Những cách ôn thi đại học lỗi thời
Mua sách về luyện đề, đi học thêm và đến lớp thi thử… được một số giáo viên đánh giá đã lỗi thời. Học tích hợp giữa sách và trực tuyến là phương pháp hiệu quả.
Theo nhiều giáo viên luyện thi, những cách ôn luyện kết hợp sách và tương tác trực tiếp trên mạng, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc mà lại đưa đến hiệu quả tốt nhất. Bởi trong thời đại thế giới phẳng, ai cũng dễ dàng có Internet và sử dụng Facebook.
TS Lê Tiến Hà (giảng viên khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Thái Nguyên), người thầy quen thuộc trong Chương trình bổ trợ kiến thức Vật lý 12, kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng việc học sinh đi thi thử cũng đã lỗi thời.
Theo TS Hà, học sinh đi thi thử với mục đích nào thì cũng chỉ đạt con số 0. Nếu nói thi thử để rèn tâm lý cũng rất khó, bởi các em chỉ mang tâm lý thử đi thi, thi thật hoàn toàn khác.
Video đang HOT
“Hơn nữa, kết quả thi thử tốt hay xấu đều không có lợi cho học sinh. Nếu kết quả tốt, học sinh đó dễ tự mãn về mặt tư tưởng, nếu không tốt lại ảnh hưởng tâm lý. Thi thử là cách mất thời gian”, TS Hà bày tỏ quan điểm cá nhân.
Tuy nhiên, TS Hà cho rằng, những bài thi thử trên mạng lại rất hữu ích, các em có thể làm tại nhà khi hiện tại có khoảng chục hệ thống thi thử.
TS Lê Tiến Hà. Ảnh: Quyên Quyên.
Đặng Thành Nam – Thủ khoa Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2009 cho rằng, học sinh có thể tiếp xúc kiến thức qua nhiều cách như sách báo, bài giảng của thầy cô, đặc biệt là Internet.
Với kinh nghiệm ôn thi đại học, Thành Nam chia sẻ, có rất nhiều kênh trực tuyến cung cấp bài giảng, hướng dẫn luyện đề bổ ích cho học sinh. Ở đó các em không cần đến lớp vẫn tìm được thông tin giá trị.
Thành Nam lưu ý, việc kết hợp giữa cách học truyền thống tích hợp với học online là phương pháp giúp học sinh làm chủ kiến thức nhanh. Tuy nhiên, học sinh cần chú ý, khi sử dụng Internet không nên xao nhãng, tán gẫu với bạn bè mà quên đi việc chính là học tập.
Tăng tốc 4 tháng cuối
Thủ khoa Đặng Thành Nam nhận định, học sinh còn 4 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia là thời gian không phải ít. Các em nên rà soát và hệ thống lại kiến thức trong từng câu hỏi (thuộc đề những năm trước) để vạch ra được những chủ đề cần nắm vững. Từ đó, học sinh biết phần kiến thức nào còn yếu để bổ sung.
Đối với Toán học, học sinh cần nắm được các phần cơ bản như: Tính đơn điệu của hàm số; Tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất; Các bài toán cực trị của hàm số; Viết phương trình tiếp tuyến…
Để đạt 8 điểm, học sinh cần nắm chắc phần Tổ hợp – Xác suất, Hình học lớp 10. Lưu ý với những bài khó, thí sinh cần tiếp cận phần dễ trong câu khó để làm chủ kiến thức.
Thảo luận sôi nổi trong chương trình, học sinh Nguyễn Hữu Bảo Minh (ngành Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội), từng đạt 27 điểm thi đại học lưu ý, trong sách giáo khoa có những phần kiến thức chữ nhỏ, học sinh không nên bỏ qua. Đó là phần đọc hiểu và đọc thêm nhưng theo kinh nghiệm của mình đề thi của Bộ GD&ĐT thường có phần này”.
Hoàng Minh Phương (Khoa Kinh tế Đối ngoại, Đại học Ngoại thương) thi cả hai khối A và B đều đạt 27 điểm kể lại: “Bài thi môn Hóa đầu tiên năm lớp 10 mình được 4,8 – là điểm số thấp nhất lớp. Đến năm lớp 12, mình đạt 9 điểm. Điều đó cho thấy, số điểm sẽ được tích lũy từng ngày. Chỉ còn 4 tháng (tương đương với 100 ngày) học sinh thi THPT quốc gia, mỗi ngày các em cố gắng lên 0,1 điểm, cũng là mục đích phấn đấu tốt”.
Theo Zing