Những trường hợp đáng tiếc của điện ảnh Việt: Ra mắt nhầm thời điểm?
Khi nhìn lại điện ảnh Việt giai đoạn từ những năm 2000 trở lại đây – giai đoạn cho thấy sự phát triển thần tốc cả về số lượng phim ra mắt lẫn nhu cầu thưởng thức điện ảnh nước nhà của khán giả – dễ bắt gặp một vài trường hợp được đánh giá cao về mặt chuyên môn, đạt được thành công trong các Liên hoan phim quốc gia – nhưng đồng thời cũng đem về doanh thu không mong muốn cho nhà sản xuất.
Lý do vì đâu? Liệu có phải chỉ vì những bộ phim ấy đã chọn nhầm… thời điểm ra đời?
Dễ nhận thấy, “thời điểm ra mắt” luôn là một trong những yếu tố được các nhà sản xuất phim rất coi trọng trong quá trình ra mắt một bộ phim, thấy rõ nhất là vào mùa phim Tết, khi có trường hợp nhiều bộ phim đồng loạt rút khỏi rạp để né khỏi đối thủ được đánh giá là mạnh hơn trong cuộc đua; hoặc các nhà làm phim thường ấn định thời gian ra rạp của các tác phẩm mình nhắm vào những dịp nghỉ lễ để tận dụng tối đa khả năng “được chọn” cho phim mình. Trong quá khứ, nhiều bộ phim có chất lượng tốt so với thời điểm ra mắt đã không được đánh giá đúng với thực lực của mình cũng bởi vấn đề chọn “sai thời điểm”. Nhưng liệu nguyên nhân ấy có quyết định tất cả?
Một trong những ví dụ nổi bật nhất về thất bại doanh thu có thể kể đến là trường hợp của Dòng máu anh hùng (2007). Là bộ phim hành động võ thuật được sản xuất bởi đơn vị tư nhân (Chánh Phương Film và Cinema Pictures), tác phẩm này cho đến nay vẫn được nhìn nhận là một trong những bộ phim thương mại lấy cảm hứng từ lịch sử có chất lượng tốt, cân bằng giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật nhất mà điện ảnh Việt từng có được. Với ê-kíp ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của nền giải trí Hollywood như Charlie Nguyễn (đạo diễn), Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Dustin Nguyễn (diễn viên chính) – Dòng máu anh hùng đã có được một khởi đầu tốt với cách dàn dựng nhịp nhanh, cấu trúc kịch bản hoàn thiện, diễn xuất tương đối đồng đều với nhiều cảnh hành động võ thuật chuyên nghiệp.
Dòng máu anh hùng có thể được coi là một trong những trường hợp đáng tiếc nhất của màn ảnh Việt
Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Pháp, Dòng máu anh hùng kể lại cuộc đời của Thuý và Cường – từ hai con người đối nghịch chiến tuyến trở thành đồng đội của nhau, cũng như hành trình trở về với quê hương, cội nguồn của Cường. Với cách dàn dựng mang đậm phong cách chủ nghĩa anh hùng của Hollywood (nhưng đồng thời cũng rất phù hợp với dòng phim giải trí), bộ phim mang dáng dấp của một tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, chất lượng vượt trội và khác biệt trong cách thể hiện đề tài lịch sử so với các tác phẩm ra mắt cùng thời điểm, thậm chí còn có cả kế hoạch marketing bài bản!
Năm 2007 – khi hệ thống rạp chiếu ở Việt Nam còn chưa quá phát triển và thói quen xem phim rạp của phần đông khán giả chưa hình thành – doanh thu với con số 7 tỷ đồng ở thị trường trong nước vẫn là một con số khiến nhiều người phải mơ ước, nhưng vẫn được coi là khiêm tốn so với những gì nhà sản xuất kỳ vọng cũng như chất lượng bộ phim đã thể hiện. Nhiều nhà phê bình chỉ ra rằng, sai lầm của ê-kíp Dòng máu anh hùng là đã đánh giá chưa đúng nhu cầu của thị trường khi đó, khi họ đã không nhận ra rằng quy mô của thị trường phim Việt Nam những năm 2007 là quá nhỏ để chơi một canh bạc lớn đến vậy! Đó cũng là lí do để gần đây, có ý kiến cho rằng nên cho chiếu lại Dòng máu anh hùng để có cái nhìn xác đáng hơn về giá trị nghệ thuật mà tác phẩm này đem lại.
Video đang HOT
Thiên mệnh anh hùng (2010)
Hay như Thiên mệnh anh hùng (2010), Long thành cầm giả ca (2010) cũng chọn đề tài hư cấu dựa trên lịch sử như Dòng máu anh hùng, nhưng hai bộ phim này nhận thất bại cũng nặng nề không kém. Thiên mệnh anh hùng được cho là lỗ tới gần 20 tỷ đồng – trong khi sở hữu dàn diễn viên với lực diễn tốt như Huỳnh Đông, Khương Ngọc và một cốt truyện được phát triển vững chắc từ kịch bản văn học và góc quay giàu tính điện ảnh đến từ đạo diễn Việt kiều Victor Vũ, người sau này đã chứng minh được tài năng của mình với dòng phim phiêu lưu hành động.
Long thành cầm giả ca là tác phẩm đến từ đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn – cái tên đạo diễn nổi tiếng với thứ ngôn ngữ điện ảnh giàu tính nghệ thuật, thể hiện rõ việc chịu ảnh hưởng văn hoá đặc trưng của vùng miền với thủ pháp lồng ghép kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong phim của mình. Rõ ràng, nếu so với thời điểm hiện tại, tất cả những yếu tố vừa kể trên trong ba bộ phim rất có thể sẽ biến chúng thành những “bom tấn” khi ra rạp, bởi gu thưởng thức của nhiều khán giả trẻ đang thay đổi rất mạnh mẽ.
Phim Long thành cầm giả ca
Họ khao khát những bộ phim về lịch sử, mang đậm dấu ấn đặc sắc của quốc gia, hướng về những giá trị truyền thống tốt đẹp nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc – thay vì những bộ phim hài nhảm, nhạt với những drama hay cảnh nóng liên miên không hồi kết được tạo ra chỉ để câu khách rẻ tiền.
Dòng phim tâm lý chiến tranh vốn là thế mạnh của phim Việt Nam trước thời kỳ Đổi mới không đem về doanh thu cao – dù đã được Nhà nước bảo trợ về mặt kinh phí ít nhiều. Đó là trường hợp của Mùi cỏ cháy (2012) hay Truyền thuyết về Quán Tiên (2019) – những bộ phim có thể nói là có chất lượng tốt – khai thác chiến tranh dưới một góc độ đa chiều hơn với việc đưa ra những lát cắt có khi rất đời thường của thân phận con người trong vòng xoay của lửa đạn, mô tả một cách tinh tế lẫn trần trụi những bản năng rất “người” của họ thay vì cách mô tả anh hùng hoá mang nặng tính giáo điều so với trước đây. Số phận các bộ phim này dễ lý giải hơn một chút – khi mà rất nhiều nhà báo, nhà phê bình đã chỉ ra những thiếu sót trong cơ chế phát hành và quảng bá phim do Nhà nước đặt hàng là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại về doanh thu của chúng. Các bộ phim này lặng lẽ ra rạp và lặng lẽ… rời rạp sau khi không thể trụ nổi trước sức ép của các phim nước ngoài ra rạp cùng thời điểm, chỉ được chiếu ở một số cụm rạp nhỏ lẻ do nhà nước quản lý.
Phim Truyền thuyết về Quán Tiên
Nghịch lý là, những bộ phim này lại được hưởng ứng đáng kể bởi người xem cũng như có sức lan toả tốt khi được mua và chiếu trên các nền tảng streaming trực tuyến. Dễ nhận thấy ở đây vấn đề tìm đường đến với khán giả sẽ tạo ra khác biệt rất lớn về doanh thu, đặc biệt là khi đặt ba bộ phim này lên bàn cân cùng Đào, Phở và Piano.
Bộ phim của đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn đã tạo nên một cú sốt vé chưa từng có đầu năm 2024 với lí do rất đơn giản là… viral nhờ được một Tiktoker-KOL chuyên làm các video về chủ đề lịch sử quảng bá hộ. Hiệu ứng lan toả của việc tuyên truyền này vượt ngoài tưởng tượng, khi lần đầu tiên trong lịch sử một bộ phim do Nhà nước đặt hàng… có lãi, tạo ra hàng triệu lượt thảo luận trên mạng và gần như khiến khán giả phải nhìn lại một loạt các bộ phim cùng đề tài.
Công bằng mà nói, việc một bộ phim đạt được thành công về mặt doanh thu đến từ nhiều yếu tố. Bên cạnh chất lượng bộ phim, có thể kể đến một vài yếu tố như quy mô thị trường, thị hiếu khán giả cũng như quá trình quảng bá/tuyên truyền phim đến với khán giả. Với thị trường điện ảnh đang ngày càng chuyển mình mạnh mẽ như Việt Nam, việc nhìn nhận và đánh giá lại những trường hợp thất bại về doanh thu trong quá khứ sẽ giúp các nhà làm phim tìm ra nguyên nhân và giải pháp trong tương lai để hạn chế vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra với tác phẩm của mình, từ đó xây dựng một nền điện ảnh Việt từng bước được khẳng định bởi rất những bộ phim với doanh thu tốt đi kèm với giá trị nghệ thuật tương xứng.
Phim Việt lỗ nặng khi không bán được vé nào trong ngày
Tác phẩm mới nhất của điện ảnh Việt có doanh thu không được như mong đợi dù quy tụ dàn sao đình đám.
Theo số liệu từ Box Office Vietnam, tính đến trưa 24/6, bộ phim Móng Vuốt không bán được thêm bất kỳ vé nào trong ngày dù vẫn được các rạp bố trí suất chiếu. Dịp cuối tuần qua, khả năng bán vé của dự án cũng không khả quan, chỉ thu về hơn 15 triệu đồng dù mới bước sang tuần thứ 3 ở rạp. Đến nay, tổng doanh thu của phim dừng lại ở mốc 3,8 tỷ đồng. Với tình hình hiện tại, Móng Vuốt nhiều khả năng sẽ sớm phải rời rạp và chịu lỗ nặng.
Móng Vuốt hiện không bán được vé nào trong ngày 24/6.
Móng Vuốt là bộ phim Việt đầu tiên ra rạp trong tháng 6 này. Tác phẩm thuộc thể loại sinh tồn quái thú, một đề tài được nhiều nền điện ảnh phát triển khai thác nhưng chưa xuất hiện tại Việt Nam. Nội dung Móng Vuốt xoay quanh một nhóm bạn gồm 7 người lạc vào rừng sâu, không may bị một chú gấu tên là Mật tấn công. Cả nhóm phải tìm cách sinh tồn, cố gắng sống sót khi chạm trán với nhân vật phản diện đặc biệt này.
Dự án kỳ vọng tạo làn gió mới cho phòng vé khi quy tụ dàn sao trẻ trung, quen mặt với khán giả như Tuấn Trần, Nguyễn Lâm Thảo Tâm, Rocker Nguyễn, Hồng Thanh... Trong đó, nam chính Tuấn Trần được nhiều người ví như "bảo chứng phòng vé" những năm gần đây, liên tục đóng chính những phim phá kỷ lục doanh thu của điện ảnh Việt. Trước khi ra rạp, đạo diễn Lê Thanh Sơn từng rất tự tin về đứa con tinh thần của mình, kỳ vọng vượt cột mốc 300 tỷ đồng.
Với Móng Vuốt, Tuấn Trần nhận thất bại sau hàng loạt dự án trăm tỷ trước đó.
Tuy nhiên, sau khi phát hành, Móng Vuốt không tạo được hiệu ứng tại phòng vé như mong đợi. Tác phẩm thậm chí không vượt nổi doanh thu trong ngày của Lật Mặt 7: Một Điều Ước - dự án đã ra mắt hơn 1 tháng trước đó. Nhiều khán giả khen ngợi phim đầu tư về mặt hình ảnh, kỹ xảo nhưng không quá ấn tượng. Trong khi đó, kịch bản bị chê quá cũ kỹ, rập khuôn và nhiều chi tiết phi logic.
Móng Vuốt tiếp tục đi theo bước xe đổ của hàng loạt phim Việt ra mắt từ đầu năm nay như Trà (1,6 tỷ), Sáng Đèn (3,4 tỷ), Quý Cô Thừa Kế 2 (6,4 tỷ), B4S - Trước Giờ Yêu (3,8 tỷ), Án Mạng Lầu 4 (1,9 tỷ). Trong đó, thất bại thê thảm nhất phải kể đến Đóa Hoa Mong Manh của đạo diễn Mai Thu Huyền với doanh thu chỉ vỏn vẹn 430 triệu đồng.
Phim Việt còn gì sau Trấn Thành, Lý Hải? Sau những thành công của Mai hay Lật Mặt 7: Một Điều Ước, phim Việt bước vào giai đoạn ảm đạm khi chịu lép vế trước các bom tấn quốc tế. Dù mới chỉ trải qua 6 tháng đầu năm 2024, phòng vé Việt đã có 2 tác phẩm mới leo lên đứng đầu danh sách phim ăn khách nhất mọi thời. Đầu...