Những đại gia vũ khí mới nổi
Không phô trương ồn ào nhưng một số nước trong khu vực đang âm thầm trở thành những thế lực mới về xuất khẩu khí tài quân sự.
Tham vọng 10 tỉ USD của Hàn Quốc
Sau nhiều năm nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ, Hàn Quốc không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật để trở thành đại gia của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới. Năm ngoái, các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí của nước này có tổng giá trị lên đến 2,4 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2010, theo tạp chí Jane’s Defence Weekly. Được đà từ thành tích ấn tượng trên, Ủy ban Tương lai và Tầm nhìn Hàn Quốc đặt ra mục tiêu xuất khẩu vũ khí đạt 4 tỉ USD vào năm 2020. Trả lời phỏng vấn tờ The Korea Times, Ủy viên Ban quản trị Chương trình thu mua quốc phòng Noh Dae-lae tiết lộ một chiến lược đầy tham vọng. Theo đó, Seoul đang nỗ lực hướng đến 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vũ khí mỗi năm. Tuy nhiên, ông Noh không cung cấp thông tin về lộ trình thực hiện chiến lược trên mà chỉ cho biết mục tiêu trong năm 2012 là 3 tỉ USD.
Các đơn hàng mà Hàn Quốc nhận được gần đây là bằng chứng vững chắc cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Cuối năm ngoái, Indonesia đặt mua 3 tàu ngầm tấn công trị giá 1,1 tỉ USD. Các tàu này thuộc lớp Jang Bo-go sử dụng động cơ điện kết hợp dầu diesel nên hoạt động cực êm và được trang bị 8 ống phóng ngư lôi cùng tên lửa dẫn đường. Ngoài ra, cũng trong năm ngoái, Jakarta còn mua 16 máy bay T-50 Golden Eagle trị giá 400 triệu USD từ Seoul, theo Jane’s Defence Weekly.
Thuộc nhóm máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ, T-50 Golden Eagle đạt tốc độ cận âm và có khả năng tấn công trên không lẫn mặt đất. Hiện tại, Iraq, Philippines, Ba Lan và Tây Ban Nha dường như đang có ý định trang bị loại máy bay này. Trước đây, Hàn Quốc cũng từng cung cấp 40 máy bay huấn luyện KT-1 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thật ra trong nhiều năm qua, Ankara là khách hàng quen thuộc của Seoul về khí tài quân sự. Hồi năm 2001, hai bên từng ký kết đơn hàng cung cấp pháo tự hành K-9 trị giá đến 1 tỉ USD. Đến năm 2007, Hàn Quốc thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ để Thổ Nhĩ Kỳ phát triển một loại xe tăng.
Xe thiết giáp Bronco do Singapore sản xuất được quân đội Anh sử dụng – Ảnh: Marontech
Tàu ngầm lớp Jang Bo-go của Hàn Quốc – Ảnh: US Navy
Khách hàng mua thiết bị quân sự của Hàn Quốc đang ngày càng đông hơn. Một cường quốc như Anh cũng chi ra 713 triệu USD để mua 4 tàu tiếp nhiên liệu hải quân do Hàn Quốc chế tạo.
Kỳ tích Singapore
Lâu nay, Singapore luôn được nhắc đến với thành tích đáng nể khi chỉ mất vài chục năm để vươn lên thành quốc gia phát triển. Hiện tại, điều thần kỳ trên đang được nước này lặp lại trong ngành xuất khẩu vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI), Tập đoàn ST Engineering của Singapore là đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong nhóm 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Tập đoàn này hiện cung cấp loại súng máy tự động 40 mm được rất nhiều nước ưa chuộng. Anh cũng đặt mua 115 chiếc xe bọc thép Bronco do ST Engineering sản xuất để triển khai tác chiến tại Afghanistan. Mới đây, Singapore bàn giao tàu đổ bộ HTMS Ang Thong, mang được máy bay trực thăng, cho Thái Lan.
Cũng theo SIPRI, Singapore đã bắt đầu bán vũ khí cho Indonesia, Nigeria, Philippines và UAE từ năm 2000. Chỉ riêng năm 2010, doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này đạt mức 1,75 tỉ USD. Hiện tại, ST Engineering đang không ngừng đẩy mạnh đầu tư và phát triển khí tài cho không quân. Tập đoàn này vốn đang là nhà cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa máy bay của nhiều nước trên thế giới nên hoàn toàn có quyền kỳ vọng sớm bán ra các loại vũ khí không quân hiện đại.
Nhật Bản sẵn sàng Theo tờ The Wall Street Journal, Nhật Bản hồi cuối năm ngoái đã dỡ bỏ lệnh cấm các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu một số thiết bị quân sự. Đây được xem là bước đi mở đường để nước này bắt đầu chiến lược xuất khẩu vũ khí vốn đã được chuẩn bị sẵn sàng từ sớm. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản không ngừng phát triển, sản xuất thành công hầu hết các loại khí tài hiện đại. Trong lĩnh vực hải quân, nước này có đủ các loại từ tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, tàu ngầm tấn công đến tàu đổ bộ hạng nặng lẫn tàu sân bay trực thăng. Về không quân, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi chế tạo nhiều loại chiến đấu cơ tối tân như F-2, dựa theo mẫu F-16 của Mỹ. Hiện tại, Mitsubishi còn xúc tiến kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình. Theo chuyên trang hàng không Flightglobal.com, Nhật Bản dự định bay thử chiến đấu cơ thế hệ 5 vào năm 2014 và sẽ sớm sản xuất hàng loạt sau đó. Thậm chí, nước này có thể còn chính thức biên chế máy bay chiến đấu hiện đại này trước cả Trung Quốc.
Theo Thanh Niên