấp ba, cách nhà khoảng 5 cây số, bà Tới vẫn ngày ngày trên chiếc xe đạp hai buổi chở con tới trường.
Bà Tới bảo, năm học cấp 3, Thùy xấu hổ nên bảo mẹ phải đạp xe đưa vào tận cửa lớp để bà bế vào chứ không bò vào như ngày cấp hai nữa.
Nhà bà Tới có 3 người con, nhưng hai đứa con trai đầu chẳng đứa nào học lên nổi cấp 3. Khi biết con đỗ đại học, bà Tới nửa mừng nửa lo. Bà mừng vì con gái đã vượt qua số phận, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Nhưng bà luôn canh cánh nỗi lo vì điều kiện khó khăn.
“Mới đây con gái gọi điện ra ký túc xá để thuê phòng, nhưng quản lý ký túc nói hết phòng vì quá đông. Cháu không có xe lăn, nếu thuê phòng ở xa thì rất vất vả. Tôi còn chưa mua được máy tính cho con học, rồi tiền học phí nữa.
Nếu con không ở được trong ký túc chắc tôi phải ra ở cùng với cháu để lo cho cháu. Nhưng tôi ở ngoài đó rồi thì không ai lo cho thằng anh đầu bị thần kinh hơn chục năm nay đang ở nhà”, bà Tới lo lắng.
Nữ sinh nghèo xứ Thanh đạt 29,25 điểm trước nguy cơ không thể theo học đại học
Ước mơ trở thành cô giáo từ thuở nhỏ nhưng nữ sinh dân tộc Mường ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có nguy cơ không thể theo học đại học vì hoàn cảnh gia đình quá éo le, cơ cực.
Đó là nữ sinh Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi), ngụ ở thôn Thạch Lỗi (Thành Tân, Thạch Thành) cựu học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa trong Kỳ thi THPT vừa qua số điểm khối C00 28,75 điểm và khối C19 đạt 29,25.
Nuôi dưỡng ước mơ cho con từ cuộc sống cơ cực của người mẹ nghèo
Từ lúc chào đời vào năm 2004, Thúy sống trong vòng tay yêu thương của người mẹ tần tảo lam lũ ở huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) nhưng thiếu đi tình cảm đùm bọc của người cha.
Mỗi ngày trôi qua, Thúy và mẹ sống trong căn nhà lợp tranh xiêu vẹo, dột nát chênh vênh bên sườn núi Thạch Lỗi (Thành Tân). Mùa mưa sợ nước cuốn trôi sạt lở qua nhà, mùa đông lạnh thấu da thịt. Cuộc sống mưu sinh bữa no, bữa đói cùng cực.
Khuôn mặt sạm đen vì nắng gió sau bao năm lăn lộn với đồng ruộng, mò cua bắt ốc của người mẹ lam lũ ấy vẫn từng ngày, từng ngày mưu sinh nhen lên hy vọng để cho con gái được đến trường, để bù đắp thiệt thòi cho đứa con của mình thiếu vắng tình cha.
Bên bậu cửa, người mẹ lam lũ là Nguyễn Thị Long (50 tuổi) kể về những ngày Thúy còn đỏ hỏn thì chồng bà đã bỏ đi để lại 2 mẹ con bơ vơ, chông chênh giữa cuộc đời. Sống căn nhà tranh vừa làm bếp, vừa làm chỗ ngủ cho hai mẹ con.
Bà Nguyễn Thị Long ngày ngày đi làm thuê, tranh thủ thời gian đi mò cua bắt ốc để nuôi dưỡng khát khao của con trở thành cô giáo dạy văn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Những đêm đông dài lê thê lạnh lẽo, nghèo đến mức chỉ có tấm chăn mỏng manh kéo đắp không đủ sưởi ấm cho con. Và mỗi đêm như thế, bà ôm con vào lòng để sưởi ấm, nước mắt bà lại rơi xuống trong đêm mùa đông tối mịt, nhưng rồi bà tự động viên cố gắng để nuôi Thúy trưởng thành.
Thấu cảm cho cảnh hai mẹ con côi cút khổ sở, mới đây người dân và chính quyền địa phương vừa chung tay hỗ trợ dựng lên căn nhà 15m2 để bớt đi phần nào đó nguy hiểm mỗi khi mùa mưa bão về.
Trong căn nhà ấy, những thành viên trong đoàn chúng thăm nhà nữ sinh Thúy ai ai cũng bùi ngùi, thương cảm bởi gia cảnh cùng cực, ngoài chiếc giường ngủ, vài bao lúa, những bộ quần áo sờn vai, bạc màu là có giá trị nhất.
Bà Long kể, những năm gần đây cuộc sống cũng đỡ hơn chút khi không còn phải ăn độn như những năm trước nữa. Mỗi tháng cũng dành dụm được ít tiền từ từ đi làm thuê, thời gian không có việc thì tranh thủ đi mò cua, bắt ốc, nhổ cỏ có ngày được vài chục ngàn đồng để lo cho con gái ăn học hết cấp học phổ thông.
Khi nói về thành tích của con gái đạt số điểm 29,25, bà Nguyễn Thị Long phần mừng phần tủi, mừng vì thành tích của con, nhưng tủi vì nhà quá nghèo. "Bởi vì đến cả căn nhà cấp 4 rộng chừng 15m2 của hai mẹ con ở phải có xã hội từ thiện xây nên, nên tôi cũng chưa biết xoay sở ra sao để cho cháu tiếp tục học đại học", giọng bà Long nghẹn lại.
Nữ sinh dân tộc Mường mong ước trở thành cô giáo dạy văn
Nữ sinh Thúy ngồi bên mẹ, nắm đôi bàn tay chai sần gầy guộc mẹ thỉnh thoảng rớt nước mắt khi kể lại hành trình về sự nỗ lực của chính em.
"Từ nhỏ em lớn lên trong vòng tay mẹ và chưa một lần gặp cha. Mẹ tần tảo, lam lũ ngày đêm để lo cho em từng cái cặp, quyển vở, cây bút. Đêm nào cũng vậy, mẹ luôn động viên em cố gắng học để sau này bớt khổ hơn, đừng để phải khổ như mẹ.
Càng lớn lên, chứng kiến cảnh mẹ hàng ngày dầm mình dưới sông mò cua bắt ốc kiếm ăn từng bữa em càng cảm thấy thương mẹ và chỉ biết nỗ lực học tập và với em học tốt hơn chính là mong mẹ được vui vẻ hơn.
"Con đã lớn rồi mẹ, mẹ đừng lo nhiều nữa nhé, con sẽ cố hơn nữa!", nữ sinh Thúy động viên mẹ dù tương lai phía trước đã thấy, nhưng chưa đi qua những năm tháng cơ cực của cuộc đời. Ảnh: Đ. TRUNG
12 năm học em luôn cố gắng nên năm nào cũng là học sinh giỏi ở các cấp và từng đoạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 9 và năm học 2021-2022 em đoạt giải Khuyến khích môn Văn lớp 12.
Thương và lo cho mẹ vất vả, nên em quyết định đăng ký xétt tuyển vào Trường Đại học sự phạm 1 Hà Nội để giảm tiền học phí. Trong kỳ thi THPT vừa qua, khối C19 em đạt số điểm 29,25 (Văn Học 9,25, Lịch Sử 10, Công Dân 10) và 28,75 khối C00 (Văn-Sử-Địa).
Sau kỳ thi, thấy mẹ vất vả nên em và có tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn nên xin làm công nhân tại một công ty sản xuất đèn Led ở Hà Nam dù số tiền không nhiều nhưng cũng có thể trang phụ giúp mẹ để trang trải tiền học hành.
Em vẫn luôn có một khát khao cháy bỏng là được đi học, được bước chân vào giảng đường đại học như các bạn cùng trang lứa, nhưng hiện tại em do gia đình quá nghèo nên em chưa biết phải làm sao nữa", Thúy lén gạt giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má, đôi mắt Thúy hướng lên bầu trời xanh với niềm hy vọng về một tương lai mới.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa bà Bùi Thị Kiều Oanh cùng đoàn thể chính quyền địa phương trao món quà nhỏ động viên Thúy tiếp tục đến với giảng đường đại học. Ảnh: Đ.TRUNG
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa- bà Bùi Thị Kiều Oanh cho biết, kể từ khi vào học lớp 10 của trường, biết em có hoàn cảnh đặc biệt nghèo khó nên nhà trường đã huy động các đoàn thể, thầy cô hỗ trợ giúp đỡ để em Thúy không bỏ học giữa chừng. Nhưng với em Thúy luôn có một ý chí vượt khó vươn lên học tập, vì thế suốt 3 năm theo học em luôn là học sinh top đầu của nhà trường.
"Biết tin em đạt với số điểm gần như tuyệt đối nên nhà trường cùng các đoàn thể cũng đã hỗ trợ em một phần quà nho nhỏ để động viên em một phần nào đó để tiếp tục theo đuổi ước mơ vào đại học, mong cho em sau này có tương lai rộng mở hơn, bớt cơ cực, nghèo khổ hơn", bà Oanh chia sẻ.
Điểm chuẩn đại học 2022 tăng hay giảm? Đại diện các trường ĐH Hà Nội, ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã có dự báo ban đầu về điểm chuẩn tuyển sinh 2022. Từ ngày 1/9 - 17/9, các cơ sở đào tạo (CSĐT) tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc...