Nội các mới của Nhật Bản có số lượng nữ bộ trưởng cao kỷ lục
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 13/9 chính thức công bố danh sách nội các mới của nước này, với số lượng nữ bộ trưởng cao kỷ lục.
Theo Kyodo News, trong tổng số 19 bộ trưởng, Thủ tướng Kishida đã bổ nhiệm 11 gương mặt mới trong một nỗ lực làm mới nội các của mình, song vẫn giữ lại một số nhân vật chủ chốt.
Đáng chú ý, cựu Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa, một nữ nghị sĩ kỳ cựu, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Ông Minoru Kihara, người từng giữ chức cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi và Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura vẫn giữ nguyên chức vụ.
Các thành viên nội các mới khác bao gồm Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi, Bộ trưởng Tái thiết Shinako Tsuchiya và Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita.
Video đang HOT
Theo Kyodo News, cuộc cải tổ nội các Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ dành cho chính quyền của Thủ tướng Kishida tiếp tục sụt giảm, một phần do các vấn đề với hệ thống thẻ căn cước quốc gia “My Number”, cũng như sự thất vọng của công chúng về tình trạng giá cả tăng cao trong khi lương không tăng.
Lần cải tổ nội các này cũng ghi nhận con số nữ bộ trưởng cao kỷ lục. Ngoài 2 vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng An ninh kinh tế, 3 gương mặt nữ giới còn lại trong nội các lần này gồm Bộ trưởng Phụ trách các chính sách liên quan đến trẻ em Ayuko Kato; Bộ trưởng Phụ trách phục hồi khu vực Hanako Zimi, và Bộ trưởng Tái thiết sau thảm họa Shinako Tsuchiya.
Đây được cho là một phần của nỗ lực tăng cường sự ủng hộ trong công chúng đối với chính phủ Nhật Bản, với việc nhấn mạnh hơn sự bình đẳng trên chính trường và trao quyền cho phụ nữ.
Sau cuộc cải tổ nội các, Thủ tướng Kishida sẽ thực hiện các giải pháp kinh tế để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt, cũng như chính sách nuôi dạy trẻ em, và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản hy vọng việc cải tổ nội các sẽ tạo động lực cho chính quyền của ông, mở đường cho Đảng LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo và củng cố nền tảng chính trị của ông trước thềm cuộc đua Chủ tịch LDP vào năm 2024.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43: Nhật Bản công bố sáng kiến kết nối toàn diện
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 6/9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tham dự Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) - một sự kiện thuộc chuỗi các hội nghị cấp cao của ASEAN đang diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF) trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta, Indonesia ngày 6/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của các nước ASEAN, khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương đang trở thành động lực thúc đẩy kinh tế thế giới đi lên. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) đều dựa trên nguyên tắc thiết yếu là sự cởi mở, minh bạch và toàn diện, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật Bản là quốc gia luôn ủng hộ vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, cũng là nước đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với AOIP vào năm 2019. Thủ tướng Kishida cũng công bố "Sáng kiến kết nối toàn diện Nhật Bản-ASEAN" trên 6 lĩnh vực cụ thể.
Đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng. Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển các cảng biển, đường bộ, đường sắt và sân bay để thúc đẩy dòng người và hàng hóa giữa các nước ASEAN. Các dự án mà Nhật Bản đang triển khai hiện nay đã lên tới gần 2.800 tỷ yen (khoảng 19 tỷ USD). Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy hợp tác về mặt kỹ thuật, tiếp tục cung cấp công nghệ và kiến thức của Nhật Bản cho các nước ASEAN.
Thứ hai là kết nối kỹ thuật số. Nhật Bản sẽ hợp tác để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc số hóa của các nước ASEAN, đồng thời tăng cường kết nối khu vực bằng công nghệ kỹ thuật số và đóng góp vào việc bảo đảm an ninh mạng.
Thứ ba là hợp tác hàng hải. Đây là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa Nhật Bản và các nước ASEAN thông qua đường biển. Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật hàng hải bằng cách hỗ trợ đào tạo nhân viên hoặc cung cấp tàu tuần tra cho các lực lượng bảo vệ bờ biển.
Thứ tư là tăng cường chuỗi cung ứng. Để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine, việc đảm bảo dòng hàng hóa ổn định và an ninh lượng thực là vấn đề rất quan trọng. Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực vào việc củng cố chuỗi cung ứng trong ASEAN và cùng nhau xây dựng một nền kinh tế bền vững trước các cuộc khủng hoảng.
Thứ năm là khả năng kết nối nguồn điện. ASEAN là nơi đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.
Để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ cải thiện kết nối nguồn điện thông qua việc xây dựng quy hoạch tổng thể và đào tạo con người.
Thứ sáu là kết nối con người và tri thức. Hỗ trợ phát triển của xã hội chính là con người và tri thức. Nhật Bản sẽ hợp tác phát triển nguồn nhân lực ở các nước ASEAN thông qua các chương trình trao đổi nhân sự, đào tạo nhân sự trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường mạng lưới giao lưu hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Nhật Bản sẽ triển khai kế hoạch đào tạo 5.000 nhân sự trong 3 năm tới trong các lĩnh vực nói trên.
Kết thúc bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Kishida cho biết vào tháng 12 tới, để kết thúc năm kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản - ASEAN, Nhật Bản sẽ mời lãnh đạo các nước ASEAN đến thủ đô Tokyo và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản - ASEAN. Khi đó, Nhật Bản hy vọng sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN xây dựng một tầm nhìn chung giúp định hình hướng đi của quan hệ song phương cũng như phương hướng hợp tác trong tương lai.
Nhật Bản sẽ triển khai các sáng kiến hợp tác một cách sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, cũng như hỗ trợ giáo dục đào tạo tiếng Nhật. Với những nỗ lực này, Nhật Bản hy vọng sẽ cùng các nước ASEAN tiến lên phía trước, truyền lại tinh thần của tình hữu nghị Nhật Bản - ASEAN cho thế hệ tiếp theo và biến kỷ nguyên mới này thành cơ hội để hai bên cùng phát triển.
Nhật Bản cam kết tăng cường hợp tác hàng hải với các nước Đông Nam Á Ngày 6/9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trong các lĩnh vực an toàn hàng hải và số hóa. Tuyên bố này được đưa ra tại Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Thủ tướng Nhật Bản Fumio...