Nối dài đường học cho trẻ khuyết tật
“Phải làm sao để HS của mình học lên THPT” – thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng) nhiều năm nay vẫn tìm cách giải bài toán nối dài đường học cho HS của mình.
Thầy Nguyễn Duy Quy (thứ 2 bên trái) hướng dẫn học sinh Trường Chuyên biệt Tương lai làm hương.
Học nghề để “ấm lấy thân”
Trần Hoài Trang (quê ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) có 18 năm gắn bó với Trường Chuyên biệt Tương lai. Trang bị khiếm thính, ba mẹ đưa em về Đà Nẵng xin học hồi 6 tuổi, có bà ngoại theo về chăm sóc. Sau khi Trang hết tuổi học, ra trường, thầy Nguyễn Duy Quy thấy cô bé không có nghề nghiệp gì để có thể nuôi sống bản thân nên gọi Trang về lại trường, cho cô học làm nail, hoa vol và gửi Trang học nghề làm bánh ở Trường Hướng nghiệp Á – Âu Đà Nẵng.
Giờ Trang đã có thể làm những chiếc bánh cupcake, sinh nhật theo đơn đặt hàng của một số trường học mà thầy Quy kết nối giúp học trò. Trường tận dụng căn phòng bảo vệ làm nơi cho các em làm và trưng bày sản phẩm, dành một góc của phòng bếp cho Trang có chỗ đặt lò nướng bánh. Từ câu chuyện của Hoài Trang, Trường Chuyên biệt Tương lai đã nghĩ đến hướng đi dài hơi khi tính đến bài toán hướng nghiệp cho HS một cách bài bản.
Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng) bắt đầu dạy hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật trí tuệ (KTTT) từ năm học 2015 – 2016, với nghề làm hương. Thầy Nguyễn Duy Quy cho biết: Với học sinh KTTT, chương trình giáo dục dừng lại ở bậc tiểu học. Không đủ khả năng để học hòa nhập ở bậc THCS trong khi chưa có chương trình dành riêng cho HS dạng tật này nên nếu gia đình nào không đủ điều kiện cho con theo học ở các trung tâm bên ngoài thì “rời trường ra các em thường ở nhà”.
Có nhiều phụ huynh, dù con đã tốt nghiệp 1 – 2 năm, vẫn quay trở lại trường bày tỏ nguyện vọng muốn gửi con theo học trở lại, bởi “các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội của các em bị mai một đi nhiều, chỉ còn giữ lại được kỹ năng tự phục vụ”. Nếu mở các lớp nghề nối đuôi để các em vẫn tiếp tục được rèn luyện kỹ năng và có cơ hội tiếp cận một nghề nghiệp nào đấy, từ những trăn trở như vậy, thầy Nguyễn Duy Quy cùng đội ngũ GV nhà trường tìm mọi nguồn hỗ trợ để giúp HS có một nghề để tự nuôi sống bản thân sau này.
Hiện, Trường Chuyên biệt Tương lai có 20 em theo học nghề làm hương. Với HS từ 16 – 18 tuổi, các em có thể làm các quy trình từ sản xuất đến thành phẩm. Một số HS khác theo học nghề làm nail, hoa đá. Theo thầy Quy, nhà trường xác định đem kiến thức, kỹ năng và nghề cho các em là niềm hạnh phúc và thành công của người thầy.
Học sinh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập học nấu ăn.
Giai đoạn chuyển tiếp để sống hòa nhập
Video đang HOT
Đều đặn vào chiều thứ 5 hàng tuần, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, tiền thân là Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) tổ chức bán các sản phẩm do học sinh làm ra, như dưa cà, rau sạch, sữa chua, móc khóa, hương, chả xiên… trong khuôn viên của trung tâm. Khách hàng mua thường xuyên cũng chủ yếu là giáo viên, nhân viên, phụ huynh của Trung tâm và học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền ở gần đó.
Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên – Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngoài chương trình học văn hóa và tiết can thiệp cá nhân, học sinh từ 12 tuổi trở lên, không có khả năng học chữ nhưng kỹ năng khác tốt được Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chia nhóm để dạy kỹ năng tự phục vụ, làm các việc nhẹ nhàng trong gia đình, làm vườn, rửa xe. Học sinh nữ được dạy kết cườm, kết hạt, làm hoa, đồ trang sức bằng giấy. Những em có khả năng học được dạy kỹ năng đi chợ, quản lý chi tiêu trong gia đình, chế biến bữa ăn.
Ngay như hoạt động mua – bán vào chiều thứ 5 cũng là hình thức để Trung tâm giúp cho HS nhuần nhuyễn một số kỹ năng đã được học trước đó. Số tiền thu được từ phiên chợ, trừ đi tiền nguyên vật liệu, sẽ dồn lại để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS. “Nhà trường tổ chức cho các em đi công viên, siêu thị, xem phim… Mỗi hoạt động đều dạy cho các em kỹ năng nhất định và rất cần thiết trong cuộc sống”, cô Quyên cho biết.
Trường Tư thục Thanh Tâm (Đà Nẵng) triển khai dạy nghề cho học sinh khuyết tật cho học sinh từ năm 2012, với các nghề như photoshop, may, làm bánh, nghề mộc, làm vườn. Nhà trường cũng chủ trương không tuyển tạp vụ, để học sinh tự phải tự kê bàn, bưng thức ăn, rửa dọn phòng ăn cũng như mọi việc ở lớp cùng với giáo viên để rèn kỹ năng tự phục vụ. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa vào thứ 6 mỗi tuần, các lớp sẽ tổ chức nấu nướng, làm bánh. Trường mở Công ty TNHH Xã hội Thanh Tâm, nhiều em đang làm việc tại công ty với các vị trí công việc như pha chế, làm bánh, quầy bar – là quán cà phê trong khuôn viên trường.
Hiện, học sinh bị khuyết tật thính giác ở Trường Chuyên biệt Tương lai được học với giáo trình biên soạn riêng, kéo dài đến lớp 9. Sau khi hoàn thành chương trình, nhiều em không biết đi đâu và làm gì tiếp theo trong khi không phải em nào cũng thích học nghề. Theo thầy Nguyễn Duy Quy, nhà trường đang nỗ lực để HS có thể theo học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc tiến hành xây dựng chương trình cho học sinh khiếm thính học lên chương trình THPT như mô hình của một số trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật đang triển khai.
Trẻ khuyết tật và khát khao hòa nhập trong môi trường phù hợp
Được đến trường, hòa nhập cùng chúng bạn là nhu cầu chính đáng của trẻ khuyết tật.
Dạy hòa nhập cho học sinh tiểu học tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Những năm qua, giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam được Nhà nước đặc biệt quan tâm và đạt thành tựu đáng ghi nhận, nhưng khó khăn, trăn trở cũng còn rất nhiều.
Nhu cầu chính đáng
Là người mẹ có con tự kỷ, hơn ai hết chị Nguyễn Thị Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thấm thía nỗi vất vả, khó khăn trong việc dạy dỗ. Với căn bệnh tăng động, giảm chú ý, bé Linh, con chị Hoa, luôn trong tình trạng khó tập trung và vận động chân tay liên tục. Khi học mầm non, do không tìm được trường phù hợp, chị Hoa cho con học tại một trường công lập.
Tại đây, vì tiếp thu chậm hơn so với các bạn nên hầu như con không học được, lúc nào cũng chơi một mình và ngồi một góc, nhìn xót xa vô cùng. "Mong con được hòa nhập, có thể chơi đùa với các bạn cùng trang lứa, đó là niềm mơ ước, khát khao của người mẹ có con không may mắc bệnh như mình; nhưng trong một môi trường không phù hợp, con không thể hòa nhập được" - chị Hoa chia sẻ.
Đến tuổi vào lớp 1, gia đình lên nhiều phương án để bé Linh được đến trường: Xin cho con học ở trường công lập gần nhà rồi thuê giáo viên đi kèm; cho con đến học một trường tư thục giáo dục đặc biệt... Và sự lựa chọn cuối cùng là Trường Tiểu học Bình Minh. Thật may mắn, tại đây Linh được học theo năng lực, hòa nhập với các bạn nên con rất vui; từ đó, biểu hiện cảm xúc tốt hơn, nói nhiều hơn và đặc biệt con vui vẻ trước giờ đến trường, hạnh phúc sau mỗi buổi học.
"Điều đó vô cùng quan trọng với những trẻ như bé Linh. Sự tiến bộ của con theo năm tháng càng khẳng định rằng, với trẻ khuyết tật luôn có nhu cầu, mong muốn và quyền lợi được đến trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn như vậy. Bạn tôi cũng có con tự kỷ.
Độ tuổi mẫu giáo cháu được đi học tại trường gần nhà. Đến năm 6 tuổi, do chưa biết nói, lại có vấn đề về hành vi, nên gia đình làm hồ sơ dự tuyển vào Trường Bình Minh không được. Một thời gian, gia đình cho cháu đến trung tâm học, nhưng sau 5 tháng phải bỏ vì chi phí quá cao. Cho đến nay, dù 10 tuổi nhưng cháu vẫn phải ở nhà với bà ngoại" - chị Hoa trăn trở.
Dạy theo chuyên đề "Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật" tại Trường TH Thị Xuân (TP Cao Bằng).
Còn nhiều khó khăn
Là cơ sở giáo dục chuyên biệt của Hà Nội, Trường Tiểu học Bình Minh luôn quá tải về số trẻ khuyết tật có nhu cầu nhập học.
"Nhu cầu trẻ được đến trường, được học hòa nhập vô cùng lớn. Phụ huynh nào cũng đều tìm mọi cách để con được đến trường; kể cả tuyển sinh đã xong nhưng vẫn có phụ huynh liên lạc với nhà trường để mong con được đi học" - cho biết điều này, theo Hiệu trưởng Lê Thanh Hà, mỗi năm Trường Tiểu học Bình Minh xin chỉ tiêu 1 lớp (20 em), song thực tế có gấp đôi số học sinh được nhập học.
Nếu trước đây, học sinh bình thường chiếm 2/3 tổng số học sinh toàn trường, nhưng nay tỷ lệ học sinh bình thường - học sinh khuyết tật đã là 50/50; và tương lai, nhu cầu học của học sinh khuyết tật sẽ tăng cao. Bởi vậy, nhà trường gặp khó khăn về nội dung chương trình, về mức độ khuyết tật của trẻ và cả cơ sở vật chất, phòng học.
"Trẻ khuyết tật được đến trường là nhu cầu chính đáng và rất cần thiết. Các em được cùng học, cùng chơi, hòa nhập với các bạn sẽ phát triển tốt hơn. Thực tế, trường tôi chỉ có một số lớp có các học sinh như vậy học cùng nhau và các con rất hồn nhiên vô tư, không mặc cảm, không bị bỏ rơi. Năm trước, trường đón đoàn chuyên gia của Nhật Bản về thăm các lớp khuyết tật, họ đánh giá rất cao về học sinh khuyết tật của Việt Nam. Họ nói học sinh Việt Nam hồn nhiên, vô tư, không bị tự ti như học sinh khuyết tật ở Nhật Bản" - cô Lê Thanh Hà chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT), giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam được Đảng và Nhà nước quan tâm trong cả quá trình phát triển giáo dục của đất nước. Điều đó thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Hiến pháp, các bộ luật, nghị định, quyết định, thông tư... cũng như văn bản hướng dẫn trong kế hoạch giáo dục hàng năm của Bộ GD&ĐT, địa phương. Cơ sở pháp lý đã bảo đảm để giáo dục trẻ khuyết tật phát triển và trẻ khuyết tật có thể tham gia giáo dục có chất lượng như các bạn cùng tuổi không bị khuyết tật.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ trẻ khuyết tật tham gia giáo dục thấp hơn nhiều so với tỉ lệ chung, số năm đi học của trẻ khuyết tật càng ít hơn và tỉ lệ trẻ khuyết tật có thể đi học tiếp ở các trình độ sau giáo dục phổ thông lại càng hiếm. Đa số trẻ khuyết tật mới được đi học ở cấp tiểu học, một số hoàn thành phổ cập giáo dục THCS nhưng sau đó lại trở về nhà và sống phụ thuộc.
Việt Nam có khoảng hơn 100 cơ sở chuyên biệt giáo dục trẻ khuyết tật (trường/trung tâm) thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, tổ chức khác nhau và nhiều cơ sở tư nhân thực hiện can thiệp, giáo dục trẻ khuyết tật. Các cơ sở chuyên biệt cũng như cơ sở tư nhân thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, hầu như chỉ tập trung ở các thành phố lớn hoặc thành thị.
Với mạng lưới như vậy, PGS Nguyễn Đức Minh cho rằng: Trẻ khuyết tật ở vùng nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa khó có cơ hội tham gia giáo dục. Quản lý hoạt động của các cơ sở tư nhân có thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật đang là vấn đề cần quan tâm khi một số hiện tượng phi giáo dục được phát hiện gần đây.
Giờ học tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập ở Trường Tiểu học Hải Xuân (TP Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: IT
Cần những giải pháp hữu hiệu
Giáo dục học sinh khuyết tật là một quá trình cần sự kiên trì, nhẫn nại và rất nhiều khó khăn. Giáo viên dạy học sinh khuyết tật bởi vậy cũng vô cùng vất vả. Tuy nhiên, điều cô Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh trăn trở là hiện tại giáo viên đứng lớp dạy đối tượng học sinh này được hưởng 70% phụ cấp đứng lớp; lương khởi điểm cho giáo viên mới ra trường chưa được 5 triệu một tháng. Có lẽ vậy, học sinh ít đăng ký vào khoa giáo dục đặc biệt của trường sư phạm vì mảnh đất này ít màu mỡ lại đòi hỏi cao và lắm khó khăn.
"Tôi mong rằng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật; cũng như quan tâm hơn tới trường lớp và chương trình dạy cho các trẻ này" - cô Lê Thanh Hà bày tỏ.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS Nguyễn Đức Minh cho rằng: Để nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ khuyết tật, giúp trẻ có thể tiếp tục học, được đào tạo nghề hướng đến sống tự lập, hòa nhập với cộng đồng, cần phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy về giáo dục trẻ khuyết tật và thực trạng thực hiện các văn bản pháp quy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt để có được những giải pháp chính sách hữu hiệu nhằm bảo đảm cho giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam đi đúng hướng với chất lượng cao.
4 giải pháp được PGS Nguyễn Đức Minh đề xuất: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục trẻ khuyết tật nhằm khắc phục những hạn chế trong các văn bản hiện hành và tạo cơ chế, chính sách mở cho giáo dục trẻ khuyết tật. Xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động và quản lý các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và cơ sở tư nhân thực hiện can thiệp sớm và chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Xây dựng hệ thống văn bản khuyến khích sự tham gia vào giáo dục trẻ khuyết tật của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Cuối cùng, tuyên truyền rộng rãi về quy định của luật và chính sách giáo dục trẻ khuyết tật.
Số liệu từ "Điều tra quốc gia về người khuyết tật" do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2016 - 2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF cho thấy:
2,79% trẻ em Việt Nam độ tuổi 2 - 17 có khuyết tật; trong đó, 2,74% trong độ tuổi 2 - 4 và 2,81% trẻ em trong độ tuổi 5 - 17. Khoảng 2,94% trẻ em ở nông thôn và 2,42% trẻ em ở thành thị, 2,62% trẻ em dân tộc Kinh và 3,48% trẻ em các dân tộc khác có khuyết tật. Về giới tính, khoảng 3,0% trẻ em nam, 2,57% trẻ em nữ có khuyết tật.
Khoảng 0,5% người khuyết tật học trong lớp chuyên biệt cho người khuyết tật tại trường phổ thông; gần 1% người khuyết tật học ở trường chuyên biệt; Khoảng 55,5% người khuyết tật từ 5 - 24 tuổi đang đi học được miễn giảm học phí. Tỷ lệ đi học của trẻ có khuyết tật cấp THCS là 74,7% và trẻ không có khuyết tật là 94,3%.
Cô giáo tận tâm với tấm lòng yêu thương con trẻ Cô giáo Nguyên Quôc Thư Trâm, quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã có những sáng kiên tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đến công tác dạy và học của trường và ngành giáo dục thành phố. Sự tận tâm, hết lòng vì học trò của cô giáo Trâm đã và đang mang lại nhiều hơn tiếng cười, tình yêu...