Niềm tự hào trái cây Hà Tĩnh- bưởi Phúc Trạch rớt giá thê thảm
Giá bưởi Phúc Trạch, một đạc sản quý và là sản phẩm chủ lực của nông nghiệp huyện miền núi Hương Khê ( Hà Tĩnh) đang rớt giá thảm hại khiến người dân thiệt đơn thiệt kép.
Giá bưởi giảm hơn một nửa
Ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, một trong những xã có diện tích trồng giống bưởi Phúc Trạch lớn nhất của huyện Hương Khê buồn bã cho biết, chưa bao giờ bưởi Phúc Trạch xuống giá thấp nhất như năm nay.
Theo ông Khánh, dù thời tiết năm nay diễn biến có phần tiêu cực, nắng gắt kéo dài, tuy nhiên bưởi vẫn đậu quả nhiều, sản lượng cao hơn. Niềm vui được mùa bưởi đã không diễn ra khi giá bưởi giảm sâu.
Theo đó, trong khi những năm trước, giá bán sỉ bưởi tại vườn dao động từ khoảng 40.000-60.000 đồng/quả, cao điểm có những năm đạt từ 120.000 – 140.000 đồng/quả, nhưng năm nay bưởi bán sỉ tại vườn giảm xuống chỉ còn khoảng 30.000 – 35.000 đồng/quả.
Từ mức giá cao nhất 120.000 đồng/quả tại gốc, bưởi Phúc Trạch hiện giảm xuống chỉ còn 30.000 đồng/quả.
Theo ông Trần Đình Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên, giá bưởi năm nay rớt rất sâu, chỉ còn từ 25.000 – 30.000 đồng/quả. Với giá này thì 1.600 hộ trồng bưởi với diện tích khoảng 270ha của xã sẽ chịu thiệt hại rất nặng nề.
“Năm 2019, người dân toàn xã có nguồn thu trên 50 tỷ đồng từ bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, năm nay tổng thu sẽ chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng, giảm 50%. Chưa bao giờ người trồng bưởi thất thu nặng như vụ bưởi năm nay”- ông Lâm buồn bã nói.
Nỗi buồn thất bát vụ bưởi thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Nguyễn Xuân Chinh, trú ở thôn Yên Bình, xã Lộc Yên. Năm 2019, vườn bưởi đã mang lại nguồn thu cho gia đình ông Chinh hơn 100 triệu đồng. Năm nay vụ bưởi kết thúc, ông Chinh chỉ thu được 50 triệu đồng.
“Năm trước giá bán đạt gần 40.000 đồng/quả tận gốc, nhưng năm nay giá chỉ còn 20.000 đồng, cao nhất là 25.000 đồng/quả. Giá thấp đã đành, thương lái đến thu mua con chê ỏng chê ẻo”- ông Chinh buồn bã nói.
Video đang HOT
Người trồng bưởi Phúc Trạch vào mùa.
Còn chị Nguyễn Thị Phượng (trú xóm 8, cùng xã Lộc Yên) cho biết, hơn 20 năm nay chị làm nghề bán bưởi đặc sản nhưng chưa thấy năm nào giá bưởi giảm sâu như năm nay.
“Mỗi năm bán giá sỉ từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/quả. Giá bán lẻ có năm lên tới từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/quả. Nhưng năm nay giá bưởi rớt sâu, có quả bán được từ 6.000 đồng, cao nhất là 30.000 đồng/quả, giá sỉ”, chị Phượng nói.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê cho biết, năm nay sản lượng bưởi Phúc Trạch cao hơn năm ngoái, ước tính đạt 21.000 tấn (năm 2019 đạt hơn 12.000 tấn).
“Năm nay bưởi đậu quả nhiều, sản lượng cao hơn nhưng giá bưởi lại rớt do dịch bệnh. Hằng năm bưởi mua tại vườn có giá sỉ khoảng 40.000 đồng/quả, có những năm bán lẻ 120.000 đồng/quả. Năm nay giảm xuống chỉ còn trung bình khoảng 30.000 đồng”- ông Vinh thông tin.
Theo ông Vinh và lãnh đạo các xã, việc giá bưởi giảm sâu khiến người trồng bưởi sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư, nhất là chi phí cho chống đợt nắng hạn kéo dài vừa qua rất cao. Nhiều hộ đầu tư đến hàng chục triệu đồng thiết bị, máy móc để chống nắng hạn.
Đâu là nguyên nhân?
Theo các cơ quan chức trách tại huyện Hương Khê, có 3 nguyên nhân khiến đặc sản bưởi Phúc Trạch giảm giá sâu, gây thất thu nặng nề.
Đầu tiên là tác động rất lớn từ dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 khiến một bộ phận lớn tiểu thương, hay du khách hạn chế đi lại, không còn tìm đến địa bàn để thu mua bưởi. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bưởi được tiêu thụ ít hơn, đặc biệt là những khó khăn trong công tác vận chuyển”, ông Lê Quang Vinh nói.
Theo chính quyền xã Lộc Yên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiểu thương đến tận vườn thu mua bưởi như thế này đã giảm rất nhiều.
Thực tế, hiện việc thu mua bưởi tại vườn, đặc biệt “chợ bưởi” tại khu vực Ga Hương Phố (thị trấn Hương Khê) – một đầu mối quan trọng đưa bưởi đi khắp cả nước – cũng kém sôi động hẳn so với mọi năm.
Tiếp đến, đó là bưởi Phúc Trạch chính gốc tiếp tục bị “bưởi Phúc Trạch nhái” trà trộn, gây thiệt hại nặng nề.
Ông Trần Đình Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên cho hay: “Hiện nay một lượng lớn bưởi từ các địa phương khác, thậm chí từ miền xuôi chở ngược lên trà trộn, ăn theo thương hiệu bưởi Phúc Trạch. Giá rẻ, chỉ mười mấy ngàn/quả, khiến giá bưởi Phúc Trạch chính gốc cũng buộc phải giảm theo nếu không muốn chịu cảnh ế ẩm, đổ bỏ”.
Cơ quan chức trách tại Hương Khê phản ánh, bưởi Phúc Trạch chính gốc bị “bưởi Phúc Trạch nhái” trà trộn tại chợ bưởi tự phát gây thiệt hại nặng nề cho bà con.
Ông Lê Quang Vinh cũng thừa nhận một thực trạng khiến cơ quan chức trách tại huyện Hương Khê rất đau đầu, đó là bưởi từ vùng khác đưa lên trà trộn, ăn theo thương hiệu bưởi Phúc Trạch.
“Cứ hình dung toàn tỉnh có 2.400 hecta bưởi, trong đó có 1.900 hecta cho quả, thì bưởi Phúc Trạch chỉ đạt một nửa trong số này, còn lại được trồng từ vùng khác. Việc chợ bưởi tự phát, bưởi nhiều nơi trà trộn không chỉ gây thiệt hại cho người trồng bưởi Phúc Trạch, mà còn gây không ít khó khăn cho việc bảo vệ thương hiệu thứ quả đặc sản này”, ông Vinh nói.
Giải pháp mà ông Vinh nêu ra là thời gian tới cơ quan chức trách của huyện và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người trồng bưởi Phúc Trạch dán tem nhãn, tem truy xuất chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt.
Và nguyên nhân cuối cùng là tình trạng người dân thu hoạch vội do lo sợ thời tiết mưa bão có thể xẩy ra. Ông Trần Đình Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên cho hay, dù chính quyền địa phương đã có khuyến cáo người dân bình tĩnh, chọn đúng thời điểm để thu hoạch bưởi nhằm đạt giá bán cao nhất. Tuy nhiên khuyến cáo ấy đã không ngăn được bà con thu hoạch bưởi sớm.
“Do lo ngại thời tiết mưa bão nên một bộ phận lớn bà con cho thu hoạch sớm, hộ này thu hoạch tác động đến hộ kia. Chưa chính vụ nên tiểu thương áp giá, bưởi bán không được giá cũng là điều dễ hiểu”- ông Lâm phân tích thêm.
Bưởi Phúc Trạch được Liên minh châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý
"Bưởi Phúc Trạch", một thương hiệu bưởi nổi tiếng của Hà Tĩnh vừa được Liên minh châu Âu (EU) cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020.
Nguồn tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa thông báo bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vừa được Liên minh châu Âu (EU) cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020.
Bưởi Phúc Trạch là một trong những sản phẩm được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cơ hội lớn giúp nâng tầm thương hiệu bưởi Phúc Trạch nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung tại thị trường quốc tế, trong đó có thị trường EU.
Về mặt pháp lý, Hà Tĩnh (các địa phương trong vùng chỉ dẫn địa lý) được quyền sử dụng thương hiệu "Phúc Trạch" cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch để kinh doanh tại thị trường các nước Liên minh châu Âu (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh và Bắc Ai - len).
Thương hiệu "Bưởi Phúc Trạch" được EU bảo hộ sẽ đảm bảo ngăn chặn các hành vi sử dụng không trung thực đối với thương hiệu này.
Bưởi Phúc Trạch, sản phẩm nông nghiệp nức tiếng của Hà Tĩnh.
Theo khuyến cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, được EU cam kết bảo hộ là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với Hà Tĩnh khi thị trường này rất khắt khe về các tiêu chuẩn.
Trước tiên, địa phương cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo ra sự đồng đều cho sản phẩm và phải sản xuất với quy mô lớn. Xử lý tốt các hành vi gian lận thương mại, quản lý đồng bộ việc gắn tem, gắn nhãn đối với sản phẩm. Khi có sản phẩm đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn quốc tế thì mới tính đến việc xuất khẩu.
Được biết, trong nội dung thực hiện các cam kết giữa hai bên tại Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA), về mặt sở hữu trí tuệ, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (Việt Nam đề nghị 41 chỉ dẫn địa lý và được EU chấp nhận 39 địa chỉ).
Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến (chiếm 15%), thủy sản và chế biến từ thủy sản (13%), sản phẩm khác (13%).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ tới 169 chỉ dẫn địa lý của EU. Các sản phẩm được bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý của EU sản phẩm chủ yếu là phomat, rất ít các sản phẩm tươi sống.
Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ mở ra nhiều cánh cửa sáng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ.
Trái cây miền Tây mất mùa, rớt giá Nhiều loại trái cây như mít, bòn bon, dâu xanh, chôm chôm, măng cụt... tại các tỉnh miền Tây bị mất mùa do hạn mặn, giá tại vườn lại rẻ như cho; trong khi đó, giá tại các chợ cao ngất ngưởng. Theo các nhà vườn tại xã Phú Đức (huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre), năm nay chôm chôm "không thu được...