Nỗ lực hướng tới một hiệp ước ứng phó đại dịch toàn cầu
Sau hai năm đàm phán căng thẳng, các quốc gia trên thế giới đang hy vọng có thể đạt được một hiệp ước toàn cầu về việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai trong ngày 24/5.
Biểu tượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, khiến nền kinh tế nhiều nước bị tàn phá nặng nề và làm tê liệt hệ thống y tế. Trong vòng hai năm nay, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nỗ lực đàm phán để đạt sự nhất trí về những cam kết mang tính ràng buộc liên quan tới công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Hiện các nhà đàm phán đang thảo luận về dự thảo thỏa thuận tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ). Bản dự thảo dài 32 trang với 34 bài viết, trong đó tập trung vào 5 điểm chính. Đầu tiên là vấn đề tiếp cận và chia sẻ tài nguyên trong trường hợp xảy ra đại dịch. Dự thảo hướng đến việc thiết lập Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh ( PABS) – một nền tảng mới cho phép chia sẻ nhanh chóng dữ liệu mầm bệnh với các hãng dược phẩm nhằm đẩy nhanh việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ chống lại đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là phần gây tranh cãi nhất do các quốc gia đang phát triển lo ngại có thể bị hạn chế khả năng tiếp cận vaccine. Các cuộc tranh luận tập trung vào việc liệu có nên yêu cầu các hãng dược phẩm cung cấp 10% sản phẩm miễn phí và 10% sản phẩm với giá phi lợi nhuận cho WHO để phân phối trên toàn cầu.
Video đang HOT
Thứ hai là công tác phòng ngừa và giám sát dịch bệnh. Các quốc gia sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng ngừa và giám sát đại dịch, theo đó phát triển và triển khai các kế hoạch quốc gia toàn diện nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Điều này bao gồm việc tiêm chủng định kỳ, quản lý rủi ro sinh học trong phòng thí nghiệm, ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Thứ ba, nguồn tài chính bền vững cũng là điều kiện cần thiết nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với đại dịch, tập trung vào các nước đang phát triển không đủ nguồn lực. Theo dự thảo, các quốc gia sẽ đồng ý duy trì hoặc tăng nguồn tài trợ trong nước cho công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, đồng thời huy động thêm ngân sách để giúp các nước đang phát triển thực hiện thỏa thuận, thông qua các khoản tài trợ và vốn vay ưu đãi.
Thứ tư, mạng lưới chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu sẽ được thiết lập nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng, kịp thời với giá cả phải chăng đối với các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch. Trong trường hợp khẩn cấp về đại dịch, các quốc gia sẽ ưu tiên chia sẻ sản phẩm qua mạng lưới để đảm bảo phân phối công bằng dựa trên rủi ro và nhu cầu về sức khỏe cộng đồng. Các nước cũng được yêu cầu không dự trữ quá mức các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch để tránh sự dư thừa không cần thiết.
Cuối cùng là quy định về vaccine và các biện pháp phong tỏa. Giữa những lo ngại về thông tin sai lệch, dự thảo làm rõ việc WHO không có thẩm quyền đưa ra các chính sách y tế quốc gia, bao gồm cả quy định tiêm chủng hoặc hạn chế đi lại cho các nước.
Mặc dù đã đạt được tiến bộ ở một số lĩnh vực nhưng những điểm gây tranh cãi vẫn chưa được giải quyết, điều này nhấn mạnh những thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận về vấn đề toàn cầu quan trọng này. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nhà đàm phán tăng cường nỗ lực hơn nữa để tìm được tiếng nói chung, qua đó đảm bảo sự chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai.
Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Biểu tượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 29/4, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục quá trình đàm phán. Dự thảo thỏa thuận mới đã được đưa ra, với các nội dung được điều chỉnh và xem xét tới quan điểm của các nước. Tuy nhiên, các nhóm thảo luận vẫn đang cố gắng tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng. Nhà ngoại giao Hà Lan, ông Roland Driece thừa nhận: "Nó đang diễn ra đúng như dự kiến. Hầu hết các quốc gia thành viên chỉ ra rằng với văn bản mới này, chúng tôi đang đi đúng hướng, nhưng đồng thời vẫn còn rất nhiều điều cần phải giải quyết".
Mục tiêu của quá trình đàm phán từ nay tới ngày 10/5 là đạt được thỏa thuận để thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại Hội đồng Y tế thế giới, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 27/5.
Trong quá khứ, dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế tê liệt và hàng triệu người tử vong. Đại dịch này đã thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm khuôn khổ cam kết ràng buộc nhằm ngăn chặn thảm họa tương tự khác trong tương lai. Tuy nhiên, những khác biệt lớn nhanh chóng xuất hiện về các nội dung trong thỏa thuận.
Các bất đồng chính xoay quanh khả năng tiếp cận và công bằng, như khả năng tiếp cận mầm bệnh được phát hiện ở các quốc gia; tiếp cận các sản phẩm chống dịch như vaccine; và phân phối công bằng không chỉ các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine chống dịch mà còn cả phương tiện để sản xuất chúng.
Bên cạnh đó, dự thảo thỏa thuận mới còn tập trung vào việc thiết lập khuôn khổ cơ bản và đưa một số nội dung cụ thể hơn vào cuộc đàm phán tiếp theo trong năm 2026, đặc biệt là về cách Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh (PABS) của WHO hoạt động trên thực tế.
Bà Jaume Vidal, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức Health Action International, cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến những bất đồng, không rõ đó có phải là điểm sụp đổ hay là ánh sáng cuối con đường. Tôi cho rằng tình hình hiện nay cần những hành động cụ thể".
Xung đột Israel - Hamas: WHO kêu gọi dỡ bỏ hạn chế cho viện trợ Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 21/5, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Israel dỡ bỏ các hạn chế viện trợ vào Dải Gaza, nói rằng tuyến đường chính cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp vào vùng này từ Ai Cập đã bị cắt đứt. Trẻ em chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố...