Những hiểu lầm phổ biến về khả năng mang thai
Quan hệ nhiều hơn một lần mỗi ngày tăng khả năng có thai là cách hiểu sai lầm.Một khảo sát mới trên tạp chí Fertulity và Sterility cho thấy rất nhiều phụ nữ nhận thức sai về việc sinh sản.
Thêm vào đó, những kiến thức được học từ thời phổ thông khiến họ có những cách nhìn nhận sai về khả năng có thai. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê những hiểu lầm phổ biến sau:
1. Chu kỳ kinh nguyện không đều không ảnh hưởng đến khả năng có thai
Nếu thời gian hành kinh hàng tháng của bạn không thể dự đoán đúng được, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc có thai nhanh hay chậm.
Nếu bạn chỉ có kinh vài lần trong một năm, chắc chắn sẽ giảm khả năng thụ thai. Người đứng đầu nghiên cứu Lubna Pal, hiện là giáo sư Sản phụ khoa, ĐH Y Yale giải thích, khi chu kỳ của bạn thay đổi không đều, sẽ khó khăn hơn để xác định chính xác thời gian rụng trứng. Do đó ngay cả khi cố tình căn đến “ thời điểm vàng” để giao hợp thì khả năng có thai cũng rất thấp.
2. Quan hệ tình dục nhiều hơn một lần mỗi ngày sẽ tăng khả năng đậu thai
Một nửa số phụ nữ tin rằng quan hệ tình dục nhiều hơn một lần mỗi ngày sẽ tăng khả năng đậu thai. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế không phải vậy.
Nếu cơ thể phụ nữ sản sinh một trứng trong một chu kỳ, thì ở nam giới một lần xuất tinh có hàng triệu tinh trùng, và chỉ cần một tinh trùng làm việc hiệu quả là có thể thụ thai. Hơn nữa, mỗi lần xuất tinh, số lượng tinh trùng giảm. Do đó việc cố gắng quan hệ tình dục nhiều lần trong một ngày cũng không làm tăng khả năng tinh trùng tìm đến đúng vị trí của trứng. Thay vào đó các chuyên gia sản khoa khuyên vợ chồng muốn có con nên tập trung nhiều hơn cho một lần “giao ban” thật chất lượng.
3. Các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục không ảnh hưởng đến việc sinh sản
Hơn 1/4 số phụ nữ không biết các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể tác động đến khả năng sinh sản. Thật không may, nhiều bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu, bệnh viêm vùng chậu có thể gây hại cho ống dẫn trứng của bạn. Và khi ống dẫn trứng bị chặn, cơ hội kết hợp của tinh trùng và trứng sẽ giảm xuống. Ngay cả khi chúng gặp nhau, khả năng có thai ngoài tử cung rất cao.
Đó là nguyên nhân tại sao bạn nên chẩn đoán và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục càng sớm càng tốt. Nếu bạn có tiền sử bệnh này, nên đi gặp bác sĩ ngay khi bạn muốn có thai để xác định những nguy cơ và cải thiện khả năng có thai.
4. Sự lão hóa không tác động đến việc sinh sản
1/5 số phụ nữ không biết về tác động của sự lão hóa đến khả năng sinh sản. Nhìn chung, ở tuổi tầm 36-37 bạn sẽ nhận ra sự thay đổi về khả năng có thai của mình. Chắc chắn có rất nhiều phụ nữ có thai trễ, nhưng đa phần họ phải mất nhiều thời gian hơn để có thai. Mặt khác, có thai muộn làm tăng khả năng bị sẩy thai, đứa trẻ sinh ra dễ bị mắc các bệnh bẩm sinh như hội chứng Down.
Video đang HOT
Tất nhiên, thời gian có thai sẽ khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố (như thói quen hút thuốc hoặc tiền sử mẹ bạn có thai quá trễ). Dù thế nào đi nữa khi phụ nữ lớn tuổi, chất lượng và số lượng trứng sẽ giảm xuống.
5. Tư thế quan hệ làm tăng khả năng có thai
Tư thế quan hệ hay trọng lượng cơ thể không ảnh hưởng đến việc mang thai. Tuy nhiên hơn 1/3 số phụ nữ nghĩ rằng ở những vị trí đặc biệt có thể mang lại hiệu quả đậu thai cao hơn. Mặc dù cách hiểu này là hoàn toàn sai, nhưng cũng không gây hại nếu ai tin vào điều đó bởi nó không tác động tiêu cực đến khả năng có thai của phụ nữ.
6. Quan hệ vào thời điểm rụng trứng hoặc ngay sau rụng trứng sẽ dễ đậu thai
Chỉ 10% phụ nữ trong nghiên cứu biết rằng quan hệ tình dục nên diễn ra trước khi rụng trứng nếu muốn có thai. Nếu bạn đang dùng phương pháp kiểm tra rụng trứng tại nhà, nó sẽ nói cho bạn biết rằng hormone của bạn tăng mạnh ngay trước khi rụng trứng, có nghĩa là sự rụng trứng có diễn ra từ 24 đến 48 giờ. Vì thế bạn nên quan hệ ngay trong khoảng thời gian này bởi tinh trùng có thể sống trong cơ thể của bạn và thụ tinh với trứng 3-5 ngày sau khi bạn quan hệ. Còn nếu bạn đợi cho đến khi bắt đầu rụng trứng mới quan hệ, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội.
7. Không thường xuyên trò chuyện với bác sĩ về vấn đề hiếm muộn của mình
Chỉ 50% số phụ nữ thường xuyên trò chuyện về sức khỏe sinh sản với bác sĩ sản phụ khoa. Hãy nhớ rằng nếu bạn đến gặp bác sĩ phụ khoa mỗi năm một lần, họ sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề đang xảy ra với bạn vào thời điểm hiện tại. Họ có thể không nói cho bạn biết về khả năng có thai hoặc những việc có thể giúp bạn hoặc cản trở bạn có thai nếu bạn không đến tư vấn thường xuyên. Do đó đừng ngại thường xuyên nói chuyện với bác sĩ về vấn đề bạn đang gặp phải, nếu cần thiết thì nên ghi chép lại những lời căn dặn của họ.Tại việt Nam việc các phụ nữ nhận sự tư vấn của bác sĩ trước khi có thai còn thấp hơn, đại đa số xem các thông tin về kiến thức sinh sản thông qua sách báo, tin tức và internet, các trường họp tư vấn bác sĩ đại đa số là hiếm muộn.
Theo Vnexpress.net
9 nguyên nhân khiến bạn có dấu hiệu giống kinh nguyệt
Đừng bỏ qua những dấu hiệu giống kinh nguyệt, đây có thể là triệu chứng ban đầu của một số căn bệnh phổ biến ở phụ nữ mà bạn nên đi kiểm tra sớm đấy!
Bạn cảm thấy chướng bụng, trở nên khó tính hay mệt mỏi hơn, thậm chí là co thắt bụng dưới và nổi mụn nhiều trên mặt? Đây là những dấu hiệu giống như khi kỳ kinh nguyệt sắp đến hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt. Thực tế, có nhiều nguyên nhân khác cũng khiến bạn mắc phải các triệu chứng tương tự như trên mà không phải do kinh nguyệt.
Dưới đây là 9 nguyên nhân bạn có thể gặp phải khi xuất hiện các dấu hiệu kinh nguyệt nhưng kỳ kinh thực sự không đến.
1. Chu kỳ không rụng trứng
Nếu cơ thể bạn xuất hiện các triệu chứng báo hiệu trước kỳ kinh nhưng "ngày đèn đỏ" lại không đến thì có thể tháng đó cơ thể bạn không rụng trứng. Có khoảng 10 đến 18% chu kỳ bình thường nhưng bạn có thể không rụng trứng. Đây là một tỷ lệ tương đối phổ biến đối với phụ nữ.
2. Dấu hiệu bạn đã có thai
Nếu bạn đã quan hệ tình dục không tránh thai, sử dụng biện pháp tránh thai bằng xuất tinh ngoài hay quên uống thuốc tránh thai, bạn nên kiểm tra xem mình có thai không nhé. Rất nhiều triệu chứng của mang thai sớm gồm đau căng vú, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, co thắt bụng dưới đều tương tự như khi bạn sắp và đang trong kỳ kinh vậy.
Bởi vì sự thay đổi của hormone cũng như tử cung trong giai đoạn mang thai sớm có cùng con đường tác động như chu kỳ kinh nguyệt. Khi mang thai, bạn có thể ra một ít máu quanh khoảng thời gian mà bạn sẽ có kinh, nhưng đó là phản ứng của nội mạc tử cung khi bào thai đến làm tổ chứ không phải kinh nguyệt thật sự. Nếu nghi ngờ bản thân mang thai, bạn có thể dùng que thử thai tại nhà. Nếu âm tính, bạn có thể thử lại sau 3 đến 4 ngày hay đến khám bác sĩ nhé.
3. Bệnh lý tại tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở vùng trước cổ của bạn, thực hiện và điều hòa nhiều chức năng trong đó có chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, khi tuyến giáp bất thường sẽ không sản xuất lượng hormone tuyến giáp thích hợp, dù là cường giáp hay suy giáp đều sẽ ảnh hưởng đến hormone FSH và LH. Hai hormone này có vai trò điều hòa sự rụng trứng, chu kỳ kinh của bạn sẽ không đều nếu FSH và LH bất thường.
Bạn có thể phải chịu đựng các triệu chứng trước kỳ kinh nguyệt trong thời gian dài. Tuyến giáp điều hòa chức năng não bộ khiến bạn xuất hiện các vấn đề về tâm thần như thay đổi tâm trạng thất thường. Bạn có thể bị ra máu âm đạo ít hay co thắt bụng dưới do lớp nội mạc tử cung cứ dày lên mà không bong tróc khi không có sự rụng trứng.
Hãy khám bác sĩ nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu của tuyến giáp như sụt cân hay tăng cân nhanh chóng, run tay, hồi hộp, hay mệt mỏi nhiều nhé.
4. Tránh thai bằng hormone
Một trong những tác dụng phụ phổ biến của dụng cụ tránh thai chứa hormone là mất kinh. Vì dụng cụ tử cung làm mỏng nội mạc tử cung nên kỳ kinh sẽ không xuất hiện.
Thuốc tránh thai có thể khiến bạn ra ít máu âm đạo chứ không khiến bạn ra máu nhiều như kỳ kinh thật sự. Tuy nhiên, bạn có thể vẫn trải qua các triệu chứng như đau căng vú tương tự như trong kỳ kinh vậy.
5. Bạn trong giai đoạn stress
Căng thẳng hay stress là lý do thường gặp khi bạn bị mất kinh. Vì căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol trong máu, làm mất cân bằng nhiều hormone khác trong cơ thể bao gồm các hormone điều hòa sự rụng trứng và tử cung. Khi bạn bị căng thẳng, nội mạc tử cung vẫn phát triển nhưng lại không bong tróc được, kỳ kinh bạn sẽ không đều hay bạn sẽ bị co thắt bụng dưới.
Ví dụ như khi bạn có người thân mất đi, ly hôn hay các căng thẳng tâm lý lớn khác sẽ làm kỳ kinh bạn thất thường. Bạn nên khám bác sĩ, tập thể dục hay yoga, sử dụng thuốc cần thiết để giúp giảm thiểu căng thẳng cho bản thân, giúp kỳ kinh của bạn đều đặn trở lại.
6. Hội chứng đa nang buồng trứng
Hội chứng đa nang buồng trứng là tình trạng mà bạn có dư lượng hormone androgen trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, phát triển lông tóc, tăng cân và nhạy cảm với insulin.
Hội chứng đa nang buồng trứng có thể khiến bạn xuất hiện các chu kỳ kinh không rụng trứng, gây ra máu âm đạo bất thường. Hội chứng trên khiến nhiều nang tăng trưởng trong buồng trứng và khi các nang này vỡ ra có thể khiến bạn cảm thấy đau bụng giống như trong kỳ kinh vậy. Lông tóc phát triển bất thường liên quan đến mất cân bằng hormone có thể bạn sẽ bỏ qua hay nhầm lẫn tăng cân trong hội chứng này liên quan đến sự chướng bụng trong kỳ kinh.
Có khoảng 20% phụ nữ trên thế giới mắc phải hội chứng này, thường gặp trên những người thừa cân béo phì hay mang tính di truyền. Bạn nên khám bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng này, mặc dù chưa có thuốc chữa nhưng bạn sẽ được dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng và khiến chu kỳ kinh đều đặn trở lại.
7. Polyp tử cung
Bạn có thể có polyp lành tính trong tử cung, đó là kết quả của sự tăng trưởng quá mức của lớp nội mạc tử cung. Polyp trong tử cung có thể khiến bạn bị đau bụng và khó chịu như khi bạn sắp hành kinh.
Bởi vì polyp có thể khiến bạn khó mang thai, thậm chí tiến triển ung thư tử cung, bác sĩ có thể sẽ phải cắt bỏ polyp. Hiện nay đã có biện pháp cắt polyp qua nội soi âm đạo tử cung khá đơn giản và phổ biến.
8. U nang buồng trứng
Mỗi tháng, buồng trứng của bạn sẽ phát triển vài nang để chuẩn bị cho việc rụng trứng, nhưng chỉ một nang là có thể phóng noãn. Mặc dù các nang khác thường sẽ tự thoái hóa, nhưng thỉnh thoảng các nang ấy vẫn tồn tại trong buồng trứng.
U nang buồng trứng cũng xảy ra khi bạn không có sự rụng trứng tương tự như hội chứng đa nang buồng trứng. U nang buồng trứng thường không gây triệu chứng nhưng thỉnh thoảng lại làm bạn thấy đau bụng dưới như khi sắp có kinh hay thậm chí đau dữ dội đến mức phải nhập cấp cứu. Vì thế, bạn nên khám bác sĩ nếu bị đau bụng bất thường như trên.
9. Nhiễm trùng phụ khoa
Một vài vi khuẩn lây bệnh qua bệnh tình dục như lậu cầu và chlamydia có thể dẫn đến viêm vùng bụng chậu, gây co thắt hay đau vùng bụng dưới tương tự như khi bạn hành kinh.
Khi bị viêm nhiễm, bạn cần phải uống kháng sinh để điều trị bệnh. Vì thế, nếu bạn bị sốt, buồn nôn hay đau bụng mà dùng thuốc giảm đau không thấy thuyên giảm thì bạn cần đi khám.
Các dấu hiệu trước kỳ kinh nguyệt là bình thường với sức khỏe phụ nữ, tuy nhiên nếu dấu hiệu tiền kinh nguyệt của bạn xuất hiện bất thường như trên thì bạn không nên chủ quan. Đôi lúc đó chỉ là do sự xáo trộn hormone trong cơ thể như stress chẳng hạn, nhưng cũng có thể là báo hiệu của mang thai hay nhiều bệnh có thể nguy hiểm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Vì thế, bạn đừng nên trao đổi và đi khám bác sĩ khi thấy những dấu hiệu bất thường nhé!
Theo Hellobacsi.
Nguy hại "chết người" vì rong kinh mà bạn không ngờ tới Rong kinh là hiện tượng chảy máu tử cung do rối loạn chức năng rụng trứng, viêm nội mạc buồng tử cung, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản. Rong kinh là hiện tượng nữ giới có thời gian hành kinh vượt quá 7 ngày trở lên, thậm chí là 2 tuần. Đây là...