Những nghề không cần học đại học vẫn “đắt hàng”
Hiện nay nhiều gia đình đã thoát khỏi định kiến: con em mình phải vào đại học và có bằng đại học cho bằng bạn, bằng bè, bằng “con nhà người ta”. Các bậc phụ huynh hướng con em học những gì doanh nghiệp muốn, có tính thực tiễn cao để áp dụng trong công việc.
Các em được khuyến khích rẽ hướng theo nhiều con đường mới, rút ngắn khoảng cách 4 năm đại học xuống còn 1-2 năm với các trường học nghề đặc thù. Dưới đây là 4 nghề không cần bằng đại học vẫn “đắt hàng” cùng mức lương khủng và cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Lập trình viên không mới tại Việt Nam, và đang trong thời kỳ nở rộ, bởi nhu cầu nhân lực chất lượng, có trải nghiệm thực tế đang gia tăng từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới năm 2020, Việt Nam thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự IT. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các bạn trẻ biết nắm bắt xu thế và đón đầu tương lai.
Sinh viên Aptech tham quan và trải nghiệm tại công ty Terralogic
Nếu bạn yêu thích những con số, bạn tò mò ngôn ngữ Java SE, C#, PHP – Big Data, công nghệ .NET,… hay đơn giản là bạn có hứng thú với mảng công nghệ thông tin thì lập trình viên chắc chắn sẽ là con đường tốt nhất để bạn hiện thực hóa đam mê với mức lương khủng. Thống kê cho thấy lập trình viên mới ra trường có mức lương từ 11,2 triệu đồng, vị trí quản lý có mức lương tới 45 triệu đồng và gần 70 triệu đồng cho vị trí từ giám đốc trở lên (Vietnamworks).
Chương trình đào tạo lập trình quốc tế gói gọn 2 năm với kiến thức chuyên ngành và số giờ thực hành dự án chiếm tới 50% tổng thời lượng, cùng bằng cấp quốc tế, là lợi thế mà các lập trình viên luôn được nhà tuyển dụng săn đón.Nhiều cơ sở đã liên kết để đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Bạn có thể tham khảo chương trình học Lập trình viên ở các đơn vị có bề dày kinh nghiệm như Microsoft (học online), Aptech Việt Nam,…..
Mỹ Thuật Đa Phương Tiện
Chưa bao giờ ngành thiết kế ở Việt Nam lại bùng nổ đến vậy, đặc biệt là Thiết kế Mỹ Thuật Đa Phương Tiện (MTĐPT) – Multimedia. Đây là ngành giao thoa giữa công nghệ và mỹ thuật, tạo ra những sản phẩm mang tính tương tác cao, phục vụ ngành công nghiệp truyền thông và giải trí.
Không chỉ đào tạo chuyên sâu về thiết kế đồ họa 2D, Multimedia cung cấp cho sinh viên những kiến thức trực quan của mảng 3D (animation, game), thiết kế website, làm phim kỹ thuật số… giúp sinh viên thành thục kỹ năng phần mềm, có tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ cái đẹp và thích ứng nhanh với công việc. Học ngành “thời thượng này”, sinh viên mới ra trường đều có mức lương nằm trong top, dao động từ 8 triệu – 12 triệu đồng, và tăng dần theo cấp bậc.
Giờ học thực hành của sinh viên Arena Multimedia
Multimedia là cánh cửa mới cho các bạn trẻ Việt Nam trên con đường trở thành công dân toàn cầu từ các cơ hội cộng tác với doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào các dự án tầm cỡ quốc tế như đơn cử như xây dựng kỹ xảo phim Black Panther, Deepwater Horizon, hoạt hình Star War Rebel; Games Animator,….
Bạn có thể học MTĐPT tại Arena Multimedia, khởi nguồn từ Ấn Độ,với 15 trung tâm, 14 năm kinh nghiệm tại Việt Nam, đã đào tạo 400,000 học viên toàn cầu. Arena Multimedia liên kết trực tiếp và là nguồn cung nhân sự chất lượng cho các doanh nghiệp hàng năm.
Video đang HOT
Ngành Quản Trị Nhà Hàng Khách Sạn
Theo công bố chính thức của World Travel & Tourism Council, năm 2003, nhóm ngành du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn (QTNHKS) đã tạo nên 198 triệu việc làm toàn cầu. Lên đến năm 2015, con số này tăng lên 264 triệu và dự báo tới năm 2025 sẽ đạt 340 triệu.
Đây là 1 trong những nhóm ngành có tốc độ tăng tưởng nhanh nhất và thuộc hàng đầu 11 lĩnh vực cần đa dạng lao động nhất toàn thế giới. Viện nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam cho biết, từ đây đến năm 2022, ngành này sẽ cần đến 4 triệu lao động với hơn 1,6 triệu việc làm trực tiếp, mở ra thị trường việc làm sôi động và tiềm năng.
Sinh viên ngành QTNHKS trong giờ thực hành kĩ năng phục vụ bàn tiệc
Để thành công trong ngành này, bạn cần là một người cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc, có khả năng giao tiếp xuất sắc và kiến thức chuyên môn vững vàng để dễ dàng xử lý tình huống. Ngoài ra khả năng chịu được áp lực cũng là điều mỗi bạn trẻ cần chuẩn bị khi phải giao tiếp với hàng trăm khách mỗi ngày, châp nhân go minh theo khuôn khô và quy đinh khăt khe nơi lam viêc.
Hiện nay, các bạn trẻ có thể học những chương trình học ngắn hạn về QTNHKS ở các trường nghề uy tín, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm như: Hướng nghiệp Á – Âu, Cao đẳng B-TEC…
Ngành Phi Công
Ngành phi công được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nếu các bạn trẻ biết xác định lộ trình và đi đúng hướng ngay từ ban đầu. Tổ chức Hàng không Dân Dụng Quốc tế (ICAO) thống kê, từ nay đến 2036, ngành Hàng không cần tuyển 600.000 phi công để khai thác máy bay thương mại với 100 chỗ ngồi trở lên lưu thông toàn thế giới.
Mơ ước bay trên bầu trời có sức hút khó cưỡng với các bạn trẻ khi tổng CTCP HKVN (Vietnam Airlines) cho biết mức lương trung bình ngành này vô cùng hấp dẫn, lên tới 115,3 triệu đồng/tháng và 1,28 tỷ/năm.
Ngồi trong buồng lái, tự tay điều khiển máy bay trên bầu trời là mơ ước của nhiều bạn trẻ
Theo đó các ứng viên cần tham gia học để đạt được Chứng chỉ bay dân sự Private Pilot: Thời gian bay tối thiểu FAA và giấy Chứng nhận sức khỏe hạng nhất để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe theo yêu cầu công việc, trước khi đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc vào ngành này.
Ở Việt Nam, các bạn trẻ có thể theo học ngành phi công tại Trường Phi công Bay Việt hoặc tham gia học tại các đợt tuyển của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air…
Không cần học đại học, đây là top 4 ngành nghề đang nóng lên từng ngày bởi cơn khát nhân sự chất lượng. Hãy nhớ rằng, điều quan trọng không phải bạn học trường gì, có được bằng cấp gì, mà là bạn sẽ làm được những việc gì? Được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, học đi đôi với hành, luôn trau dồi kiến thức, nâng cao kĩ năng, chắc chắn bạn sẽ lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng và nhanh chóng gặt hái thành công trong sự nghiệp.
Theo Dân trí
Tuyển sinh đại học ở Đức và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam
Công tác chấm thi tốt nghiệp phổ thông cần được tổ chức khách quan, không nên để địa phương tự chấm thi mà có thể phân cho các đại học chấm thi kết quả này.
Theo dõi thông tin về hiện tượng "điểm thi bất thường" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, độc giả Diệp Phương Chi, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Đức đã gửi tới VietNamNet bài viết từ tuyển sinh đại học ở Đức, soi về thi tốt nghiệp ở Việt Nam. Dưới đây là góc nhìn của tác giả.
Đại học Đức tuyển sinh như thế nào?
Hình thức thi đầu vào: Thường áp dụng với các ngành nghệ thuật và năng khiếu (ví dụ như vào các học viện về mỹ thuật, các ngành sân khấu điện ảnh v.v...). Ở kì thi này, thí sinh phải chứng minh năng khiếu của mình trước một hội đồng chuyên gia.
Ngoài ra ở một số chuyên ngành khác cũng có thể có hình thức thi đầu vào, tùy vào trường đại học tiếp nhận có quyền quyết định nội dung và hình thức, nhưng nhìn chung nội dung chỉ nhẹ nhàng, người đăng kí có thể làm dưới dạng bài TestOnline để kiểm tra kiến thức chung hoặc một số kĩ năng cần thiết (ví dụ như để đánh giá xem người đăng kí có khả năng viết luận tốt như thế nào hoặc đánh giá về biểu đồ tốt như thế nào v.v...). Ở ngành Y Dược, người đăng kí có thể tham gia vào kì thi đầu vào để lấy điểm cộng, kì thi này không bắt buộc, nhưng nếu như tham gia thi và đạt điểm cao thì điều này có thể bù đắp cho điểm số thi tốt nghiệp phổ thông chưa được cao lắm của người đăng kí.
Hình thức phỏng vấn để chọn lựa: đây không phải là thi vấn đáp mà là một cuộc phỏng vấn từ trung tâm khảo thí của phía trường đại học để tìm hiểu và đánh giá về động lực và sự phù hợp cá nhân của người đăng kí đối với ngành dự tuyển. Người phỏng vấn phải được đào tạo và buổi phỏng vấn phải tổ chức chuyên nghiệp theo một quy trình nhất định mà theo đó, người phỏng vấn sẽ ghi nhận lại các câu trả lời, cách phản ứng và khả năng giải quyết các nhiệm vụ nhỏ của ứng viên. Hình thức phỏng vấn để chọn lựa và hình thức thi đầu vào Online như đã nói phía trên ngày càng phổ biến, nhất là tại các đại học tư.
Hình thức đăng kí tại doanh nghiệp/ công ty: Tại Đức có hệ thống đào tạo kép với sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh chương trình đào tạo nghề theo hệ thống kép thì cũng có dạng đào tạo kết hợp cả đào tạo nghề và đào tạo bậc đại học theo hệ thống kép. Có khoảng 910 chương trình cấp bằng kép (bằng đại học lẫn bằng nghề) được phối hợp giữa doanh nghiệp/ công ty với các học viện hàn lâm, các đại học ứng dụng và các đại học hàn lâm. Người học không đăng kí trực tiếp tại đại học mà đăng kí tại doanh nghiệp với hồ sơ gồm bài luận, các bằng cấp, học bạ và lí lịch. Doanh nghiệp sẽ tổ chức phỏng vấn để chọn lựa. Việc phỏng vấn chọn lựa này diễn ra khoảng một năm trước khi việc đào tạo bắt đầu.
Hồ sơ sản phẩm nghệ thuật (Mappe): Với một số ngành nghệ thuật và thiết kế, để tuyển đầu vào, trường đại học hoặc học viện nghệ thuật sẽ xem xét hồ sơ sản phẩm của ứng viên gửi đến (ví dụ như ảnh, bản vẽ, phim tự tạo v.v...). Việc xét hồ sơ sản phẩm để lựa chọn học viên này thường có độ cạnh tranh rất cao vì các xuất học tại các học viện nghệ thuật khá ít.
Bài luận về động lực học tập: Một số chuyên ngành đại học muốn ứng viên trình bày động lực của mình khi tham gia đăng kí vào chuyên ngành. Bài luận này sẽ được kiểm soát kĩ để loại trừ khả năng người viết copy từ những mẫu có sẵn. Các vấn đề về kinh nghiệm nghề nghiệp (làm thêm trong kì nghỉ), thực tập, các mối quan tâm và sở thích cá nhân liên quan đến chuyên ngành sẽ nâng cao cơ hội cho người dự tuyển.
Xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông: Đa số các trường đại học tại Đức xét nhận sinh viên đầu vào từ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông. Mỗi trường sẽ đưa các ứng viên vào một danh sách xếp hạng theo điểm tốt nghiệp phổ thông của họ. Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số lượng người đăng kí của mỗi năm học mà nhà trường sẽ đưa ra một điểm chuẩn đầu vào. Ứng viên có điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông từ điểm chuẩn này trở lên thì được nhận vào, còn thấp hơn thì bị loại. Những ứng viên bị loại có thể nhanh chóng đăng kí vào một đại học khác để tìm cơ hội khác, vì điểm chuẩn cho cùng một chuyên ngành của các đại học khác nhau là khác nhau.
Ngoài ra, tuỳ chuyên ngành mà các trường đại học lại có những đòi hỏi bổ sung bên cạnh việc xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông. Ví dụ: Ngành Sư phạm nghề (tốt nghiệp ra làm giáo viên dạy nghề), bên cạnh xét điểm tốt nghiệp phổ thông thì còn đòi hỏi ở người dự tuyển kinh nghiệm một năm làm việc hoặc thực tập trong chuyên ngành đó (cũng có trường cho nợ tiêu chuẩn này, người học có thể tích lũy và đáp ứng từ từ trong quá trình học).
Trên đây vừa trình bày một số các hình thức tuyển sinh đầu vào của các đại học tại Đức.
Việt Nam: Trường đại học sẽ chấm thi THPT quốc gia?
Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng cho phép các trường đại học tự quyết hình thức tuyển sinh của mình dựa trên sự kết hợp xét cùng lúc các cơ sở:
(1) Điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông;
(2) Học bạ;
3) Kì thi đầu vào/ phỏng vấn đầu vào/ viết luận đầu vào hoặc thi năng khiếu đầu vào do trường đại học tự tổ chức dựa trên đặc thù của trường và yêu cầu cụ thể của trường (Lưu ý cơ sở thứ ba này chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết tuỳ theo yêu cầu của nhà trường nhằm tránh lãng phí và cồng kềnh trong thi cử).
Tỉ lệ phần trăm giữa các cơ sở này do trường tự quyết định.
Ví dụ: có trường có thể lựa chọn tỉ lệ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chiếm 50%, xét học bạ chiếm 30% và thi đầu vào/ viết luận/ phỏng vấn tại trường chiếm 20%; ngược lại, cũng có trường có thể lựa chọn tỉ lệ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chiếm 20%, xét học bạ chiếm 10%, thi năng khiếu đầu vào chiếm 70%; hoặc trường hợp có đại học không tổ chức thi đầu vào/ phỏng vấn đầu mà chỉ xét điểm tốt nghiệp và học bạ, tỉ lệ có thể do trường tự quyết định.
Giả sử không còn kì thi tốt nghiệp phổ thông, thì các đại học có thể xét tuyển đầu vào bằng cách xét học bạ phổ thông kết hợp kì thi đầu vào/ phỏng vấn/ thi năng khiếu khi cần thiết.
Tại nước ta, trong bối cảnh hiện nay vẫn duy trì kì thi tốt nghiệp phổ thông thì trong mọi trường hợp, điểm thi tốt nghiệp phổ thông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xét tuyển đầu vào của các trường đại học.
Do đó, việc đảm bảo chất lượng tổ chức kì thi tốt nghiệp và chấm thi tốt nghiệp tại các địa phương là rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng các đại học phải nhận sinh viên với kết quả thi tốt nghiệp phổ thông "ảo" (như trường hợp phù phép điểm thi ở Hà Giang vừa qua) gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu vào.
Do đó, cần nâng cao công tác thanh tra bảo vệ tại kì thi tốt nghiệp tại các địa phương, tăng cường thanh tra chéo (từ phía Bộ và các trường đại học xuống thanh tra trong kì thi), đồng thời công tác chấm thi tốt nghiệp phổ thông cần được tổ chức khách quan, không nên để địa phương tự chấm thi mà có thể phân cho các đại học chấm thi kết quả này.
Các đại học là những đơn vị sẽ dùng kết quả thi này mà xét tuyển sinh viên vào trường, do đó, việc các đại học chấm thi kết quả tốt nghiệp phổ thông cũng là một phương án khả thi.
Ngoài ra, việc thành lập các trung tâm khảo thí để chấm kết quả thi tốt nghiệp cũng là một giải pháp, tuy nhiên giải pháp này gây tốn kém chi phí hơn giải pháp đã nêu.
Diệp Phương Chi (Giảng viên ĐH Sư phạm kĩ thuật Tp.HCM, nghiên cứu sinh ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, ĐH Kĩ thuật Dresden, CHLB Đức)
Theo vietnamnet.vn
Multimedia - ngành học rộng cửa sáng tạo, thu nhập khủng Nếu có ngành nghề nào vừa khốc liệt nhưng cũng vừa mộng mơ thì đó chính là Multimedia - Mỹ Thuật Đa Phương Tiện (MTĐPT). Ở đó có sự đào thải khốc liệt, có những bộ não ngày đêm sáng tạo ý tưởng, có những người sẵn sàng thử nghiệm cái mới để là người tiên phong. Nhưng trên tất cả, động lực...