Nữ hiệu trưởng hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng miền núi Hà Tĩnh
Công tác nhiều năm trên vùng đất khó, cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh luôn trăn trở tìm cách thay đổi diện mạo mới cho giáo dục tiểu học vùng miền núi Hà Tĩnh.
Trong 5 năm, cô đã huy động được 10 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội và nhà hảo tâm, nâng cấp cơ sở vật chất Trường Tiểu học Phú Gia. Cô là 1 trong 2 giáo viên của Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2021.
Cô Nguyễn Thị Hạnh tại lễ bàn giao công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp hạng mục công trình điểm trường, trường tiểu học. Ảnh: Khánh Chi
Tâm huyết với giáo dục vùng cao
Sinh ra trong một gia đình có bố làm nghề giáo của huyện miền núi Hương Khê, từ những câu chuyện giảng dạy của bố đã ươm mầm giấc mơ đến với nghề “cầm phấn” của cô sơn nữ Nguyễn Thị Hạnh. Năm 1991, cô quyết định thi vào ngành sư phạm.
Năm 1993, cô Nguyễn Thị Hạnh được phân công về dạy học tại Trường Phổ thông cơ sở Hương Đô. Cô cũng được luân chuyển làm giáo viên tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Hương Khê và ghi nhiều dấu ấn tại nơi mình công tác. Đặc biệt, năm học 1996 -1997, sau khi về công tác tại Trường Tiểu học Phú Phong, cô được tham gia Hội thi giáo viên giỏi tỉnh và đạt danh hiệu “Viên phấn hồng”. Cũng trong năm học này, lớp 4A do cô Hạnh chủ nhiệm có 38 học sinh thì 36 em đạt học sinh giỏi (trong đó, có 11 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 25 em đạt học sinh giỏi cấp huyện). Thành công bước đầu đã tạo động lực cho cô giáo vùng cao không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy chữ, rèn người. Mỗi đơn vị đi qua, cô Hạnh vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa đồng hành với rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2016, sau 24 năm công tác, trong đó, có 14 năm làm Phó Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Hạnh được phân công làm Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Phú Gia. “Lúc đầu nhận nhiệm vụ tại đây, tôi thực sự rất lo lắng, mất ngủ nhiều tháng liền. Ngôi trường này nằm trên địa bàn khó khăn của huyện miền núi Hương Khê, lại là khu vực giáp biên giới, giao thông đi lại rất khó khăn. Hơn nữa, dù đã đạt chuẩn quốc gia, nhưng trường vẫn còn khá thiếu thốn về cơ sở vật chất và có một điểm trường tại bản Phú Lâm, cách khoảng 20km. Điểm trường này nằm cách biên giới Việt-Lào khoảng 35km, hơn một nửa học sinh là con em dân tộc Lào theo học” – cô Hạnh tâm sự. Ngày đầu đến điểm trường bản Phú Lâm, cô Hạnh không khỏi ngạc nhiên bởi đường đến trường hư hỏng, xuống cấp, đồ dùng học tập của học sinh hết sức tạm bợ, vá víu. Để đủ lớp cho các em học sinh, nhà trường phải tổ chức lớp ghép 1, 2 và 3, 4. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh và giáo viên tại đây, cô đã kêu gọi các tổ chức và cá nhân giúp đỡ.
Năm 2019, với sự giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng Phú Gia đã kêu gọi Quỹ Thiện Tâm đầu tư 500 triệu đồng cho việc tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp khuôn viên điểm trường Phú Lâm đảm bảo đầy đủ, khang trang cho học sinh học tập. Ngoài ra, hằng năm, cô đều thực hiện vận động xã hội hóa thông qua nhiều kênh khác nhau. Từ nguồn quỹ huy động được, cô Hạnh sửa sang bổ sung thêm mái ngói, lát nền, sửa sang lớp học… Tất cả các chi phí đều được công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng đối với các nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh.
Sự gương mẫu, tiên phong của cô hiệu trưởng đã nhận được sự đồng lòng của giáo viên trong trường. Nhiều cô giáo đã tự nguyện quyên góp, ủng hộ cho những học sinh khó khăn bằng tiền và hiện vật để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Nhiều cô cũng đã lặn lội đến từng nhà học sinh, mua sắm cho các em sách vở, quần áo, mang gạo để vận động các em đến trường.
Huy động 10 tỷ đồng thay đổi diện mạo trường vùng cao
Trong gần 5 năm công tác tại trường, cô giáo Hạnh đã huy động được gần 10 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội và các nhà hảo tâm. Với số tiền này, những năm qua, diện mạo, cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Phú Gia đã được đầu tư bài bản, khang trang. Trường đã có thêm dãy nhà hành chính quản trị, thư viện xanh; sân vườn, khuôn viên, hàng rào, thư viện… được nâng cấp. Hiện nay, đang trong quá trình xây dựng thêm 1 dãy nhà 2 tầng để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Hạnh trao quà cho học sinh. Ảnh: Khánh Chi
Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, cô Hạnh là một trong những người tiên phong trong đổi mới công tác quản lý, bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức các lớp chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá học sinh để bồi dưỡng giáo viên. Nhờ đó, hầu hết giáo viên trong trường đều thành thạo tin học. Chất lượng giảng dạy của nhà trường luôn đứng trong tốp đầu của huyện Hương Khê trong nhiều năm qua.
Với sự tâm huyết của hiệu trưởng và sự đồng lòng của cán bộ, giáo viên, trong nhiều năm liên tục, chất lượng giáo dục Trường Tiểu học Phú Gia ngày càng được nâng lên. Học sinh giỏi hàng năm đạt từ 8- 30 em (năm học 2020-2021 có 30 em được công nhận học sinh giỏi các cấp). Trường luôn được xếp trong tốp đầu của huyện Hương Khê, 2 năm liên tục (2019-2020, 2020-2021) được UBND huyện xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường giữ vững trường chuẩn quốc gia mức độ 1; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
Đến nay, cô Nguyễn Thị Hạnh đã có 28 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 18 năm làm quản lý. Bản thân cô đã có 9 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp huyện; 8 năm được Đảng ủy khen thưởng về công tác Đảng; 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2021-2022, cô Nguyễn Thị Hạnh vinh dự trở thành 1 trong 2 tấm gương của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh trong “Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu” năm 2021.
Nói về Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh, ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê tự hào: “Trường Tiểu học Phú Gia vốn khó khăn toàn diện, nhưng từ khi cô Nguyễn Thị Hạnh về “cầm quân”, với tâm huyết của mình, cô đã giúp các em học sinh vùng khó của huyện Hương Khê có điều kiện học tập tốt hơn. Những đóng góp của cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo niềm tin của phụ huynh đối với ngành giáo dục miền núi”.
Khánh Chi
Thầy cô 'cắm bản' bởi yêu những học trò nghèo miền biên viễn
Điểm trường Phú Lâm, thuộc trường tiểu học Phú Gia, nằm trên địa bàn bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cách điểm trung tâm 20km.
Nơi đây có những thầy cô giáo ngày đêm lặng thầm bám bản, bám lớp, mang con chữ đến với những học trò nghèo.
Con đường rừng độc đạo dài gần 20 km gập ghềnh sỏi đá, ngoằn nghèo với nhiều đèo dốc, dẫn chúng tôi vào điểm trường Phú Lâm, nơi có 34 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, trong đó có 2/3 học sinh dân tộc Lào đang theo học. Những lớp học đặc biệt tại điểm trường Phú Lâm, cùng trong một phòng học có 2 lớp cùng học, lớp 1 và lớp 3, lớp 2 và lớp 4. 2 chiếc bảng đen được đặt ở 2 đầu lớp học, học sinh 2 lớp ngồi quay lưng lại với nhau, thầy và trò nơi đây còn gọi là "lớp ghép".
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài đang dạy lớp học ghép điểm trường Phú Lâm, Trường tiểu học Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Một mình cô giáo Cao Thị Loan, giáo viên dạy tiếng Anh tất bật, nhanh như sóc hết hướng dẫn bài cho học sinh lớp lớn, lại quay sang hướng dẫn học sinh lớp nhỏ tập đọc, đánh vần.
"Nói chung năm đầu tiên dạy lớp ghép, tôi thấy việc sắp xếp thời gian để chạy qua chạy lại giữa 2 lớp nhiều khi sát nhau quá. Tất nhiên là mình phải soạn giáo án, giáo án của mình phải thể hiện được rằng, lớp này thì cho kiểm tra bài tập trước, cho học sinh lên viết lại từ mới, bên kia là mình phải dạy luôn từ vựng mới. Sau khi học sinh học từ mới rồi, cô sẽ nói các con học thuộc từ mới thì cô sẽ kiểm tra lại bên này, sau đó lại sang bên kia kiểm tra lại từ mới bên lớp kia. Bên này cho học nghe thì phải dặn bên kia là các em chưa làm bài nghe", cô Loan nói.
Giờ học tiếng Anh của học 2 lớp ghép
Vất vả thiếu thốn là vậy, nhưng gần gũi với những đứa trẻ miền sơn cước còn nhiều thiếu thốn, nhưng khát chữ, ham học, các thầy, cô chẳng nỡ từ bỏ công việc mà mình đang phụ trách. Tâm sự với chúng tôi, những giáo viên cắm bản ở Phú Lâm tự nhận mình là người con của bản. Để rồi, những ánh mắt trong veo, hồn nhiên và cả những nét chữ, giọng đọc ngọng nghịu của trò đã "níu" các thầy, cô ở lại lâu với mảnh đất này.
Theo cô Bùi Thị Hồng Hoài, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 và lớp 3, các em học sinh phải học lớp ghép bởi thiếu phòng học và thiếu giáo viên. Mặc dù khó khăn, vất vả về đi lại, trang thiết bị dạy học nhưng gần 27 năm giảng dạy, gắn bó tại điểm trường Phú Lâm, cô Hoài đã coi nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống với bao kỉ niệm vui buồn. Điều mà cô Hoài trăn trở nhiều năm qua, đó là việc thiếu trang thiếu bị học tập và thiếu giáo viên.
"Chúng tôi rất mong muốn ở điểm Phú Lâm có thêm một giáo viên dạy kê, để lỡ khi giáo viên có ốm đau hay có việc gì thì họ đứng dạy thay cho mình. Cán bộ ở phòng, ở Sở cũng quan tâm hơn, thường xuyên kiểm tra việc dạy và học của giáo viên và học sinh nơi đây, có sự đầu tư hơn, hướng dẫn cho mình dạy như thế nào để học sinh phát triển hơn", cô Hoài cho hay.
2 lớp học lớp 1 và lớp 3, lớp 2 và lớp 4 được ghép vào một lớp. Cô giáo dạy cùng lúc 2 lớp học.
Khó khăn là vậy nhưng vì sao những thầy, cô giáo trẻ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, bởi tình cảm của học trò đã níu giữ bước chân thầy, cô.
Cô giáo Cao Thị Loan chia sẻ: "Tôi rất thích việc dạy ở đây vì tôi cảm thấy rằng mình đang làm điều gì đó giúp đỡ cho các em, mình cảm thấy việc dạy này của mình rất ý nghĩa. Mình cảm thấy nhờ công việc này, nhờ những buổi lên Phú Lâm em cảm thấy trân trọng nghề của mình hơn. Các em học sinh ở đây, vào những ngày 20/10 hay 20/11, các em chỉ vẽ thiếp, hái hoa dại bên đường tặng cô thôi, mình cảm thấy rất là trân trọng".
"Từ nhỏ tôi đã ấp ủ làm nghề giáo viên, về đây gieo chữ cho các em học sinh, giống như bản thân mình, lúc nhỏ thì được cô gieo chữ, nhờ vậy mà sau này mình có một nghề nghiệp rất ổn định, đó cũng là nguyên nhân mà mình quay trở về ngôi trường này để mà làm việc, để giúp các em học sinh cũng là người dân tộc như mình, coi như mình là một tấm gương để cho các em noi theo", cô giáo Lê Thị Mai Hồng cho hay.
Một lớp học sinh đọc bài thì lớp còn lại phải ngồi ôn bài.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, điểm trường Phú Lâm giờ đã khang trang hơn, "trường ra trường, lớp ra lớp", không còn cảnh học sinh phải mượn tạm nhà dân, hay học trong những căn phòng tranh nứa tạm bợ. Năm 2019, cùng với sự giúp đỡ của bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, bộ đội Biên phòng Phú Gia, Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi Quỹ Thiện Tâm đầu tư 500 triệu đồng cho việc tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp khuôn viên điểm Phú Lâm, giúp thầy cô yên tâm hơn, việc học của các em cũng đảm bảo an toàn mùa mưa bão. Thầy giáo Trần Đình Trung, giáo viên điểm trường Phú Lâm chia sẻ, với lợi thế ở gần Đồn biên phòng Phú Gia nên được giúp đỡ rất nhiều, đó cũng là động lực, là niềm vui đối với các thầy cô giáo, thể hiện sự gắn kết quân, dân.
"Trường đóng gần một đơn vị bộ đội. Đơn vị đó hầu như hỗ trợ cho chúng tôi tất cả, ví dụ như lao động, tất cả những công việc nặng nhọc, Ban Chỉ huy Đồn quan tâm, chia sẻ và đưa anh em chiến sĩ cùng lao động với chúng tôi, chẳng hạn như sơn tường, dọn vệ sinh, chỉnh sửa khuôn viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Họ đi qua và vào trường thường xuyên, họ nhắc nhở động viên để con em vùng biên này chăm học. Đặc biệt nhất là vào các dịp lễ Tết, chẳng hạn như Tết trung thu, Tết nguyên đán, họ vận động tất cả các nhà hảo tâm, nhà tài trợ đến đây để hỗ trợ giúp đỡ", thầy giáo Trần Đình Trung cho hay.
Các em học sinh 2 lớp học cùng học một phòng học
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thấu hiếu nỗi vất vả của thầy và trò trên địa bàn, hưởng ứng các đợt phát động "Nhận con nuôi Đồn biên phòng" và "Nâng bước em đến trường", nhận đỡ đầu cho những học sinh nghèo vượt khó với mong muốn tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn, cuộc sống của người dân vùng biên cương được ấm no hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những khó khăn, vất vả của người dân nơi bản làng vùng sâu biên giới.
Giờ tan học tại điểm trường Phú Lâm
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang mong muốn: "Vừa rồi Ban Chỉ huy cũng ngồi tâm tư, bây giờ mình ngoài giúp dân ở đây ra, giúp để phát triển kinh tế, giúp họ thì cũng là chưa đủ. Sau đó nghĩ, bằng các cá nhân có mối quan hệ với các tổ chức, đặc biệt là tổ chức Hội chữ thập đỏ của huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, Trung thu vừa rồi, chúng tôi kêu gọi được các tổ chức, các doanh nghiệp về tặng quà cho các cháu, hầu như có tặng 15 cái xe đạp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Phú Lâm, 10 hộ gia đình, mỗi cháu có 1 triệu đồng".
Rời bản Phú Lâm khi tiếng cười nói của các học sinh vẫn rộn rã giờ tan học, trở về trên con đường gần 20 km gập ghềnh đất đá và dốc núi nhưng trong lòng chúng tôi cũng đọng lại một niềm vui khôn tả. Bởi, câu chuyện "gieo chữ" của các thầy cô tuy lắm gian nan, nhưng chính từ trong khó khăn, vẻ đẹp tâm hồn, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần cống hiến của họ càng được khẳng định và trân trọng./.
Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Quá trình giám sát 'Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh', Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp với các cấp, ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo kết quả giám sát "Việc triển khai thực hiện Chương...