‘Nỗi ám ảnh’ thịt heo của kinh tế Trung Quốc
Giá thịt heo là tác nhân chính khiến lạm phát Trung Quốc cao nhất gần một thập kỷ, trong khi tăng trưởng chậm chạp hơn.
Lạm phát tiêu dùng Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế đang ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ. Dữ liệu tháng 11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 4,5% so với một năm trước đó, do giá thịt heo tăng vọt. Một số nhà kinh tế dự kiến lạm phát từ 6% trở lên vào đầu năm tới.
Giá thịt heo ở Trung Quốc tăng đột biến hơn các nước vì thịt heo chiếm chi tiêu thực phẩm lớn nhất trong hộ gia đình nước này. Lạm phát thực phẩm quá nóng đe dọa mặt bằng giá hàng hóa nói chung tăng theo. Điều này lại kéo theo các chi phí khác cũng leo thang, như lương bổng hay tiền thuê nhà.
Một hộ gia đình Trung Quốc dành gần một phần năm thu nhập khả dụng cho thực phẩm, theo một khảo sát toàn quốc với khoảng 35.000 hộ gia đình vào hè vừa qua của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (Trung Quốc). Tỷ lệ này cao gấp đôi so với Mỹ, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Diễn biến giá thịt heo (xanh đậm) và giá thực phẩm (xanh nhạt) tại Trung Quốc giai đoạn 2015-2019.
Vợ chồng ông Li Debai, một người về hưu 60 tuổi sống tại Kaili ( Quý Châu) những tháng gần đây buộc phải hạn chế ăn thịt heo do giá tăng cao. Những ngày này, nhà ông Li chỉ ăn khoảng một kg thịt heo mỗi tuần, bằng một nửa so với trước. Ông thậm chí phải từ bỏ sở thích ăn giò heo của mình.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm làm chậm xu hướng tăng giá trong những tháng gần đây, bao gồm tăng nhập khẩu và xả kho dự trữ, giá thịt heo vẫn tăng hơn gấp đôi trong tháng 11 so với một năm trước đó, trong khi giá thực phẩm nói chung tăng 19%.
Video đang HOT
Một số nhà kinh tế nhận định, lạm phát thực phẩm có thể lên đến đỉnh điểm vào Tết Nguyên đán, tức cuối tháng 1/2020. Những người khác lo ngại giá tăng đối với các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm khác có thể làm tăng thêm lạm phát.
Hui Shan, một nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết, lạm phát thực phẩm cao ở Trung Quốc có tác dụng phụ nguy hiểm là làm giảm niềm tin người tiêu dùng. Nếu họ ngại chi tiêu hơn thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm đi. Ông Liang Zhenye, một chủ cửa hàng bún ở tỉnh Quảng Tây biết rõ điều này.
Mặc dù chi phí nguyên liệu thô tăng 15% trong những tháng gần đây, ông Liang đã cố gắng không tăng giá tô bún để giữ khách. Nhưng tháng 11 vừa rồi, chủ nhà tăng 8% tiền thuê mặt bằng nên ông quyết định dẹp tiệm. “Tôi sẽ còn lỗ hơn nhiều nếu tôi không đóng cửa tiệm”, ông nói.
Người bán thịt heo tại Bắc Kinh chợp mắt trong lúc chờ khách vào tháng 10/2019. Ảnh: Wu Hong
Nguy cơ lạm phát tăng cao kết hợp cùng tăng trưởng kinh tế yếu đi làm khả năng thoát khỏi đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc càng khó khăn. Vấn đề nan giải là trong tình hình như vậy, nếu giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng thì có thể làm trầm trọng thêm lạm phát. Điều này sẽ đe dọa sự ổn định xã hội, một mối lo ngại tối quan trọng đối với Bắc Kinh.
Những gì đang diễn ra ở nước này khiến người ta dễ liên tưởng đến nước Mỹ giai đoạn 1970-1981, khi lạm phát tăng gần 15% trong khi kinh tế lại trì trệ và thất nghiệp tăng mạnh. Kết quả, Mỹ thời điểm đó rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, Trung Quốc có nhiều lý do để tránh được số phận tương tự. Nền kinh tế của nước này dự báo tăng khoảng 6% trong năm 2019, vẫn đang mở rộng nhanh hơn hầu hết nền kinh tế lớn khác và thị trường lao động vẫn khá tốt. Nếu tách giá thực phẩm ra thì lạm phát của Trung Quốc vẫn ổn định.
Dẫu không “bi kịch” nhưng các nhà chức trách nước này cũng không có cơ hội nào để tăng tốc tăng trưởng cho nền kinh tế vào năm sau. Dù dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế ổn định trong tháng 11/2019, các nhà kinh tế vẫn dự đoán Bắc Kinh sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020. Hồi tháng 10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm tới của Trung Quốc xuống 5,8%, so với dự đoán trước đó là 6%.
Trong một cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 18/12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nền kinh tế nước này có thể phải đối mặt với áp lực giảm tốc hơn nữa vào năm tới. Ngoài chuyện giá thịt heo, các nhà kinh tế thì cho rằng năm tới Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt, bao gồm từ thị trường bất động sản đóng băng, bất ổn thương mại và lạm phát tiêu dùng gia tăng.
Theo vnexpress
Giá thịt heo lập đỉnh
Giá thịt heo hơi đã cán mốc 90.000 đồng một kg, đẩy giá thịt thành phẩm lên cao nhất 180.000 đồng, tăng tới 20.000 đồng so với tuần trước.
Tại các chợ dân sinh, một kg thịt heo bình quân đã tăng giá lên đến 150.000 đồng, thịt ba chỉ có nơi tăng tới 230.000 đồng, sườn non giá 260.000 đồng khiến sức mua giảm. Còn tại các siêu thị, giá sườn non loại 1 là 280.000 đồng một kg, ba chỉ 250.000 đồng một kg...
Ngoài nguyên nhân thiếu thịt do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi bùng phát, không thể tái đàn tại vùng dịch, Bộ Công Thương cho rằng, việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu thông giữa các địa phương đã làm mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá tăng cục bộ ảnh hưởng chung tới thị trường.
"Nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng, trong khi một bộ phận người chăn nuôi, nhà sản xuất giữ hàng chưa bán, chờ giá tăng cao hơn, cũng đẩy giá lên", Bộ Công Thương cho biết.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu cung thịt heo trong tháng 12 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn. Vì thế lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ quanh mức 300.000 tấn, cao hơn con số Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra cuối tháng 11.
Thịt heo được tiểu thương bày bán tại chợ Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy
Phương án nhập khẩu thịt heo đã được hai bộ thống nhất sơ bộ. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương) trong nước cho biết, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) sẽ cấp phép nhập khẩu thịt heo. Thịt heo nhập vào Việt Nam phải đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm, kiểm dịch và chỉ nhập từ 24 nước có thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Đến hết tháng 10, Việt Nam đã nhập khoảng 96.000 tấn thịt heo, tăng 102% về lượng, chủ yếu từ Ba Lan, Pháp, Mỹ...
Dẫu vậy, theo Bộ Công Thương, lượng thịt heo nhập khẩu này chưa bù đắp được thiếu hụt và chủng loại theo nhu cầu trong dịp Tết. Cơ quan này cho rằng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần đánh giá chính xác nguồn cung hiện tại và dự báo đến Tết và sau Tết Nguyên đán.
Giá thịt heo tăng cao và nguồn cung trong nước đang thiếu, song Bộ Công Thương khẳng định không có tình trạng xuất lậu sang Trung Quốc. Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh chưa bắt giữ, xử lý vụ việc nào như vậy. Trước đây, tại một số huyện biên giới có việc cư dân nuôi heo rồi thịt mang sang Trung Quốc bán nhưng mức độ rất nhỏ lẻ. Hiện quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới vẫn đang phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 kiểm soát việc này.
Tại Lạng Sơn, trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, công an và quản lý thị trường đã thu giữ 35 tấn chân giò heo vận chuyển lên Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc. Đầu tháng 12, quản lý thị trường Lạng Sơn đã bắt giữ vụ vận chuyển 19 con heo (2.459 kg) để bán sang Trung Quốc. Hiện vụ việc này đã chuyển công an huyện Đình Lập xử lý.
Theo vnexpress
Giá thịt heo chạm mốc 280.000 đồng/kg Giá thịt heo leo thang từng ngày, Bộ Công Thương lên phương án nhập khẩu thịt heo để cung ứng cho dịp tết Canh Tý 2020. Giá heo hơi hôm qua tiếp tục tăng mạnh trên cả nước, có nơi tăng tới 6.000 đồng/kg. Cụ thể tại miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt heo hơi tăng tới 5.000 đồng/kg, lên mức 72.000-82.000 đồng/kg....