Nữ điệp viên một chân khiến Đức Quốc xã điên đảo
Virginia Hall có thể chỉ có một chân, nhưng không một điệp viên nào khiến Đức quốc xã điên đảo như người phụ nữ mang biệt danh “Chân gỗ” này.
Mang một chân gỗ nhưng Virginia Hall hoạt động xông xáo, khiến phát xít Đức thất điên bát đảo. Ảnh: CIA
Lực lượng Gestapo (Mật vụ) của Đức Quốc xã đã gọi Hall là “người nguy hiểm nhất trong các điệp viên quân Đồng minh”. “Chúng ta phải lùng ra và tiêu diệt cô ta”, chúng tuyên bố. Phát xít Đức cũng cho in những cảnh báo như vậy trên hàng trăm poster truy nã kèm theo tiền thưởng hậu hĩnh cho bất cứ thông tin nào về nữ điệp viên gây tổn thất nặng nề cho Đế chế thứ Ba.
Đức Quốc xã đã giao trách nhiệm cho toàn bộ đội ngũ điệp viên hai mang của họ thu thập bất cứ thông tin nào về người phụ nữ bí ẩn này và loại bỏ cô ngay khi tìm thấy. Nhưng Gestapo và sĩ quan cao cấp phụ trách săn lùng Virginia Hall là Klau Barbie đã không bao giờ tìm ra được quốc tịch thật hay tên thật của nữ điệp viên mang biệt danh “Chân gỗ”.
Điều này khiến Barbie tức giận đến nỗi hắn từng phát khóc trong một cơn thịnh nộ. “Tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để có được bàn tay của con chó cái Canada cụt chân đó”, hắn gầm lên.
Tất nhiên, Virginia Hall không phải là người Canada. Và còn rất nhiều điều khác mà Đức quốc xã chưa bao giờ biết về nữ điệp viên táo bạo này.
Virginia Hall sinh ra ở Baltimore, Mỹ vào ngày 6/4/1906 trong một gia đình mục sư giàu có, sống nơi nông trang thanh bình. Là một học sinh xuất sắc, cô được bầu làm lớp trưởng tại Trường Quốc gia Roland Park, nơi cô còn là tổng biên tập tờ báo trường và đội trưởng đội khúc côn cầu.
Video đang HOT
Sau những năm học phổ thông đầy ấn tượng, Hall tiếp tục theo học tại trường Barnard và Radcliffe, hai trong số những trường đại học nghệ thuật tự do danh giá nhất nước Mỹ. Không dừng ở đó, Hall quyết định tiếp tục con đường học vấn ở các thành phố châu Âu như Paris và Vienna. Ở nước ngoài, cô sở hữu bằng tốt nghiệp về kinh tế và luật pháp quốc tế, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Đức.
Sau khi hoàn thành việc học, không xin vào được Bộ Ngoại giao Mỹ, Hall đành chấp nhận vị trí thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, Ba Lan vào năm 1931 trước khi được chuyển đến lãnh sự quán Mỹ tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, trong một chuyến dã ngoại săn bắn với bạn, Hall đã ngã bổ nhào vào hàng rào dây thép gai và vô tình làm khẩu súng ngắn cướp cò, bắn thẳng vào chân cô. Bị hoại tử vết thương, Hall phải cắt bỏ chân trái đến đầu gối.
Nỗi bất hạnh bi thảm này đã dập tắt mọi hy vọng của Hall được làm việc trong phái đoàn ngoại giao, bởi Bộ Ngoại giao Mỹ có các quy tắc nghiêm ngặt về tuyển dụng người khuyết tật. Khi phục hồi sức khỏe trở về nhà ở Maryland, Hall nộp đơn ứng tuyển vào Bộ Ngoại giao song bị từ chối.
Không chịu từ bỏ, Hall học cách đi trên chiếc chân giả mà cô đặt tên là “Cuthbert” của mình. Năm 1939, Hall xin nghỉ làm thư ký rồi trở lại Pháp ngay trước đêm Đức Quốc xã xâm lược đất nước hình lục lăng vào tháng 5/1940.
Với mong muốn đóng góp cho kháng chiến, Hall tình nguyện làm lái xe cho dịch vụ cứu thương của Pháp. Tuy nhiên, cô nhanh chóng phải chạy trốn tới London khi Paris thất thủ trước sức mạnh quân Đức.
Ở London, cô tình nguyện phục vụ trong đơn vị Điều hành Hoạt động đặc biệt (SOE), và được đào tạo về vũ khí cũng như hoạt động kháng chiến. Chẳng bao lâu, Virginia Hall bắt đầu ứng dụng thành thục những kỹ năng này và tự ghi tên mình vào lịch sử với tư cách một trong những điệp viên huyền thoại nhất Thế chiến II.
Khi gia nhập SOE, Virginia Hall (với mật danh Germaine) được cử đến Pháp để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của quân Đức, đồng thời giúp tổ chức và vũ trang cho lực lượng kháng chiến Pháp.
Sang Pháp vào tháng 8/1941, cô tự nhận mình là một phóng viên tờ New York Post. Và chỉ đến tháng 11, Hall đã thiết lập được một mạng lưới bí mật những công dân Pháp trung thành với lực lượng kháng chiến, mang mật danh là HECKLER.
HECKLER là một thành công đáng kinh ngạc, họ đã giúp nhiều phi công Anh bị Đức bắn hạ chạy thoát an toàn, cung cấp thông tin đáng giá cho quân Đồng minh và đưa một số đơn vị SOE mới vào Pháp.
Mật thám Gestapo của Đức Quốc xã điên cuồng săn lùng “quý cô Chân gỗ” cùng các chiến hữu của Hall. Trong chiến dịch này, chỉ huy Gestapo, Barbie có thể đã bắt được nhiều đặc vụ HECKLER, nhưng không phải là Virginia Hall.
Tới tháng 11/1942, Hall lại phải chạy trốn sang Tây Ban Nha sau khi Đức chiếm giữ những phần lãnh thổ còn lại của Pháp. Nữ điệp viên quả cảm đã phải dùng chiếc chân thật làm điểm tựa, rồi kéo lê chân giả vượt qua hành trình mùa đông khắc nghiệt ở vùng núi Pyrenees, miền Nam nước Pháp. Có thời điểm trong hành trình nguy hiểm, Hall truyền tin nhắn về cho tổ chức của mình ở London, nói đùa rằng Cuthbert đang gây cho cô một chút khó khăn. Nhóm SOE ở London không biết Cuthbert là mật danh Hall đặt cho chiếc chân giả, đã trả lời rằng: “Nếu Cuthbert gây khó khăn cho cô, hãy loại anh ta”.
Hall tới được Tây Ban Nhan an toàn, nhưng bị bắt giữ ngay tại một nhà ga vì tội vượt biên trái phép. Cô bị giam giữ trong sáu tuần, trước khi được giới chức Mỹ tại Barcelona bảo lãnh cho cô tự do. Do SOE của Anh từ chối đưa Hall trở lại Pháp vì hoạt động của cô đã bị lộ, “Chân gỗ” gia nhập Cơ quan Công tác Chiến lược Mỹ (OSS), lực lượng tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngày nay. Tháng 5/1944, cô được cử quay trở lại Pháp dưới vỏ bọc Marcelle Montagne, một cô thôn nữ sống ở vùng nông thôn.
Hall nhuộm tóc tàu xám, đi lê chân để tránh lộ ra tiếng chân gỗ, và thậm chí còn làm lại răng cho ra dáng phụ nữ Pháp. Nhiệm vụ của cô gái làng là điều hành một trạm truyền tin radio và bí mật hỗ trợ cho các lực lượng chống Đức cũng như tiếp tục dò la, báo tin về hoạt động của quân phát xít.
Thậm chí còn hơn thế, Virginia Hall đã từng tấn công cả quân Đức. Trong báo cáo cuối cùng của mình về tổ chức (OSS), Hall tuyên bố rằng đội của cô đã phá hủy 4 cây cầu, làm trật bánh tàu hỏa, cắt đứt tuyến đường sắt quan trọng ở nhiều nơi và phá hủy các đường dây điện thoại. Họ cũng được báo cáo đã tiêu diệt khoảng 150 tên Đức và bắt 500 tên khác.
Bản báo cáo cuối cùng được đưa ra vào khoảng tháng 9/1944, khi OSS chấm dứt nhận thông tin từ Hall vì lúc này lực lượng Đồng minh đã giải phóng khu vực sau cuộc đổ bộ Normandy. Sự kiện này cũng kết thúc những ngày tháng phi thường của Virginia Hall với tư cách một điệp viên thời chiến.
Sau chiến tranh, Chính phủ Pháp đã trao tặng cô Huân chương Chiến công Bội tinh với Nhành dương liễu; người Anh dành cho Virginia Hall huân chương Đế chế Anh và Tướng Mỹ William Donovan trao tặng cô huân chương Bảo quốc Thập tự.
Tổng thống Mỹ Harry Truman muốn đích thân trao huân chương cho Hall trong một buổi lễ công khai, nhưng “Chân gỗ” từ chối vì tin rằng điều đó sẽ tiết lộ quá nhiều về cô cho những kẻ thù vẫn còn đâu đó.
Với kinh nghiệm của một điệp viên sừng sỏ, Virginia Hall tiếp tục làm việc cho CIA với tư cách là nhà phân tích cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 60 vào năm 1966. Bà sống những ngày còn lại ở bang Maryland và qua đời năm 1982 ở tuổi 76.
Theo danviet.vn
Công khai trực tuyến 850.000 tài liệu về các nạn nhân Do Thái thời Đức quốc xã
Trung tâm Quốc tế về truy tố Đức quốc xã có trụ sở tại Đức cho biết hàng trăm nghìn tài liệu về tội ác của Đức quốc xã gây ra đối với khoảng 10 triệu người Do Thái đã được đăng tải trực tuyến vào ngày 19/11, cho phép những người quan tâm có thể truy cập tìm hiểu.
Người tị nạn Đức vượt qua hàng rào Nga vào ngày 6 tháng 11 năm 1945. Ảnh tư liệu: AP
Các tài liệu nói trên được thu thập từ Khu vực Chiếm đóng của Mỹ tại miền Nam nước Đức - khu vực lớn nhất do quân đồng minh kiểm soát - và là một phần trong số những tài liệu do trung tâm này sở hữu. Những tài liệu này thuộc Kho lưu trữ Arolsen, một vài tài liệu trong số này đã được công khai trực tuyến trước đó.
Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, Anh, Pháp, Liên Xô trước đây và Mỹ đã yêu cầu nhà chức trách Đức cung cấp thông tin chi tiết về số phận mọi nạn nhân của chế độ Đức quốc xã - dù là người nước ngoài, người Đức Do Thái hay người chưa rõ quốc tịch, cũng như vị trí chôn cất các nạn nhân.
Bà Rebecca Boehling - quyền Giám đốc Viện Quốc gia về tài liệu nạn diệt chủng Do Thái thuộc Bảo tàng Nạn diệt chủng Do Thái của Mỹ - đánh giá Kho lưu trữ Arolsen có ý nghĩa đặc biệt, giúp giới nghiên cứu tìm hiểu những diễn biến trong cuộc sống của các nạn nhân thời kỳ Đức quốc xã. Dự kiến, Kho lưu trữ Arolsen sẽ sớm được tiếp tục cập nhật với những dữ liệu thu thập tại Khu vực Chiếm đóng của Anh.
Nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) là một trong những vết nhơ mà phát xít Đức để lại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đã có 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong thảm họa diệt chủng này, trong đó có 1 triệu trẻ em.
Theo Thanh Phương (TTXVN)
Vì sao Liên Xô không gia nhập phe đồng minh chống phát xít năm 1939? Anh, Pháp, và Liên Xô từng cố gắng hình thành một liên minh chống phát xít Đức, nhưng nỗ lực này đổ vỡ và Stalin ký thỏa thuận với chính Đức Quốc xã. Tình hình ở châu Âu vào mùa xuân năm 1939 cực xấu. Chính sách làm hài lòng mà Anh và Pháp theo đuổi, nhằm cố giữ cho trùm phát xít...