Những người “lấp đầy” khoảng cách
Nghệ An vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, chủ yếu ở các bản vùng cao, biên giới. Sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi thế, việc dạy học cũng không thể theo giáo án thông thường.
Điểm trường lẻ Chà Lò, Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Từng ngày, thầy cô giáo nơi đây vẫn nghĩ cách để học sinh nơi đây được bù đắp, lấp đầy khoảng cách vùng khó khăn.
Không theo giáo án thông thường
Điểm bản Chà Lò cách trường chính Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An 15 km. Cho đến giờ, nơi này vẫn chưa có phòng học kiên cố, mà chỉ có 5 gian nhà lắp ghép nằm dưới thung lũng. Cổng trường dựng đơn sơ với 2 chiếc cọc tre, phía trên treo tấm biển: “Điểm bản Chà Lò”.
“Ở đây còn thiếu thốn lắm. Nhưng chúng tôi cố gắng tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, để phụ huynh thấy trường ra trường, lớp ra lớp. Ngoài ra, xung quanh khuôn viên được rào lại bằng tre, ngăn trâu bò xông vào trường học. Chà Lò là bản của người Khơ Mú, nằm sâu tách biệt trong núi, đời sống của bà con vẫn nhiều vất vả, lạc hậu lắm”, thầy Nguyễn Duy Thắng – giáo viên tại điểm trường chia sẻ.
Năm học 2020 – 2021 này, thầy Thắng chủ nhiệm lớp ghép 4 – 5 với tổng số 21 học sinh. Trong phòng học chật chội, có 2 cái bảng được gắn đối diện, học sinh ngồi quay lưng với nhau. Thầy giáo liên tục đi từ đầu tới cuối lớp, luân phiên giảng bài, ra bài tập, nhắc nhở học sinh trật tự. Nhưng do khoảng cách quá sát nhau, thỉnh thoảng học sinh lớp 5 lại quay sang nhắc bài cho các em lớp 4, hoặc nói chuyện, trêu đùa.
Dạy học lớp ghép vốn là chuyện thường ngày ở điểm trường lẻ. Bởi sĩ số học sinh mỗi độ tuổi trong bản quá ít, không đủ tách lớp đơn, nên phải ghép nhiều trình độ cho một giáo viên phụ trách. Theo thầy Thắng, thuận lợi nhất là ghép lớp 2 – 3 vì khối lượng kiến thức con đơn giản, hoặc 3 – 4, 3 – 5 để giảm bớt gánh nặng cho người dạy.
Tuy nhiên, năm nay, do số lượng học sinh lớp 3 nhiều, nên nhà trường phải ghép lớp 4 – 5. Đây là 2 khối có lượng kiến thức nặng của chương trình tiểu học. Đặc biệt, lớp 5 cần phải đạt chuẩn kiến thức kỹ năng để bàn giao chất lượng cho cấp THCS.
“Vì vậy, mỗi tiết dạy với giáo viên đều rất căng. Tôi cũng không thể nào dùng giáo án thông thường để dạy các em mà linh hoạt theo khả năng tiếp thu của các em. Ngoài buổi sáng học kiến thức cơ bản, buổi chiều tôi sẽ dạy tăng tiết để củng cố và phụ đạo để học sinh theo kịp tiến độ chương trình”, thầy Thắng nói.
Video đang HOT
Cô Lương Thị Hoa chủ nhiệm lớp 1 của điểm Chà Lò với 14 học sinh. Cô là người bản địa, nhưng ở bản Huồi Tố, cách điểm trường Chà Lò gần 10 km. Sáng nào, cô cũng dậy sớm, chạy xe máy vượt dốc vào trường, không quên mang theo “quà” cho học sinh. Lúc thì cái bút chì, lúc thì cục tẩy, cái kẹo… Cô tâm sự: “Trẻ ở đây thương lắm, đi học chẳng có chi ngoài bộ quần áo cũ. Bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà đã già, không thạo tiếng Kinh. Có cháu thì mồ côi”.
Cũng chính vì khó khăn như vậy, nên năm học này, triển khai chương trình SGK lớp 1 mới, cô Hoa rất lo lắng: “Tôi cũng được đi tập huấn do sở, phòng GD&ĐT tổ chức. Nhưng khi về thực hiện ở điểm trường lẻ, không thể lúc nào cũng giống như hướng dẫn của giáo án mẫu. Học sinh đều là người dân tộc thiểu số, hầu như chưa có vốn tiếng Việt”.
Để dạy học cho những đứa trẻ mới tập đến trường phổ thông, cô phải nói tam ngữ: Tiếng Kinh, Thái và Khơ mú để giao tiếp với trò. Đồng thời vận dụng cả kỹ thuật của dạy tiếng Việt chương trình cũ lẫn mới. Có lần, con ốm nằm viện cả tuần ở thị trấn cách bản hơn 120 km, cô đành gửi ông bà ngoại chăm sóc. Còn mình lo lắng quay lại trường, “vì các lớp khác thì có nhờ giáo viên khác dạy hộ, riêng lớp 1 thì không ai thay được”, cô Lương Thị Hoa nói.
Nghĩ cách bù giáo viên cho trò
Cô Lương Thị Hoa và học sinh lớp 1 tại điểm trường Chà Lò.
Đến giờ, Mai Sơn là một trong những nơi xa xôi, khó khăn nhất huyện Tương Dương, Nghệ An. Trước kia, để vào được xã biên giới này, từ thị trấn Hòa Bình ngồi thuyền vượt sông Nậm Nơn gần 1 ngày. Từ khi có thủy điện bản Vẽ, thời gian rút ngắn hơn, nhưng cũng mất nửa ngày đi thuyền.
Còn nếu đi đường bộ dọc biên giới Tây Nghệ, thì từ Tương Dương phải ngược lên huyện Kỳ Sơn với quãng đường hơn 160 km mới vào tới trung tâm xã. Tiểu học Mai Sơn hiện còn 4 điểm lẻ ở Piêng Cọc, Phá Kháo, Huồi Xá và Chà Lò. Mặc dù được ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho vùng khó khăn, nhưng với số điểm lẻ nhiều, khoảng cách xa xôi, số giáo viên chưa bao giờ đủ với lượng công việc khi cắm bản dạy học.
Để nâng cao hiệu quả dạy học, trường xin phép Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương được hợp đồng giáo viên để hỗ trợ phụ trách các lớp ghép. Đối với điểm Chà Lò, có 1 lớp ghép 4 – 5, bắt đầu từ tháng 11 nhà trường quyết định tách riêng.
Thầy Nguyễn Duy Thắng tiếp tục phụ trách lớp 5, còn 9 học sinh lớp 4 được giao cho cô Già Y Dở. “Cô Dở là người Mông, nhưng nói tiếng Kinh rất chuẩn, vừa tốt nghiệp sư phạm. Qua kiểm tra, năng lực chuyên môn tốt nên chúng tôi quyết định hợp đồng làm việc. Tiền lương cho cô được trích từ nguồn kinh phí lớp ghép theo quy định”, thầy Đào Xuân Hải cho biết.
Tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An), bản Hạ Sơn được sáp nhập từ 3 cụm dân cư Piếng Mòn, bản Cọc và bản Đài. Cũng từ khi có bản mới, học sinh được dồn về một địa điểm để thuận tiện trong việc tổ chức dạy học. Dù vậy, cả 5 khối tiểu học tại Hạ Sơn cũng chỉ gần 40 em. Điểm trường lẻ này có 2 lớp ghép 2 – 3 và 4 – 5. Tuy nhiên, ở đây vẫn có 5 phòng học độc lập nhau.
Cô Sầm Thị Lâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Nọc cho hay: Từ 2 năm nay, chúng tôi hợp đồng 2 giáo viên trẻ và bố trí cho điểm bản Hạ Sơn. Cả 2 thầy cô này đều được đào tạo bài bản, tốt nghiệp sư phạm chính quy. Khi tách lớp, giáo viên có thời gian để tập trung chuyên môn, quan tâm đến từng học sinh. Từ đó, để nâng cao chất lượng giáo dục. Kinh phí cho giáo viên hợp đồng được trích từ nguồn lương chi trả cho lớp ghép.
Khối lớp 4 của cô Vi Thị Thúy Hằng có 12 em. Đây là năm thứ 3 cô giáo trẻ sinh năm 1996 gắn bó với điểm trường lẻ này với vai trò là dạy hợp đồng. Dù không được hưởng những chế độ, quyền lợi như giáo viên chính thức, nhưng Hằng vẫn nhiệt tình, tâm huyết với công việc của mình. Hằng tâm sự: “Với tôi, được đi dạy, làm đúng nghề mà mình yêu thích đã là hạnh phúc rồi.
Là giáo viên trẻ, ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo, tôi cũng được các thầy cô trong trường chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong thực tế dạy học. Ở đây, học sinh rất ngoan, nghe lời cô giáo, dù tiếp thu khá chậm. Thay vào đó, tôi sẽ tăng cường luyện tập để các em đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng”.
Còn thầy Lữ Thành Nhân (SN 1991) lại có một chặng đường khá dài trước khi đến với nghề giáo. Nhân tốt nghiệp Trung cấp Y khoa Vinh, học liên thông lên Cao đẳng, rồi về làm không lương cho một trạm y tế tại Quế Phong. Sau 3 năm vẫn không có cơ hội được tuyển dụng, lúc này, nhớ đến ước mơ theo nghề giáo như mẹ, Nhân quyết định thi và học sư phạm.
Từ thầy thuốc chuyển thành thầy giáo, Nhân hiện đang dạy hợp đồng với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. “Dù đến với nghề giáo muộn, nhưng tôi thấy yêu thích công việc hiện tại. Trong thời gian chờ đợi có cơ hội được tuyển dụng chính thức, tôi mong muốn đem hết kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình để dạy học sinh tốt nhất”, thầy giáo trẻ nói.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Nọc, thực tế có những giáo viên muốn dạy lớp ghép để được nhận 2 lương. Nhưng với khối lượng công việc gấp đôi như vậy, chỉ có thể đảm bảo dạy học cơ bản.
“Việc tuyển hợp đồng, thì mỗi bên thu nhập sẽ thấp hơn một chút, nhưng đổi lại học sinh sẽ được rất nhiều. Qua hai năm triển khai, chất lượng dạy học ở Hạ Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc này cũng tạo cơ hội cho những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, có năng lực, nhiệt huyết được cống hiến và học hỏi kinh nghiệm”, cô Sầm Thị Lâm chia sẻ.
Hòa Bình: Xây dựng trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch
Tính đến tháng 11/2020, Hòa Bình có 284 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt 54,1%. Trong đó khối tiểu học có 31 trường đạt chuẩn, chiếm 88,57%.
Ảnh minh họa
Trao đổi về kinh nghiệm trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của trường chuẩn quốc gia.
Trong đó, lưu ý nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở tiểu học.
Cần làm cho phụ huynh, đặc biệt nhân dân các dân tộc hiểu được sự cần thiết của xây dựng trường chuẩn quốc gia; tuyên truyền, vận động để phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện cho con em đến trường, cùng tham gia xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường, động viên giáo viên, học sinh dạy và học tốt.
Bên cạnh đó, cần đầu tư, tập trung bồi dưỡng chuyên môn giáo viên các trường, hàng năm quan tâm, chú trọng tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp cho trường chuẩn quốc gia, để chất lượng đội ngũ đảm bảo các tiêu chí và duy trì bền vững.
Trong những năm qua, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở địa phương, phụ huynh học sinh quan tâm chăm lo, không để CSVC xuống cấp. Tích cực phối hợp với địa phương thực hiện đúng tiến độ, lộ trình xây dựng trường chuẩn.
Thiết bị dạy học được trang bị thêm, đầy đủ, phong phú theo hướng hiện đại để các trường học có thể tổ chức tốt hơn hoạt động dạy học, hoạt động ngoài giờ. Tăng cường đầu tư, CSVC, thiết bị cho trường tiểu học đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia.
CSVC, thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư, cụ thể như: đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, bếp bán trú..., đồng thời, tổ chức quản lý, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đảm bảo đủ tỷ lệ 1 phòng học/lớp để bố trí dạy học 2 buổi/ngày; đủ nhà vệ sinh cho học sinh, nhất là những điểm trường lẻ.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Có thể khẳng định, qua thực hiện phong trào, CSVC trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự đổi thay toàn diện, từ diện mạo bên ngoài đến chất lượng bên trong và các công trình, thiết bị.
CSVC ngày càng hoàn thiện đã tác động tích cực đến quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả giáo dục của các nhà trường. Góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp GD&ĐT. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, mà đã được cả hệ thống chính trị và Nhân dân các địa phương quan tâm thực hiện, ủng hộ.
Nhiều xã, phường, thị trấn đã tăng "quỹ đất" cho các nhà trường để mở rộng khuôn viên, đáp ứng yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức cao về nhiệm vụ và trách nhiệm; nhiệt tình, tâm huyết, không quản khó khăn để huy động, duy trì số lượng học sinh và thực hiện tốt các hoạt động giáo dục.
Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được đẩy mạnh. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các nguồn lực huy động hỗ trợ cho giáo dục được sử dụng có hiệu quả.
Các trường đạt chuẩn quốc gia đã khẳng định được chất lượng giáo dục, tạo được uy tín và niềm tin đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các bậc phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội.
"Góp gạo, thổi cơm chung" nuôi học trò vùng nghèo khó Để góp phần duy trì sĩ số học sinh đến lớp đều đặn, thầy cô giáo trường tiểu học Đắk Hà ở xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã nghĩ ra ý tưởng "góp tiền" nấu ăn trưa cho 82 học sinh tại điểm trường lẻ. Nhờ vậy các em được ăn ngon và có sức để học con chữ......