Nữ hiệu trưởng với nhiều sáng kiến tổ chức hoạt động ngoại khóa
Với kinh nghiệm 16 năm làm Tổng phụ trách Đội, khi làm công tác quản lý về chuyên môn, cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Sơn, huyện Chương Mỹ đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm để giúp học sinh học tập tốt hơn.
Một số hoạt động ngoại khóa của Liên đội trường Trung học cơ sở Đông Sơn (Ảnh: Hoài Lưu).
Từ khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đông Sơn (2/2017), cô giáo Tô Thị Bích Liên đã từng bước gây dựng và đưa phong trào học tập của nhà trường đạt được nhiều thành tích. Sáng kiến thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa đã giúp các em học sinh hăng say học tập, thêm niềm vui, hứng thú khi đến trường.
Cô Liên cho biết, ngoài chú trọng dạy văn hóa, để kích thích tư duy và tăng cường các kỹ năng khác cho học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em.
“Bản thân tôi cũng là người có con đang trong độ tuổi cắp sách đến trường, nên luôn tâm niệm và mong mỏi xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh hứng khởi học tập, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”, cô Liên nói.
Được biết, trong một năm học, mỗi tháng nhà trường đều tổ chức từ 1 – 3 hoạt động ngoại khóa theo từng chủ điểm gắn với các dịp kỷ niệm của đất nước, của Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức với nhiều hình thức phong phú như: Đóng tiểu phẩm, thi văn nghệ, dàn dựng hoạt cảnh, hoạt động vui chơi tập thể, thi rung chuông vàng. Điều đáng nói là các hoạt động ngoại khóa được sáng tạo linh hoạt, không trùng lặp để tránh sự nhàm chán.
Trong năm học 2017 – 2018 và năm học 2018 – 2019, Liên đội nhà trường tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa rất bổ ích và được các em học sinh rất hào hứng tham gia, từ đó giúp cho các em học tập tốt hơn.
Tiêu biểu như chương trình: Hội thi “Em yêu làn điệu dân ca”; hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 201/11; kỷ niệm 63 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10; Hành quân thăm Trung đoàn tên lửa 64 và Hội thi gấp quân trang; Tìm hiểu lịch sử huyện Chương Mỹ dịp kỷ niệm 130 năm thành lập huyện và 80 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện; Liên hoan chiến sỹ nhỏ Điện Biên, Xuân yêu thương, Chúng em với an toàn giao thông…
Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhà trường còn phát động phong trào trồng hoa, trồng cây xanh để làm đẹp khuôn viên nhà trường. Học sinh đến trường đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của nhà trường, có ý thức giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi…
Chính từ các hoạt động ngoại khóa và tham gia công tác Đội đã giúp cho phong trào dạy và học của nhà trường đạt được nhiều thành tích tự hào. Nhà trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố, có 3 giáo viên giỏi cấp thành phố, có 3 em học sinh đạt giải nhì, giải 3 kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố, Liên đội tham gia Hội thi giai điệu tuổi hồng cấp Thành phố đạt giải 3, có 15 em học sinh đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi huyện Chương Mỹ.
Video đang HOT
Cô giáo Tô Thị Bích Liên trao quà cho hộ gia đình bị ngập lụt tại xã Nam Phương Tiến (Hoài Lưu).
Trong 2 năm làm hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đông Sơn, cô Liên đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh. Cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh và nguyện vọng của từng cán bộ, nhân viên trong nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người công tác tốt.
Không chỉ hăng say trong lĩnh vực chuyên môn, cô còn luôn tích cực tham gia và đi đầu trong các cuộc vận động và phong trào thi đua của nhà nước và của ngành giáo dục, làm gương cho các giáo viên, nhân viên khác cùng noi theo.
Mặc dù giữ cương vị lãnh đạo của nhà trường nhưng cô luôn gần gũi, thân thiện và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các giáo viên trong trường. Cô còn chỉ bảo tận tình và truyền tới những thế hệ giáo viên trẻ niềm yêu nghề, động lực phấn đấu.
Còn đối với học sinh trong trường, cô luôn gần gũi, hỏi han, động viên, kết hợp với các giáo viên và tổng phụ trách để tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh rèn luyện bản thân.
Là người đứng đầu đơn vị, cô Liên luôn gương mẫu, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Mọi công việc được cô sắp xếp một cách khoa học, đạt hiệu quả cao. Mỗi công việc trong trường đều được giải quyết hợp tình, hợp lý, công việc có khó khăn đến đâu cũng được cô tháo gỡ.
Cô có phong thái của một nhà lãnh đạo, biết quan sát, biết lắng nghe và không ngừng học hỏi. Là một người dám nghĩ, dám làm, cô Liên còn mạnh dạn đề xuất ý kiến với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ tổ chức các chuyên đề, các hội thi để nâng cao tay nghề cho giáo viên và chất lượng học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, cô Liên còn rất năng động, giỏi giang trong công tác vận động các tổ chức, cá nhân trao học bổng cho học sinh nghèo và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.
Đặc biệt cô còn tham gia nhóm thiện nguyện giúp đỡ học sinh nghèo huyện miền núi Na Rì, tỉnh Bắc Cạn; tham gia phong trào hiến máu tình nguyện do ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ tổ chức và đã có 6 lần hiến máu.
Cô Liên chia sẻ: “Bản thân tôi luôn mong muốn mang tới những điều tốt đẹp cho các em học sinh. Ngoài tạo các sân chơi bổ ích, tạo hứng thú học tập cho các em, thì với các hoạt động thiện nguyện của cá nhân và tập thể nhà trường, tôi mong rằng những việc làm này sẽ lan tỏa rộng rãi hơn trong các em học sinh trong toàn trường, để các em không chỉ có kiến thức văn hóa mà còn có kỹ năng sống và giàu lòng nhân ái, biết sẻ chia với cộng đồng, với những hoàn cảnh còn khó khăn”.
Với sự say mê, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cô Liên luôn ấp ủ, mong muốn xây dựng trường Trung học cơ sở Đông Sơn luôn là đơn vị tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục huyện Chương Mỹ; tổ chức thật nhiều hoạt động ngoại khóa, thiết thực bổ ích để tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em học sinh luôn đoàn kết, gắn bó, giàu lòng nhân ái, biết tránh xa các tệ nạn xã hội và điều quan trọng nữa đó là giúp các em học sinh học tập tốt hơn, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Cô Liên cũng luôn tâm niệm: “Khi đã chọn nghề, thì phải yêu nghề, đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người. Cùng với đó là không ngừng học tập để nâng cao trình độ, kiến thức để bắt kịp với sự đổi mới của ngành giáo dục.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô không ngừng học tập, tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đoàn, Đội, trình độ ngoại ngữ, tin học… Chính vì thế cô đã nhận được giải thưởng: “Nhà giáo sáng tạo”, các Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”, “Vì sự nghiệp giáo dục”, Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, cùng nhiều giấy khen của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ.
Minh Khuê – Hoài Lưu
Theo laodongthudo
Ký kết thực hiện sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (World Vision) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thực hiện sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học."
Bị bạn đánh hội đồng và lột quần áo giữa lớp, em N.T.H.Y. đã phải vào Bệnh viện Tâm thần để điều trị. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam ( World Vision) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thực hiện sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học."
Hai bên sẽ hợp tác triển khai một số nội dung, chương trình, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố; tập trung đẩy mạnh giáo dục thay đổi hành vi cho giáo viên, học sinh, hướng đến xây dựng và duy trì môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phi bạo lực.
Trong khuôn khổ của thảo thuận hợp tác, hai bên sẽ phối hợp để giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực cho đội ngũ giáo viên.
Đây là cách dạy dỗ con trẻ hiệu quả hơn, giúp các em nhận biết và phát huy thái độ, hành vi tích cực mà không cần mắng mỏ hay đòn roi.
Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó, nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực học đường vẫn xảy ra tại nhiều nơi và có diễn biến phức tạp.
Điều này đã ảnh hưởng xấu đến thể chất, tinh thần của trẻ và môi trường giáo dục. Vì vậy, cần sự chung tay của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực đối với trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh thỏa thuận được ký kết lần này có ý nghĩa quan trọng đảm bảo môi trường cho trẻ từ gia đình đến nhà trường được an toàn, lành mạnh.
Khi trẻ được sống, được học tập, rèn luyện, vui chơi trong môi trường gia đình, nhà trường an toàn lành mạnh, trẻ sẽ phát triển toàn diện về phẩm chất năng lực, để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam, cho rằng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của trường học trong việc hình thành nhân cách, uốn nắn thái độ và hành vi của trẻ.
Vì vậy, các chương trình bảo vệ trẻ em do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước luôn chú trọng vun đắp các giá trị yêu thương trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Chỉ khi được đối xử và nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự quan tâm, trẻ em mới nhìn nhận thế giới xung quanh một cách tích cực và ứng xử đúng mực với mọi người./.
Việt Hà
Theo TTXVN/Vietnam
Sáng kiến của hiệu trưởng Mỹ giúp đẩy lùi nạn bắt nạt Biết một số học sinh thường bị bắt nạt vì quần áo bẩn, thầy hiệu trưởng lắp máy giặt tự động miễn phí ngay tại trường. Khi Akbar Cook trở thành lãnh đạo của trường trung học West Side ở Newark (New Jersey, Mỹ), anh biết mình có khả năng tạo ra những ảnh hưởng nhằm thay đổi cuộc sống của học sinh...