Nữ sinh Hà Nội giành học bổng 6,5 tỷ: Sẵn sàng “gap year” để đi tìm chính mình, mang phố cổ vào bài luận khiến hội đồng ngỡ ngàng
Vũ Hà Châu đã xuất sắc trúng tuyển vào trường Đại học Pomona, Mỹ năm 2022 với suất học bổng 6,5 tỷ đồng.
Nữ sinh Vũ Hà Châu, 19 tuổi ( Hà Nội), vừa nhận được học bổng toàn phần tại Đại học Pomona – trường đại học nằm trong top 4 trong khối đại học khai phóng danh giá tại nước Mỹ. Hiện Châu đang theo học chuyên ngành Khoa học máy tính với suất học bổng toàn phần này trị giá lên đến 6,5 tỷ đồng. Trước khi nhận được kết quả trúng tuyển vào Pomona, nữ sinh đã nhận được thư mời nhập học đến các từ trường như: Học bổng 100% Faber Award từ Đại học Fordham, Đại học Minnesota, Đại Union,…
Chân dung nữ sinh Vũ Hà Châu.
“ GAP YEAR” 1 NĂM ĐỂ ĐI TÌM NIỀM ĐAM MÊ ĐÍCH THỰC
Một năm về trước, Vũ Hà Châu là học sinh chuyên Anh, trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ (Hà Nội). Ở tất cả môn học, Châu đều có thành tích xuất sắc. Châu đạt 9.0 IELTS, 1510/1600 (điểm thuộc top 1% thế giới), SAT II 790/800 Toán học, GPA 9,5. Hơn thế, nữ sinh còn tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá, được thầy cô và bạn bè ghi nhận những đóng góp tích cực. Làm tốt nhiều việc một lúc khiến Châu không hiểu rõ đâu là ước mơ của bản thân, mình thật sự yêu thích ngành nghề nào. Vì vậy, nữ sinh quyết định “gap year” 1 năm để tìm hiểu về chính bản thân mình.
Quyết định của Châu được bố mẹ ủng hộ nhiệt tình, họ hiểu và luôn tin tưởng vào quyết định của con gái. Châu đăng ký rất nhiều khoá học online như: Kinh tế, Tâm lý, Toán học, Khoa học, Lập trình,… Việc học nhiều thứ không chỉ giúp Châu tìm ra niềm đam mê mà còn là cơ hội để làm mới bản thân.
Sau 1 hồi loay hoay với nhiều môn học, Châu đặc biệt hứng thú với Khoa học máy tính lập trình (Computer Science). Việc chinh phục những hàng code, lập nên trang web độc đáo và giải được bài toán Toán khó nhằn khiến nữ sinh vô cùng hào hứng. Châu tin đây đích thực là đam mê và bản thân sẽ theo ngành học này đến cùng.
Nữ sinh quyết định dành một năm để tìm hiểu về đam mê và định hướng tương lai bản thân.
Nữ sinh mạnh dạn “apply” vào hàng loạt các trường đại học danh giá tại Mỹ và nhận được thành công lớn. Vũ Hà Châu chia sẻ: “8 giờ 26 phút sáng, em nhận được emai thông báo trúng tuyển từ Đại học Pomona cùng mức học bổng cao. Như vậy, em sẽ chính thức là sinh viên ngành Khoa học máy tính lập trình của ngôi trường lớn hàng đầu Hoa Kỳ và giúp bố mẹ tiết kiệm chi phí đầu tư học tập. Suốt một thời gian dài chờ đợi thông tin, em không nghĩ là mình sẽ đỗ nên cảm xúc lúc ấy vỡ oà trong hạnh phúc”.
Đại học Pomona hiện được US News & World Report xếp hạng top 4 trong hệ thống các trường khai phóng tốt nhất nước Mỹ. Đặc biệt hơn, Pomona nằm trong Liên minh Claremont – một khối gồm 7 trường đại học tinh hoa được ca ngợi là “sự kết hợp của những tài nguyên trí tuệ chưa từng có ở Hoa Kỳ” theo The Fiske Guide to Colleges. Pomona cũng là một trong 10 trường đại học có nhiều học giả Fulbright nhất nước Mỹ. Nhiều cựu sinh viên từ trường đều dành được giải thưởng trên thế giới như: Giải Nobel, giải Pulitzer,…
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ SÔI NỔI VÀ BÀI THI SÁNG TẠO GIÚP DÀNH TẤM VÉ LỚN
Ngay từ khi đi học, nữ sinh Hà Nội đã tham gia hoạt động ngoại khóa và có nhiều đóng góp tích cực. Nữ sinh cho biết việc học giỏi thôi là chưa đủ, năng động tham gia hoạt động ngoại khóa là cách hoàn thiện bản thân tốt nhất. Những hoạt động này đã giúp Châu trang bị được kỹ năng mềm tuyệt vời: Giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm,… đặc biệt là giúp nữ sinh có thêm mối quan hệ giúp ích được cho công việc mai này.
Năm 2018, Châu tham gia chuyến đi tình nguyện ở bệnh viện. Tại đây, nữ sinh gặp nhiều bệnh nhân bị khiếm thính có số phận rất đáng thương. Trong đó, một cậu bé khiến Châu ấn tượng mãi, thôi thúc Châu phải làm điều gì đó để giúp ích họ. Cậu bé gặp khó khăn trong giao tiếp, chia sẻ tình hình sức khỏe đến bác sĩ vì thiếu người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.
Vì vậy, sau này khi đã học về Khoa học máy tính lập trình, nữ sinh cùng một nhóm người sáng lập nên VieSign (viesign.org) – Website học ngôn ngữ ký hiệu online đầu tiên tại Việt Nam, hợp tác cùng Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu người khiếm thính (CED) nhằm đem lại giá trị ý nghĩa cho cộng đồng. Đến nay, trang web tiếp tục được hoàn thiện và phát triển sâu rộng tới cộng đồng vào năm 2022.
Châu cho biết phía nhà trường yêu cầu nữ sinh cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: Thành tích học tập, video giới thiệu bản thân, thư giới thiệu của trường cấp 3 và bài viết luận. Bài viết luận cũng gây ấn tượng không nhỏ với hội đồng tuyển sinh.
Châu tìm ra sự đồng điệu giữa phố cổ Hà Nội và ngành học của mình.
Bài luận thứ nhất, Châu viết về thành phố Hà Nội – nơi mình sinh ra và lớn lên qua con mắt của một lập trình viên. “Mỗi lần đi chơi phố cổ lại đem đến cho em một trải nghiệm mới. Khi thì em phát hiện ra thêm một con đường, khi lại bắt gặp một quán ăn ngon. Phố cổ bình dị, mộc mạc nhưng lại chứa nhiều nét quyến rũ khiến bất cứ ai đặt chân đến đây đều say mê. Vì vậy, em cảm thấy Hà Nội phố với những con ngõ ngoằn ngoèo cũng giống như những bài toán hóc búa, càng tìm hiểu càng thấy thú vị!”.
Nữ sinh luôn nhìn cuộc sống bằng sự tò mò để khám phá ra những điều bí ẩn, độc đáo. Đó cũng là tính cách của Châu – ưa khám phá, mạo hiểm và thích làm mới bản thân. Việc chinh phục những thử thách mới là sở thích đặc biệt của cô nàng.
Còn bài luận thứ hai gồm 3 câu hỏi. Thay vì trả lời bằng văn xuôi, Châu đã sáng tác 3 khổ thơ tương ứng. Điều đặc biệt là khi ghép các khổ thơ với nhau sẽ tạo thành một bài thơ hoàn chỉnh khắc họa cuộc sống gia đình. Châu là chị cả trong nhà, từ nhỏ đã được bố mẹ cho học đàn piano. Sau này, những đứa em lần lượt ra đời, chiếc đàn không còn là vật sở hữu của riêng Châu nữa mà phải nhường cho các em. Chiếc đàn mang ý nghĩa sâu sắc, là một vật dụng thân thuộc của gia đình và dạy Châu nhiều bài học quý giá. Đó là sự bao dung, nhân hậu, biết sẻ chia và quan tâm đến người khác. Nhờ cây đàn, nữ sinh đã rèn luyện được nhiều tính cách tốt đẹp.
Bên cạnh đó, Châu cũng giới thiệu về gia đình mình. Nữ sinh lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Nhờ sự giáo dục khoa học từ gia đình, tình yêu quê hương đã giúp nữ sinh luôn vững tin theo đuổi niềm đam mê khoa học.
“Em nghĩ chính sự chân thành và sáng tạo đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh. Chuyên ngành Khoa học máy tính lập trình lại càng đòi hỏi sinh viên phải có ý tưởng độc đáo, hấp dẫn. Em không muốn những con số trở nên khô khan, máy móc, em muốn mang chất thơ vào khoa học”, nữ sinh nói.
Đến tháng 8/2022, Vũ Hà Châu sẽ chính thức trở thành tân sinh viên trường Đại học Pomona. Sau khi học xong, Châu mong muốn sẽ trở thành một nhà nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiều dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng, giúp đỡ được nhiều người.
Ảnh: NVCC
Cõng em qua gian khó nhọc nhằn
'Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình' - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Trần Tuấn Anh kể lại hành trình kể từ khi được tiếp sức đến trường năm 2015 - Video: HÀ THANH - HUỲNH VY
Không thể đi lại nhưng Tuấn Anh vẫn sáng tạo bằng đôi tay và khối óc của mình - Ảnh: H.THANH
9 năm đi học nhờ đôi vai, tấm lưng gầy guộc của chị gái, chàng trai khuyết tật đã ra trường, kiếm được công việc lập trình theo đúng chuyên ngành.
Rồi con trai đầu lòng của người chị mắc phải căn bệnh ung thư. Thương chị, mỗi ngày chàng trai hiền lành miệt mài lao động để sẻ bớt gánh nặng đang oằn trên vai chị.
Lập trình viên mê công nghệ
Mắc chứng rối loạn gene, Trần Tuấn Anh (ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) không thể đi lại hay tự làm được những việc vệ sinh cá nhân nhỏ nhặt nhất. Chiếc máy tính nơi căn phòng nhỏ đã mở ra cho Tuấn Anh một thế giới mới, giúp anh nuôi dưỡng đam mê công nghệ.
Cha mất vì ung thư, người mẹ sức khỏe yếu, trên hành trình chinh phục ước mơ của Tuấn Anh chẳng thể nào thiếu được hình dáng tấm lưng gầy guộc của chị gái. Suốt 4 năm ở giảng đường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đôi chân của người chị không biết bao nhiêu lần run rẩy khi cõng em trai đến lớp theo đuổi học tập.
"Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình" - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Căn phòng nhỏ nơi tầng 1 là không gian sáng tạo riêng của chàng trai trẻ. Mỗi ngày, Tuấn Anh miệt mài ngồi trước màn hình máy tính với công việc lập trình web cho một công ty của Nhật Bản. Được công ty tạo điều kiện cho làm việc tại nhà, nên dù đôi chân chẳng thể đi lại, Tuấn Anh vẫn có thể lao động bằng đôi tay, khối óc của mình, thỏa sức sáng tạo với công việc đúng chuyên ngành.
"Trước kia đi thực tập, tôi được chị Xuân chở đến chỗ làm, nhưng từ ngày gia đình xảy ra biến cố cháu Minh (con trai chị Xuân) bị ốm, tôi xin tạm nghỉ. May mắn được phía công ty tạo điều kiện, giúp đỡ để tôi tiếp tục công việc này. Giai đoạn đầu cũng khó khăn vì chưa nhiều kinh nghiệm, tôi phải lên mạng tự tìm hiểu kiến thức, nhờ các anh chị ở công ty hướng dẫn thêm, bây giờ thì đã thuần thục hơn trước", Tuấn Anh chia sẻ.
Làm việc tại nhà, mức lương dù không cao so với mặt bằng chung của dân công nghệ nhưng trong nhà ai cũng mừng vì Tuấn Anh có được một công việc ổn định. Hễ nhắc đến con trai, bà Thịnh không giấu được xúc động. Giọt nước mắt của người mẹ nay xen lẫn niềm vui, niềm tự hào. "Không lo nữa, con đã kiếm được tiền, đã nuôi được mình rồi. Giờ chỉ mong sao con luôn khỏe mạnh" - bà Thịnh ước mong.
Ngoài công việc ở công ty, hiện nay Tuấn Anh còn nhận thêm công việc chỉnh sửa ảnh hỗ trợ anh chị chạy quảng cáo, bán hàng qua mạng kiếm thêm thu nhập.
"Với mức lương hiện tại, cuộc sống ở quê cũng dần ổn định hơn. Mình có tiền mua sắm quần áo, đồ dùng cho bản thân. Trước đó mình không biết tiêu tiền đâu, giờ tự đặt mua hàng qua mạng, thích gì mình cũng mua được hết", chàng trai trẻ cười vui.
Tiếp nghị lực cho sinh viên
Câu chuyện người chị gái ngày ngày chở em đến trường trong video tư liệu Tiếp sức đến trường 2015
Đã gần 7 năm trôi qua kể từ ngày được học bổng Tiếp sức đến trường tìm đến nhà, tiếp thêm sức mạnh cho tấm lưng gầy guộc của người chị gái, tiếp thêm động lực cho cậu tân sinh viên hiếu học ở vùng đất Vân Canh được đến trường, chàng trai trẻ vẫn không quên được ân tình ngày đó.
Nhớ lại những ngày đầu, Tuấn Anh nói nhờ số tiền học bổng tiếp sức, nhờ chiếc máy tính được nhà tài trợ hỗ trợ, anh có thêm điều kiện tài chính, công cụ học tập để theo đuổi việc học trong những năm tháng ở giảng đường đại học. Sau ngày nhận học bổng, Tuấn Anh còn để dành một khoản tiền để gửi tặng chị gái góp thêm mua chiếc xe máy mới thay cho chiếc xe cà tàng đã theo bước hành trình của hai chị em suốt nhiều năm qua.
Năm học đầu kết quả học tập chưa được tốt, nhưng đến những năm học sau Tuấn Anh đều cố gắng, nỗ lực đạt học lực giỏi. Ở trường, anh còn được miễn học phí, được nhận thêm học bổng dành cho người khuyết tật, nhờ đó giúp gia đình san sẻ phần nào nỗi lo về chi phí học tập.
"Với những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như chúng mình mới bước vào trường đại học gặp rất nhiều khó khăn, học bổng rất đáng quý để có thể chắp cánh cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình có thêm nghị lực, bớt lo lắng phần nào vì những chi phí ban đầu" - Tuấn Anh bộc bạch.
Giờ đây về mảnh đất Vân Canh, hỏi thăm chàng trai khuyết tật đam mê công nghệ ai cũng tận tình chỉ dẫn tận nơi. Mới đây Tuấn Anh dành dụm gần 20 triệu đồng mua được một chiếc xe lăn điện để chủ động trong việc di chuyển.
Kể từ ngày có chiếc xe lăn, mẹ và chị không còn vất vả như ngày trước nữa, chỉ cần cõng anh từ căn phòng ra đến chiếc xe lăn. Có "người bạn mới", Tuấn Anh có thể tự điều khiển theo ý thích, đi dạo quanh đường làng, gặp gỡ mọi người, bước ra ngoài khám phá cuộc sống.
"Mình mong muốn các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên khuyết tật hãy tự tin vào lựa chọn của mình. Đến trường đại học sẽ được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng mình có thể hoàn thành ước mơ trên giảng đường đại học" - Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Đồng hành cùng con trai
Ngày em trai cầm tấm bằng cử nhân, chưa kịp chung vui cùng em thì chị Xuân nhận tin như sét đánh ngang tai: Minh - con trai chị - mắc phải căn bệnh ung thư hạch. Khối u quái ác đã khiến đôi mắt của con mờ dần, cho đến nay không còn nhìn được thế giới xung quanh. Sau 4 năm chở em trai đến giảng đường, nay chị tiếp tục đồng hành cùng con trai trên hành trình 20km từ nhà đến Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
"Ngày đó bảo Tuấn Anh 'khi em ra trường là chị nhàn rồi', nhưng số mình vậy rồi, biết làm sao" - người mẹ trẻ giãi bày.
Đều đặn mỗi sáng chị xin tranh thủ đi làm thêm công việc dọn vệ sinh, còn lại chị dành toàn thời gian để toàn tâm toàn ý chăm lo, hướng dẫn con học tập. Trong mùa dịch, việc học trực tuyến càng khó khăn hơn cho các bạn khiếm thị nhưng người mẹ trẻ tin tưởng có mẹ luôn ở bên sẽ giúp con vượt thắng được khó khăn, bệnh tật.
Nam sinh học cùng lúc hai văn bằng, có học bổng loại A Đại học Ngoại Thương Lê Nguyễn Đức Anh (sinh năm 2001, Hà Nội) được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ bởi khả năng học tập đáng nể; học 17 môn/học kỳ, giành hai học bổng loại A của Đại học Ngoại thương. Đức Anh hiện đang là sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Kinh tế quốc tế (lớp chất lượng cao) và Kinh tế đối ngoại tại...