Nông sản Việt kêu cứu vì virus corona
Dịch viêm phổi khiến thương lái Trung Quốc ngưng mua dưa hấu, chuối, thanh long Việt Nam, nông dân các tỉnh đồng loạt “khóc ròng”.
Tại Tây Nguyên, nông dân đang “sốt ruột” vì dưa hấu ế ẩm. Người dân liên tục gọi thương lái vào mua nhưng không ai mảy may. Ông Hoàng, người có 2 ha dưa hấu tại Kon Tum cho biết, hầu hết thương lái đều ngưng thu mua nên gia đình chỉ bán được cho các lái buôn trong vùng đổ đi các tỉnh lân cận. Theo đó, giá dưa hấu chỉ 1.000-1.500 đồng một kg.
“Với giá trên gia đình tôi lỗ gần 200 triệu cho 2 ha dưa hấu. Nếu năm ngoái giá dưa rẻ cũng ở mức 3.500-5.000 đồng một kg thì năm nay do không bán được sang Trung Quốc nên rớt thê thảm”, ông Hoàng nói.
Dưa hấu đổ đống và bán lẻ với giá 4.000-5.000 đồng một kg tại Kon Tum.
Theo chị Thanh Mai, thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở Tây Nguyên xuất khẩu sang Trung Quốc, giá dưa hấu đang giảm rất mạnh. Nếu năm ngoái chị có các đơn hàng xuất đi cho thương lái Trung Quốc thì năm nay bạn hàng nước này ngưng mua. Hiện nay, chị Mai chỉ mua vài vườn để gửi hàng đi các tỉnh lận cận như Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng…
Chị đang mua giá dưa tại nhà vườn ở Kon Tum với giá 1.200 đồng một kg, nếu tính cả phí công bốc dỡ lên xe thì giá dao động 1.300-1.500 đồng một kg, tùy loại. “Nếu vụ này năm ngoái tôi xuất 5-7 xe sang Trung Quốc thì nay không xuất được xe nào. Dịch viêm phổi bùng phát, Trung Quốc tạm ngưng nhập hàng nên thương lái không xuất được”, chị Mai giải thích.
Thanh long đang ùn ứ tại Long An và Bình Thuận. Giá “rớt” 2-6 lần so với cách đây hai tuần.
Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ tịch Hợp tác xã thanh long chợ Gạo (Long An) cho biết, thanh long không có người mua nên giá hàng loại 1 chỉ 8.000 đồng một kg, loại 2 chỉ 4.000-5.000 đồng một kg, giảm 6 lần so với cách đây nửa tháng.
Hiện toàn tỉnh Long An có khoảng vài chục nghìn tấn thanh long ruột đỏ đang bí đầu ra. Với những hộ đã ký hợp đồng có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2, thương lái hỗ trợ nông dân 5.000 đồng một kg.
Thanh long trắng loại 1 cũng chỉ được mua với giá 4.000 đồng một kg.
Video đang HOT
Tại Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng chỉ ở mức 2.000-4.000 đồng một kg.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, khoảng 4.000 tấn thanh long đang nằm trong các kho chứa. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 8.000 đến 10.000 ha thanh long đến vụ thu hoạch, sản lượng tương đương khoảng 85.000-100.000 tấn quả. Hàng năm, thanh long của tỉnh này đa phần được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủng mới của virus corona gây ra nên việc thu mua và xuất khẩu gặp khó khăn.
Hơn 200 container thanh long đang ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh ngày 4/2.
Nói với VnExpress, ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết hiện có hơn 200 container thanh long ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh. Cơ quan chức năng đang kêu gọi mọi người tiêu thụ tại thị trường trong nước để chờ diễn biến dịch.
Chuối cũng không thể xuất sang Trung Quốc. Tại Đồng Nai , gần 1 tháng nay, giá chuối xuất khẩu giảm mạnh. Chuối loại 1 hiện được hợp tác xã và các thương lái địa phương thu mua với mức 4.000-5.000 đồng một kg. Chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ 1.200-1.500 đồng một kg.
Tương tự với chuối ở các tỉnh miền Bắc. Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở sản xuất chuối tại Hưng Yên cho biết, giá chuối hiện nay chỉ tiêu thụ được thị trường trong nước với mức 4.000 đồng một kg. Năm nay ông chưa xuất được tấn nào dù năm ngoái bán đi được vài trăm tấn chuối.
“Đang vụ thu hoạch nhiều loại trái cây nên nguồn hàng càng dồi dào. Hiện, không chỉ chuối xuất sang Trung Quốc giảm mà một số quốc giá khác như Nhật cũng bị ảnh hưởng”, ông Căn nói.
Trong phiên họp tại hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản chiều 3/2, ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Công Thương cũng nhận xét, xuất nhập khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng 6-8 tháng do dịch bệnh nCoV. Chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ (tới 9/2) khiến trao đổi cư dân gián đoạn trong khi đây là hình thức trao đổi quan trọng với hàng nông sản, nhất là trái cây.
Bên cạnh đó, hiện đơn hàng trái cây mới xuất sang Trung Quốc chưa có do đối tác Trung Quốc không sang được Việt Nam. “Với xuất nhập khẩu, thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất”, ông Khánh đánh giá.
Hiện Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản, thuỷ sản Việt Nam, chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản. Các sản phẩm nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc gồm rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản…
Theo vnexpress
Tăng giá bán, khống chế số lượng được mua, khẩu trang vẫn "cháy" hàng
Lo ngại trước dịch viêm phổi do virus Corona, người dân đổ xô đi mua khẩu trang ở khắp nơi. Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng thuốc và đại siêu thị dù khống chế số lượng mỗi khách hàng chỉ được mua 5 - 10 chiếc khẩu trang nhưng vẫn không đủ bán...
Theo khảo sát của PV Infonet, hàng loạt cửa hàng thuốc tại Hà Nội như khu vực Đại Kim, Linh Đàm (Hoàng Mai), Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), Cầu Giấy... đã "cháy" khẩu trang các loại, các chủ cửa hàng thuốc đều lắc đầu mỗi khi có khách hỏi mua khẩu trang, nước rửa tay khô.
Lác đác có cửa hàng vẫn còn loại khẩu trang y tế thường và loại khẩu trang than hoạt tính 4 lớp thì đều tăng giá bán gấp đôi. Thậm chí, các cửa hàng còn không bán số lượng nhiều dù khách muốn mua, mỗi khách hàng chỉ được mua từ 5-10 chiếc khẩu trang.
Tương tự, tại nhiều cửa hàng Vinmart nơi thường bán rất nhiều khẩu trang 3D Mask Unicharm hiện cũng không còn một chiếc nào.
Thậm chí, rất nhiều người dân còn vào hẳn đại siêu thị Aeon Mall Hà Đông để tìm mua khẩu trang của Nhật nhưng vẫn phải về tay không vì siêu thị không đủ hàng bán.
Theo quan sát của PV tại siêu thị Aeon Mall Hà Đông khắp các quầy thanh toán đều treo biển thông báo mỗi khách hàng vui lòng chỉ mua tối đa 2 hộp/ngày để đảm bảo tất cả khách hàng đều có thể sử dụng khẩu trang và nước rửa tay khô. Cùng với đó, hệ thống loa phát thanh của siêu thị liên tục thông báo "nhắc" khách hàng, nếu khách có mua nhiều hơn thì cũng không thể thanh toán tại quầy thu ngân được.
Dù ra quy định đó, nhưng kệ bán khẩu trang và nước rửa tay khô tại siêu thị luôn trong tình trạng "cháy" hàng.
Đặc biệt, tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu- số 1 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội), nếu như buổi sáng 31/1, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá tại nhiều cơ sở và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có đúng giá đã niêm yết... thì đến chiều rất nhiều cơ sở kinh doanh đã đặt biển "quầy không bán khẩu trang, nước rửa tay, đừng hỏi".
Một số hình ảnh thực tế PV Infonet ghi lại về tình hình này:
Nhiều cửa hàng thuốc còn khẩu trang bán đều có thông báo tăng giá bán gấp đôi bình thường.
Nhiều cửa hàng Vinmart kệ bán khẩu trang trống trơn, không còn chiếc nào.
Tạ đại siêu thị Aeon Mall Hà Đông phải treo thông báo mỗi khách hàng vui lòng chỉ mua tối đa 2 hộp khẩu trang/ngày...
. .. nhưng trên kệ bày bán khẩu trang không còn một chiếc nào.
Quầy bán nước rửa tay luôn đông nhất, người dân thường tìm mua nước rửa tay khô nhưng siêu thị cũng đều hết.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu- số 1 Nguyễn Huy Tưởng đều thông báo "không bán khẩu trang, nước rửa tay" vào chiều 31/1.
Theo info net
Đóng cửa khẩu chống dịch virus Corona, người Hà Nội lại "giải cứu" dưa hấu Không thể xuất khẩu, rất nhiều xe container chở các mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long đã phải quay ngược về Hà Nội để tiêu thụ trong nước. Tại điểm "giải cứu" hơn 10 tấn dưa hấu tại phố Khương Trung, nhiều người đã đến mua ủng hộ lái xe. Những ngày này Tổng cục Hải quan quyết định tạm...