Những bài học giúp nữ sinh giành học bổng hơn 7 tỷ đến Mỹ
“Nếu mình xuất phát điểm thấp hơn, ít cơ hội hơn thì càng cần phải cố gắng gấp hai, gấp ba, thậm chí 5 lần, 10 lần. Quan trọng là cần phải xác định được mục tiêu và nỗ lực với mục tiêu đó”
Giành được học bổng lên tới hơn 7 tỷ đồng cho 4 năm học, Ha Khánh Linh (22 tuổi, quê Thái Nguyên, sinh viên năm thứ 3 tại Trường ĐH Babson, Mỹ) cho hay, đã vượt qua rất nhiều khó khăn.
“Minh từng truot Chuyen Su pham, truot vong cuoi UWC (Ủy ban Việt Nam các trường Liên kết Thế giới). Khi đó mình đã khoc liền 1 tuan, ốm và phải nghỉ học 2 tuan. Lúc đó mình thay ban than thật tham hai,…”, Linh kể.
Ha Khánh Linh (sinh năm 1998, sinh viên năm thứ 3 tại Trường ĐH Babson, Mỹ). Ảnh: Thanh Hùng
Cô học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) sau đó được giới thiệu tới EMIS (Eastern Mediterranean International School) – trường phổ thông quốc tế đầu tiên tại Israel. Linh là học sinh Việt Nam đầu tiên của trường và nhận suất học bổng 85% – mức cao nhất mà trường này dành cho học sinh quốc tế.
Sự tin tưởng trở thành động lực mạnh mẽ
Linh tâm sự, 2 năm ở Israel là quãng thời gian tuyệt vời với bản thân, được gặp gỡ những người bạn từ khắp nơi trên thế giới, biết những điều mới lạ, và đó cũng là những ngày tháng giúp em trưởng thành.
Linh kể, dù học chuyên Anh, nhưng ngày đầu đến trường em chỉ nói được đúng một câu “Hi! My name is Linh. I’m from VietNam”.
Linh rụt rè, sợ hãi đến mức không dám giơ tay phát biểu trong lớp.
“Khi ở nhà, mình chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, đọc viết nên dù là một học sinh chuyên Anh nhưng kỹ năng nghe, nói rất yếu. Đã thế, còn phải học những môn rất khó như kinh tế, chính trị toàn cầu bằng Tiếng Anh – những môn học mà ở Việt Nam, mình chưa từng nghe thấy”.
Linh phải cố gắng rất nhiều bằng việc xem trước nội dung bài học, lên mạng tìm hiểu thêm,… trước khi đến lớp. Sau giờ học, Linh nán lại để nói chuyện với thầy cô và không ngại chia sẻ chuyện khả năng Tiếng Anh của mình chưa tốt.
May mắn là Linh đã nhận được sự động viên của các thầy cô, đặc biệt là từ thầy giáo dạy môn Kinh tế.
“Hồi đó, trường có một hội thảo rất lớn. Mặc dù Tiếng Anh của em chưa ổn, nhưng thật bất ngờ thầy đề nghị em làm người dẫn chương trình. Thầy nói rằng cảm nhận có rất nhiều năng lượng từ em và tin tưởng em sẽ làm được tốt việc này. Em đã nhận lời và không ngờ mọi thứ đã diễn ra rất tốt”.
Hà Khánh Linh và 2 người bạn thân trong lễ tốt nghiệp phổ thông ở Israel. Ảnh: NVCC
Video đang HOT
Linh sau đó trở thành 1 trong những học sinh có điểm cao nhất lớp ở môn Kinh tế, được bầu là đại diện học sinh phát biểu trong lễ tốt nghiệp.
Năm 2017, Linh là 1 trong 11 học sinh trên toàn thế giới được nhận vào chương trình Badson Global Scholars (Học giả Toàn cầu Babson) với mức học bổng trị giá 69.250 USD – 78.000/năm, trong vòng 4 năm. Đây ngôi trường đứng số 1 của Mỹ trong nhiều năm về giảng dạy khởi nghiệp.
“Chúng ta đều có khả năng làm được nếu như đặt ý chí và tâm huyết, học giỏi Tiếng Anh hoặc bất kỳ cái gì mà mình muốn” – Linh đúc kết.
Quan trọng là có mục tiêu
Lớp 8, Hà Khánh Linh mới bắt đầu học Tiếng Anh. Theo Linh, cơ hội học Tiếng Anh và tiếp cận các thông tin về du học ở Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh nói chung hạn chế hơn rất nhiều so với thành phố lớn như Hà Nội.
Mặc dù vậy, “Nếu mình xuất phát điểm thấp hơn, ít cơ hội hơn thì càng cần phải cố gắng gấp hai, gấp ba, thậm chí 5 lần, 10 lần. Quan trọng cần phải xác định được mục tiêu và nỗ lực với mục tiêu đó” – Linh nói.
Linh cũng cho rằng, hiện nay, nhiều gia đình đầu tư rất nhiều tiền, công sức để cho con em học Tiếng Anh nhưng nhiều khi phản tác dụng. Nhiều em bị ép đi học quá nhiều trong khi không tìm được lý do tại sao phải học và học để làm gì? Nếu không có niềm đam mê, các em sẽ dễ sa vào trạng thái sợ học, ghét học.
“Như vậy điều quan trọng em nghĩ là làm sao cho các em hiểu, thích thú với những gì mình đang làm. Khi có mục tiêu thì sẽ làm được”.
Linh được chọn tham gia chương trình Israel-Asia Leaders Fellowship – chương trình cung cấp các lớp tập huấn, kỹ năng lãnh đạo, các mối quan hệ cần thiết cho các sinh viên châu Á học tập và làm việc tại Israel. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, theo Linh, phụ huynh cũng không nên quá “cuồng” giáo viên Tây khi cố cho con học Tiếng Anh ở những trung tâm có giáo viên nước ngoài.
“Bởi không phải tất cả đều có kiến thức, nghiệp vụ sư phạm chuẩn. Điều quan trọng là giáo viên phải truyền được động lực, tạo sự hứng khởi, sẵn sàng đồng hành với người học”.
Linh cho hay, em may mắn khi gia đình luôn là nguồn động viên, động lực lớn và chỗ dựa tinh thần vững chắc.
“Cả bố và mẹ em đều không học đại học và không thể định hướng hay hỗ trợ cho con nhiều về mặt kiến thức. Nhưng bố mẹ luôn ủng hộ 100% những quyết định mà em đưa ra. Nhiều phụ huynh có thể nghĩ rằng nếu thả ra thì con dễ hư hỏng nhưng đối với em thì sự tin tưởng đó như một sợi dây để mình phải sống trách nhiệm hơn, không chỉ với bản thân mà với cả những người đặt niềm tin vào mình”, Linh nói.
Do đó, Linh cho rằng, việc giao tiếp giữa phụ huynh và con cái là rất quan trọng.
“Giao tiếp không áp đặt mà định hướng bằng việc đưa ra những gợi ý sẽ tạo cho con cảm thấy có sự tự do khi được quyết định. Nói chuyện và tâm sự để các con hiểu, em nghĩ khi đó phụ huynh sẽ đóng vai trò ở bên cạnh để theo sát, nhắc nhở, động viên và đẩy con trở về đúng quỹ đạo trong một số đoạn lệch đường ray”.
Ảnh: Thanh Hùng
Với các học sinh có ý định đi du học, Linh lưu ý không nên coi các hoạt động ngoại khóa như một tờ giấy chứng nhận. Thay vào đó, hãy tham gia các hoạt động để tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng và để mình hiểu bản thân mình hơn, có những vốn sống quý báu hơn.
“Ít nhất những trải nghiệm đó cũng giúp chúng ta viết nên được một bài luận có chiều sâu và sự trưởng thành đủ để thuyết phục được nhà tuyển sinh rằng mình là người xứng đáng và thích hợp” – Linh nói.
Nữ sinh Hà Nội giành học bổng trường top 4 của Mỹ
Gấp rút làm hồ sơ trong 5 tháng, bài luận chính không theo cấu trúc truyền thống, Quỳnh Du vẫn giành học bổng gần 7 tỷ đồng từ Đại học Yale.
Giữa tháng 12/2020, Nghiêm Quỳnh Du, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bận rộn ôn thi hết học kỳ I môn Văn, đồng thời hồi hộp chờ kết quả của Đại học Yale, Mỹ. Dù học khá muộn, Du vẫn không thể chợp mắt, trằn trọc đến gần 3h sáng mới ngủ thiếp đi, máy tính vẫn để cạnh giường.
Thông báo từ Đại học Yale lúc 5h sáng (giờ Việt Nam) khiến Du bừng tỉnh. Nhìn thấy dòng chữ "Congratulations" (Chúc mừng bạn), Du vỡ òa hạnh phúc. "Với em, giành học bổng của Yale là cơ hội chỉ đến lần duy nhất trong đời. Kết quả này khiến em rất hạnh phúc và là phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực em đã bỏ ra", cô gái 18 tuổi chia sẻ.
Theo US News and World Report , Đại học Yale đứng thứ 4 nước Mỹ, thứ 8 thế giới theo Times Higher Education , thuộc nhóm Ivy League danh giá. Học bổng của Quỳnh Du gồm học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác, trị giá gần 77.000 USD/năm (khoảng 7 tỷ đồng cho bốn năm học).
Nghiêm Quỳnh Du, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Hà Nội gốc, Quỳnh Du biết vẽ trước khi biết đọc. Em thích thú chơi với sắc màu dù chưa biết gọi tên từng màu. Nhận thấy khả năng của Du, bố mẹ cho em học thêm vẽ bên cạnh chương trình chính khóa trên lớp. Dấu ấn đầu tiên của Du trong hội họa là bức tranh "Bàn làm việc của bố" vẽ khi 5 tuổi, được chọn để dựng trên "Con đường gốm sứ".
Ban đầu, Du chỉ nghĩ vẽ là cách thể hiện cảm xúc của bản thân, nhưng trong quá trình học, em thấy mình có thể làm nhiều hơn với hình khối và màu sắc. Cảm nhận về hội họa của Du thay đổi lúc vào lớp 6. Khi đó, thầy giáo cho cả lớp xem nhiều bức vẽ phong cảnh, dựa trên hình ảnh thật của các địa danh trong nước. Cô bé 12 tuổi nhận ra thông qua các bức tranh, em còn thể hiện được tình yêu quê hương, đất nước.
Khi tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng và tham gia nhiều hoạt động xã hội, Quỳnh Du ấn tượng mạnh mẽ với các vấn đề thời sự liên quan đến vai trò, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong cuộc sống. Cuối tháng 10/2020, Quỳnh Du đã có một triển lãm tranh của riêng mình với hơn 30 bức, trong đó đa số nói về thân phận phụ nữ trong xã hội hiện đại. "Em mong những bức tranh không chỉ nói về một mình em nữa mà còn giúp thể hiện vấn đề của nhiều người khác, trở thành công cụ truyền thông nhắc đến các sự kiện xã hội", Du chia sẻ.
Khi quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội và định hình phong cách hội họa, Quỳnh Du bắt đầu tìm hiểu về du học Mỹ, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa. Bày tỏ với bố mẹ, Du nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện. Sau khi tốt nghiệp hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Du tiếp tục học cấp 3 tại ngôi trường này.
Bức tranh "Bàn làm việc của bố" được Quỳnh Du vẽ khi 5 tuổi, được chọn để dựng trên "Con đường Gốm sứ". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong hai năm đầu bậc THPT, nữ sinh đầu tư thời gian hoàn thành các chứng chỉ ngoại ngữ, đạt 1520/1600 SAT I, 790/800 Toán, 800/800 Hóa SAT II và 8.0 IELTS. "Em chưa hài lòng với điểm SAT I vì biết mình có thể làm tốt hơn. Dù đã hai lần đăng ký thi lại trong năm nay, em vẫn không có cơ hội tham dự để cải thiện điểm SAT vì Covid-19 khiến các địa điểm tổ chức thi giới hạn số người tham gia", Du kể.
Trước khi chọn đại học để nộp hồ sơ, Du dành thời gian tìm hiểu về lịch sử hình thành và triết lý giáo dục của từng trường. Cô gái sinh năm 2003 ấn tượng với tinh thần không ngại đấu tranh của Đại học Yale cho nữ quyền và cộng đồng thông qua cuộc biểu tình năm 1976. Điều này phù hợp với lĩnh vực Du quan tâm là phụ nữ, trẻ em và cách đóng góp, phát triển cộng đồng. Ngoài ra, Du còn hứng khởi khi Đại học Yale có bảo tàng mỹ thuật lớn, phù hợp với người yêu thích hội họa như em. Cô gái Hà Nội quyết tâm "liều" nộp duy nhất một hồ sơ vào Đại học Yale trong kỳ tuyển sinh sớm của Mỹ.
Quỳnh Du cho rằng điểm sáng nhất trong bộ hồ sơ xin học bổng từ Đại học Yale của mình là bài luận chính. Em bắt đầu viết luận khá muộn, chỉ 5 tháng trước ngày hết hạn tuyển sinh sớm của Yale. Nữ sinh được một người bạn của bố giúp đỡ, góp ý trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Sau nhiều lần bị phê bình nghiêm khắc về cách viết luận, Du đã vài lần rơi nước mắt vì lo lắng.
Cùng thời điểm đó, nữ sinh phải ôn tập cho các bài kiểm tra trên lớp. Việc chỉ nộp hồ sơ vào một trường duy nhất, lại bắt đầu viết luận chậm hơn các bạn, đồng thời đặt mục tiêu duy trì kết quả tốt tại trường khiến Du gặp áp lực và căng thẳng. Em bị mất ngủ, đảo lộn giờ giấc sinh hoạt khi thường xuyên thức đến 2-3h sáng, chỉ ngủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày.
Quỳnh Du (hàng giữa, thứ hai từ trái sang) và Ban Điều hành Dự án Scribbles "Trại hè Ô cửa Thời đại", năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau khi viết đến 9 bản với ý tưởng khác nhau, mỗi bản sửa 2-3 lần, Quỳnh Du hoàn thành bài luận chính vào cuối tháng 10, chỉ vài ngày trước thời điểm hết hạn nhận hồ sơ. Trong bài viết, Du tưởng tượng mình là cậu bé trong bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt chụp tại Hà Nội năm 1968. Cậu bé đó ngồi giữa đống đổ nát, vẽ lại cầu Doumer, nay là cầu Long Biên, hoang tàn sau chiến tranh.
Với Du, vì sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, em đặc biệt ấn tượng với cầu Long Biên thông qua lời kể của ông bà, bố mẹ. Cầu Long Biên như một chứng nhân lịch sử, đã cùng người Hà Nội trải qua nhiều thăng trầm. Việc thể hiện chân thực cầu Long Biên bị tàn phá như nào sau trận chiến cũng như phân tích tác động của mỹ thuật cổ động lên cuộc sống của người Hà Nội giúp Du truyền đạt thông điệp - mọi sự đúng sai, phải trái trong xã hội cần có cái nhìn chân thực nhất. "Em cho rằng dù ngôn từ hay hội họa, những thứ vốn được biết đến với sự đẹp đẽ và bóng bẩy, vẫn cần nói lên sự thật, không được che phủ cái xấu. Em muốn đưa sự thật đó ra ánh sáng để mọi người cùng chiêm nghiệm với mình", Du nói.
Hồ sơ gửi đến Yale của Quỳnh Du còn gây ấn tượng với nhiều hoạt động xã hội trong và ngoài trường khi là phó trưởng ban tổ chức Scribbles Project, trưởng ban truyền thông của CLB Ams Writers' Guild, dự án Ams' Got Talent, IVMUN (hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc)... Nhờ việc sớm xác định được vấn đề mình quan tâm, các hoạt động mà nữ sinh tham gia thường hướng đến giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo thông qua việc gây quỹ, làm từ thiện. Em cũng "bỏ túi" nhiều giải thưởng tại các lĩnh vực, xuyên suốt 12 năm học như: giải nhất thi tin học trẻ thành phố (lớp 4), giải nhì Toán quốc gia (lớp 5), nhì Lịch sử quận và thành phố (lớp 8), nhì tiếng Anh thành phố (lớp 9 đến 12)...
Như cách Quỳnh Du hóm hỉnh dùng từ "liều ăn nhiều", bộ hồ sơ duy nhất em nộp trong kỳ tuyển sinh sớm của Mỹ đã giành được suất học bổng trị giá hơn 300.000 USD trong bốn năm từ Đại học Yale. Trong thư giới thiệu viết về Du, cô Lê Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bày tỏ sự ấn tượng với khả năng hội họa nổi trội, phông kiến thức sâu rộng và sự tự tin, không ngần ngại nói lên quan điểm của học trò.
Cô Đỗ Tú Oanh, giáo viên dạy Văn, đánh giá Quỳnh Du có tài năng ngôn ngữ bẩm sinh cùng lối viết sinh động. "Tôi được đọc một số tác phẩm do chính Du viết và cảm thấy trân trọng nỗ lực của em trong việc sử dụng giọng văn độc đáo, súc tích để lên tiếng về các vấn đề xã hội", cô Oanh nhận xét.
Quỳnh Du (thứ hai từ trái sang) giao lưu từ thiện tại Làng trẻ em Birla, Hà Nội, 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tháng 8/2021, Quỳnh Du sẽ nhập học Đại học Yale. Thời gian tới, Du tiếp tục hoàn thành việc học tại trường, đặt mục tiêu tốt nghiệp với kết quả cao. Em vẫn tham gia các dự án vì cộng đồng và tranh thủ học thử các bài giảng miễn phí do Đại học Yale đăng tải, tham gia một vài khóa viết luận để không bỡ ngỡ khi trở thành tân sinh viên. Do Covid-19 còn phức tạp, Du và gia đình cũng xây dựng vài "kế hoạch B" để đảm bảo sức khỏe và không bị lỡ cơ hội học tập tại đại học hàng đầu thế giới.
Du khẳng định việc giành học bổng của Đại học Yale vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời em. Nếu không nhờ gia đình, các thầy cô và cố vấn cho bài luận chính, hành trình đến với Yale của nữ sinh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. "Tuy nhiên, em nghĩ lựa chọn và trúng tuyển trường nào không quan trọng bằng việc cố gắng ra sao. Xác định được điều mình thích và thấy phù hợp, từ đó nỗ lực để đạt được mục tiêu là điều ý nghĩa nhất", Du nói.
Người kể chuyện bằng... violin Hoàng Hồ Khánh Vân (24 tuổi) là nghệ sĩ violin tạo dấu ấn với hàng loạt giải thưởng danh giá trong nước và các đấu trường quốc tế. Hoàng Hồ Khánh Vân biểu diễn tại Ngày hội tài năng 2020 của Học viện Âm nhạc Franz Liszt, Hungary - ẢNH: NVCC Tìm được niềm vui với âm nhạc Khánh Vân sinh ra tại...