Những kịch bản tiếp theo cho cuộc xung đột Nga – Ukraine
Dưới đây là những điều chỉnh, dự báo về 4 kịch bản tiếp theo của các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương về cuộc xung đột ở Ukraine.
Các lực lượng Ukraine tập trận gần Kiev ngày 13/7. Ảnh: EPA
Vào đầu tháng 3, ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ- gồm Barry Pavel, Peter Engelke và Jeffrey Cimmino) đã dự báo bốn kịch bản về diễn biến của cuộc xung đột. Vào thời điểm đó, họ lưu ý rằng một số yếu tố cho thấy diễn biến đang có lợi cho phương Tây, như sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine, quyết tâm chiến đấu của Kiev và tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương mới được phục hồi. Kể từ đó, các cuộc tấn công ban đầu của Nga đã chậm lại, các đồng minh và đối tác xuyên Đại Tây Dương trở nên táo bạo hơn trong các hành động của họ, và NATO sẵn sàng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.
Đến nay, các chuyên gia nhận thấy cần phải đánh giá lại dự báo của mình với những giả định và kịch bản cần được điều chỉnh cho phù hợp với các sự kiện thực tế. Nếu các kịch bản được xây dựng dựa trên các giả định sai lầm, hoặc nếu chúng được hiệu chỉnh không sát với các sự kiện trên thực tế, chúng sẽ không hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách đề ra các chiến lược rõ ràng. Dưới đây là những điều chỉnh, dự báo về 4 kịch bản tiếp theo về cuộc xung đột ở Ukraine:
Kịch bản thứ nhất: Ukraine giành ưu thế trên chiến trường
Kịch bản này được dự báo là ít có khả năng xảy ra vào đầu tháng 3, nhưng cuộc kháng cự mạnh mẽ bất ngờ của Ukraine buộc Nga phải rút lui ở một số khu vực.
Cập nhật trong tháng 7: Được tăng cường bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc cung cấp các thiết bị quân sự ngày càng hiện đại, Ukraine đang làm chậm bước tiến của Nga ở phía Đông. Với trang thiết bị tốt hơn, tinh thần binh lính cao hơn, khả năng lãnh đạo và chiến thuật phù hợp, Ukraine đã tiến hành phản công như ở xung quanh Kharkiv hay như ở Mariupol và các vùng lãnh thổ khác dọc theo Biển Azov ở phía Nam, đẩy các lực lương Nga khỏi một số khu vực ở Donetsk và Luhansk.
Những tiến bộ của Ukraine đã vấp phải những lời cảnh báo leo thang ngày càng gay gắt từ Điện Kremlin. Cả cơ quan tình báo phương Tây và Ukraine lần này đều lo ngại về mối đe dọa hạt nhân hơn vì họ cho rằng việc tấn công Crimea có thể là “lằn ranh đỏ” thực sự đối với Moskva.
Tuy nhiên, đây là thời điểm mà Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Theo đó, Ukraine đồng ý đứng ngoài NATO, trong khi Nga đồng ý tôn trọng các biên giới trước năm 2014 của nước này (trừ Crimea) và tư cách thành viên EU của Kiev.
Trong kịch bản này, Nga vẫn là quốc gia có ảnh hưởng vì sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng các lực lượng thông thường của họ đã bị tổn thất. NATO được mở rộng với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển. Nhìn chung, tình hình an ninh châu Âu tốt hơn cho NATO, với việc Nga đã phần nào suy yếu và không thể tiếp tục các cuộc phiêu lưu quân sự khác trong khi các thành viên NATO đoàn kết hơn.
Kịch bản thứ hai: Sa lầy
Trong kịch bản này, các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương dự báo khả năng – có thể xảy ra vào đầu tháng 3 – về việc Nga tìm cách kiểm soát Kiev. Tuy nhiên, họ cũng dự báo một “chiến thắng với cái giá đắt” của Nga, vì người Ukraine đã xây dựng một “lực lượng nổi dậy trên diện rộng, được trang bị tốt và được phối hợp tốt”. Mặc dù kịch bản này không diễn ra như dự báo, nhưng một số yếu tố của nó cho thấy rằng xung đột cường độ thấp ở Ukraine sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới.
Cuộc xung đột đang gây tổn thất nặng nề cho cả Nga và Ukraine. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Cập nhật trong tháng 7: Mặc dù Nga không hiện thực hóa mục tiêu chiến tranh tối đa ban đầu của mình, nhưng nước này vẫn củng cố các chiến tuyến mới ở miền Đông và miền Nam Ukraine: kiểm soát một cây cầu trên bộ tới Crimea ở phía Nam và bảo vệ các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở phía Đông. Trong khi các lực lượng Ukraine kiểm soát hoàn toàn Kiev, họ không thể đẩy các lực lượng Nga về vị trí như trước ngày 24/2. Cuộc giao tranh dần lắng xuống thành một “cuộc xung đột gần như đóng băng”, không bên nào có thể giành được chiến thắng.
Trong kịch bản này, cuộc xung đột trở thành một thách thức kéo dài nhiều năm đối với châu Âu do những khó khăn kinh tế liên quan đến các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt. Viễn cảnh về một cuộc xung đột châu Âu mới gia tăng hoặc rộng hơn vẫn còn tồn tại ở châu lục này, trong khi các chính phủ phải vật lộn với áp lực trong nước về mức độ hỗ trợ Ukraine. Nga có thể tìm cách gây áp lực với Kiev và các thành phố ở miền Tây Ukraine bằng các cuộc tấn công tên lửa tầm xa, trong khi giao tranh nổ ra thường xuyên dọc chiến tuyến.
Một Ukraine ngày càng được trang bị vũ khí tốt có thể ngăn cản các cuộc tấn công trên bộ của Nga, nhưng nhìn chung, họ không thể chiếm lại các vùng lãnh thổ ly khai, các vị trí cố thủ của Nga, đặc biệt là ở Crimea. Mặc dù được củng cố bởi mối quan hệ sâu sắc với EU, nền kinh tế Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc Nga liên tục siết chặt phong tỏa các cảng trên Biển Đen.
Ở trong nước, Moskva có thể khẳng định một chiến thắng nào đó, khi đã giành được quyền lợi lãnh thổ ở miền Đông và Đông Nam Ukraine và củng cố vững chắc sự kiểm soát ở Crimea. Nhìn chung, vị thế của Nga ở Ukraine là ổn định, mặc dù nước này sẽ phải sử dụng các nguồn lực đáng kể để đảm bảo lợi ích của mình. Tuy nhiên, Moskva tiếp tục phải đối mặt với sức ép kinh tế và ngoại giao nghiêm trọng từ nước ngoài, đặc biệt là khi châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn được áp dụng.
Kịch bản thứ ba: Một bức màn sắt mới
Trong kịch bản này, các chuyên gia dự báo khả năng – được coi là hợp lý vào đầu tháng 3 – cuộc xung đột mở ra tiền tuyến của Bức màn sắt mới chia cắt Nga với phương Tây.
Cập nhật trong tháng 7: Mặc dù Nga không kiểm soát được toàn bộ Ukraine, nhưng ít nhất nước này đã củng cố lợi ích ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Khu vực biên giới với các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam Ukraine tiếp tục bùng phát thành xung đột công khai, mặc dù việc giành được quyền kiểm soát lãnh thổ lâu dài là khó khăn đối với cả Moskva và Kiev.
Bức màn sắt mới sẽ mở rộng ra ngoài biên giới của cuộc xung đột đóng băng bên trong Ukraine: Giống như Bức màn sắt cũ, nó chạy từ Bắc xuống Nam trên khắp châu Âu, nhưng bắt đầu ở cực Bắc của Phần Lan và chạy về phía Nam dọc theo các quốc gia Baltic và biên giới của Ba Lan với Nga và Belarus, sau đó hướng theo biên giới phía Bắc của Ukraine với Belarus và đi xuống lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Trong kịch bản này, với căng thẳng tăng cao, hầu hết các nước Đông Âu đều tăng gấp đôi đầu tư cho quốc phòng. Bị cô lập ở châu Âu, Nga sẽ tìm cách củng cố một số quan hệ đối tác còn lại của mình khi nước này chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài với NATO.
Châu Âu sẽ ở trong một tình huống giống như thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh: hai khối đối kháng cảnh giác lẫn nhau qua một đường ranh giới quân sự kéo dài. Mặc dù sự chia rẽ về ý thức hệ không giống như trong Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn có mâu thuẫn cơ bản về thế giới quan, với một liên minh dân chủ phương Tây đối đầu với Nga. Hoàn cảnh hiện tại nguy hiểm hơn so với thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh do đang có một cuộc chiến tranh nóng trực tiếp trên lãnh thổ giữa hai khối lực lượng vũ trang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kịch bản thứ tư: Chiến tranh NATO-Nga
Trong kịch bản này, các chuyên gia dự báo khó xảy ra vào đầu tháng 3 về một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Họ đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến một cuộc xung đột như vậy: do sự can thiệp của NATO hoặc từ các cuộc tấn công của Nga (vô tình hoặc cố ý) vào các quốc gia thành viên NATO.
NATO đã tăng cường triển khai lực lượng ở sườn phía Đông kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Ảnh: BBC
Cập nhật trong tháng 7: Một kịch bản xung đột trực tiếp vẫn có thể xảy ra. Những nguyên nhân trên vẫn hợp lý, với một số điều chỉnh: Hiện tại, các chuyên gia cho rằng sự can thiệp trực tiếp của NATO vào Ukraine có xác suất thấp hơn so với 4 tháng trước, dựa trên hiệu suất chiến trường của quân đội Ukraine (giờ đây, có rất ít lời kêu gọi của Ukraine về sự can dự trực tiếp của NATO, chẳng hạn như thiết lập khu vực cấm bay do NATO thực thi). Tuy nhiên, như trước đây, điều đó có thể thay đổi. Các chuyên gia lo ngại nhất về sự leo thang, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể khiến NATO can thiệp trực tiếp.
Ngoài ra, Nga vẫn có thể vô tình tấn công lãnh thổ của một thành viên NATO gần biên giới với Ukraine hoặc những nơi khác, có thể là ở Baltic, thông qua sự cố thiết bị hoặc tính toán sai lầm của giới chỉ huy.
Tóm lại, bằng chứng từ 4 tháng giao tranh gần đây cho thấy các lực lượng vũ trang của Ukraine, với sự hỗ trợ đáng kể và ngày càng tăng của phương Tây, rất quyết tâm và có khả năng không chỉ ngăn chặn mà còn phản công trước các lực lượng Nga. Phương Tây cũng đã thực hiện các biện pháp trừng phạt mới, mặc dù EU vẫn không thống nhất về việc loại bỏ dần tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, một cuộc phản công quy mô và thành công của Ukraine dẫn đến việc giải quyết cuộc xung đột có lợi cho Kiev là điều chưa chắc chắn và các kịch bản nêu trên vẫn có thể xảy ra, thậm chí trong một số trường hợp có thể xuất hiện sự đan xen giữa các kịch bản, ví dụ, một sự kết hợp của các kịch bản hai và ba.
Có rất nhiều điều không chắc chắn, như mức độ (và những loại) hỗ trợ quân sự mà phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine; sự ủng hộ phổ biến ở các nước phương Tây liệu có suy giảm vì đã dành nguồn lực đáng kể để hỗ trợ Ukraine; liệu các đồng minh và đối tác phương Tây có đoàn kết với nhau về các vòng trừng phạt bổ sung và cắt đứt nguồn năng lượng của Nga hay không;…
Các cuộc chiến tranh thường hiếm khi diễn ra theo một kịch bản và cuộc xung đột này đã diễn ra với những bước ngoặt không thể đoán trước. Cuộc xung đột này sẽ kết thúc ra sao, trong điều kiện nào và những tác động lâu dài của nó đối với trật tự toàn cầu như thế nào, tất cả sẽ bắt đầu được làm rõ trong những tháng tới.
Kazakhstan đa dạng hóa các tuyến đường năng lượng
Sự gián đoạn trong việc vận chuyển dầu đến Biển Đen thông qua Hiệp hội Đường ống Caspi đã khiến Kazakhstan phải tìm kiếm những lựa chọn đáng tin cậy.
Một cảng xuất khẩu dầu của Kazakhstan. Ảnh: SRB
Zaki Shaikh, nhà phân tích tại Anh và đã từng làm việc với các trường đại học ở các quốc gia Trung Á cho rằng tình hình địa chính trị hiện nay trở nên trầm trọng hơn do xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva đã khiến quốc gia Trung Á giàu năng lượng Kazakhstan phải tìm tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt và dầu của mình đến các thị trường toàn cầu.
Kazakhstan xuất khẩu 80% lượng dầu của mình thông qua Hiệp hội Đường ống Caspi (CPC-vốn qua cảng Novorossiysk quan trọng của Nga ở Biển Đen) và do đó nước này cần phải đa dạng hóa các lựa chọn vận chuyển để trở thành một trung tâm năng lượng và thay thế cho lục địa châu Á.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 4/7 bày tỏ lo ngại về những rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu và cho biết nước này sẵn sàng giúp ổn định tình hình thị trường châu Âu và thế giới. Ông Tokayev cũng kêu gọi EU hợp tác phát triển các hành lang xuyên lục địa thay thế, bao gồm Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR), còn được gọi là Hành lang Trung tâm.
Đây là một mạng lưới đa phương liên kết Trung Quốc và EU thông qua các nền kinh tế Trung Á, Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu.
Do các hoạt động của CPC vận chuyển dầu của Kazakhstan đến các cảng Biển Đen qua lãnh thổ Nga có nguy cơ bị đình chỉ, ông Tokayev đã chỉ đạo Công ty Vận tải và Thương mại Quốc gia Kazakhstan có tên KazMunaiGas tìm ra các phương án tốt nhất để sử dụng TITR nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu của Kazakhstan.
Theo chuyên gia năng lượng Kazakhstan Asylbek Zhakiev, vì hầu hết dầu xuất khẩu của Kazakhstan hiện đi qua một đường ống dẫn đến cảng Novorossiysk của Nga trên Biển Đen, nên cần có một loạt các lựa chọn thay thế có thể mang lại giá trị tối ưu vì xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tăng hơn nữa.
An ninh kinh tế
Nhà kinh tế năng lượng Kazakhstan Almas Chukin cho rằng, trước nguy cơ đối với an ninh kinh tế của Kazakhstan, cần phải xem xét lại hợp đồng với Nga và chuyển hướng ít nhất 10 triệu tấn dầu sang Trung Quốc. Để xuất khẩu dầu Kazakhstan không bị hạn chế, ông Chukin đã đề xuất một số phương án liên quan đến việc bỏ qua Novorossiysk.
"Một lựa chọn là sử dụng đường ống Atasu-Alashankou hướng về phía Trung Quốc. Nó hiện vận chuyển 12 triệu tấn mỗi năm, trong đó 10 triệu tấn dầu là của Nga", ông Chukin nói.
Các nguồn tin tại Bộ Năng lượng Kazakhstan đã chỉ ra rằng một số tuyến đường thay thế khác đang được thực hiện như một phần của việc đa dạng hóa hơn nữa xuất khẩu dầu. Một là tải nguồn cung cấp dầu lên các tàu từ cảng Caspi tại Mangistau và Atyrau sau đó vận chuyển đến cảng Baku (Azerbaijan). Từ Azerbaijan, nguồn cung cấp có thể đi qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) và cũng qua các cảng Batumi (Gruzia) và Neka (Iran).
Ông Chukin lập luận rằng có khả năng sử dụng đường sắt Kazakhstan để vận chuyển dầu trực tiếp đến Trung Quốc thay vì sử dụng các vùng lãnh thổ của Nga. Có thể sắp xếp vận chuyển dầu bằng đường sắt đến các nhà máy lọc dầu ở Uzbekistan và Kyrgyzstan.
Ngoài ra, ông Chukin lưu ý rằng có hai giải pháp toàn diện hơn: "Chúng tôi có ba cảng ở Caspian: Aktau, Kuryk và Shevchenko để cung cấp năng lượng đến Baku. Đường ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động với 50% công suất và do đó có thể có khả năng tăng lên tới 20 triệu tấn. Nhưng cũng cần phải mở rộng dung lượng lưu trữ ở Baku".
Ngoài ra, Kazakhstan cũng có thể tiếp cận Mỹ và tìm kiếm các ngoại lệ để tránh các lệnh trừng phạt đối với việc xây dựng đường ống Kazakhstan-Turkmenistan-Iran đến Vịnh Ba Tư hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ để ra biển.
Trong bối cảnh tìm kiếm thị trường thay thế, nhà kinh tế Kazakhstan Almaz Abildaev cho rằng có khả năng mở rộng nguồn cung vào Trung Quốc và thực hiện một loạt các biện pháp để nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng hậu cần của Kazakhstan cho các nhu cầu trong tương lai. Do đó, chuyên gia này lưu ý sự cần thiết phải mở rộng và cải thiện các mối liên kết với đường ống Alashnkou nằm dọc biên giới với Trung Quốc.
Ông Abildaev nêu rõ: "Nguồn cung dầu mà Trung Quốc không yêu cầu vẫn có thể được vận chuyển tới các bờ biển phía Đông của Trung Quốc tới các kho chứa có thể được thuê hoặc xây dựng chung để vận chuyển tới Việt Nam, Hàn Quốc và các thị trường khác ở châu Á".
Để đa dạng hóa các phương tiện nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu không bị gián đoạn cho các khách hàng của mình, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của Đường sắt Kazakhstan phát triển mạng lưới phát triển vận tải và hậu cần của nước này. Các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu ổn định và thông suốt. Chúng bao gồm việc tìm kiếm các phương án thay thế để đa dạng hóa các lựa chọn vận chuyển.
Ưu tiên hàng đầu sẽ được dành cho việc thúc đẩy TITR và nâng cấp các đường cao tốc nối các trung tâm dân cư và sản xuất lớn ở phía Tây Kazakhstan bao gồm Aktube, Atyrau, Aktubinsk, với các thành phố ở phía Đông như Almaty, Karaganda, Taldy Kurgan và Ust Kamengorsk.
Theo Bekzhan Sadykov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Kazakhstan, các hành lang giao thông được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh trong tương lai và thúc đẩy hoạt động kinh tế cho người dân sống dọc theo các tuyến đường đó.
Chúng sẽ giúp tạo ra việc làm mới và cho phép nông dân, nhà sản xuất và thương nhân tạo thu nhập để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trên hết sẽ vận chuyển các sản phẩm của nước này đến thị trường toàn cầu.
Tổng thống UAE sang thăm, Pháp tranh thủ tìm cách đảm bảo nguồn cung dầu khí Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed Al-Nahyan đã tới Paris và một nội dung quan trọng của chuyến thăm này nhiều khả năng là việc công bố "sự đảm bảo của UAE về lượng dầu khí cung cấp cho Pháp" trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn phức tạp. Ông Mohammed bin Zayed Al Nahyan....