Những đứa trẻ thèm chữ ở bản ‘5 không’
Ghé thăm trường Trường Tiểu học Phúc Đường, chúng tôi gặp không ít những em đã 15, 16 tuổi nhưng mới bắt đầu học lớp 1. Trong suy nghĩ của nhiều đứa trẻ ở đây ước mơ kiếm con chữ luôn là cái gì đó rất xa xỉ và lớn lao.
Gian nan đường vào bản “5 không”
Xuất phát từ trung tâm văn hóa xã Phúc Đường, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, để lên được bản Cả Đựa không còn con đường nào khác là phải vượt qua hàng chục km đường rừng, đồi núi lầy lội, gồ ghề với những khe suối và dốc núi cao để tìm về làng Cả Đựa. Đây là con đường duy nhất mà người dân giao lưu với thế giới bên ngoài.
Bản Cả Đựa nằm sâu trong tận “lõi rừng”, bốn bề được bao phủ bởi đồi núi trùng điệp bốn mùa sương giăng. Cũng chính nơi, đây biết bao nhiêu thế hệ dân làng đã định cư sinh sống. Rồi lớp lớp con cháu cũng được sinh ra và lớn lên từ những củ sắn củ mài do núi rừng ban tặng.
Trước năm 2010, bản Cả Đựa có 13 hộ dân với 49 nhân khẩu, tất cả đều là con em dân tộc Thái. Sự khó khăn về địa hình, giao thông hiểm trở khiến người dân nơi đây không thoát khỏi cái đói, cái nghèo và mù chữ.
Đường vào bản Cả Đựa phải vượt qua nhiều con núi, thung lũng hiểm trở
Ông Lê Đình Dân, Trưởng bản Cả Đựa cho biết: Bản được hình thành từ những thập niên 30 của thế kỷ trước. Người đầu tiên lên lập bản này tên là Cả Đựa tên thật là Lự Văn Đựa (người dân tộc Thái). Để tránh sự truy quét của giặc Pháp, ông Cả Đựa theo bố mẹ lên đây để sinh sống.
Cả Đựa vẫn còn đó tập tục “nguyên thủy” đốn củi đốt than, mò cua, mò ốc, hái rau rừng, săn bắn thú rừng, lấy kế sinh nhai hàng ngày. Do trình độ người dân hạn chế, địa hình hiểm trở nên người dân không áp dụng được các kĩ thuật tiên tiến để tăng gia sản xuất.
Chị Lư Thị Hoan (SN 1978) tâm sự: “Dân bản ở đây vất vả lắm! Để có cái ăn, hàng ngày dân bản đều phải vào rừng đốn củi đốt than đem xuống chợ Vạn Thành, huyện Nông Cống cách 20 km đổi lấy gạo, mua cá khô, nước mắm… dùng cho cả tháng. Một ngày may mắn cũng kiếm được 15.000 – 20.000 đồng. Gia đình nào không thể xuống chợ được, thì cả tháng phải ăn muối trắng, ăn tạm rau rừng.
Xuống xuôi thấy người ta viết chữ mà tôi thèm được viết lắm. Mỗi lần xuống UBND xã nhận gạo cứu đói, chúng tôi phải ấn dấu vân tay thay chữ kí, nghĩ mà xấu hổ lắm. Tôi cũng muốn đi học cho biết cái chữ lắm, nhưng đường xa và khó đi lắm.
Nhưng cái đói, cái nghèo đeo đẳng quanh năm thì làm sao biết đến đi học lấy cái chữ được. Hôm nào cũng ăn cơm xong là lên giường đi ngủ thôi, không có điện thì biết làm được. Quanh năm sống trong bóng tối cũng quen rồi”.
Có những đoạn là những con dốc cao thăm thẳm, nếu gặp trời mưa thì khổ hết chỗ nói
Video đang HOT
Hành trình đi tìm con chữ
Cả bản Cả Đựa vỏn vẹn 13 hộ gia đình và 49 nhân khẩu nhưng hầu như người dân đều lâm vào tình trạng mù chữ. Bản chỉ có 8 người biết chữ (7 trẻ em mới bắt đầu đi học tiểu học và một cụ bà Quách Thị Nguyện (70 tuổi) là người lớn tuổi duy nhất biết chữ.
Ở bản hầu hết thanh niên trai tráng trong đến tuổi trưởng thành đều li hương khắp nơi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình và đa phần họ thất học. Sự hạn chế trong nhận thức, khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng và nhiều nguyên nhân chủ quan khác đã dẫn đến cuộc sống của hơn ngót năm chục con người nơi đây luẩn quẩn trong nghèo đói, lạc hậu.
Từ nhiều năm này, trẻ em ở bản Cả Đựa lớn lên là chỉ biết chăn trâu, lên rừng đốt than đổi lấy gạo.Ở đây đa số là người dân đều mù chữ
Từ năm 2010, được nhà nước đầu tư, xây dựng nhà ở đến từng hộ gia đình, phá núi làm đường cho người dân đi lại thì làng Cả Đựa mới thấy thấp thoáng sự học được nảy mầm.
Có đường, có nhà ở, cần phải có cái chữ để mở mang kiến thức cho con em trong làng. Ban đầu, chính quyền địa phương có cử giáo viên lên làng mở lớp dạy học. Nhưng, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn lạc hậu nên tỉ lệ trẻ em đi học rất ít, lớp học không được mở. Các em nhỏ muốn tìm chữ phải cõng gạo xuống núi học.
Hiện nay toàn bản Cả Đựa đã có 15 đứa trẻ xuống núi đi học cái chữ. Nhưng con đường “chinh phục” con chữ của các em cũng lắm lắm gian nan. Để đến được với trường học các em phải vượt hơn 10 km đường núi hiểm trở.
Không ít em 15-16 tuổi mới bắt đầu đi học lớp 1.
Nhiều em nữ mới 17, 18 tuổi đã tay bồng tay bế, không hề biết mặt con chữ như thế nào.
Vì đường xa nên hầu hết các em nhỏ ở đây thường phải ở trọ lại ở trường học, một hai tuần mới về lấy gạo một lần. Có những gia đình, hai đến ba con đều đi học nên hàng tuần các phụ huynh phải cõng gạo, thức ăn vượt bộ đường rừng hơn 10 km xuống núi thăm con.
Ghé thăm trường Trường Tiểu học Phúc Đường, chúng tôi gặp không ít những em đã 15, 16 tuổi nhưng mới bắt đầu học lớp 1. Trong suy nghĩ của nhiều đứa trẻ ở đây ước mơ kiếm con chữ luôn là cái gì đó rất xa xỉ và lớn lao.
Em Dương Thị Phương, 14 tuổi, đang theo học lớp 1, hồn nhiên nói: “Học cái chữ khó hơn đi vào rừng kiếm củi, nhưng em vẫn muốn được đi học để sau này làm cô giáo”.
Chị Lư Thị Hoan có chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ. Từ cuối năm 2010, chị bắt đầu cho các con đi học. Cháu Lư Thị Lịch, 14 tuổi học lớp 2 và cô con gái 8 tuổi đang theo học lớp 1.
Chị chia sẻ: “Tôi không có chữ đã là một thiệt thòi nhưng giờ phải cho các con đi học để mở mang kiến thức, đem con chữ, sự giàu về với bản làng. Các cháu học giỏi nên năm nào cũng được giấy khen. Tôi cũng thèm được đi học như các con nhưng không có ai đi làm nương lấy gạo thay nên đành chịu”.
Trẻ em bản Cả Đựa tay xách, tay mang xuống núi tìm con chữ. Hành trình của các em vô cùng vất vả, gian nan
Nói về những khó khăn trong việc tìm chữ của con em bản Cả Đựa, Ông Nguyễn Văn Len, Trưởng phòng giáo dục huyện Như Thanh cho biết: “Trong nhiều năm qua, phòng giáo dục huyện đã phối hợp với cấp ủy chính quyền đến tận bản để vận động con em đồng bào dân tộc Cả Đựa đến trường đi học đúng đội tuổi, nhưng điều đó là rất khó. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với gia đình tiến hành cắt cử phụ huynh xuống chăm sóc các cháu. Tạo điều kiện về chỗ ăn chỗ ngủ cho các em, để các em có điều kiện học tập. Tiến hành vận động giáo viên, học sinh, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các nhà đầu tư quyên góp hỗ trợ quần áo, cặp sách cho các em vùng bản để cho các em yên tâm học tập”.
Hiện nay, nhờ được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các đoàn thể chính quyền, con đường vào bản Cả Đựa sắp tới sẽ được triển khai nâng cấp 14 ngôi nhà được xây dựng mới theo trương trình 167 và chỉ thị 08 của Tỉnh ủy. Tuy vậy, Cả Đựa vẫn rất cần sự quan tâm về nhiều mặt để dân bản Cả Đựa tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm ổn định cuộc sống.
PHẠM HÒA
Theo Infonet
Miệt mài "gieo chữ" nơi vùng cao
Những ngày cuối năm, đặt chân lên vùng cao huyện Như Xuân (Thanh Hóa), chứng kiến tận mắt cảnh sống của những giáo viên miệt mài bám bản "gieo mầm" những ước mơ cho học sinh vùng cao mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ.
Con đường gập ghềnh với những con dốc dựng đứng đưa chúng tôi đến với xã Thanh Lâm, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi này, toàn xã có 658 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó có tới 345 hộ thuộc diện nghèo. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, địa bàn rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn...
Chính vì lẽ đó, việc học hành của học sinh (HS) nơi đây cũng khó khăn không kém. Nhưng bằng lòng nhiệt huyết của mình, những thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, hàng ngày miệt mài dạy con chữ cho học trò.
Đường lên Trường THCS Thanh Lâm (huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Chúng tôi ghé thăm Trường THCS Thanh Lâm vào những ngày cuối năm, đón chúng tôi là thầy Trương Văn Thanh, hiệu trưởng nhà trường,người đã có hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục và cũng chừng ấy năm, thầy gắn bó với bà con vùng cao.
Thầy Thanh chia sẻ: "Tôi còn nhớ như in ngày đặt chân lên với vùng đất sáu Thanh này (là 6 xã có cùng cùng vần Thanh - PV), tài sản không có gì đáng giá ngoài một chiếc xe đạp cà tàng, mấy bộ quần áo... Lúc đầu khi chưa đến đây thì hăm hở lắm, đến nơi rồi mới thấy sợ cuộc sống nơi đây".
Giọng thầy Thanh trầm xuống khi nghĩ về những ngày đầu gian khổ gieo chữ nơi miền sơn cước này: "Khi đến đây, cơ sở vật chất chẳng có gì, những người như chúng tôi phải ở nhờ nhà dân quanh trường, trường lớp thì toàn bằng tranh tre, nứa lá, các em học sinh thì đói nghèo, vất vả. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp là chính, do đường xá khó khăn, biệt lập với trung tâm huyện".
"Có lên đây, ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hết được những cảnh khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao này. Nhiều thầy cô không chịu được cuộc sống khổ cực, dạy được một thời gian thì chuyển đi nơi khác, thậm chí có người còn bỏ cả nghề vì không sống được với vùng đất "cái gì cũng thiếu", điện không, nước sinh hoạt không..., muốn có nước dùng phải đi vào tận trong núi cách trường 2 - 3km để gánh nước, tối đến muốn soạn giáo án phải dùng nến, dùng đèn dầu" - thầy Thanh cho biết thêm.
Thầy Thanh đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của trường.
Sau bao nhiêu năm cắm bản gieo chữ, giờ thầy Thanh như đã trở thành một người dân bản địa thực thụ, thầy đã thuộc làu từng con đường, từng thôn bản, từng nóc nhà của những bản làng. Sự học ở vùng cao đã có nhiều đổi thay khi các chương trình 134, 135 của Chính phủ đến được với vùng cao, trường lớp đã được kiên cố hóa, đường xá đi lại thuận lợi hơn...
Tuy nhiên cuộc sống ở vùng cao vẫn còn đó những khó khăn, gian khổ. Đời sống GV vẫn "thừa sự thiếu thốn, thiếu sự đủ đầy", nhiều GV còn hưởng mức lương thấp, đặc biệt là những GV hợp đồng với đồng lương chỉ 816.000đ/tháng. Với đồng lương đó lo cho bản thân đã khó chứ nói gì đến gia đình, con cái... Nhưng có lẽ tình yêu nghề, niềm vui được truyền con chữ cho những đứa trẻ nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho họ.
Thầy giáo Đỗ Trọng Tư, GV dạy môn Toán của trường, đón chúng tôi với đôi bàn tay lạnh cóng. Thầy Tư lên vùng cao đã 6 năm, còn vợ con ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Thường hàng tháng trời thầy mới về thăm gia đình một lần. Căn phòng tập thể nơi thầy Tư ở với bức tường vôi loang lổ, ố màu. Một cái bếp gas cá nhân cùng với vài cái nồi nhỏ nơi góc phòng, đối diện là chiếc giường đơn cũ, chiếc chăn bạc phếch gấp vuông vắn, gọn gàng bên cạnh mấy cuốn sách giáo khoa.
Cũng giống thầy Tư, thầy Trịnh Nam Giang, gia đình ở thành phố Thanh Hóa, thầy Hà Hữu Thu, gia đình ở huyện Nông Cống... và rất nhiều các thầy cô khác trong trường đang vượt lên những khó khăn hàng ngày để gieo con chữ cho các em HS.
Những luống rau được các giáo viên ở đây gieo trồng để phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nhâm Thìn, khi chúng tôi hỏi về việc thưởng hay quà Tết cho các cán bộ GV ở đây thì thầy Thanh cho biết, công đoàn hỗ trợ số tiền 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng cho mỗi GV. Vậy mà các thầy cô nơi đây còn trích từ đồng lương của mình một số tiền nhỏ để mua quà tặng cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chia tay các thầy cô giáo Trường THCS Thanh Lâm - những người vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng mà chúng tôi thấy ấm lòng giữa cái rét thấu xương nơi miền sơn cước. Những tháng ngày phía trước, các thầy cô nơi đây vẫn cần mẫn, miệt mài ươm mầm ước mơ cho những trẻ nghèo vùng cao...
Theo dân trí
Lớp học dưới chân cầu Long Biên Khi cây cầu Long Biên phía xa lên đèn, những đứa trẻ ở "xóm liều" Phúc Xá ùa hết lên bờ, hò reo đón các anh chị gia sư tình nguyện viên thuộc CLB Nhân Ái (Hà Nội). Đều đặn một tuần hai buổi, các bạn lại đến dạy chữ cho các em nhỏ ở bãi nổi này. Lũ trẻ dắt tay từng...