Những danh tướng thất sủng: Thống chế bị bức tử
Thống chế lừng danh Erwin Rommel buộc phải uống thuốc độc để bảo vệ gia đình khỏi sự bức hại của trùm phát xítAdolf Hitler.
Rommel tại Bắc Phi hồi tháng 6.1942 – Ảnh: Deutsches Bundesarchiv
Erwin Rommel là một trong những nhà cầm quân nổi tiếng nhất nước Đức và cả thế giới với những chiến thắng lừng lẫy tại chiến trường Bắc Phi trong Thế chiến 2. Dù phục vụ cho quân đội Quốc xã nhưng tài năng, tinh thần thượng võ và sự hào hiệp của ông được nhân dân Đức lẫn các đối thủ kính trọng. Tuy nhiên, tinh thần hiệp sĩ trong con người Rommel không thể sống chung với chế độ diệt chủng của Hitler và cuối cùng ông đã phải tự kết liễu đời mình.
Cáo sa mạc
Theo sách Patton and Rommel: Men of War in the Twentieth Century (tạm dịch: Patton và Rommel: Các chiến tướng trong thế kỷ 20) của sử gia Dennis Showalter, Rommel chào đời ngày 15.11.1891 tại Heidenheim và tham gia bộ binh Đức vào năm 1910. Trong Thế chiến 1, người trung úy trẻ tuổi này đã tham gia các mặt trận ở Pháp, Ý và Romania. Với những chiến công vang dội ở mặt trận Ý, ông trở thành người trẻ tuổi nhất được trao Huân chương Pour le Mérite – huân chương cao nhất của Đế chế Đức.
Trong Thế chiến 2, tên tuổi Rommel tiếp tục vang xa khi Sư đoàn thiết giáp số 7 do ông chỉ huy phá vỡ hệ thống phòng thủ của Pháp vào tháng 5.1940. Một năm sau, ông trở thành người đứng đầu lực lượng Đức tại Bắc Phi (Korps Afrika) với nhiệm vụ lật ngược tình thế sau những thất bại liên tiếp của quân Ý. Tại đây, Rommel thật sự trở thành huyền thoại với những trận chiến đi vào lịch sử như trận Gazala vây hãm thành phố cảng Tobruk của Libya từ tháng 4 – 12.1941 hay cuộc giằng co quyết liệt với Thống chế Anh Bernard Montgomery tại Alam el Halfa và El Alamein (Ai Cập).
Tại Bắc Phi, Rommel bộc lộ thiên tài chiến thuật, khả năng truyền cảm hứng cho quân lính và tận dụng tốt nhất các nguồn lực dù ít ỏi trong tay. Tại chiến trường châu Phi, mặc dù quân số ít hơn và lượng khí tài thua kém đối thủ nhưng lực lượng của Rommel đã chiến thắng hoặc gây tổn thất lớn cho quân Đồng minh. Theo sử gia Showalter, cách đánh của Rommel bộc lộ chính con người của ông thể hiện qua biệt danh “Cáo sa mạc”: táo bạo, quả quyết, thần tốc và khéo léo, bất ngờ chọc thẳng vào đối phương. Những địch thủ lớn nhất của Rommel như Thống chế Montgomery và Đại tướng Mỹ George Patton phải công nhận ông là vị chỉ huy quân sự giỏi nhất ở địa hình sa mạc. Rommel được phong Thống chế vào tháng 6.1942 và trở thành người lính oai danh lẫy lừng nhất nước Đức.
Video đang HOT
Nếu chỉ vì chiến tích quân sự thì Rommel đã không được ca ngợi nhiều như vậy, nhất là khi ông phục vụ Đức Quốc xã. Khác hẳn hình tượng tàn bạo của phát xít Đức, Rommel là vị tướng hào hiệp và thượng võ. Ông chưa bao giờ gia nhập đảng Quốc xã và luôn phớt lờ những mệnh lệnh tra tấn, xử tử tù binh hay người dân Do Thái. Thậm chí, ông còn đối xử khá tốt với họ. Trong sách The Rise and Fall of the Third Reich (tạm dịch: Sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế chế thứ 3), nhà sử học Mỹ William Lawrence Shirer nhận định rằng Rommel là một trong số ít những viên tướng của phe Trục đủ dũng cảm để chống lại các mệnh lệnh điên loạn của Hitler. Vì thế, sau cuộc chiến, quân đoàn châu Phi không bao giờ bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Mẫu mực đến phút cuối
Sau giai đoạn ở Bắc Phi, Rommel được điều về châu Âu để củng cố mặt trận phòng thủ phía tây và ông vô cùng kinh hoàng trước các trại tử thần, lao động nô lệ, nạn diệt chủng người Do Thái và những tội ác khác của Đức Quốc xã, theo Eyewitnesstohistory.com. Tại Pháp, vị Thống chế này liên tục khước từ lệnh trục xuất người Do Thái và viết thư cho Hitler phản đối cách đối xử tàn bạo với người Do Thái. Rommel cũng từng đòi xét xử những lực lượng Đức phạm tội ác chiến tranh tại châu Âu. Tất cả những điều này dĩ nhiên làm trùm phát xít tức giận nhưng Hitler vẫn trọng dụng Rommel vì tài năng lẫn sự ngưỡng mộ của dân chúng dành cho ông.
Dần dần, niềm tin của Rommel về chiến thắng của Đức ngày càng sụt giảm trong khi sự khinh bỉ và căm ghét Hitler ngày một tăng lên. Ông nhận ra rằng cuộc chiến càng kéo dài thì sẽ làm thảm họa cho thế hệ tương lai của Đức và cả nhân loại. Đến năm 1944, vị thống chế biết đến kế hoạch lật đổ Hitler của một nhóm tướng lĩnh cao cấp. Tuy ủng hộ đảo chính để cứu nước Đức khỏi chế độ tàn bạo nhưng Rommel phản đối ám sát trùm phát xít vì lo ngại sẽ xảy ra nội chiến mà muốn Hitler bị bắt và đưa ra xét xử. Dù vậy, kế hoạch hạ sát Hitler bằng bom vẫn được tiến hành vào ngày 20.7.1944 nhưng hoàn toàn thất bại. Trùm phát xít điên cuồng truy bắt, tra tấn những người tham gia và cái tên Rommel bị nhắc đến.
Theo các chuyên gia, dù bằng chứng không rõ ràng nhưng Hiler vẫn quyết rằng Rommel phải chết. Mối bận tâm duy nhất của nhà độc tài này là làm thế nào thủ tiêu vị tướng nổi tiếng nhất nước Đức mà không khiến dư luận phẫn nộ. Giải pháp là buộc Rommel âm thầm tự sát và công bố cái chết của ông là do các vết thương sau một trận không kích của không quân Canada trước đó. Đổi lại, gia đình và thuộc cấp của ông sẽ không bị bức hại. Trong hồi ký của mình, con trai vị thống chế là Manfred Rommel kể rằng cha ông đã chấp nhận kết cuộc một cách vô cùng bình tĩnh. Ông ra đi khi mặc chiếc áo da của Binh đoàn châu Phi và cầm gậy thống chế vào ngày 14.10.1944. Sau đó, tang lễ của ông cũng được tiến hành theo nghi thức trang trọng nhất và Hitler thậm chí gửi điện chia buồn cho gia đình.
Phần mộ của Rommel hiện nằm ở Blaustein, tây nam nước Đức và ông là thành viên duy nhất của Đế chế thứ 3 có một bảo tàng để tôn vinh mình. Luôn nằm trong danh sách những nhà quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử, sự kính trọng dành cho Rommel được đúc kết qua nhận xét của Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Ông ấy xứng đáng được tôi ngả mũ. Ông ấy cũng xứng đáng được kính trọng vì dù là một binh sĩ Đức trung thành, ông đã căm ghét Hitler và những hành động của hắn ta… và trả giá bằng mạng sống. Trong những cuộc chiến ngày nay, không còn nhiều tinh thần thượng võ như vậy”.
Theo TNO
Những danh tướng thất sủng: Georgy Zhukov, vị nguyên soái phi thường
Dân gian Nga tin rằng các cậu bé được đặt tên theo vị thánh quân sự nổi tiếng người La Mã George (St.George) sẽ trở thành chiến binh quả cảm. Lịch sử cho thấy điều đó đúng với Georgy Zhukov.
Zhukov (trái) và chỉ huy quân đồng minh Dwight D.Eisenhower - Ảnh: pbs.org
Lịch sử nhân loại từng chứng kiến nhiều chỉ huy quân sự huyền thoại mà những chiến tích của họ góp phần thay đổi hoặc thậm chí cứu rỗi thế giới. Những chiến công hiển hách đưa họ bước vào ngôi đền của các chiến binh được kính ngưỡng nhất mọi thời đại. Song khi trở về với sân khấu chính trị, hào quang chiến trận, tài năng quân sự thiên bẩm hóa ra là một mối đe dọa khi uy danh lừng lẫy của họ vượt lên trên cả những quyền lực chấp chính. Câu chuyện "điểu tận cung tàng" phảng phất từ thời cổ đại với những cái tên như Bạch Khởi, Hàn Tín... cho đến tận thế kỷ 20 với số phận anh hùng thất sủng dành cho những tên tuổi lừng lẫy như Georgy Zhukov, Douglas MacArthur hay Bành Đức Hoài...
Từ người lính Sa hoàng đến vị tướng Hồng quân
Theo Đài RT, Zhukov chào đời ngày 1.12.1896 tại làng Strelkovka gần thủ đô Moscow, trong một gia đình nông dân nghèo và phải học nghề bán lông thú. Năm 1915, Zhukov bị bắt lính và phục vụ cho quân đội Sa hoàng. Zhukov gia nhập Đảng Cộng sản sau cuộc Cách mạng vô sản năm 1917 và phục vụ Hồng quân Liên Xô trong cuộc nội chiến từ năm 1917 - 1921. Tuy nhiên, tên tuổi và tài năng của Zhukov chỉ được khẳng định sau khi ông được lãnh đạo Liên Xô khi đó là Joseph Stalin giao trọng trách chỉ huy cuộc chiến chống Nhật tại Mông Cổ. Với tài thao lược xuất chúng của Zhukov, Hồng quân đã đánh bại quân đội Nhật trong trận chiến Khalkin Gol. Sau chiến thắng này, ông được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được phong tướng.
Gần như mọi chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô đều mang dấu ấn của vị tướng tài ba, như trận chiến bảo vệ Moscow năm 1941, trận Stalingrad năm 1942, trận Kursk năm 1943, chiến dịch Bagration và chiến dịch Lvov-Sandomierz năm 1944, chiến dịch Vistula-Oder năm 1945 và chiến dịch Berlin cùng năm. Riêng trong chiến dịch Berlin, Zhukov đã có mặt khi giới chức Đức ký thỏa thuận đầu hàng.
Có thể nói trên thế giới không có vị tướng nào có bề dày thành tích và công lao như Zhukov trong Thế chiến thứ hai.
Vinh quang
Các chiến thắng của Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của ông đã trở thành những di sản vô giá trong kho tàng kiến thức quân sự của nhân loại, có ảnh hưởng lớn đối với lý luận quân sự của Liên Xô cũng như thế giới. Và có lẽ cũng ít ai được giao nhiều trọng trách như Zhukov. Đáng kể nhất là những chức vụ như Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân phía Tây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Phó tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, rồi Ủy viên BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau chiến tranh, ông giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Đức song bị triệu về Moscow và giáng cấp xuống thành tư lệnh các quân khu "làng nhàng" như Odessa và Ural. Năm 1953, khi Stalin qua đời, Zhukov trở về Moscow và được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô trước khi bị cách chức vào năm 1957.
Và cay đắng
Theo hồi ký của nguyên soái A.M.Vasilevsky, người cùng điều phối trận chiến Kursk với Zhukov, vào tháng 3.1953, sau khi Stalin đột ngột qua đời, Liên Xô lâm vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã chọn cách "liên thủ" với Zhukov trong cuộc tranh giành quyền lực với các đối thủ, đặc biệt là Phó thủ tướng thứ nhất kiêm trùm mật vụ Pavlovich Beria. Mâu thuẫn giữa Zhukov và Beria đã phát sinh từ khi Stalin còn sống. Beria cũng chính là nguyên nhân khiến Zhukov gặp nhiều lao đao trong giai đoạn này.
Khrushchev trên thực tế đã "mượn tay" Zhukov loại Beria sau khi Stalin qua đời, bằng cách đẩy đối thủ khỏi đảng, đưa ra tòa án binh và xử tử. Ngay sau khi lên cầm quyền, Khrushchev đã bổ nhiệm Zhukov vào chức Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó là Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCH T.Ư Đảng (Bộ Chính trị). Đó là nấc thang cao nhất mà Zhukov có thể leo đến trong sự nghiệp chính trị. Theo trang tin Military History, quan hệ giữa ông và Khrushchev nhanh chóng rạn nứt sau khi Khrushchev đề xuất thu hẹp quy mô lực lượng Hồng quân. Vị tướng dày dạn trận mạc và chiến công không ủng hộ ý kiến này và vì vậy bị Khrushchev cách chức vì nghi ngờ âm mưu đảo chính. Khi Khrushchev sa cơ vào năm 1964, Zhukov được phục hồi thanh danh nhưng ông không được lãnh đạo kế nhiệm tin dùng trở lại và qua đời trong âm thầm vào ngày 18.6.1974.
Được nhiều người đánh giá cao về khả năng quân sự, nhưng những chiến tích của ông Zhukov đã bị xem nhẹ, thậm chí phớt lờ trong nhiều thập niên. Trong cuốn sách có tựa đề Cuộc đời Georgy Zhukov phát hành cuối năm ngoái, tác giả người Ireland Geoffrey Roberts khẳng định Zhukov là "vị tướng vĩ đại bảo vệ Liên Xô khỏi thất bại thảm khốc trước Hitler và đưa quốc gia đến chiến thắng vĩ đại".
Theo báo The Guardian, vị Giáo sư Đại học Cork này nhận xét Zhukov giỏi đánh lạc hướng kẻ thù, khiến họ đưa ra những quyết định sai lầm, nhờ đó đem lại chiến thắng cho Hồng quân Liên Xô. Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời sử gia Mỹ Martin Kayden ghi nhận Zhukov là vị chỉ huy "gây nhiều tổn thất cho phát xít Đức hơn bất kỳ ai" và dùng chữ "nguyên soái phi thường" để nói về ông.
Theo TNO
Những danh tướng thất sủng: Cuộc đời bi thảm của Bành Đức Hoài Nguyên soái Trung Quốc Bành Đức Hoài có thể không bao giờ tưởng tượng được rằng ông sẽ phải trả giá vì một bức tâm thư. Bành Đức Hoài ký thỏa thuận đình chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1953 - Ảnh: kcm.kr "Ông ấy là người chính trực và ngay thẳng. Ông dành mạng sống và tay chân cho Cách mạng...