Nông sản miền Tây rớt giá thê thảm
Do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều nông sản, thủy sản ở miền Tây như cá tra, chôm chôm, khoai lang… rớt giá thê thảm.
Đến kỳ thu hoạch không ai mua
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trước Tết nguyên đán khoảng 19.000-19.500 đồng/kg nhưng nay sụt tiếp khiến người nuôi thua lỗ bởi giá thành sản xuất từ 21.000-22.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Dũng (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có diện tích nuôi cá tra khá lớn tại tỉnh Hậu Giang, cho biết trước Tết, nhiều mối hứa thu mua cá tra xuất sang Trung Quốc. “Mùng 6 tháng giêng âm lịch, cá đạt 700-800 g/con, hy vọng đến khi xuất bán cá đạt 1-1,1 kg/con nhưng những khách hàng đã hứa mua lấy cớ do dịch nCoV, bạn hàng Trung Quốc ngừng nhập khẩu nên không mua cá nữa” – ông Dũng thở dài. Hiện giá cá tra được vài thương lái thu mua tại ao của ông Dũng chỉ 17.500 đồng/kg.
Giá mít Thái tại miền Tây đang rớt giá bởi dịch nCoV
Với diện tích thả nuôi như ông Dũng, sản lượng thu hoạch là hàng trăm tấn. Mỗi tháng tiền thuê nhân công chăm sóc ao nuôi gần 100 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn. Cùng hoàn ảnh, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), cho biết HTX còn khoảng 200 tấn cá tra nhưng không thấy công ty nào đến mua. “Vài ngày qua, có người đến mua cá quá lứa, loại từ 1,5-2 kg/con với giá 17.000 đồng để tiêu thụ nội địa. Với giá này, người nuôi cầm chắc lỗ. Tôi mong các bộ, ngành có hướng giải quyết tình trạng này” – ông Phong nói.
Sau Tết nguyên đán, chôm chôm tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang vào mùa thu hoạch rộ. 70% sản lượng chôm chôm tại xã được xuất qua thị trường Trung Quốc. Bà Dương Thị Hằng (ngụ tại địa phương) vừa đầu tư 25 triệu đồng dàn tưới phun tự động cho vườn chôm chôm Java rộng 1 ha. Nhưng mấy ngày nay, do tình hình dịch bệnh, thương lái chỉ mua chôm chôm nhỏ giọt. Bà Hằng bộc bạch: “Tôi đầu tư vụ này hơn 100 triệu đồng nhưng giá chôm chôm Java chỉ còn 6.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm rồi. Thương lái chỉ mua mỗi ngày 1 tấn để bán cho các chợ, nếu 10 ngày nữa vườn chôm chôm không bán hết thì chỉ còn cách hái bỏ”.
Nông dân thua lỗ
Ông Võ Văn Tước (55 tuổi; ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đang lo lắng trước việc phía Trung Quốc không thu mua khoai lang tím Nhật. Trước Tết, giá khoai lang tím Nhật được thương lái thu mua 430.000 đồng/tạ (1 tạ ở đây chỉ 60 kg). Nhưng sau Tết vài ngày, khi có dịch nCoV, phía Trung Quốc không nhập hàng nên thương lái báo cho ông Tước giá mua khoai lang chỉ còn 260.000 đồng/tạ. “Giá này lỗ, những người đi thuê đất trồng khoai lang thì lỗ nặng do chi phí nhiều hơn. Năng suất khoai lang đợt này rất đạt, từ 50-60 tạ/công (1.000 m2). Nếu giá 430.000 đồng/tạ thì người trồng lãi vài triệu đồng/công” – ông Tước nuối tiếc. Do không thể xuất sang Trung Quốc nên khoai lang phải trữ lại trong kho nhưng chỉ được 1 tháng. Nếu không xuất được trong thời gian này thì khoai lang sẽ mọc mầm.
Video đang HOT
Trước Tết, giá mít Thái tại một số tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long… khoảng 40.000-50.000 đồng/kg nhưng đến mùng 6 tháng giêng chỉ còn 10.000-15.000 đồng/kg. Nguyên nhân cũng do dịch bệnh, thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Hiện nhiều cơ sở thu mua mít Thái ở Hậu Giang, Vĩnh Long… vẫn chưa khai trương do giá giảm, không dám thu mua.
Theo Người lao động
Nông sản Việt kêu cứu vì virus corona
Dịch viêm phổi khiến thương lái Trung Quốc ngưng mua dưa hấu, chuối, thanh long Việt Nam, nông dân các tỉnh đồng loạt "khóc ròng".
Tại Tây Nguyên, nông dân đang "sốt ruột" vì dưa hấu ế ẩm. Người dân liên tục gọi thương lái vào mua nhưng không ai mảy may. Ông Hoàng, người có 2 ha dưa hấu tại Kon Tum cho biết, hầu hết thương lái đều ngưng thu mua nên gia đình chỉ bán được cho các lái buôn trong vùng đổ đi các tỉnh lân cận. Theo đó, giá dưa hấu chỉ 1.000-1.500 đồng một kg.
"Với giá trên gia đình tôi lỗ gần 200 triệu cho 2 ha dưa hấu. Nếu năm ngoái giá dưa rẻ cũng ở mức 3.500-5.000 đồng một kg thì năm nay do không bán được sang Trung Quốc nên rớt thê thảm", ông Hoàng nói.
Dưa hấu đổ đống và bán lẻ với giá 4.000-5.000 đồng một kg tại Kon Tum.
Theo chị Thanh Mai, thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở Tây Nguyên xuất khẩu sang Trung Quốc, giá dưa hấu đang giảm rất mạnh. Nếu năm ngoái chị có các đơn hàng xuất đi cho thương lái Trung Quốc thì năm nay bạn hàng nước này ngưng mua. Hiện nay, chị Mai chỉ mua vài vườn để gửi hàng đi các tỉnh lận cận như Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng...
Chị đang mua giá dưa tại nhà vườn ở Kon Tum với giá 1.200 đồng một kg, nếu tính cả phí công bốc dỡ lên xe thì giá dao động 1.300-1.500 đồng một kg, tùy loại. "Nếu vụ này năm ngoái tôi xuất 5-7 xe sang Trung Quốc thì nay không xuất được xe nào. Dịch viêm phổi bùng phát, Trung Quốc tạm ngưng nhập hàng nên thương lái không xuất được", chị Mai giải thích.
Thanh long đang ùn ứ tại Long An và Bình Thuận. Giá "rớt" 2-6 lần so với cách đây hai tuần.
Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ tịch Hợp tác xã thanh long chợ Gạo (Long An) cho biết, thanh long không có người mua nên giá hàng loại 1 chỉ 8.000 đồng một kg, loại 2 chỉ 4.000-5.000 đồng một kg, giảm 6 lần so với cách đây nửa tháng.
Hiện toàn tỉnh Long An có khoảng vài chục nghìn tấn thanh long ruột đỏ đang bí đầu ra. Với những hộ đã ký hợp đồng có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2, thương lái hỗ trợ nông dân 5.000 đồng một kg.
Thanh long trắng loại 1 cũng chỉ được mua với giá 4.000 đồng một kg.
Tại Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng chỉ ở mức 2.000-4.000 đồng một kg.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, khoảng 4.000 tấn thanh long đang nằm trong các kho chứa. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 8.000 đến 10.000 ha thanh long đến vụ thu hoạch, sản lượng tương đương khoảng 85.000-100.000 tấn quả. Hàng năm, thanh long của tỉnh này đa phần được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủng mới của virus corona gây ra nên việc thu mua và xuất khẩu gặp khó khăn.
Hơn 200 container thanh long đang ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh ngày 4/2.
Nói với VnExpress, ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết hiện có hơn 200 container thanh long ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh. Cơ quan chức năng đang kêu gọi mọi người tiêu thụ tại thị trường trong nước để chờ diễn biến dịch.
Chuối cũng không thể xuất sang Trung Quốc. Tại Đồng Nai , gần 1 tháng nay, giá chuối xuất khẩu giảm mạnh. Chuối loại 1 hiện được hợp tác xã và các thương lái địa phương thu mua với mức 4.000-5.000 đồng một kg. Chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ 1.200-1.500 đồng một kg.
Tương tự với chuối ở các tỉnh miền Bắc. Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở sản xuất chuối tại Hưng Yên cho biết, giá chuối hiện nay chỉ tiêu thụ được thị trường trong nước với mức 4.000 đồng một kg. Năm nay ông chưa xuất được tấn nào dù năm ngoái bán đi được vài trăm tấn chuối.
"Đang vụ thu hoạch nhiều loại trái cây nên nguồn hàng càng dồi dào. Hiện, không chỉ chuối xuất sang Trung Quốc giảm mà một số quốc giá khác như Nhật cũng bị ảnh hưởng", ông Căn nói.
Trong phiên họp tại hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản chiều 3/2, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương cũng nhận xét, xuất nhập khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng 6-8 tháng do dịch bệnh nCoV. Chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ (tới 9/2) khiến trao đổi cư dân gián đoạn trong khi đây là hình thức trao đổi quan trọng với hàng nông sản, nhất là trái cây.
Bên cạnh đó, hiện đơn hàng trái cây mới xuất sang Trung Quốc chưa có do đối tác Trung Quốc không sang được Việt Nam. "Với xuất nhập khẩu, thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất", ông Khánh đánh giá.
Hiện Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản, thuỷ sản Việt Nam, chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản. Các sản phẩm nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc gồm rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản...
Theo vnexpress
Nông lâm thủy sản sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch Corona Theo BVSC, nông lâm thủy sản sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch Corona do hoạt động sản xuất sang thị trường Trung Quốc có thế sụt giảm. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD,...