Những vũ khí tham gia duyệt binh ở Trung Quốc
Hàng loạt xe tăng, tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng không chưa từng được công bố sẽ xuất hiện trong lễ duyệt binh ngày 3/9 của Trung Quốc.
Hơn một tuần trước lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tổ chức tổng duyệt trên những con đường lớn tại thủ đô Bắc Kinh.
Trung Quốc huy động khoảng 12.000 binh sĩ, 500 khí tài cùng 200 máy bay quân sự các loại tham gia sự kiện, nơi nhiều loại vũ khí hiện đại “chưa từng xuất hiện”. Giới quan sát nhận định đây chính là cơ hội để quân đội Trung Quốc phô diễn những công nghệ mới nhất. Ảnh: Army Recognition
ZTZ-99A là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng tối tân nhất của Trung Quốc. Theo Popular Science, ZTZ-99A sẽ là điểm nhấn của lễ duyệt binh.
Với trọng lượng hơn 60 tấn, ZTZ-99A là một trong những xe tăng hạng nặng lớn nhất thế giới không phải do Mỹ và đồng minh chế tạo. ZTZ-99A được tạp chí Focus đánh giá chỉ đứng sau xe tăng Leopard 2 của Đức và M1A2 Abrams của Mỹ.
Tháp pháo của ZTZ-99 trông giống phiên bản cải tiến của tháp pháo trên chiếc T-72 của Liên Xô. Khẩu pháo 125 mm cũng là bản sao từ chiếc 2A46 của Liên Xô. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cải tiến hệ thống nạp đạn tự động để có thể bắn 8 viên/phút.
Xe tăng này có khả năng mang theo 41 viên đạn pháo, gồm đạn xuyên giáp, đạn chống tăng dùng thuốc nổ mạnh và đạn trái phá. Ngoài ra, ZTZ-99 còn được trang bị súng máy phòng không 12,7 mm và súng máy 7,62 mm.
Khối động cơ diesel sao chép của Đức cho công suất 1.500 mã lực, mang đến cho ZTZ-99A tỷ số công suất/khối lượng lớn hơn cả chiếc M1 Abrams của Mỹ. Ảnh: lt.cdjby.net
PGZ-07 là hệ thống pháo phòng không tự hành do Trung Quốc sản xuất. Bộ khung bọc giáp hạng trung của nó mang theo hai pháo 35 mm bắn đạn thông minh nổ ở khoảng cách chính xác, khiến PGZ-07 rất hiệu quả trong việc tiêu diệt máy bay chiến đấu, máy bay không người lái hay tên lửa địch.
PGZ-07 có một số nét tương đồng với pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard của Đức, từ hình dáng, cách bố trí pháo đến hệ thống điều khiển hỏa lực. Ảnh: lt.cdjby.net
Xe phóng tên lửa diệt tăng ATF-10 sử dụng bộ khung thiết giáp của pháo phòng không ZDB-07, mang theo 8 giàn phóng tên lửa tự tìm diệt mục tiêu.
Tên lửa ATF-10 có tầm bắn 10 km, biến nó trở thành một “khẩu súng bắn tỉa” khổng lồ chuyên diệt xe tăng, xe bọc thép địch từ khoảng cách xa. Ảnh: lt.cdjby.net
Video đang HOT
Trong buổi tổng duyệt còn có sự xuất hiện của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-12. Với hình dạng giống tên lửa chống hạm Zvezda KH-31 của Nga nhưng dài hơn, YJ-12 được xem là tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất mà Trung Quốc sở hữu.
YJ-12 dài 8m, nặng 2 tấn, có thể đạt vận tốc trên 3,5 Mach (khoảng 4.288 km/h), tầm bắn 400 km. Tốc độ và phạm vi hoạt động này đồng nghĩa với việc mục tiêu của YJ-12 chỉ có chưa đầy 10 giây để phản ứng sau khi tên lửa khai hỏa.
YJ-12 hiện được phóng từ máy bay ném bom H-6, nhưng cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc còn phát triển các biến thể khác của mẫu tên lửa này để đặt trên tàu chiến và mặt đất. Ảnh: Army Recognition
Nếu buổi duyệt binh chính thức diễn ra theo kịch bản tổng duyệt thì toàn bộ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15B, tầm trung DF-16, DF-21C, tầm xa DF-26 hay tên lửa liên lục địa DF-5B và DF-31A cùng tên lửa hành trình phóng từ đất liền DF-10 cũng sẽ được ra mắt công chúng lần đầu tiên.
Trong ảnh là xe chở tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn DF-15B. DF-15B được phát triển dựa trên nguyên mẫu DF-15 với một số điểm nâng cấp nhằm gia tăng độ chính xác, bao gồm bộ điều khiển thăng bằng, thiết bị dẫn đường cải tiến, radar dò tìm và máy quét laser. Sai số trượt mục tiêu từ 5-10 m. Tầm bắn của DF-15B dao động từ 50-800 km tùy thuộc vào tải trọng.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16 xuất hiện trong buổi diễn tập. Theo thông tin của Trung Quốc, DF-16 có tầm bắn từ 800-1000 km, có khả năng mang theo tối đa ba đầu đạn, gồm đạn nổ thông thường, đầu đạn hạt nhân hay bom chùm. Ảnh: Army Recognition
DF-21C hay DF-21D là các thiết kế cải tiến từ mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21. Phạm vi hoạt động tối đa đối với mẫu DF-21C đạt khoảng 1.700 km. Nhờ hệ thống dẫn đường GPS, sai số trượt mục tiêu được giảm thiểu chỉ còn khoảng 30-40 m. Vì thế, tên lửa DF-21C hay DF-21D đặc biệt phù hợp trong các nhiệm vụ đòi hỏi độ chính xác cao. Ảnh: Army Recognition
Mẫu tên lửa đạn đạo tầm xa DF-26 có lẽ là ngôi sao sáng nhất tại lễ duyệt binh năm nay của Trung Quốc, theo tạp chí quốc phòng IHS Janes. DF-26 sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn 4.000 km, đủ sức vươn tới các mục tiêu ở Guam hay Australia. Tên lửa được đặt trên xe mang phóng tự hành (TEL) 12×12.
Nguyên bản của DF-26 được thiết kế để tấn công các căn cứ quân sự nhưng biến thể trong tương lai có thể mang đầu đạn chống hạm, hoặc trang bị thêm thiết bị phóng siêu thanh tầm xa, có khả năng vươn tới Hawaii hoặc Alaska.
Cũng bị phủ bạt kín như các tên lửa khác nhưng với hình ảnh ghi nhận được, giới chuyên gia quân sự suy đoán DF-26 có cấu tạo 3 tầng. Phần mũi dài cho thấy nhiều khả năng tên lửa này sẽ được lắp đặt hệ thống dẫn đường tiêu diệt mục tiêu. Ảnh: lt.cdjby.net
HQ-9 là hệ thống phòng không từ tầm gần đến tầm xa được thiết kế và sản xuất bởi Công ty Quốc phòng CPMIEC của Trung Quốc. Mục tiêu mà HQ-9 nhắm đến là các chiến đấu cơ, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất và tên lửa đạn đạo chiến lược. Hỏa lực trang bị cho HQ-9 là tên lửa mang đầu đạn 180 kg, có tốc độ tối đa 4,2 Mach, tầm bắn 200 km. Ảnh: Army Recognition
Vũ Hoàng – Gia Quang
Theo VNE
Dân Trung Quốc khổ sở vì lệnh cấm trước lễ duyệt binh
Các quy định nghiêm ngặt Trung Quốc ban hành nhằm đảm bảo an ninh cho lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II đang gây nhiều bất tiện cho người dân.
Một cảnh sát bán quân sự mặc thường phục canh gác tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 27/8. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức cuộc duyệt binh rầm rộ trong tuần này. Khoảng 12.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài quân sự hiện đại sẽ diễu hành qua các tuyến phố lớn ở thủ đô Bắc Kinh nhằm kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Nhưng đối với nhiều người dân, lễ duyệt binh mừng chiến thắng mang đến cho họ không ít nỗi lo và sự bất tiện, theo Wall Street Journal.
Bất tiện
Để làm sạch bầu không khí thủ đô trước khi đón tiếp các nguyên thủ từ khoảng 30 quốc gia trên toàn thế giới, Trung Quốc yêu cầu hơn 10.000 nhà máy cùng hàng loạt công trình xây dựng bên trong và ven Bắc Kinh tạm đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.
Nhà chức trách ban hành hàng loạt quy định để hạn chế lưu thông. Bắt đầu từ ngày 20/8, Bắc Kinh giới hạn việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân trong thành phố, phân chia theo số chẵn - lẻ của biển đăng ký xe. Chỉ xe buýt, xe cứu thương, cứu hỏa hay xe điện không bị ảnh hưởng. 80% phương tiện của các cơ quan nhà nước hay công ty quốc doanh đều bị cấm trong dịp này. Sân bay quốc tế Bắc Kinh đóng cửa vào buổi sáng ngày duyệt binh.
Ông Ren Ningning, chủ một doanh nghiệp sản xuất bê tông, cho hay, nhà máy của ông ngừng hoạt động từ giữa tháng. Ông đang chờ từng ngày để nghe thông báo được phép hoạt động trở lại từ chính quyền.
"Tất cả nhân viên đều nghỉ hết. Tôi chẳng nhận được tiền bồi thường của chính phủ nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên", Ren nói. "Tôi phải tự gánh thiệt hại".
Theo hãng thông tấn EPA, những giới hạn mà chính quyền đặt ra, đặc biệt là việc không được tự do đi lại, khiến người dân Trung Quốc bất bình. Họ thấy thất vọng vì không thể ra ngoài tận hưởng bầu không khí trong sạch hiếm hoi.
"Đừng mời khách, hãy ở yên trong nhà, cũng đừng chụp ảnh hay mở cửa sổ, nếu không, bạn sẽ bị nhầm là phần tử khủng bố", nhân viên quản lý tại một khu chung cư ở quận Sanlitun dặn dò người thuê nhà.
"Có những người mang máy bộ đàm đứng bên ngoài căn hộ để chắc rằng chúng tôi tuân thủ quy định", một cư dân giấu tên nói. "Họ khiến cả con mèo của tôi cũng sợ hãi".
"Đây không phải việc của tôi. Tôi sẽ không xem lễ duyệt binh", Gao Meng, nhân viên tại một công ty về công nghệ thông tin, quả quyết. "Có quá nhiều quy định phiền hà".
"Dù sao thì bầu trời cũng sẽ đen trở lại khi sự kiện này kết thúc, đồng thời các nhà máy hoạt động hết công suất để bù đắp cho thiệt hại phải chịu", sinh viên Allan Wu, nói.
Người thanh niên đạp xe dưới bầu trời trong xanh hiếm khi bắt gặp được ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Những bất bình liên quan đến các lệnh cấm của chính phủ còn xuất hiện tràn lan trên mạng Internet Trung Quốc. Một số người dùng mạng xã hội Weibo cho rằng cuộc duyệt binh cùng những quy định giống như "gây phiền hà đối với người dân bình thường và quá lãng phí tiền của", theoSouth China Morning Post.
"Đừng đến Bắc Kinh trong dịp này. Bạn không thể biết quá trình kiểm tra an ninh sẽ tốn bao nhiêu thời gian đâu", một tài khoản Weibo chia sẻ.
Xiao Qing, nhân viên thiết kế đồ họa, 27 tuổi, tỏ ra không quan tâm đến sự kiện lớn của đất nước. "Các quy định này, dù thuận tiện hay không, với tôi cũng không quan trọng. Chúng tôi đã quen với nó. Gia đình và bạn bè tôi còn không buồn phàn nàn", Qing cho biết.
Sức ép kinh tế
Những giới hạn mà chính phủ ban hành chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn nhưng rõ ràng chúng đang cản trở sự phát triển của Trung Quốc, trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu chững lại, cây bút Alyssa Abkowitz từ WSJ đánh giá.
"Những yếu tố một lần", bao gồm cả việc đóng cửa nhà máy, sẽ gây khó khăn đối với các hoạt động kinh tế của tháng 8, ông Haibin Zhu, chuyên gia phân tích tại J.P Morgan, nhận xét.
"Chúng tôi cho rằng những biện pháp mang tính nhất thời sẽ tác động sâu sắc đến năng suất công nghiệp", một số nhà kinh tế học tại Công ty Chứng khoán châu Á Mizuho, bình luận.
Lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến diễn ra vào ngày 3/9 tới đây là cơ hội để Trung Quốc phô diễn sức mạnh trước công chúng trong nước cũng như các quốc gia láng giềng châu Á. Truyền thông nhà nước đưa tin Bắc Kinh sẽ trình làng 7 loại tên lửa mới.
Song, sự kiện này lại đến đúng lúc những mối hoài nghi về khả năng kiểm soát kinh tế của Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Nỗi lo âu này dẫn tới cơn chấn động trên thị trường tài chính toàn cầu hồi đầu tuần trước cùng chuỗi ngày giảm sâu ở thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc trong tháng 8 xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Ông Xie, giám đốc bán hàng tại Công ty thép Yongyang, trụ sở ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 450 km về phía nam, cho biết sản xuất bị ngừng trệ từ hôm 20/8. Khoảng 2.000 lao động tại doanh nghiệp của ông đang nghỉ phép nhưng vẫn được tính công. Thu nhập của họ vào khoảng 160 USD/tháng.
"Đối với các công ty tư nhân, người lao động ít khi được nghỉ kiểu này, vậy nên họ thấy vui vì điều đó", Xie nói.
Nhưng không phải ai cũng nhận được đãi ngộ tốt. Jin Zhimin, công nhân ngành thép với thu nhập khoảng 235 USD/tháng, không được hưởng lương trong đợt nghỉ . "Nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra như vậy, tôi buộc phải thắt chặt hầu bao", Jin nói.
Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc vẫn hết lòng ủng hộ những gì mà chính phủ đang thực hiện. Họ coi đó như nghĩa vụ của một người yêu nước.
"Sau cùng thì sự bất tiện này không kéo dài quá lâu. Cuộc sống ở Bắc Kinh thì cũng tương đối tốt rồi. Nhượng bộ một chút cũng không sao", một người dân chia sẻ. "Chúng tôi chỉ cần chuẩn bị kỹ, ví dụ như mua rau củ, thịt cá dự trữ từ trước", người khác thêm vào.
Bo, chủ cửa hàng xăm ở Sanlitun, cho hay ban quản lý cộng đồng dân cư từng đề nghị ông và các chủ cửa hàng khác ký cam kết nhằm đảm bảo trật tự tại khu vực này khi xe tăng diễu hành qua.
"Ngay cả nếu công việc kinh doanh có bị ảnh hưởng, tôi vẫn ủng hộ cuộc duyệt binh vì niềm tự hào dân tộc", Bo nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Vì sao Kim Jong-un không dự lễ duyệt binh của Trung Quốc Tuy là hai nước đồng minh, quyết định không đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho thấy mối quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa hai bên. Ông Choe Ryong-hae (trước, phải) là đại diện của Triều Tiên đến dự lễ kỷ niệm tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters Thứ trưởng Ngoại giao Trung...