Niềm vui trực Tết của sinh viên cảnh sát, quân sự
Dù không được về quê đón Tết như những sinh viên trường dân sự nhưng các bạn sinh viên cảnh sát, quân sự vẫn vui vẻ với cái Tết đồng đội tại trường.
Tết cận kề, khi sinh viên các trường đại học dân sự sửa soạn đồ đạc, đặt vé xe về quê ăn Tết thì nhiều bạn sinh viên khối lực lượng vũ trang lại sẵn sàng tinh thần cho những ngày trực Tết, đón năm mới tại trường. Trong khoảnh khắc giao thừa, họ vẫn luôn sát cánh bên nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trực Tết là “trực chiến”
Trực Tết còn được các bạn sinh viên trường cảnh sát, an ninh gọi là “trực chiến”. Những người nhận được lịch trực đều phải sẵn sàng với hai nhiệm vụ là hỗ trợ lực lượng bên ngoài bảo vệ an ninh xã hội và trực chiến tại trường.
Vì sinh viên ở lại trực Tết rất đông nên không khí Tết luôn nhộn nhịp. Có những người trực đến năm thứ hai vẫn mang tâm trạng háo hức khi Tết đến cổng trường.
Trong bộ cảnh phục màu xanh, Vũ Quang Vinh (sinh viên Học viện Hậu cần) hớn hở cầm cành đào đem vào phòng trang trí. Vinh háo hức vì năm nay lại được “trực Tết”, chỉ tiếc là không được trực vào phút giao thừa.
Quang Vinh sát cánh cùng bạn bè trong những ngày trực Tết
Vinh chia sẻ: “Năm trước mình trực qua Tết nên được đón giao thừa tại trường. Dù đón Tết xa nhà, có chút lạ lẫm, lo lắng, nhớ nhung nhưng vẫn rất vui vì bạn bè, thầy cô ở lại trực Tết đông. Lúc giao thừa, “cả nhà” cùng đếm ngược thời gian rồi hát chúc mừng năm mới”.
Vinh kể, Tết ở trường cũng có mâm ngũ quả, hoa đào cùng các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, chả… Đặc biệt còn có cuộc thi gói bánh chưng, chơi trò chơi, liên hoan văn nghệ, giao lưu thể thao giữa các đội trong trường. Mọi người cùng quây quần bên nhau đón một cái Tết sum vầy.
“Mình không được đón Tết đoàn viên với gia đình nhỏ nhưng bù lại là được sum vầy bên gia đình lớn, cũng hân hoan và ấm áp như vậy”, Vinh cho hay.
Video đang HOT
Năm nay, Vinh rất vui được về đón giao thừa cùng gia đình vì nhận lịch trực Tết vào mồng 2. Tuy vậy, cậu bạn vẫn có đôi chút nuối tiếc bởi sẽ không được ở trong hội trường lớn nghe thầy Hiệu trưởng chúc Tết, không được “quậy” cùng đám bạn tinh nghịch và không được khai bút tại chính mái trường cậu đang theo học.
Đầy đủ, vui vẻ và ấm áp nhưng những cô, cậu sinh viên trường quân sự vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng khi nghĩ về cái Tết quê nhà. Bởi cả năm đi học xa nhà Tết đến xuân về lại không được đoàn viên cùng gia đình, người thân.
Sau những phút vui vẻ cùng mọi người, các bạn sinh viên lại quay về phòng gọi điện chúc Tết cha mẹ.
Bạn Vũ Văn Hưng (sinh viên trường Học viện An ninh) tâm sự: “Mình gọi điện về nhà, chúc sức khỏe bà nội, rồi bố mẹ, nghe giọng mọi người mà rớm nước mắt. Ngồi trong bốt gác nhìn người ta tấp nập cùng gia đình đi xem pháo hoa, đón giao thừa mà thấy nhớ nhà vô cùng… Vẫn biết con trai, đặc biệt lại là sinh viên an ninh thì không được phép yếu đuối như thế, nhưng quả thực vẫn không tránh khỏi đôi phút chạnh lòng”.
Nhưng phút chạnh lòng ấy rồi sẽ nhanh chóng qua đi bởi luôn có bạn bè bên cạnh và những hoạt động đón Tết nhà trường tổ chức. Hưng trầm ngâm rồi cười toe toét: “Cứ nhớ lại lúc bọn bạn hát bài “Xuân này con không về” theo phong cách remix sôi động mà mình lại muốn cười khoái chí”.
Ở môi trường quân sự, thầy cô, bạn bè chính là gia đình thứ hai của chúng mình.
Dù ở lại trường trực Tết nhưng các bạn sinh viên vẫn vui vẻ bên bạn bè
Trực tết là rèn nghề
Ngày trực Tết cũng là những ngày rèn nghề cho các bạn sinh viên trường an ninh, quân sự. Việc phải đi tăng cường thêm cho lực lượng bên ngoài giúp các bạn thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn của những chiến sĩ cảnh sát. Đây cũng là cơ hội để các bạn tích lũy kinh nghiệm, giúp ích cho công việc sau này.
Vinh chia sẻ, những ngày học bình thường trên lớp, học thực tế ngoài thao trường đã rất vất vả, ngày Tết mùa đông mưa phùn, gió rét lạnh cóng, mặc cảnh phục đứng gác còn vất vả hơn. Tuy vậy, các bạn vẫn gác rất nghiêm túc, đúng giờ, đảm bảo an ninh cho trường theo như nhiệm vụ được giao.
“Tranh thủ gọi điện về cho gia đình chúc Tết, mình nhận được rất nhiều lời động viên của bố mẹ, anh chị. Ai cũng dặn dò phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, không được vì vui Tết mà lơ là”, Vinh chia sẻ.
Bạn Tiến sinh viên Học viện CSND chia sẻ: “Trực Tết ở trường với bản thân mình và bạn bè đó đều là niềm vinh dự. Chúng mình trực Tết nhưng “vui xuân không quên nhiệm vụ” vẫn phải đảm bảo điểm danh đủ quân số, giữ vững nề nếp và tác phong thường ngày mà các thầy cô đã dạy”.
“Sinh viên của trường Học viện CSND ít nhất trong 5 năm theo học tại trường đều có một lần nhận lịch trực Tết. Điều đó thể hiện vào bản lĩnh tư tưởng vững vàng, không sợ khó khăn của các bạn. Có những bạn muốn rèn bản lĩnh sẵn sàng đăng kí để được ở lại trực Tết”, Tiến chia sẻ thêm.
Có những cái Tết đoàn viên nhưng cũng có những cái Tết xa nhà như các bạn du học sinh, các bạn sinh viên trường an ninh, quân sự. Bản lĩnh sống của họ thể hiện ở việc biết cách tạo ra niềm vui cho mình trong mọi hoàn cảnh, không vì cảm xúc bản năng mà quên đi nhiệm vụ cần hoàn thành.
Theo Hạ Nhiên – Hồng Vũ
Dân Việt
Tuyên dương SV cảnh sát nhận diện tội phạm lừa đảo qua mạng
Ngày 15/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014.
Theo đó, giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014 có 11 giải nhất, 32 giải nhì, gần 200 giải ba, khuyến khích dành cho sinh viên và 55 giải nhất, 11 giải nhì cùng hơn 60 giải ba, giải khuyến khích dành cho giảng viên trẻ các trường ĐH.
Nhóm sinh viên nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn của Học viện Cảnh sát nhân dân đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
Trong số các đề tài đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, nghiên cứu của nhóm sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân về đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội đã gây sự chú ý đặc biệt.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an, cho hay giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho hay đây là nhánh đề tài nhỏ, nằm trong một hướng nghiên cứu tập trung về tội phạm công nghệ cao đang được thực hiện tại trung tâm nghiên cứu về vấn đề tội phạm học duy nhất trên cả nước.
Qua khảo sát, trong số các vụ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao (gồm cả việc tấn công các mạng máy tính) có đến 2/3 là tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản.
"Tiếc cho nhiều người trẻ giỏi công nghệ thông tin"
Trong khi đó, Trần Phương Thảo - sinh viên năm cuối học viện Cảnh sát nhân dân, trưởng nhóm nghiên cứu - vẫn nhớ như in những lần tiếp xúc đặc biệt trong trại giam với những phạm nhân đã chiếm đoạt tài sản nhờ vào mạng Internet.
"Trong số những phạm nhân chúng tôi đã gặp, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, có bạn đang là sinh viên. Khác với những người phạm tội giết người bằng vũ khí "nóng" thường có tính khí hung hăng, tội phạm sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản đều thuộc diện trí thức, có trình độ, hiểu biết về pháp luật, am hiểu sâu sắc về chuyên ngành công nghệ thông tin".
"Thật sự khi gặp gỡ họ, chứng kiến sự thuần thục của họ trong sử dụng các phương tiện số hiện đại, chúng tôi thấy rất tiếc khi đáng lẽ sự am hiểu đó, trí tuệ ấy phải được vận dụng để giúp ích cho đời, chứ không phải là thứ công cụ họ sử dụng để lừa đảo và phải vào tù" - Thảo chia sẻ.
Khi gặp gỡ trực tiếp các tội phạm, nghiên cứu hồ sơ, những sinh viên học viện Cảnh sát nhân dân đã tập hợp được muôn vàn thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet.
"Có trường hợp gửi thông tin mạo danh ngân hàng A đang thực hiện chiến dịch nâng cấp dịch vụ, đề nghị khách hàng nhập lại thông tin và sau khi khách hàng nhập dữ liệu thì thông tin này nhanh chóng bị đánh cắp để làm thẻ giả chiếm đoạt tài sản. Cũng có trường hợp đánh cắp tài khoản email hoặc lập email giả mạo gửi cho những người trong danh sách bạn bè của email đã đánh cắp nêu những tình huống "khẩn" như đang ở nước ngoài, bị mất cắp, cần được bạn bè chuyển khoản ngay để mua vé may bay về nước... Số tiền lừa đảo dạng này thường không lớn, người sử dụng Internet trong tâm thế hoảng hốt vôi vã chuyển khoản, sau đó mới giật mình kiểm tra thì tiền đã biến mất" - Thảo phân tích.
"Có đến 70% tội phạm dạng này là người trẻ, chủ yếu 18-30 tuổi. Lứa tuổi này có đặc tính tò mò rất cao, khi am hiểu về công nghệ thông tin họ lại có ham muốn được chinh phục thử thách, càng khó khăn càng muốn vượt qua, nhiều người đã bị cám dỗ,rồi tấn công mạng mà không lường hết được hậu quả cuối cùng. Do đó điều quan trọng là phải thực hiện chính sách giáo dục ý thức chính trị, ý thức công dân cho những người trẻ giỏi về công nghệ thông tin để họ không cố ý hay thậm chí vô tình trở thành tội phạm công nghệ cao" - PGS Đức nhấn mạnh.
Theo Ngọc Hà/Báo Tuổi trẻ
Sinh viên Cảnh sát diễu binh đón năm học mới Sáng 13/10, HV Cảnh sát nhân dân đã có buổi lễ khai giảng khác biệt với màn diễu binh long trọng của sinh viên các khối. Hình ảnh tại buổi khai giảng Học viện Cảnh sát nhân dân sáng 13/10. Học viện đã có 46 năm xây dựng và trưởng thành với 37 đơn vị đầu mối, trên 1.200 cán bộ, giảng viên,...