Những nguy cơ “khủng” hủy diệt nhân loại
Robot giết người, máy tính giành quyền kiểm soát các nguồn cung cần thiết cho sự tồn tại của con người, những vụ tấn công tin tặc làm đình trệ hoạt động toàn cầu, dịch bệnh hoành hành… là một trong những cảnh báo theo dự đoán của một nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới.
“Trung tâm Cambridge chuyên nghiên cứu nguy cơ hủy diệt nhân loại” (viết tắt CSER), nhóm gồm 27 người tập hợp một số bộ óc siêu việt nhất hiện nay như: nhà thiên văn Martin Rees, nhà vật lý học Stephen Hawking, nhà khoa học kỳ cựu Robert May và các chuyên gia hàng đầu của Đại học Oxford, Harvard, Berkeley, Imperial, trung tuần tháng 9-2013 vừa liệt kê một danh sách cảnh báo những nguy cơ đặc biệt quan trọng mà con người đã, đang đối mặt.
Công nghệ thông minh: Một hệ thống các máy tính có thể phát triển trí thông minh nhân tạo và giành lấy quyền kiểm soát các nguồn cung cần thiết cho sự tồn tại của con người.
Trong bộ truyện khoa học giả tưởng “Dial F for Frankenstein” của Arthur C.Clarke năm 1961 có đề cập tới việc liên kết đồng thời hàng tỉ chiếc máy tính, tạo thành một mạng lưới khổng lồ có trí tuệ. Cũng trong câu chuyện này, Clarke đề cập tới việc các mạng lưới điện thoại liên kết với nhau và hành động đồng thời như một đứa trẻ sơ sinh, dẫn tới tình trạng hỗn loạn trên toàn cầu và chiếm dụng quyền điều khiển hệ thống tài chính, giao thông và quân sự.
Ngày nay, trí thông minh nhân tạo đang dần được ứng dụng một cách rộng rãi. Câu chuyện viễn tưởng ngày nào đang sắp trở thành hiện thực. NASA và nhiều công ty tại Silicon Valley như Google và một loạt các công ty mới khác cũng đang tìm cách chế tạo các công cụ tìm kiếm biết “lắng nghe” người dùng.
Sự trưởng thành của trí thông minh nhân tạo đang đặt ra câu hỏi rằng, tới khi nào máy móc vượt qua con người và điều đó diễn ra nhanh tới mức nào? Mặc dù khả năng một ngày nào đó máy móc thống trị con người vẫn được xem là viễn tưởng, thì trong nửa thế kỷ qua, việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo có nhiều chuyển biến – thành công có nhưng thất bại cũng rất nhiều.
Các cuộc tấn công mạng: Mạng lưới điện, kiểm soát giao thông, ngân hàng và viễn thông phụ thuộc vào các hệ thống máy tính. Nếu những hệ thống bị tấn công và không chống đỡ được, tình trạng tê liệt sẽ đe dọa ổn định xã hội. Vấn đề an toàn, an ninh mạng không mới nhưng càng ngày càng trở nên quan trọng cùng với sự phát triển theo chiều rộng và chiều sâu của xã hội thông tin.
Video đang HOT
Siêu vi rút: Một vụ tấn công bằng vũ khí sinh học, dưới dạng siêu vi rút hoặc vi khuẩn do con người tạo ra, có thể khiến hàng triệu người chết. Vũ khí sinh học là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt dựa vào đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của các vi sinh vật như vi trùng, vi khuẩn; hoặc các độc tố do một số vi trùng tiết ra để gây mầm bệnh hay cái chết cho con người, cho động vật hoặc cây trồng, đưa đến những hậu quả không thể lường trước được, tùy thuộc vào khả năng lan truyền của chúng trong cơ thể động vật hay cây trồng.
Theo trang tin Discovery, loài người đang phải đối mặt với 5 loại vũ khí sinh học đáng sợ nhất. Đứng đầu danh sách là bệnh đậu mùa. Trong lịch sử bệnh đã có tỉ lệ tử vong 30%-35%. Thứ 2, vi khuẩn kháng thuốc. Những bệnh tật lâu nay được điều trị bằng kháng sinh là ứng viên tốt cho vũ khí sinh học do nhiều chủng đã trở nên kháng với thuốc kháng sinh.
Khuẩn tụ cầu kháng Methicillin (hay MRSA) thường ở lại trong da, nhưng ở một số người, nó lây nhiễm vào các cơ quan quan trọng như tim. Một số chủng gây hoại tử fasciitis, “bệnh ăn thịt”. Một MRSA kháng thuốc miễn dịch với tất cả các kháng sinh hiện có sẽ gây ra nhiều tử vong.
Lao là một mầm bệnh nữa đã phát triển thành các chủng kháng thuốc. Lao hiện là “sát thủ” lớn thứ 2 sau HIV/AIDS. Nó lây từ người qua người khi ho. Vi khuẩn nhân lên trong phổi, và bệnh nhân chết do suy hô hấp hoặc dư thừa chất dịch trong phổi. Thứ 3, bệnh than, lây lan bằng bào tử, và những bào tử có thể tồn tại trong nhiều môi trường, đôi khi trong nhiều năm. Khi các vi khuẩn nhân lên trong một người, chúng phóng thích độc tố vào máu và các mô gây sưng và giết chết tế bào. Tỉ lệ tử vong cao, gần 50%, ngay cả với điều trị bằng kháng sinh và 90% nếu không dùng thuốc. Thứ 4, đại dịch hạch, đã giết chết 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ 14, và nó vẫn còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới ngày nay. Tỉ lệ tử vong là 40%-60% nếu không được điều trị. Nhiễm trùng phổi là dạng nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân sẽ ho ra đờm lẫn máu và những giọt nhỏ giúp lây bệnh từ người sang người. Trừ phi được điều trị nhanh chóng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 100%. Thứ 5, mầm bệnh nông nghiệp như: lở mồm long móng, H5N1, H7N9,…
Đánh sập nguồn cung thực phẩm: Nhiều nước phương Tây chỉ duy trì kho thực phẩm cho 48 giờ, vì vậy bất kỳ sự đình trệ nào cũng có thể gây náo loạn xã hội.
Thời tiết khắc nghiệt: Tình trạng ấm lên toàn cầu có thể kích hoạt các quy trình trong tự nhiên, dẫn đến thiên tai tàn phá nhiều nơi trên trái đất.
Chiến tranh: Dân số ngày càng phát triển làm gia tăng nhu cầu nước và thực phẩm vốn ở mức giới hạn, đẩy các nước vào tình trạng chiến tranh để tranh giành tài nguyên.
Thảm họa hạt nhân: Các quốc gia sở hữu bom nguyên tử có thể sử dụng vũ khí tối thượng trong chiến tranh, dẫn đến tổn thất lớn về nhân mạng.
Trong phạm vi khí hậu, ông Alan Robock, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Môi trường (CEP) tại Đại học Cook, Viện Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết một vụ nổ hạt nhân có thể khiến nhiệt độ nhiều vùng trên Trái đất biến động mạnh, làm biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí, nó còn nguy hiểm hơn cả hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Dựa vào kho dữ liệu lịch sử và khoa học, Robock và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành một loạt mô phỏng điện toán về những hiện tượng khí hậu bất thường có thể xảy ra khi kịch bản chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan thành hiện thực.
Theo ông David Albright, Viện Khoa học và An toàn Quốc tế và ông Robert S.Norris, Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên, ước tính thì Ấn Độ có khoảng 50-60 vũ khí hạt nhân, còn Pakistan có chừng 60 vũ khí. Các cuộc thử vũ khí của 2 nước này chứng tỏ rằng sức công phá từ mỗi vũ khí của họ tương đương 15.000 tấn TNT (bằng quả bom nguyên tử “Little Boy” Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản tháng 8-1945).
Giả sử chiến tranh nổ ra, mỗi bên dùng 50 vũ khí hạt nhân dội vào thành phố đối phương chắc chắn sẽ sinh ra một lượng áp suất, bức xạ nhiệt, bức xạ ion và bụi phóng xạ khổng lồ. Và chỉ tính riêng lượng khói bụi thoát ra từ vụ nổ ấy đã có khả năng làm nhiệt độ ở phần lớn các khu vực thuộc Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á giảm khoảng 2 độ C. Những lớp khói đen từ các đám cháy sẽ bay lên tầng khí quyển cao, hấp thụ mọi tia sáng mặt trời, dẫn đến tình trạng tối tăm, nhiệt độ và lượng mưa giảm, thậm chí cả sự thu hẹp tầng ozone mà cho tới 10 hay hơn 10 năm sau cũng không thể khôi phục được.
Tiểu hành tinh tấn công: Giới khoa học cho rằng một tiểu hành tinh đã gây nên sự tuyệt chủng của khủng long cách đây 65 triệu năm, và nguy cơ này có thể một ngày nào đó giáng xuống loài người.
Trong một bản báo cáo đăng tải trên trang web của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây, Tiểu hành tinh 99942 Apophis sẽ lướt qua Trái Đất lần lượt vào năm 2029 và 2039, nhưng nó có thể sẽ lao vào hành tinh của chúng ta vào năm 2068.
NASA từng tính toán nếu Apophis đâm vào Trái đất của chúng ta, nó sẽ tạo ra một vụ nổ tương đương hơn 500 megaton TNT. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu chạm vào Trái Đất với tốc độ di chuyển là 28.000 dặm/giờ (khoảng 52,1 triệu km/giờ), Apophis sẽ phóng ra một năng lượng lớn gấp 80.000 lần so với quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến 2.
Cũng theo NASA, hiện có khoảng 20.000 tiểu hành tinh đang là mối đe dọa tiềm tàng đối với Trái Đất.
Theo ANTD
Nhật có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong 3 tháng?
Hãng tin Nhật Kyodo News cho biết, hiện Nhật Bản đang sở hữu 29,5 tấn nhiên liệu hạt nhân làm giàu. Một số chính khách cánh hữu của Nhật còn tuyên bố, nước này thừa nhiên liệu và trình độ công nghệ để chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng 3 tháng.
Ngày 11/09 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã có bản báo cáo gửi Ủy ban nguyên tử quốc tế cho biết, tính đến cuối năm 2012, nước này đang sở hữu tổng cộng 29,5 tấn nhiên liệu hạt nhân Plutonium phân hạch, tương đương với mức sở hữu năm 2011 là 29,6 tấn. Số nhiên liệu hạt nhân này được cất trữ cả trong và ngoài nước Nhật.
Hiện Nhật đang cất giữ trong nước 6,3 tấn (bằng số lượng năm ngoái), ngoài ra 23,2 tấn đang được Nhật ủy thác cho Anh và Pháp tái chế (năm ngoái là 23,3 tấn). Lượng Plutonium này sẽ được 2 nước châu Âu này gia công thành nhiên liệu hạt nhân phục vụ cho các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.
Do trong năm 2012, đa phần các nhà máy điện hạt nhân của Nhật đều ngừng hoạt động nên lượng tiêu hao Plutonium sử dụng trong hỗn hợp nhiên liệu ô xy hóa Plutonium - Uranium cơ bản là không tăng lên. Vì vậy, tổng số nhiên liệu mà Nhật sở hữu không giảm sút nhiều so với năm ngoái.
Do Plutonium có thể sử dụng làm nguyên liệu hạt nhân cho nên năm nào Nhật Bản cũng công bố số lượng nhiên liệu cho ủy ban nguyên tử quốc tế. Chính vì sở hữu một số lượng nhiên liệu lớn và trình độ khoa học công nghệ cao, nên một số chính khách cánh hữu của Nhật đã từng tuyên bố, chỉ cần 3 tháng cho đến nửa năm là Nhật có thể chế tạo xong vũ khí hạt nhân.
Bom hạt nhân B61 trong một kho bảo quản của Mỹ
Một số chuyên gia phân tích, bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nagasaki hồi thế chiến thứ 2 có mức độ làm giàu Plutonium tới cấp độ vũ khí là 93%. Còn nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản sử dụng trong các lò phản ứng nước nhẹ, sau khi gia tốc qua các máy ly tâm, mức độ làm giàu nhiên liệu Plutonium-239 mới chỉ đạt tới cấp độ 65%. Kyodo News cho biết, nguyên tắc sản xuất điện hạt nhân Nhật Bản là phát điện bằng nhiệt Plutonium.
Xét về mặt lí thuyết, nhiên liệu sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử, nhưng trên thực tế không có cường quốc nào chế tạo bom nguyên tử ở cấp độ làm giàu kém như vậy. Nếu muốn làm giàu nhanh, Nhật có thể sử dụng hỗn hợp nhiên liệu ô xy hóa Plutonium - Uranium như lò phản ứng Monju, có thể tinh luyện đạt đến cấp độ vũ khí 96%.
Tuy nhiên lò phản ứng này đã gặp sự cố năm 1995 và bị đình chỉ hoạt động mãi cho đến năm 2010, Nhật mới tái khởi động lò phản ứng hạt nhân này. Nhưng đến tháng 5 năm nay, công tác kiểm tra đã phát hiện lò phản ứng Monju xuất hiện những lỗ hổng an toàn nên nó lại bị ngừng hoạt động một lần nữa. Tuy nhiên, nếu quả thực người Nhật quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân thì giải quyết những nút thắt về công nghệ đối với họ không phải là quá khó khăn.
Theo ANTD
'Địa ngục' bị lãng quên sau quả bom nguyên tử Hiroshima Khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào 68 năm trước, rất nhiều nạn nhân khi đó là công nhân lao động người Hàn Quốc. Họ lâm vào cảnh vô vàn khốn khó. Một nóc tòa nhà ở Hiroshima sau khi bị ném bom nguyên tử. Địa ngục trần gian 68 năm sau, sức nóng từ quả bom nguyên tử đầu tiên...