Niềm đam mê nghiên cứu khoa học và giải nhất cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp”
Xuất sắc vượt qua hàng chục ý tưởng của các sinh viên, nhóm sinh viên, Lê Ngọc Bích, sinh viên K22 Đại học Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật – công nghệ, Trường Đại học Hồng Đức đã giành giải nhất tại cuộc thi “ Sinh viên khởi nghiệp” cấp trường năm học 2020-2021, với ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động”.
Sinh viên Lê Ngọc Bích nhận giải nhất với ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” tại cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” Trường Đại học Hồng Đức năm học 2020-2021.
Lê Ngọc Bích là con thứ hai trong gia đình ba chị em ở xã Thiệu Công (Thiệu Hóa). Bố, mẹ Bích đều làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả. Bích chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em luôn cố gắng, phấn đấu trong học tập để lập thân, lập nghiệp. Sau ba năm theo học ngành kỹ thuật – công nghệ, tại Trường Đại học Hồng Đức em nhận thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Những năm học qua, em được thầy, cô và bạn bè hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học tập và rèn luyện, đặc biệt là khi em đề xuất những ý tưởng sáng tạo và bắt tay vào nghiên cứu ý tưởng của mình”.
Với ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động”, Lê Ngọc Bích đã vượt qua hơn 60 ý tưởng của các bạn sinh viên trong toàn trường để giành giải nhất. Ý tưởng này được Bích thực hiện trong thời gian 6 tháng. Được biết, trong quá trình thực hiện ý tưởng, bên cạnh những thuận lợi Bích gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là kinh nghiệm nghiên cứu chưa có nhiều. Bích tâm sự: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện ý tưởng là cách tiếp cận và khả năng thống kê các thông số… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện em đã được các thầy, cô khoa quản trị kinh doanh hỗ trợ kịp thời”. Chia sẻ thông tin về ý tưởng, Lê Ngọc Bích cho hay: Là sinh viên khối ngành kỹ thuật em được biết và tiếp xúc với rất nhiều loại máy móc, thiết bị. Khi nhận thấy các loại máy lột vỏ trứng chim cút hiện nay tồn tại nhiều hạn chế như chất lượng trứng sau khi bóc chưa đạt yêu cầu, dính nhiều tạp chất từ vỏ trứng, vẫn phải sử dụng nhiều nhân công, đặc biệt là chưa có tính tự động hóa… nên em đã nảy sinh ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động”.
Điểm sáng tạo của máy lột vỏ trứng chim cút tự động do Lê Ngọc Bích sáng chế là việc sử dụng một chạm giúp giảm thiểu tối đa về thời gian và nhân công khi sử dụng máy. Hệ thống xả nước được gắn trực tiếp trên thân máy giúp loại bỏ tối đa vỏ trứng trong quá trình bóc vỏ tự động. Ngoài ra, máy được thiết kế chắc chắn, thân vỏ bằng innox giúp người dùng dễ dàng vệ sinh máy sau khi sử dụng thiết bị; khả năng hoạt động liên tục và đạt hiệu quả cao… Trung bình, một giờ có thể lột được 100 – 300 quả trứng (tương đương với trọng lượng từ 5 – 7 kg). Trứng sau khi lột vỏ bảo đảm chất lượng, ít bị dập, nát. Theo Lê Ngọc Bích, hiện ý tưởng “Máy lột vỏ trứng chim cút tự động” đã được một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm và ngỏ ý muốn hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường.
Video đang HOT
Được biết, ngoài học tập và nghiên cứu khoa học, Bích còn tham gia tích cực, nhiệt tình các chương trình, hoạt động, phong trào do đoàn thanh niên của khoa, của trường phát động, tổ chức. Đơn cử như chương trình hiến máu nhân đạo, mùa hè xanh, hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng ở vùng cao xứ Thanh… Anh Lê Đức Đạt, Bí thư đoàn thanh niên Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Không chỉ nỗ lực, phấn đấu và đạt kết quả tốt trong học tập, Lê Ngọc Bích còn năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của đoàn thanh niên, hội sinh viên và của nhà trường. Bích luôn có ý thức, trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ được giao và luôn làm tròn nhiệm vụ của một ủy viên ban chấp hành hội sinh viên nhà trường”.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Lê Ngọc Bích cho biết: Trước mắt em sẽ cố gắng hoàn thành tốt chương trình đại học. Sau khi tốt nghiệp, em muốn nộp hồ sơ làm việc tại các khu kinh tế, các doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành đã học để trau dồi thêm kỹ năng và phát huy năng lực, sở trường cũng như vốn kiến thức được học, tích lũy trong giảng đường đại học. Trong tương lai, em muốn thành lập một doanh nghiệp nhỏ ở quê nhà để phát triển kinh tế gia đình và mang đến những điều tốt đẹp, ý nghĩa cho cộng đồng.
Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Hồng Đức
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho đoàn viên, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong tất cả các lĩnh vực.
Qua đó, trang bị cho sinh viên những kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khơi dậy đam mê và ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp - tạo tiền đề giúp các em có thêm động lực, kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm tại Trường Đại học Hồng Đức.
Để hoạt động đào tạo sinh viên khởi nghiệp ĐMST đạt hiệu quả, nhà trường chú trọng việc trang bị kiến thức về khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên. Năm 2017-2018, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ tổ chức các khóa đào tạo ươm mầm khởi nghiệp, khởi nghiệp thông minh cho hơn 200 lượt sinh viên; giai đoạn 2017-2020, thực hiện kế hoạch đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân của UBND tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm đào tạo 3 - 4 lớp cho 300 - 400 sinh viên đang học năm thứ 3, năm thứ 4 tại nhà trường.
Đặc biệt, nhà trường đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao thực hiện nhiệm vụ của Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025", đề án đã đào tạo 35 chuyên gia khởi nghiệp là cán bộ, giảng viên và trang bị kiến thức về khởi nghiệp ĐMST cho hơn 600 lượt sinh viên của nhà trường.
Đồng thời, chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát huy năng lực người học và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chương trình được đổi mới theo hướng giảm giờ học lý thuyết, tăng khối lượng thực hành, chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên ra trường tự tin tiếp cận với công việc.
Nhà trường cũng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tranh thủ được sự tham gia của đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, tổ chức các hoạt động giao lưu với doanh nhân, khơi gợi niềm đam mê và bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.
Phong trào sinh viên khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo và sinh hoạt các câu lạc bộ học thuật trong nhà trường cũng diễn ra sôi nổi với các hội thi chuyên môn nghiệp vụ, rèn nghề cho sinh viên, tiêu biểu như các cuộc thi: Sinh viên khởi nghiệp, Festival kinh tế; nghiệp vụ sư phạm; hướng dẫn viên du lịch; hành trình địa lý vì sự phát triển bền vững; giao lưu văn hóa Anh - Việt - Mỹ... Đây thực sự là những ngày hội và là sân chơi bổ ích cho sinh viên.
Thông qua các hội thi, kiến thức, nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp của sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, làm cho sinh viên thấy yêu nghề và gắn bó với nghề nghiệp. Đặc biệt, để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo tiền đề cho sinh viên khởi nghiệp trong tương lai, nhà trường thường xuyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên ở tất cả các khoa, các ngành. Nhiều đề tài của sinh viên tham gia NCKH ở cấp trường, cấp bộ. Một số đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, có ý nghĩa trong đời sống thực tế.
Tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với quy mô toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT; đoàn viên, sinh viên nhà trường cũng đã có các công trình, dự thi. Năm 2018 có 2 dự án tham gia gồm Dự án "Nơi bảo tồn và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa" và Dự án "Nhà máy sản xuất thuốc nam và trồng cây dược liệu".
Năm 2019, có 1 dự án dự thi lọt vào top 50 chung kết cuộc thi, đó là Dự án "Sản xuất nấm đối kháng, chế phẩm sinh học, thuốc sinh học và phân hữu cơ để chăm sóc và chữa bệnh cho cây". Năm 2020, cuộc thi tiếp tục được phát động và đoàn viên, sinh viên nhà trường có 2 dự án tham gia cuộc thi. Tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên" cấp tỉnh, qua 6 lần tổ chức, đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã tham gia dự thi với gần 100 ý tưởng sơ loại, có 8 ý tưởng lọt vào chung kết. Trong đó có 2 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích...
Có thể nói, việc chú trọng công tác, NCKH trong học sinh, sinh viên đã giúp củng cố, nâng cao kiến thức lý luận, kiến thức xã hội, gắn lý thuyết với thực tiễn, rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng cho sinh viên, cũng như góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Năm học 2017-2018, có 136 đề tài NCKH sinh viên đã được thực hiện, gồm 85 đề tài cấp khoa, 51 đề tài dự thi cấp trường, 3 đề tài dự thi cấp bộ; năm học 2018-2019 có 104 đề tài NCKH sinh viên đã được thực hiện gồm 54 đề tài cấp khoa, 50 đề tài cấp trường và 3 đề tài cấp bộ; năm học 2019-2020 có 95 đề tài NCKH sinh viên đã được thực hiện gồm 63 đề tài cấp khoa, 32 đề tài cấp trường, 3 đề tài cấp bộ...
Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như Đề tài "Sinh kế của hộ nông dân gắn với phát triển rừng bền vững tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa", "Phát triển tín dụng xanh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa", "Xây dựng sản phẩm du lịch biển dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn ở huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa"...
Một số đề tài đi sâu vào việc bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương, tiêu biểu như: "Nghề dệt thổ cẩm ở vùng đất Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa", "Di tích và lễ hội đền thờ Nguyễn Văn Nghi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa"...
Xác định, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, có khả năng thích ứng với sự đa dạng và sự phát triển không ngừng của thị trường lao động; giai đoạn 2021-2025, Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục chủ động, sáng tạo trong dạy học và NCKH. Đồng thời chú trọng công tác khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp.
Thành lập Trung tâm nghiên cứu - Khởi nghiệp sáng tạo tại trường; xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ, giảng viên và người học; thực hiện các dịch vụ tư vấn khoa học và chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân; hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên và người học tiếp cận và khai thác các nguồn tài chính hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.
Hé lộ "bí kíp" thủ khoa ngành Luật trường Đại học Nội Vụ Hà Nội Nguyễn Hà Nga, sinh năm 1997 là tân cử nhân vừa tốt nghiệp thủ khoa ngành Luật trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Vậy đâu là bí kíp giúp cô sinh viên này đạt kết quả đáng nể như vậy. Nguyễn Hà Nga lựa chọn thi ngành Luật và đỗ vào trường Đại học Nội vụ...