Những nguy cơ trẻ phải đối mặt trên Internet
Hai năm trước, Phương Thảo, 15 tuổi, bị người khác đăng tin không đúng sự thật về bản thân. Em bị suy sụp, chỉ biết khóa Facebook, Instagram liền 2-3 tháng.
Thảo cho biết, thời điểm đó em không biết giải quyết chuyện này như thế nào. Em đã cố thanh minh nhưng mọi người càng cho rằng thông tin kia là đúng sự thật. “Để không phải đọc thông tin đó và muốn mọi chuyện lắng xuống, em đã khóa các tài khoản mạng xã hội”, Thảo kể.
Sau một thời gian dài khi đã đủ bình tĩnh, Thảo mới dám kể mọi chuyện cho bố mẹ, tìm kiếm sự giúp đỡ. Thảo nhận ra, bắt nạt trên mạng xã hội là có thật, không phải điều gì xa xôi nhưng độ tuổi lúc đó chưa cho phép em tự giải quyết mà không gặp tổn thương tâm lý.
Còn Minh Ngọc, 16 tuổi, đang theo học lớp 10 tại một trường trung học tại Mỹ, lại gặp vấn đề về tính xác thực của nguồn tin khi sử dụng Internet. Ngọc kể, trường có một website đăng tải thông tin, tài liệu tham khảo chính thức cho học sinh truy cập để đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho các em. Tuy nhiên, nhiều lúc trang web bị lỗi hoặc quá tải, Ngọc phải tìm kiếm thông tin khác trên Google.
“Em lo ngại những gì mình đọc và xem được từ ngoài website của trường không chính xác 100%, nếu tiếp nhận phải thông tin giả sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của mình”, Ngọc nói.
Học sinh trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội học online khi nghỉ học phòng Covid-19. Ảnh: Wellspring.
Tại hội thảo xây dựng đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025 sáng 28/5, ông Hoàng Minh Tiến, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chia các rủi ro, nguy cơ trẻ em gặp phải khi sử dụng Internet thành sáu loại.
Thứ nhất, như mọi người dùng Internet, trẻ em cũng đối diện với tin giả (fake news). Tuy nhiên, việc này gây nguy hiểm hơn cho trẻ em vì nhận thức và sự hiểu biết chưa được như người lớn dẫn đến khả năng sàng lọc thông tin chính xác kém hơn.
Nguy cơ thứ hai là bắt nạt trên mạng ( cyber bullying). Những năm gần đây, cụm từ “cyber bullying” được nhắc đến nhiều hơn khi việc chê bai, “ném đá” một cá nhân diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề, không kém gì hành vi bắt nạt trong cuộc sống thực.
Thứ ba, việc sử dụng đồ chơi kết nối Internet có thể khiến các em bị lộ thông tin cá nhân. Tại nhiều quốc gia, đây là thông tin không được phép thu thập.
Khi dùng Internet, trẻ em dễ dàng truy cập vào thông tin có hại như lừa đảo, tôn giáo, chính trị, tình dục… Đây là nguy cơ thứ tư ông Tiến nhắc đến.
Nguy cơ thứ năm và sáu liên quan đến việc trẻ em bị dụ dỗ qua mạng, được yêu cầu gửi hoặc nhận được nội dung liên quan đến tình dục, thường là ảnh khỏa thân hoặc hình chụp những bộ phận nhạy cảm (Sexting).
Ông Tiến dẫn lại câu chuyện gần đây, khi học sinh nghỉ học phòng dịch và phải học online qua các phần mềm trực tuyến, nhiều em đã nhận được lời đề nghị tham dự những cuộc thi sắc đẹp. Người nhắn tin tự xưng là ban tổ chức, yêu cầu các em gửi ảnh khỏa thân để kiểm tra xem có sẹo hay không. “Đây là biểu hiện rất rõ của hành vi Sexting trên mạng mà trẻ em rất dễ gặp phải”, ông Tiến nói.
Dẫn thống kê của Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị lạm dụng tại Mỹ (NCMEC), ông Tiến cho biết, năm 2019 tổ chức này nhận được 16 triệu phản ánh trên toàn cầu về việc trẻ em gặp nguy hiểm trên Internet. Trong đó, hơn 300.000 phản ánh đến từ Việt Nam, xếp thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines.
“Chúng ta phải hướng dẫn các con từ sớm rằng như nào là không an toàn, khi bị xâm hại thì đến đâu tìm giúp đỡ. Sử dụng Internet cũng cần phải có vaccine cho trẻ em”, ông Tiến nói.
Video đang HOT
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tại hội thảo sáng 28/5. Ảnh: Thanh Hằng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận 23.000 cuộc gọi phản ánh của phụ huynh, nhờ hỗ trợ và giải quyết các hành vi xâm hại, dụ dỗ trẻ em trên Internet.
“Trong số đó, chúng tôi hỗ trợ cho hơn 13.000 trường hợp, trực tiếp can thiệp hơn 300 vụ. Con số cần được giải quyết vẫn quá lớn và cần được chung tay của cả cộng đồng”, bà Hoa nói.
Thời gian tới, các bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an sẽ phối hợp, xây dựng và sửa đổi đề án Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Ngoài việc tạo ra khung hành lang pháp lý và mở rộng, nâng cấp đường dây nóng 111, các bộ sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về hình ảnh, video xâm hại trẻ em (CSAM).
Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa “Bộ kỹ năng số cơ bản” vào chương trình của môn Tin học. Môn học này sẽ cung cấp cho trẻ em nội dung, kỹ năng như kiến thức về Internet, mạng xã hội, làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, nhận biết khi bị lợi dụng và nơi cần thông tin, báo cáo…
Với quan điểm “Trẻ em tiếp cận nội dung xấu vì chưa có nội dung đủ tốt”, các bộ sẽ kêu gọi doanh nghiệp, công ty truyền thông tạo ra các ứng dụng lành mạnh, mang tính giáo dục cao để “cân bằng giữa việc bảo vệ và trao quyền cho trẻ em tiếp cận cơ hội học tập trên Internet”.
Nạn bắt nạt trực tuyến nhắm vào các ngôi sao nữ châu Á
Sau sự ra đi của Hana Kimura, nhiều người nhớ về Sulli và Goo Hara - hai nữ ngôi sao Kpop cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công trực tuyến.
Bắt nạt trên mạng (Cyberbullying) là hành vi đe dọa, quấy rối, dùng những bình luận ác ý để làm tổn thương người khác một cách có chủ ý. Hậu quả của hành động này là khiến nạn nhân rơi vào trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, tự làm đau bản thân và tệ nhất là tự tử để thoát khỏi những kẻ bắt nạt.
Trong một cuộc khảo sát trên 1.200 người trưởng thành của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc được thực hiện vào tháng 3/2019, 64,2% số người được hỏi cho biết họ từng trở thành mục tiêu nói xấu. Trong số đó, tỷ lệ phụ nữ trở thành đối tượng bị công kích bởi cả hai giới lên đến 67,8%, theo Korea Herald.
Nữ đô vật bị công kích sau chương trình thực tế
Hana Kimura (sinh năm 1997) là nữ đô vật nổi tiếng tại xứ sở hoa anh đào. Cô là con lai Nhật Bản - Indonesia và có mẹ cũng là một VĐV nổi tiếng - bà Kyoko Kimura.
9X sở hữu lượng người theo dõi "khủng" trên mạng xã hội. Hana thường tham dự các mùa giải JWP, Stardom và Sendai Pro Wrestling.
Tháng 3/2019, cô gia nhập công ty Stardom và có sự nghiệp thăng tiến khi chiến thắng những giải thưởng lớn. Cũng trong năm 2019, Hana được mời tham gia chương trình truyền hình thực tế "Terrace House" do Netflix sản xuất.
Từ một ngôi sao được lòng công chúng, Hana Kimura bỗng bị khán giả căm ghét và quay lưng.
Mục tiêu của chương trình này là quan sát những gì xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín khi những người lạ sống chung. Hana cùng 5 người khác sống trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi ở Tokyo, từ đó những tranh cãi, tình huống không hay liên tục xảy ra, yêu cầu những người tham gia phải đưa ra lựa chọn và xử lý khôn khéo. Netflix cũng công bố mọi việc diễn ra trong căn hộ đều tự nhiên, không có kịch bản dẫn dắt.
Sau khi chương trình này được phát sóng, Hana bị khán giả chửi rủa và chỉ trích thậm tệ vì hành động mất bình tĩnh với bạn cùng phòng khi trang phục của mình bị hư hỏng. Nhiều người hâm mộ cũng quay lưng với cô sau sự việc này.
Từ đó, Hana Kimura trở thành nạn nhân bị công kích và bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày, cô gái trẻ nhận được hàng trăm tin nhắn, bình luận thù ghét. Cuối cùng, cô chọn kết liễu đời mình để thoát khỏi bóng đen bắt nạt.
Theo South China Morning Post, nguyên nhân chính thức dẫn đến sự ra đi của nữ đô vật vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán rằng Hana đã tự sát tại nhà riêng vào ngày 22/5 vì áp lực dư luận.
"Tôi rất tiếc với Hana, thế giới này thật tàn nhẫn với bạn và bạn không thể tìm thấy sự bình yên của mình", một người dùng bày tỏ sự thương tiếc cho nữ đô vật Nhật Bản.
Trước đó, người hâm mộ đã rất lo lắng cho tình trạng của Hana khi cô đăng tải những hình ảnh đang tự làm tổn thương bản thân mình cùng bức thư tuyệt mệnh: "Mỗi ngày, tôi nhận hàng trăm tin nhắn bắt nạt. Tôi không thể dối lòng rằng mình vẫn ổn. Cám ơn đã cho tôi một người mẹ. Đây là cuộc sống tôi muốn. Cám ơn mọi người đã ủng hộ, tôi yêu tất cả, nhưng lại yếu đuối. Tôi xin lỗi, không muốn sống nữa. Cám ơn mọi người. Tôi yêu các bạn. Tạm biệt".
Nhiều người hâm mộ đã đăng tải hashtag #RIPHanaKimura để bày tỏ sự thương tiếc dành cho nữ đô vật tài năng. Đồng thời, họ cũng kêu gọi chống lại nạn bắt nạt trực tuyến diễn ra hàng ngày trên mạng.
Phản ứng dữ dội chống lại Hana giờ đã chuyển sang trạng thái phẫn nộ trước những chỉ trích gay gắt và nỗi đau mà 9X phải gánh chịu do những "anh hùng bàn phím" gây ra.
Đô vật nổi tiếng Adam Pacitti cũng bày tỏ sự xót xa của mình với đồng nghiệp: "Sự ra đi của Hana Kimura hoàn toàn là một bi kịch. Tôi hy vọng điều này đóng vai trò như một lời nhắc nhở đến mọi người là những tương tác trên phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bất kỳ ai, bất kể họ là ai. Hãy tử tế. Yên nghỉ nhé".
Cựu thành viên f(x) trầm cảm nặng
Sulli (sinh năm 1994) là nữ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng của xứ sở kim chi. Cô từng được coi là thần tượng top đầu trong showbiz Hàn với vẻ ngoài xinh đẹp và sự nghiệp rộng mở. Năm 2015, trước những áp lực dư luận bủa vây, cô tuyên bố ngừng hoạt động cùng f(x) và chính thức ngừng sự nghiệp ca hát.
Trước khi chọn cách tự kết liễu đời mình tại nhà riêng vào tháng 10/2019, cựu thành viên nhóm f(x) từng đối mặt với không ít cuộc tấn công trên mạng vì những hành động được coi là không phù hợp thuần phong mỹ tục Hàn Quốc: Thả rông ngực, yêu bạn trai lớn tuổi, đăng tải ảnh phản cảm, tiệc tùng, uống rượu với bạn bè.
Trong suốt một thời gian dài, nữ thần tượng phải vật lộn với chứng trầm cảm trước làn sóng chỉ trích vì lối sống được cho là nổi loạn của mình.
Cái chết của Sulli đã vạch trần một phần nào mặt tối của xã hội Hàn Quốc. Để có chỗ đứng trong giới giải trí, những ngôi sao không chỉ trải qua sự cạnh tranh khắc nghiệt mà còn phải hứng chịu nhiều lời chửi rủa cay nghiệt, soi mói của dân mạng khiến họ lúc nào cũng bị đặt trong tình trạng căng thẳng, áp lực.
Sự ra đi của một ngôi sao trẻ khi đang có sự nghiệp rực rỡ khiến người hâm mộ xót xa và căm phẫn trước thái độ vô trách nhiệm của những kẻ bắt nạt giấu mặt.
Nhiều người đã kêu gọi sự thay đổi văn hóa bình luận và đệ trình lên Quốc hội Hàn Quốc một số dự luật nhằm ngăn chặn bắt nạt trên mạng.
Sự ra đi của Sulli khiến nhiều người phải tự xem xét lại văn hóa bình luận trên mạng.
Theo một cuộc thăm dò của Realmeter được thực hiện sau cái chết của Sulli, gần 70% người Hàn Quốc ủng hộ việc bắt buộc sử dụng tên thật trên Internet.
"Quyền tự do ngôn luận là một giá trị quan trọng trong xã hội dân chủ, nhưng xúc phạm và làm tổn thương người khác là việc làm vượt quá giới hạn cho phép. Cần phải có những hình phạt khắc khe hơn đối với những người vi phạm luật này", Lee Dong-gwi, giáo sư tâm lý học tại Đại học Yonse, nói với South China Morning Post.
'Búp bê sống' bế tắc vì ồn ào đời tư
Cũng trong năm 2019, người hâm mộ châu Á lại đón nhận thêm một tin buồn nữa là sự ra đi của cựu thành viên Kara Goo Hara (sinh năm 1991). Quản lý của nữ ca sĩ từng tiết lộ trước khi đi đến quyết định tự tử, Goo Hara đã chống chọi với căn bệnh trầm cảm trong thời gian khá dài.
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của ngôi sao trẻ phần lớn đều do những bình luận chửi bới khiếm nhã, thóa mạ từ dân mạng cộng với sự nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ bởi loạt kiện tụng với bạn trai cũ Choi Jong Bum.
Trước khi mất, Goo Hara từng nhiều lần đăng tải trạng thái bày tỏ tâm trạng buồn bã, lo âu trên trang cá nhân.
Cái chết của Goo Hara đã gây chấn động cả showbiz Hàn vì chỉ trong thời gian ngắn, Kpop đã có tới hai nữ thần tượng tự tử. Nữ ca sĩ 29 tuổi mất chỉ sau bạn thân Sulli 6 tuần khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, thương tiếc.
Sau sự ra đi của Goo Hara và Sulli, hàng trăm phụ nữ đã biểu tình đòi công bằng cho cái chết của hai nữ thần tượng. Họ đeo mặt nạ, mặc đồ đen, sơn màu đỏ lên lòng bàn tay và giơ cao các biểu ngữ ghi "Stop Femicide" (tạm dịch: Chấm dứt việc đẩy phụ nữ đến cái chết).
Nhiều đồng nghiệp của Goo Hara sốc nặng khi nghe tin dữ về nữ thần tượng.
"Trong vòng hai tháng, chúng tôi chứng kiến cái chết của hai cô gái trẻ nổi tiếng. Truyền thông Hàn Quốc đổ lỗi cho các mất mát này là do bi kịch cá nhân hay bắt nạt trên mạng nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Kết cục đau đớn của họ là minh chứng rõ ràng cho tư tưởng trọng nam khinh nữ đã bóp nghẹt cuộc sống của phái nữ thế nào", một nhà hoạt động bày tỏ quan điểm.
Ngoài chỉ trích những kẻ bắt nạt ẩn danh, người hâm mộ cũng chĩa mũi dùi vào đạo đức báo chí và những kênh truyền thông chuyên mổ xẻ, săm soi đời tư của nghệ sĩ.
Điểm danh 4 kiểu bắt nạt học đường mà con thường giấu nhẹm, không dám kể với bố mẹ vì quá sợ hãi Từ những cuộc bắt nạt bằng hành động đến quấy rối bằng lời nói, bố mẹ cần phải biết các dấu hiệu của 4 kiểu bắt nạt phổ biến dưới đây để có thể bảo vệ con tốt nhất. Bắt nạt được định nghĩa là hành vi xấu gây tổn thương xảy ra lặp đi lặp lại trong mối quan hệ mất cân...