Nữ sinh có điểm văn cao nhất Quảng Nam đam mê đặc biệt với báo chí
Với tổng 28,25 điểm, nữ sinh ở Quảng Nam nộp hồ sơ vào ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nữ sinh này có niềm đam mê đặc biệt với ngành báo chí.
Với số điểm 3 môn khối C 28,25, Nguyễn Thị Thúy Hiền tự tin nộ hồ sơ vào ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) – ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Môn văn làm 10 trang giấy thi
Căn nhà nhỏ nằm nép mình bên cánh đồng lúa vàng ươm, khuất sâu sau những hàng cau thẳng tắp ở thôn Khánh Thịnh (xã Tam Thái, H.Phú Ninh, Quảng Nam) đong đầy niềm hân hoan khi nữ sinh Nguyễn Thị Thúy Hiền, lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) biết được điểm thi tốt nghiệp THPT 2020.
Niềm hân hoan đó còn thể hiện rõ khi Hiền là một trong 2 thí sinh đạt điểm môn ngữ văn cao nhất tỉnh Quảng Nam với 9,75 điểm. Đây cũng là kết quả ngoài mong đợi của Hiền trong kỳ thi vừa qua. Không chỉ Hiền, ba mẹ và em trai của Hiền rất mừng với kết quả thi tốt nghiệp THPT đầy ấn tượng của nữ sinh nhỏ nhắn này.
Hiền chia sẻ bí quyết để đạt môn văn cao – ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Đam mê với môn văn từ cấp 2, Hiền quyết tâm thi vào lớp chuyên văn của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và trúng tuyển. Suốt ba năm học THPT, em dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho môn văn.
“Năm học lớp 9, em được cô giáo dạy văn truyền cho mình niềm yêu thích môn học này và bắt đầu theo đuổi từ đó. Càng theo đuổi môn văn, em càng yêu và mê môn học này”, Hiền tâm sự.
Vào trường chuyên, Hiền có cơ hội nhiều hơn để trau dồi kiến thức, kỹ năng làm bài, tiếp cận và học chuyên sâu hơn với môn văn. Internet cũng mang lại cho nữ sinh này nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tài liệu mới, phong phú và toàn diện hơn.
Video đang HOT
Theo Hiền, đề thi môn văn năm nay không khó hơn so với các năm trước nhưng khá dài. Đề bài có 3 phần, phần nào Hiền cũng làm suýt soát giờ, đến khi hoàn thành bài thi thì đủ thời gian để kiểm tra nhanh lại một lượt. Môn văn Hiền viết đến 10 trang giấy thi.
Niềm đam mê đặc biệt với báo chí
Dù trải qua một năm học đầy biến động so với các anh chị đi trước khi Quảng Nam phải trải qua hai đợt dịch Covid-19 phức tạp, song kết quả này mang lại niềm vui rất lớn đối với em và gia đình.
Để học tốt môn văn và nhớ chắc kiến thức, theo Hiền phải học cho xong từng bài, từng phần rồi mới chuyển sang bài khác, và ngày nào em cũng dành một khoảng thời gian nhất định từ 1 – 2 tiếng cho môn văn.
Hiền chụp ảnh kỷ niệm cùng ba mẹ mình – ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Theo Hiền, học văn là cả một quá trình, trong đó việc tự học, tự tìm tòi cũng là một yếu tố quan trọng góp phần đạt điểm cao. “Em thường tự tìm các đề bài trên mạng, tự làm sau đó gửi nhờ thầy cô sửa giúp, điều chỉnh dần những lỗi còn mắc phải, từ đó dần dần khắc phục, làm tốt hơn trong các lần sau. Ngoài nỗ lực, em nghĩ may mắn cũng là một phần giúp cho mình đạt được điểm cao”, Hiền cười nói.
Dù được ba mẹ định hướng cho học ngành luật nhưng Hiền đành phải “khước từ” định hướng của ba mẹ để theo đuổi niềm đam mê với ngành báo Chí.
Hiền cho rằng khi xem truyền hình, em thấy nhiều nhà báo nổi tiếng không ngại khó khăn, nguy hiểm để điều tra, phơi bày những mặt trái của xã hội. Những thông tin này mang giá trị rất lớn, có ích cho xã hội.
“Em yêu thích nghề báo từ năm đầu phổ thông, và cũng quyết tâm theo đuổi ngành này dù biết phía trước còn rất nhiều khó khăn nhưng sẽ cố gắng để theo đuổi ước mơ của mình”, cô gái nhỏ chia sẻ.
Hiền tâm sự thêm: “Em biết nghề báo khó khăn nhưng em nghĩ khi có đam mê thì sẽ quyết tâm đạt được. Em nghĩ việc gì cũng khó khăn cả nhưng bản thân có niềm đam mê, yêu thích sẽ làm được. Em có niềm đam mê đặc biệt với ngành báo”.
Với 9,75 điểm môn văn, 9,5 điểm môn lịch sử và 9 điểm môn địa lý, Hiền cho biết sẽ nộp hồ sơ dự tuyển vào ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Quãng đời học sinh của Hiền khép lại với 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, Huy chương đồng Olympic khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ lớp 11.
Nữ sinh đạt điểm 10 môn sử ở Quảng Nam làm bài trong 20 phút
Với thời gian thi 60 phút, nhưng nữ sinh ở Quảng Nam chỉ làm bài trong vòng 20 phút và đạt điểm tuyệt đối môn lịch sử. Nữ sinh này cũng là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn lịch sử ở Quảng Nam.
Kim Ân và mẹ - ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Học hiểu ngay tại lớp
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, Nguyễn Thị Kim Ân, lớp chuyên sử Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) rất vui mừng khi biết bản thân đạt điểm tuyệt đối môn thi lịch sử.
Ngoài điểm 10 môn lịch sử, Kim Ân đạt 7,8 điểm môn toán, 9 điểm môn ngữ văn, 9 điểm địa lý, 8,25 điểm giáo dục công dân và 6,4 điểm môn tiếng Anh.
Nguyễn Thị Kim Ân sẽ nộp hồ sơ vào ngành Kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) - ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Căn nhà cấp 4 nằm cuối con ngõ ở thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) của nữ sinh Nguyễn Thị Kim Ân hôm nay trở nên đông vui khi có nhiều người đến chia sẻ khi biết tin Ân đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Trước khi biết điểm thi em lo lắng rất nhiều, cả đêm qua em cùng mẹ thức để chờ điểm. Kết quả khiến hai mẹ con vui mừng. Đêm trước, hai mẹ mất ngủ vì lo, đêm nay thì mất ngủ vì vui", Ân mở đầu câu chuyện.
Là con đầu trong gia đình có 3 chị em, hiểu được những khó khăn của ba mẹ nên Ân luôn chăm chỉ học tập. Suốt 12 năm liền Kim Ân là học sinh giỏi.
"Em ở vùng quê, sinh ra đã thiệt thòi hơn bạn bè nên em luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng học thật tốt. Bởi chỉ có học mới có cơ hội thoát nghèo thôi anh ạ!", nữ sinh trải lòng.
Theo Ân, sử là một môn học "khó nhằn". Vì vậy, để đạt được điểm cao ngoài nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, nữ sinh này còn tìm hiểu, nghiên cứu thêm nhiều tài liệu bên ngoài để làm những câu hỏi nâng cao.
"Sử có nhiều câu hỏi suy luận, đòi hỏi người học phải hiểu thật kỹ nội dung của bài mới có thể làm tốt. Bên cạnh đó, nắm chắc các ý chính, nhớ các sự kiện liên tiếp nhau trong một chuỗi sự kiện", nữ sinh chia sẻ bí quyết đạt điểm cao.
Thành tích đáng nể môn lịch sử
Có nhiều ý kiến cho rằng việc thi môn lịch sử chỉ làm bài trắc nghiệm và có thể "đánh bừa" cũng sẽ đạt điểm cao. Ân phản bác ý kiến này và cho rằng việc làm bài tốt các môn thi trắc nghiệm không phải cứ đánh bừa theo ý mình là được. Môn học này đòi hỏi sự tổng hợp, tư duy suy luận như bao môn học khác.
"Mình phải chắt lọc, nắm chắc nội dung của từng lớp kiến thức cũng như xâu chuỗi được các sự kiện chính lại với nhau thì mới có thể làm tốt", Ân chia sẻ.
Kim Ân đạt nhiều thành tích đáng nể môn lịch sử - ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Kim Ân cho biết thường học hiểu môn sử ngay tại lớp, thời gian ở nhà Ân đầu tư vào các môn học khác. Nữ sinh này cũng cho hay bản thân chỉ mất khoảng 20 phút để giải hết các câu hỏi trong đề môn lịch sử, thời gian còn lại dành để rà soát lại cho chắc chắn.
Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, Kim Ân cũng có lời khuyên cho các bạn thi đợt 2 là muốn làm tốt bài thi môn lịch sử thì cần bám sát ma trận trong đề thi của Bộ GD-ĐT.
Bà Nguyễn Thị Thu Ba (45 tuổi, mẹ Ân) cho biết khi hay tin con đạt điểm cao, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. "Dù khó khăn mấy tôi cũng cố gắng lo cho con học đến nơi đến chốn để không thua thiệt với bạn bè", bà Ba tâm sự
Sắp tới của Kim Ân đăng ký vào ngành Kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng). Ân cũng có thành tích môn lịch sử đáng nể khi đạt Huy chương đồng Olympic khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ vào năm lớp 10, 11, giải nhất cấp tỉnh và giải 3 quốc gia; lớp 12, Kim Ân đạt giải nhất cấp tỉnh và khuyến khích cấp quốc gia.
Thi tốt nghiệp THPT: Đề văn nhiều câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh phải tư duy Kết thúc môn văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh (TS) ở Quảng Nam nhận định đề văn mở, đòi hỏi TS phải tư duy. Nhiều TS vẫy tay chào người thân sau khi kết thúc môn thi đầu tiên - ẢNH: MẠNH CƯỜNG Sáng 9.8, hơn 7.500 TS (thi đợt 1) trên địa bàn...