Nói thật cử nhân Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật giỏi họ không chọn làm giáo viên đâu
Một giáo viên Âm nhạc giỏi, chỉ cần chơi đàn cho một đám cưới, một buổi sinh nhật, một sự kiện ở bên ngoài cũng có thể bằng 1 tháng lương, thậm chí là nhiều hơn.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2021 tới đây và điều mà các địa phương đang lên tiếng là rất thiếu và khó tuyển giáo viên ở các môn học này.
Đặc biệt là môn Tin học ở cấp Tiểu học, môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông vì đây là 3 môn học mới ở 2 cấp học này. Song, vấn đề đặt ra là các địa phương có tuyển được đầy đủ giáo viên hay không?
Và, những cử nhân sư phạm hoặc cử nhân các chuyên ngành này có thiết tha để xin vào giảng dạy ở các nhà trường phổ thông khi đồng lương hàng tháng quá thấp so với mặt bằng chung mà ngành nghề của họ thì tìm kiếm cơ hội việc làm không khó?
Các địa phương đang rất thiếu giáo viên đặc thù khi triển khai chương trình mới(Ảnh minh họa: P.L.)
Người giỏi sẽ không thiết tha đi dạy học đối với những môn đặc thù
Nói ra sự thật, có lẽ sẽ có nhiều thầy cô tự ái nhưng sự thực là trong bối cảnh hiện nay thì sinh viên sư phạm hoặc sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học, tiếng Anh không còn mấy người muốn đi dạy học như trước đây.
Cứ nhìn các năm qua, những thành phố lớn thường rất khó giữ chân được giáo viên các môn học đặc thù bởi nhiều khi tuyển xong chỉ một thời gian ngắn thì những giáo viên này lại xin thôi việc. Trong khi, giáo viên các môn học này thường vẫn rất thiếu.
Vì sao có tình trạng này? Bởi lẽ đồng lương giáo viên hiện nay quá thấp mà áp lực ở một số đơn vị lại quá nhiều. Những công việc không tên, những hồ sơ sổ sách hình thức khiến nhiều bạn trẻ chán nản và họ cảm thấy áp lực hàng ngày.
Mỗi tháng, lương giáo viên bậc 1 hiện nay đang hưởng hệ số 2,34 nên chỉ được nhận hơn 3 triệu đồng – nếu không phải trừ các loại quỹ mà quỹ trong ngành giáo dục thì nhiều lắm.
Liệu số tiền lương hơn 3 triệu đồng mà sống nơi phố thị thì các giáo viên trẻ sẽ sống ra sao? Tiền trọ, tiền đám hiếu, đám hỉ, tiền quà nọ, quà kia, đầu tư cho giảng dạy…
Trong khi, những người tốt nghiệp các chuyên ngành này có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tự do ở bên ngoài mà không bị quá nhiều ràng buộc.
Một giáo viên Âm nhạc giỏi, họ chỉ cần đi chơi đàn cho một đám cưới, một buổi sinh nhật, một sự kiện ở bên ngoài cũng có thể bằng 1 tháng lương, thậm chí là nhiều hơn.
Một cử nhân Mĩ thuật họ đầu quân cho một công ty quảng cáo lương tháng cũng gấp đôi, gấp ba tháng lương giáo viên mà đêm hôm họ không phải thức để lo giáo án, lo chấm bài.
Video đang HOT
Một cử nhân Tin học chỉ cần làm cho một công ty, hoặc thậm chí là một tiệm sửa máy tính thì lương vài ngày cũng bằng một tháng lương giáo viên.
Một cử nhân tiếng Anh có thể giảng dạy ở trung tâm ngoại ngữ, thậm chí đi làm gia sư cho 2 học sinh, mỗi tháng 8-12 buổi dạy, mỗi buổi 2 giờ cũng bằng tháng lương giáo viên.
Trong khi, họ có thể tự bố trí thời gian làm việc, không bị quá nhiều những ràng buộc về các thủ tục hành chính như ở ngành giáo dục.
Về chính sách đóng bảo hiểm xã hội thì các công ty, doanh nghiệp bây giờ ở đâu mà chẳng đóng, thậm chí là họ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì khi lớn tuổi họ cũng có đầy đủ chế độ như các viên chức ngành giáo dục.
Chính vì thế, việc thiếu giáo viên tiếng Anh và các môn Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp Tiểu học và Trung học phổ thông không thể giải quyết trong một sớm, một chiều được.
Vấn đề còn lại là ngành giáo dục chỉ có cách điều chuyển giáo viên dạy liên cấp để giảng dạy nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, còn việc tuyển đủ giáo viên các môn học này có lẽ cũng phải nhiều năm nữa mới có thể hoàn thiện được.
Ngành giáo dục cần phải thay đổi để thu hút giáo viên các ngành đặc thù
Hiện nay, ngành giáo dục đã thực hiện chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm và bắt cam kết khi ra trường phải phục vụ trong ngành giáo dục một số năm nhất định.
Nếu như sinh viên sư phạm khi ra trường không đi dạy phải hoàn lại kinh phí có thể xem là chính sách đã ràng buộc được chân các sinh viên sư phạm. Song, cũng phải mấy năm nữa thì lớp sinh viên này mới ra trường.
Trong khi, năm học tới đây thì các môn Tin học được triển khai ở lớp 3, môn Âm nhạc, Mĩ thuật được triển khai ở lớp 10 nên trước mắt sẽ thiếu giáo viên rất lớn.
Mặc dù những năm gần đây, công tác tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục có phần công khai, minh bạch hơn những năm trước đây nhưng đâu đó vẫn còn những góc khuất mà chỉ những người trong cuộc mới biết được.
Nhiều ngành khó tuyển giáo viên nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các giáo sinh cứ nộp hồ sơ là vào được mà đôi khi cũng phải đi qua nhiều con đường vòng vèo khác nữa.
Thậm chí có những trường thiếu giáo viên nhưng họ không tuyển mà họ thuê giáo viên bên ngoài dạy thỉnh giảng và trả thù lao theo tiết. Số tiền trả theo tiết, thậm chí trả theo tháng ít hơn nhiều khi tuyển 1 viên chức vào trường.
Chính vì thế, giải quyết bài toán thiếu giáo viên đối với những môn học mới ở ngành Giáo dục sẽ còn nhiều gian nan và giải bài toán này thì ngành Giáo dục, Nội vụ và các Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh đóng vai trò quan trọng nhất.
Thứ nhất: ngành Giáo dục cần tham mưu và có đề xuất về chế lương, phụ cấp tương xứng với công sức của giáo viên đặc thù nói riêng và đội ngũ giáo viên trẻ nói chung.
Thời buổi này mà với trình độ cử nhân, giáo viên chỉ có mức lương hơn 3 triệu đồng thì họ bấu víu vào đâu để sống và làm sao họ có thể yên tâm công tác? Trong khi, cũng trình độ, khả năng này họ làm ở bên ngoài có mức thu nhập cao hơn nhiều.
Yêu nghề nhưng giáo viên trẻ họ cũng phải yêu gia đình và bản thân họ nữa. Một khi đồng lương không nuôi nổi bản thân thì rất khó ràng buộc và tất nhiên là họ không tự trói chân mình trong môi trường làm việc cho dù đó là công việc họ yêu thích.
Thứ hai: công tác tuyển dụng cần công tâm, khách quan, không để cho tiêu cực xảy ra trong tuyển dụng. Trình độ giáo viên cũng cần cởi mở hơn. Không nhất thiết phải cứng nhắc giáo viên phổ thông phải tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Bởi lẽ, đây là những ngành đặc thù mà đòi hỏi bằng cử nhân thì rất khó để có nguồn tuyển.
Thứ ba: các địa phương cần linh hoạt điều chuyển giáo viên Tin học ở cấp Trung học cơ sở xuống Tiểu học vì chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã giảm 1 nửa số tiết của chương trình 2000.
Đối với môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông không phải là môn bắt buộc nên có lẽ sẽ không nhiều học sinh đăng ký học 2 môn này thì các địa phương cần tuyển giáo viên dạy liên trường sẽ thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp nhân sự. Việc này phải được ràng buộc ngay từ khi tuyển dụng.
Đồng thời, có thể điều chuyện giáo viên các môn học đặc thù dạy liên cấp (nếu thiếu tiết) sẽ giải quyết được bài toán nhân sự những năm đầu tiên chưa tuyển được giáo viên.
Bởi lẽ, như phần đầu bài viết chúng tôi đã đề cập là tuyển mới giáo viên các môn đặc thù này trong bối cảnh hiện nay là sẽ khó khăn, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai được.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Khó tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được từng bước áp dụng cho các khối lớp ở các bậc học phổ thông.
Ngoài lớp 1-2-6 đang triển khai áp dụng, từ năm học 2022-2023 sắp tới sẽ áp dụng thêm ở các lớp 3-7-10 và đến năm học 2024-2025 sẽ được phủ kín chương trình ở tất cả các khối lớp.
Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học sinh trên lớp. Ảnh: Công Nghĩa
Việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm, nhất là với những môn được tăng cường giảng dạy trong trường học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học... Nhưng có một thực tế, từ khâu tuyển sinh đào tạo của các trường sư phạm đến tuyển dụng giáo viên sư phạm các ngành học nói trên ngày càng khó khăn.
* Khi ngành sư phạm kém hấp dẫn
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, số lượng học sinh lớp 12 có ý định đăng ký xét tuyển và thi tuyển vào các ngành sư phạm ngày càng ít đi bởi sức hút của ngành này ngày càng giảm. Những học sinh khá giỏi thường có ý định đăng ký xét tuyển các ngành kinh tế, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe để khi ra trường được "chào đón" ngay với mức lương khởi điểm từ trên 10 triệu đồng/người/tháng trở lên, thậm chí là vài chục triệu đồng nếu tốt nghiệp đại học loại giỏi và đáp ứng tốt các yêu cầu đi kèm. Còn với ngành sư phạm, những điều kiện hấp dẫn về tuyển dụng như trên thường ít xảy ra.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đầu vào trong tuyển sinh ngành sư phạm, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã "siết" ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với tất cả các ngành. Từ nhiều năm nay, các trường đại học không còn tuyển sinh bậc trung cấp sư phạm, thí sinh muốn xét tuyển vào ngành sư phạm phải có học lực từ khá trở lên. Trong khí đó, đa phần học sinh nếu có học lực khá, giỏi thường không mấy "mặn mà" với ngành sư phạm dù học ngành này được nhà nước hỗ trợ học phí.
Những tác động bất lợi trong tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm đã và đang đặt ngành GD-ĐT trước những khó khăn trong tuyển dụng về số lượng và chất lượng giáo viên phục vụ dạy và học, đặc biệt là những môn học mới lần đầu áp dụng vào các bậc học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới như: Tin học ở bậc tiểu học; Mỹ thuật - âm nhạc ở bậc THPT.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Viên chia sẻ: "Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho học sinh lớp 10 năm học sắp tới, có 2 môn học tự chọn mới là Mỹ thuật và Âm nhạc nhưng nhà trường chưa có giáo viên hai môn này, việc tuyển dụng chắc chắn cũng không dễ".
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, nhiều năm nay, thành phố chưa thể chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học. Trong khi giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên Toán và Tiếng Anh (bậc THCS) khá thuận lợi trong tuyển dụng thì với giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, thậm chí những môn học như Lịch sử, Địa lý cũng không dễ tuyển dụng. Thực tế đến nay, nhiều trường trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu giáo viên ở những môn học này. Hầu như điều kiện tuyển dụng giáo viên đầu vào với các môn khó tuyển đều tương đối ưu ái, có hồ sơ là tạo thuận lợi nhưng thực tế số lượng hồ sơ đăng ký rất ít so với nhu cầu tuyển dụng thực tế hằng năm.
* Cần có chiến lược dài hạn
Trường đại học Đồng Nai từng được biết đến là "cái nôi" đào tạo ra lực lượng giáo viên hùng hậu ở hầu hết các bậc học từ mầm non đến THPT của tỉnh. Thế nhưng, trong xu thế hiện nay, nhiều ngành sư phạm do nhà trường đào tạo trước đây đã không còn được duy trì.
Theo lãnh đạo Trường đại học Đồng Nai, việc đào tạo của nhà trường phải bám sát với cung - cầu của xã hội. Người học có quyền lựa chọn ngành học ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn người học phải thấy được học xong có tìm được việc làm hay không, thu nhập có hấp dẫn hay không. Hiện giáo viên mới ra trường, kể cả có trình độ đại học được phân công vào trường công lập công tác, hưởng lương nhà nước với mức khởi điểm rất thấp, thu nhập so với các ngành khác thì khó có thể nào bằng, dù cùng trình độ đào tạo đại học. Điều này sẽ khó thu hút người học ngành sư phạm và tuyển dụng, từ đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực giáo viên và chất lượng dạy và học lâu dài.
Nhiều lãnh đạo các phòng GD-ĐT địa phương khá trăn trở, tới đây theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3 sẽ có môn Tin học, Tiếng Anh tăng cường thêm số tiết. Vấn đề việc bố trí giáo viên để tăng cường dạy 2 môn học này là bài toán khó.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại H.Xuân Lộc cho rằng: "Nếu tuyển dụng một giáo viên Tin học tốt nghiệp đại học về huyện miền núi công tác với mức lương nhà nước như hiện nay e là khó khả thi. Vì với chuyên môn Tin học ở trình độ đại học, người lao động dễ dàng tìm việc ở các doanh nghiệp với mức lương cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần lương giáo viên".
Từ năm học 2021-2022, khi môn nghệ thuật, gồm Mỹ thuật - Âm nhạc, được đưa vào giảng dạy ở các trường THPT, chắc chắn Đồng Nai có thể cần đến hàng trăm giáo viên những môn học này bổ sung cho các trường. Điều này sẽ tạo ra những áp lực trong việc làm tăng biên chế của ngành Giáo dục.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: "Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng ở năm học 2022-2023 sắp tới ở lớp 3-7-10, áp lực không chỉ ngành Giáo dục Đồng Nai gặp phải mà còn là cả nước. Sở GD-ĐT đang tính toán, bố trí để có giáo viên dạy các môn học mới bằng nhiều hình thức như: xin thêm biên chế, tuyển dụng mới, hợp đồng... Về cơ bản, phải có kế hoạch rà soát lại nhu cầu thực tế để có kế hoạch phối hợp với Trường đại học Đồng Nai đào tạo. Việc này không thể giải quyết sớm trong thời gian ngắn được".
Chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên về số lượng và chất lượng
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VĂN PHÚC cho rằng, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cần rà soát lại lực lượng giáo viên. Với tỉnh có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, học sinh đông, Đồng Nai phải chuẩn bị số lượng và chất lượng giáo viên một cách đồng bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để có được số lượng và chất lượng.
Giải pháp nào cho 'bài toán' thiếu giáo viên môn nghệ thuật? Năm học 2022 - 2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới bậc THPT được triển khai ở lớp 10. Trong đó, việc môn Nghệ thuật được đưa vào bậc THPT đã khiến ngành Giáo dục xảy ra tình trạng thiếu giáo viên (GV) trầm trọng ở môn học này. Từ xưa đến nay, môn Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc)...